Nguyện một “Lời thề Hippocrates”

22:02 | 04/02/2022

Trong những đợt dịch COVID-19 càn quét, gây thiệt hại lớn về người và của tại nước ta, những tấm gương y đức của đội ngũ y bác sĩ lại sáng ngời hơn bao giờ hết.

Bỏ qua những khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và những nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm, họ luôn nỗ lực hết sức mình để cứu chữa bệnh nhân với “Lời thề Hippocrates”.

Bạch Mai là một bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt, tuyến cuối của các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ, do đó nhịp độ làm việc ở đây lúc nào cũng trong tình trạng căng thẳng và “nóng” nhất cả nước. Đội ngũ y, bác sĩ ngày ngày tiếp xúc với những người mắc bệnh truyền nhiễm, có nguy cơ lây lan cao nhưng chưa bao giờ làm họ phải e ngại,…

Đội ngũ y bác sĩ hết lòng cứu chữa bệnh nhân tại Bệnh viện Dã chiến 16 tại Quận 7 (TP.Hồ Chí Minh).

Những ngày tháng không thể nào quên

TS.BS Đỗ Ngọc Sơn – Phó Giám đốc Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 Bạch Mai tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, vùng dịch TP. Hồ Chí Minh có tầm cỡ, quy mô khác hơn rất nhiều so với tất cả các vùng dịch khác. Đó là sự lây lan nhanh chóng, bệnh nhân mắc COVID-19 thuộc nhiều loại cộng đồng khác nhau, có thể cả một khu phố, cả một chung cư hoặc cả một công ty trong khu công nghiệp cùng nhiễm bệnh, lứa tuổi của bệnh nhân rất khác nhau và đa số có bệnh lý nền khác nhau đang điều trị.

Đối với nhân viên y tế thì quá trình chống dịch nảy sinh quá nhiều việc. Đầu tiên là phải phát hiện được người bệnh và tách họ ra khỏi những người còn đang âm tính. Ban đầu khi dịch bệnh bùng phát và lây lan rộng, việc tách F0 chưa được chỉn chu nhưng giai đoạn sau thì càng ngày càng làm tốt. Chúng ta biết được chính xác vị trí, mức độ của dịch bệnh.

“Chúng tôi đã đi qua những giai đoạn khó khăn nhất, gian nan nhất từ đầu dịch. Tất cả những kinh nghiệm tốt nhất của Bệnh viện Bạch Mai, tư vấn của những chuyên gia hàng đầu, trang thiết bị hiện đại nhất,… đều được triển khai tại TP. Hồ Chí Minh.

Khi Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 được thành lập tại thành phố đã giúp cho cho tâm lý của người dân và các đồng nghiệp tham gia chống dịch trên địa bàn vững vàng hơn. Chúng tôi làm việc quên chính mình, quên ngày tháng, quên giờ giấc cũng có tranh luận nhưng cuối cùng với tinh thần đoàn kết chảy trong máu mỗi người dân Việt Nam, bỏ qua những câu chữ khó nghe, áp lực mọi người đã đi đến thống nhất chung”, TS.BS Đỗ Ngọc Sơn bộc bạch.

PGS.TS Đào Xuân Cơ – Phó Giám đốc phụ trách, điều hành, quản lý Bệnh viện Bạch Mai.

Còn với TS.BS Trương Anh Thư – Trưởng khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn (Bệnh viện Bạch Mai), dù mang theo nhiều kinh nghiệm khi từng trải qua tại các mặt trận nóng nhất về COVID-19 như Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh khi “Nam tiến”, nhưng khi đặt chân tới TP. Hồ Chí Minh, sự thiếu thốn nghiêm trọng từ trang thiết bị, phương tiện tới nhân lực ở đây vẫn nằm ngoài sức tưởng tượng của chị.

