Nhà báo, nhà văn Nguyễn Uyển là cây bút uy tín, đồng nghiệp ví von gọi ông là “Cánh chim bằng”,“Đôi chân không mỏi”. Ông sinh năm 1940 tại Hiền Lương, Hạ Hòa, Phú Thọ, tuổi Canh Thìn – mệnh Kim, cầm tinh con Rồng, tượng trưng cho sự bay nhảy, ý chí kiên cường, mạnh mẽ, cứng cỏi, nghĩa tình.
Vận Rồng ấy ứng vào cuộc đời và sự nghiệp, tài năng và tâm tính của Nguyễn Uyển quả không sai – Tuổi Rồng với người con đất Tổ vua Hùng trải qua không ít gian nan, nhưng hậu vận “đẹp”, con cháu đề huề, bạn bè quý thương, ngoài bát thập bút lực vẫn dồi dào.
Nguyễn Uyển sống nghĩa tình nhưng cương trực, khi đã không ưa là nghỉ chơi luôn – dù đó là đồng môn, đồng nghiệp. Nếu biết tâm tính, trung thực trong mọi ứng xử thì ông sống hết mình. Nguyễn Uyển và tôi là đồng môn, cựu sinh viên đại học Báo chí – Xuất bản khóa đào tạo chính quy đầu tiên – 1969 – 1973; cùng làm báo Đảng địa phương trên cương vị Tổng Biên tập; cùng có nhiều năm làm việc tại Hội Nhà báo Việt Nam, tỏ tường mọi ngóc ngách đời và nghề.
Trước ngày đạt ngưỡng lục tuần nhận quyết định nghỉ hưu, Nguyễn Uyển từng là Ủy viên Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Trưởng ban Công tác Hội – liên tục hơn 3 khóa V, VI, VII. Phụ trách công tác hội viên 16 năm, ông thông tỏ cái mạnh và cái yếu, cái thuận và cái khó của từng cấp Hội cơ sở; am hiểu hoàn cảnh éo le của nhiều nhà báo hội viên, điều mà không phải vị Trưởng Ban nào cũng có thể làm được.
Nhà báo, nhà văn Nguyễn Uyển.
Nguyễn Uyển chăm về cơ sở để hiểu tâm tư tình cảm, nguyện vọng của các cấp Hội, để hiểu hội viên, trước là để hoàn thành chức phận Trưởng ban công tác Hội, sau là để tích lũy vốn sống, kiến thức để bút ký, ghi chép “Đất và Người” nơi mình có mặt.
Cựu Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Phan Quang nhận xét trong một bài viết đề ngày 19/8/2019: “Nguyễn Uyển đi nhiều viết khỏe, hội nghị nào cũng có mặt, các địa phương xa trắc trở đò giang đến mấy ông cũng cố bươn tới nơi; nhà báo lại có tài chuyện trò dí dỏm, dễ dàng kết thân với nhiều bạn hữu mới gần xa… Không ít câu chuyện cũng như những người và cảnh ông nghe và quan sát từ những chuyến đi ấy rồi sẽ được thể hiện thành những bài viết hoàn chỉnh hoặc xuất hiện tại các bài sẽ đăng báo, in sách ít lâu sau” (Sách đã dẫn, trang 312 – 313).
Tháng 7/2020, Phó GS.TS Nguyễn Hồng Vinh – nguyên Phó Trưởng ban TT Ban Tuyên giáo TW, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, nguyên Chủ tịch Hội Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình VHNT Trung ương cảm nhận về Nguyễn Uyển, trong một bài viết đăng trên Tạp chí Người Làm Báo: “Tôi thật sự nể phục anh bởi lòng đam mê và trách nhiệm với nghề, một lối sống bình dị, hòa đồng với đồng nghiệp; và đặc biệt là niềm lạc quan yêu đời, yêu con người, dù biết rằng, anh đã phải tự vượt lên nhiều cam go, thiếu thốn trong đời sống thường nhật. Điều đó làm tôi trân trọng gọi anh là người gieo mầm vui qua từng trang sách”.
Văn là người – Người sao thì văn vậy. Tôi là người đề xuất và duy trì chuyên mục “Đời và nghề” trên tạp chí Người Làm Báo gần hai chục năm nay, bút danh Ong Vò Vẽ. Con ong bụng màu đỏ sẫm, có độc tố để châm chích thói hư tật xấu khi làm nghề. Đấy cũng là cơ hội để tôi chiêm nghiệm, quan sát đây đó “Đời và Nghề”, thêm cảm phục sự yêu nghề của Nguyễn Uyển – đắm say với từng con chữ trên cả hai lĩnh vực báo chí và văn chương. Ông nghỉ hưu theo chế độ bảo hiểm xã hội nhưng không nghỉ nghề, con chữ luôn được ấp ủ, tuôn chảy, sống động.
Nguyễn Uyển ham đọc. Ông nói với tôi: “Làm nghề mà không đọc, coi như vứt”. Cuốn sách nào của bạn bè, đồng nghiệp gửi tặng, ông đọc hết, đọc kỹ và thường có những cảm nhận sâu sắc, tinh tế – rút ra bài học, sự khác biệt mà tác giả muốn “cắm” vào bộ nhớ người đọc. Cuốn hồi ký – tự truyện của đồng nghiệp, ông nói đó “Báu vật”, đọc kỹ sẽ tìm được trong đó cẩm nang luyện nghề vô giá.
Kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6/2023, Nguyễn Uyển bước qua tuổi 84, trải qua 63 năm theo nghề viết gửi tặng tôi tập sách Phê bình, tiểu luận có tựa đề “Đọc và suy ngẫm” (NXB Hội Nhà văn, Quý II -2023). Đây là tập sách thứ 30 của ông – tính từ tập truyện ngắn đầu tiên ấn hành năm 1984. Sức đọc, sức viết (viết đủ các thể loại tiểu thuyết, truyện ngắn, tản văn, phê bình, lý luận, chuyên khảo), sức sáng tạo trên cánh đồng chữ nghĩa của Nguyễn Uyển thật đáng nể. Ông thuộc típ người “Gừng càng già càng cay”.
Khoảng gần chục năm trở lại đây, khi đã vượt qua cột mốc thất thập, bát thập, Nguyễn Uyển vẫn tung tẩy trên mọi nẻo đường: Tây Bắc, Việt Bắc, Đông Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ; Lúc hứng chí ông cùng nhóm bạn vù sang trời Âu, đến với 5-7 quốc gia thuộc EU. Và đã thành lệ, Nguyễn Uyển đã đi là có phóng sự, ghi chép, bút ký. Không có một cuộc đi nào ông trở về tay không. Nguyễn Uyển là người chăm chỉ đi – đôi chân không mỏi rong ruổi mọi nẻo xa gần. Ông đi là để quan sát, chiêm nghiệm, để hiểu thêm đời, hiểu thêm nghề, tường tận cuộc sống đương đại, để suy ngẫm, ghi chép, chuyển hóa từ ngẫm nghĩ thành con chữ. Nhà báo, nhà văn Phan Quang tổng kết đời và nghề cô đúc: ĐỌC, ĐI, NGHĨ, VIẾT – Nghiệm vào Nguyễn Uyển càng thấy đó là sự đúc kết mang tính kinh điển, không có cây bút nào là ngoại lệ.
***
“Đọc và suy ngẫm” của Nguyễn Uyển hơn 400 trang in, tập hợp hơn 40 bài viết trong những năm gần đây, chia làm 3 phần: HỌC VÀ LÀM THEO BÁC KINH YÊU; ĐỌC VÀ SUY NGẪM VỀ ĐỒNG NGHIỆP; Phần PHỤ LỤC tập hợp gần 30 bài viết của đồng nghiệp cảm nhận về Nguyễn Uyển.
“Học và làm theo Bác kính yêu” (Trang 7- 62) viết về Tư tưởng, Đạo đức, Phong cách Hồ Chí Minh, những tấm gương “Học tập, làm theo” gương sáng của Người. Đó là một chùm tiểu luận ngắn gọn, súc tích, trích dẫn chuẩn xác, khoa học, dẫn nguồn đầy đủ và trách nhiệm với tinh thần “Bác của Nhân dân” – tựa đề một tập sách của Nguyễn Uyển, xuất bản năm 2020.
Nguyễn Uyển phân tích khoa học về tấm gương Hồ Chí Minh – tinh hoa của thời đại, mẫu mực về phong cách dân chủ, trọng dân, vì dân: “Người dóng diết nhắc nhở cán bộ: Việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm, việc gì hại đến dân phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta” (HCM, toàn tập, tập 4, trang 65). Trong các bài tiểu luận về Bác Hồ, Nguyễn Uyển rất coi trọng yếu tố dân chủ, yêu dân, trọng dân: “Dân chủ. Đó là một trong những phong cách đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người coi dân chủ là bản chất của Nhà nước ta, bao nhiêu quyền lợi đều của dân. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân” (trang 18).
Vẫn theo lập luận logic trên, Nguyễn Uyển phân tích, luận bàn “Quyền lực và phẩm chất quyền lực” dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh; về Quyền lực và uy quyền, Quyền lực và phẩm chất quyền lực. Theo đó “Nói về uy tín của người lãnh đạo, thì uy tín thực sự là một tiêu chí tích hợp các tiêu chí phẩm chất, năng lực để tạo nên uy tín. Thiếu uy tín, mất uy tín cũng có nghĩa là thiếu lòng tin, mất lòng tin với mọi người, có nghĩa là uy danh, uy quyền không còn thì làm sao có thể lãnh đạo được ai” (Trang 61-62). Viết về đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đậm chất văn học, không khô cứng, tính chiến đấu – tự phê bình và phê bình sâu sắc từ thực tiễn cuộc sống mà tác giả khéo léo dẫn dắt.
Phần hai “Đọc và suy ngẫm”, Nguyễn Uyển viết về các bậc trí thức, nhà văn, nhà báo, nhà lý luận phê bình tên tuổi như Gs. Phong Lê; nhà văn – nhà báo đa tài Phan Quang; PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh; PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ; Gs. Hoàng Chí Bảo; cố nhà báo Đỗ Đức Dục; nhà thơ Hải Đường; nhà văn Trần Gia Thái; PGS.TS Trần Thị Trâm; nhà văn Trần Nhật Minh; nhà thơ Trần Kim Hoa, nhà văn lãng tử Nguyễn Thành Phong; nhà báo Vũ Quý; nhà văn Dương Thanh Biểu; nhà báo Nguyễn Xuân Lương; nhà báo, nhà giáo Trần Bá Lạn; nhà báo Hồ Quang Lợi, Phạm Quốc Toàn; nhà văn Đỗ Thanh Cải… Nguyễn Uyển giàu tâm phúc đâu phải chỉ chiêm nghiệm các tài danh; ông đọc thơ và yêu thơ với anh thợ cắt tóc bên đường, người lính già cựu chiến binh trong ngõ hẻm – những cây bút không chuyên, mộc mạc đời thường như Lưu Viết Quỳnh, Phạm Viết Động, Nguyễn Chí Anh v.v… Quý vô cùng một Nguyễn Uyển tình thương mến thương!
Đó là một tập hợp gần 40 bút ký chân dung, mỗi chân dung một cách thể hiện khác nhau. Bút ký chân dung là một trong những thế mạnh của Nguyễn Uyển. Ông đặc tả sáng tạo, có điểm nhấn để mỗi đồng nghiệp hiện hữu một tính cách – văn hóa mỗi vùng miền, cô đọng mà vẫn có sự khác biệt không trộn lẫn. Nguyễn Uyển vào nghề báo từ một giáo viên giảng dạy văn học. Ông tham gia giảng dạy nghề báo – hướng dẫn nghiệp vụ cho nhà báo trẻ vào nghề. Phương pháp sư phạm, tính logic trong đặc tả chân dung vì thế mà sống động. Nguyễn Uyển giàu kỹ năng cảm thụ văn học, lối viết của ông không khô khan, nhàm chán mà có sức dẫn dắt, đã vào mạch truyện là không thể dừng!
Trân trọng và chúc mừng cây bút Nguyễn Uyển – một bút lực sung mãn và tài hoa, báo chí và văn chương luôn quyện chặt vào nhau vậy! …
Ngày 10/7/2023
Phạm Quốc Toàn
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/nguyen-uyen-doc-va-suy-ngam-post255975.html