Kể từ sau các thi tập “Giọt thơ” (1972), “Cõi về” (1996), “Khúc hồi âm của lá” (2002), Nguyễn Nhã Tiên mới trở lại thi đàn, ra mắt “Những thanh âm bên bờ sông lấp” (NXB Hội Nhà văn, tháng 6-2022).
Hơn 70 bài thơ được thi sĩ chọn in chung trong một tập sách dày 220 trang, quả một cánh đồng bội thu chữ nghĩa, dù ông khiêm tốn nhận: Thơ tôi gieo cấy mười năm cả cánh đồng thóc lép/ không nên nổi mùa vàng giờ xin cát hạt vui (Ngày ở với hồn nhiên). Đến với “Những thanh âm bên bờ sông lấp”, ta nhận ra tấc lòng Nguyễn Nhã Tiên trong mối tình tiền kiếp lót ở ngoài chân mây của một thi sĩ tha thiết với thơ ca, làng quê và với chính cuộc đời này.
Lạc vào rừng thơ Nguyễn Nhã Tiên, ta chú ý nhiều đến những khúc đêm xuất hiện đậm dày trong thi phẩm bởi khoảng không, thời gian ấy là thời khắc ông tự vấn để suy tư, chiêm nghiệm về sự đổi dời dâu bể. Xưa, Trần Tế Xương đã từng thở dài khi con sông Vị Hoàng của quê hương ông bị san lấp, hay nói rộng hơn là nỗi đau xót trước sự đổi thay của xã hội thành thị nửa Tây, nửa ta: Sông kia rày đã nên đồng/ Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai/ Vẳng nghe tiếng ếch bên tai/ Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò (Sông Lấp – Trần Tế Xương). Còn với Nguyễn Nhã Tiên, sông lấp của thơ ông là những cảm thức tiếc nuối, cô đơn, trở trăn trước sự chảy trôi của thời gian và kiếp người: Đời thực quá, may câu thơ cứu rỗi/ em lụa là nhân ảnh bước rong chơi (Lãng mạn với sông Hương).
Bìa tập thơ Những thanh âm bên bờ sông lấp
Cảm thức đêm vốn là nguồn cảm hứng muôn đời của thi sĩ bởi không có bóng tối, chúng ta không thể thấy sao trời. Với Nguyễn Nhã Tiên, đêm thắp cho ông ngàn ánh lửa để nhà thơ soi rọi mình, đối diện với nỗi đơn côi và kết đúc nên những vần thơ giàu nội lực. Những thanh âm bên bờ sông giữa đêm khuya vắng lặng xuất hiện khá thường xuyên trong thơ Nguyễn Nhã Tiên. Đó có thể là tiếng còi tàu văng vẳng cứa vào ngực tôi ngọt xớt tựa dao mềm, tiếng sóng chạm vào phiến nguyệt, tiếng gàu va vào thành giếng khuya bật lên thanh âm vô tận, tiếng người ngày xưa với nỗi khuya khoắt chạm vào tôi, những ngọn nồm rì rào kể chuyện, tiếng đêm rơi gọi cát trở mình…
Với Nguyễn Nhã Tiên, âm khúc quê mùa mãi vang vọng trong thơ, bởi ở đó chất chứa bao niềm trở trăn trước sự đổi thay chóng mặt của nông thôn trước làn sóng đô thị hóa: Quê gần mà xa lắc quê/ gàu rơi giếng cổ vẳng nghe bồn chồn (Ngọn gió siêu hình).
Đọc thơ Nguyễn Nhã Tiên, ta bắt gặp sự sống đêm với nỗi hoài nhớ về một thời tấp nập hay sông lấp với bến không người luôn gợi niềm thổn thức trong ông. Bài thơ mang tên của chính tập sách hàm chứa mọi nỗi xốn xang, luyến tiếc về một thuở vàng son của tuổi trẻ, tình yêu trong lòng thi sĩ:
Chỉ còn mỗi ngọn nồm rì rào kể chuyện/ mộ cát nhấp nhô/ sông lấp tự bao giờ/ trăng non gieo ngọc khoáng đầy cổ tích/ ngọn gió lang thang vọng thức bến không người.
Nguyễn Nhã Tiên không chỉ làm mới thơ ở việc tạo tính nhạc mà còn ở cách kết hợp ngôn từ khá lạ; thi ảnh trong thơ Nguyễn Nhã Tiên gần gũi, thân thuộc với mọi người nhưng được nhà thơ khoác lên một tấm áo mới bằng cái tài của người vận chữ, cái tình quê hương mặn nồng và chất lửa đối với thơ ca. “Những thanh âm bên bờ sông lấp” chắc chắn sẽ rung ngân trong lòng độc giả bởi đó là quãng lặng để ai đó tìm về.
Nguyễn Thị Thu Thủy
Nguồn báo điện tử Người lao động
https://nld.com.vn/van-nghe/nguyen-nha-tien-voi-da-khuc-ben-bo-song-lap-2022071521101055.htm