Gánh trên vai trách nhiệm vô cùng to lớn là phải xây dựng quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, bác sĩ Anh Thư chia sẻ, đối tượng bệnh nhân được tiếp nhận vào trung tâm là những người ở tình trạng nặng nhất trong điều kiện cơ sở vật chất để điều trị và kiểm soát nhiễm khuẩn lại vô cùng hạn chế. Lần đầu tiên, chị ngổn ngang những lo lắng.

Trung tâm hồi sức người bệnh COVID-19 do Bệnh viện Bạch Mai triển khai phải đảm đương ở giai đoạn cao điểm gần 400 người bệnh rất nặng, gấp 4 lần so với năng lực của một bệnh viện tuyến đầu. Nhân lực kiểm soát nhiễm khuẩn hầu hết còn trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm trong khi đó, người bệnh nặng không thể chờ một ngày.

Nhiều ca bệnh nặng suy giảm miễn dịch phải can thiệp nội khí quản, sử dụng nhiều máy móc hỗ trợ khó tránh được việc nhiễm những loại vi khuẩn đa kháng. Dù cố gắng dùng những loại kháng sinh mạnh nhất, hiện đại nhất để điều trị nhưng các bác sĩ vẫn không thể đánh bại được vi khuẩn đa kháng sinh. Nhiều người bệnh đã vĩnh viễn ra đi, bởi chính thực tế này- đó là điều đau đớn và bất lực, bác sĩ Anh Thư xót xa.

Cuối tháng 8, khi đã duy trì được ổn định cơ sở của trung tâm, được sự hỗ trợ của Ban Giám đốc, các đơn vị liên quan đã huy động được trang thiết bị, nhân lực cần thiết, mạng lưới kiểm soát nhiễm khuẩn được xây dựng đi vào hoạt động bài bản hơn.

Mục tiêu hỗ trợ các bệnh viện dã chiến kiểm soát nhiễm khuẩn đã làm được. Qua đó tạo môi trường an toàn nhất, mọi người cũng ý thức được vai trò của công tác kiểm soát nhiễm khuẩn để bảo vệ bản thân, đồng nghiệp và người bệnh…, bác sĩ Anh Thư tự hào nói.

Xây dựng hậu phương vững chắc, hết lòng chi viện các tỉnh thành

Trải qua các đợt dịch COVID-19 bùng phát, Bạch Mai đã xây dựng được một hậu phương vững chắc và sẵn sàng chi viện đội ngũ y bác sĩ tinh nhuệ nhất cho các địa phương dập dịch.

Trao đổi với PV Báo Nhà báo & Công luận, PGS.TS Đào Xuân Cơ – Phó Giám đốc phụ trách, điều hành, quản lý Bệnh viện Bạch Mai cho biết, sau những kinh nghiệm chống dịch năm 2020, Bệnh viện Bạch Mai đã thực hiện nghiêm ngặt để ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 lây lan trong bệnh viện.

Mỗi người bệnh khi vào thăm khám, điều trị chỉ có một người nhà đi cùng và được kiểm soát chặt, xét nghiệm sàng lọc. Khi người nhà vào chăm sóc sẽ được phục vụ ăn uống ngay trong bệnh viện. Từ đó xây dựng Bạch Mai trở thành một pháo đài, hậu phương vững chắc để phòng chống dịch cũng như điều trị bệnh nhân.

Không những vậy các y bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai và sinh viên Trường Cao đẳng y tế Bạch Mai thường xuyên lên đường chi viện cho các điểm nóng như Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng, Huế, Hà Tĩnh, Điện Biên, Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh, Tây Nguyên,… Tất cả cán bộ nhân viên của Bệnh viện luôn chuẩn bị sẵn sàng tâm lý và trang thiết bị, vật tư để lên đường ngay khi nhận nhiệm vụ điều động đến các vùng dịch.

TS.BS Trương Anh Thư, Trưởng khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn (Bệnh viện Bạch Mai) trước những áp lực khủng khiếp để cứu chữa bệnh nhân tại TP.Hồ Chí Minh.

Từ kinh nghiệm của một trưởng khoa Hồi sức tích cực, PGS.TS. Đào Xuân Cơ chia sẻ, trong điều trị các bệnh nhân COVID-19 nặng thì hệ thống khí, thở máy là vô cùng quan trọng tuy nhiên yếu tố số một vẫn là con người, là nguồn nhân lực. Bệnh viện Bạch Mai với đội ngũ y bác sĩ tinh nhuệ nhất đã xuống tận các trạm y tế xã phường để chia sẻ, đào tạo và tập huấn hàng trăm nghìn lượt y bác sĩ.

Cùng với đó Bạch Mai đã trực tiếp phụ trách Bệnh viện Dã chiến 16 tại quận 7 (TP. Hồ Chí Minh). Các bệnh viện dã chiến đã khẳng định vai trò, chức năng không thể thiếu trong công tác phòng chống dịch vừa đảm bảo cách ly các trường hợp F0 vừa góp phần giảm tải cho các bệnh viện điều trị COVID-19.

Chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong các đợt dịch COVID-19 bùng phát, PGS.TS.Đào Xuân Cơ cho biết đó là kỷ niệm tại Đà Nẵng. Khi đó tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng tình hình dịch bệnh COVID-19 đã lây lan, diễn biến rất phức tạp với 4 nghìn người bệnh, người nhà, y bác sĩ tập trung tại đây. Vấn đề đặt ra là làm sao để giảm tải, tránh lây nhiễm chéo trong một khu vực có mật độ người tập trung đông.

Từ kinh nghiệm phòng chống dịch, Bệnh viện Bạch Mai đã đề xuất chuyển bớt bệnh nhân, người nhà xuống các bệnh viện đa khoa tuyến quận, huyện vì tại các cơ sở này đều có tất cả các chuyên khoa phục vụ điều trị, chỉ cần được bổ sung trang thiết bị là có thể đưa vào cứu chữa người bệnh được ngay.

Qua đó chỉ trong thời gian ngắn Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng đã được “làm sạch”, tình hình dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát và đó cũng là cách làm được áp dụng đến tận bây giờ. Đây là điều chưa có tiền lệ từ trước đến nay, PGS.TS Đào Xuân Cơ khẳng định.

Trang thiết bị hiện đại được đưa vào TP.Hồ Chí Minh phục vụ điều trị bệnh nhân mắc COVID-19.

Sáng ngày 29/10/2021, tại trụ sở Bộ Y tế, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cùng đoàn công tác đã có buổi gặp mặt, tri ân các thầy thuốc tham gia hỗ trợ thành phố chống dịch COVID-19.

“Các y bác sĩ đã trải qua rất nhiều gian khổ để cùng chính quyền TP. Hồ Chí Minh bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân. Chia sẻ với lực lượng y tế Thành phố trong thời điểm y tế TP. Hồ Chí Minh đã quá tải, đuối sức…”, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh bày tỏ sự biết ơn chân thành.

Trong những chiến sĩ áo trắng nơi tuyến đầu ấy, có những chiến sĩ áo trắng từ Bệnh viện Bạch Mai, nhiều người trong số họ, đã vì lời thề Hippocrates mà chiến đấu sinh tử cùng dịch bệnh.

Ngọc Hải

Nguồn Báo điện tử Công Luận

Cùng chuyên mục

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Thủ tướng chỉ đạo những nhiệm vụ chiến lược, quan trọng để Lạng Sơn phát triển nhanh, bền vững

Thủ tướng chỉ đạo những nhiệm vụ chiến lược, quan trọng để Lạng Sơn phát triển nhanh, bền vững

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Quảng Bình: Huyện Minh Hóa khai mạc tuần Lễ hội

Quảng Bình: Huyện Minh Hóa khai mạc tuần Lễ hội

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh