Một mảnh gỗ tưởng như bỏ đi cũng có thể trở thành một kiệt tác, chỉ cần loại bỏ đi các chi tiết dư thừa…
Nếu có thể, bạn thử làm thêm những “phép trừ” trong đời mình và cảm nhận những điều bất ngờ mà nó mang lại.
Vứt bỏ đồ đạc không dùng, chia tay cuộc sống bừa bộn
Không lâu trước đây, có một bộ phim rất ý nghĩa: “Tự thú của một tín đồ shopping”. Nhân vật nữ chính, Rebecca, là phóng viên của một tạp chí tài chính. Cô cũng là một tín đồ mua sắm. Trong nhà cô, quần áo xếp thành núi, giày dép, phụ kiện tầng tầng lớp lớp, loại nào cũng có. Cô bị nghiện mua sắm và trong nhà cô mọi góc phòng đều là đồ đạc. Kết quả là tiền lương của cô không đủ để chi trả cho những lần mua sắm điên cuồng ấy. Cô nợ một khoản tiền lớn và mối quan hệ với bạn trai cũng đứng trước nguy cơ rạn nứt.
Nhà văn Nhật Bản, Toda Koyo từng nói: “Cuộc đời bạn trên thực tế cũng giống như căn phòng của bạn. Nếu phòng quá bừa bãi và lộn xộn, vậy thì tôi rất lấy làm tiếc phải nói với bạn rằng: may mắn và ước mơ của bạn đều biến mất rồi”. Một căn phòng bừa bộn sẽ không chỉ tích tụ bụi bẩn mà còn khiến người ta cảm thấy chán nản, không còn động lực muốn thay đổi hiện trạng, từ đó dần mất đi động lực sống.
Một nghiên cứu của đại học Harvard cũng cho biết, những người dễ tìm được niềm vui nhất thường là người sạch sẽ và gọn gàng. Trái lại, người không hạnh phúc thường bừa bộn và ở bẩn. Như vậy có thể nói, trạng thái của một người tốt xấu thế nào, đầu tiên là phụ thuộc vào sự ngăn nắp trong cuộc sống của người đó.
Yamashita Hideki, một chuyên gia nổi tiếng về “quản trị vật dụng” từng nói rằng: Để có một cuộc sống tốt đẹp hơn hãy biết “phá cách”. Những đồ vật không cần đến thì hãy vứt bỏ những món đồ dư thừa khiến bạn cảm thấy ám ảnh. Khi ta sắp xếp đồ đạc gọn gàng, khi mọi thứ được sắp xếp hợp lý, căn phòng sẽ tự nhiên sáng sủa, tâm trạng người ta cũng trở nên thư giãn bội phần.
Bỏ đi những đồ đạc mà mình không cần đến, học chọn đúng và đủ là một khóa học bắt buộc cho những ai còn đang theo đuổi một cuộc sống chất lượng cao. Chỉ có vứt bỏ những thứ thừa thãi, bạn mới có thể thay đổi cuộc sống của chính mình.
Làm việc quyết đoán, vứt bỏ công việc thừa thãi
Tỷ phú Mỹ, Warren Buffett, có cách quản lý thời gian rất hay. Một lần, trợ lý của ông, Mike, đã hỏi Buffett về cách tạo lập kế hoạch cho nghề nghiệp. Buffett đã nói với Mike rằng, trước tiên hãy viết ra 25 mục tiêu của cuộc đời, sau đó chọn 5 mục tiêu mà anh ta muốn làm nhất.
Khi Mike làm xong điều này, Buffett đã hỏi anh:
– Cậu đã biết bây giờ mình phải làm thế nào chưa?
Mike nói:
– Tôi sẽ dành năng lượng của mình để hoàn thành 5 việc này, 20 việc còn lại tôi sẽ từ từ hoàn thành nó.
Buffett liền lớn tiếng phản đối:
– Không! Mike, cậu sai rồi!
Bởi Buffett tin rằng thời gian và năng lượng của một người là rất hạn chế và quý giá, thế nên trước khi 5 việc quan trọng nhất hoàn thành, dù có xảy ra chuyện gì cũng đừng để ý đến 20 việc còn lại.
Người Anh có một câu nói rất nổi tiếng: “Nếu cùng một lúc đuổi theo hai con thỏ, thì bạn thậm chí chẳng có nổi một con nào”.
Trong công việc, bạn phải bỏ qua tất cả những điều không quan trọng thì mới có thể tập trung thời gian và năng lượng để làm thành công việc quan trọng hơn.
Từ bỏ những mối quan hệ xã giao vô bổ
Một người bạn nhắn tin nói rằng, anh ấy đang phải dự một bữa tiệc vô nghĩa. Tôi hỏi:
– Nếu đã không muốn đi, tại sao không từ chối?
Anh ấy đau khổ trả lời:
– Làm thế sao được? Đó là xã giao mà.
Tôi lại hỏi:
– Nếu vậy, hiện tại cậu đã kết giao được bao nhiêu người bạn thật lòng?
Anh ấy lại trầm lặng một lúc lâu chẳng nói gì.
Sau đó anh gửi lại tin nhắn:
– Cậu nói đúng, có lúc chúng ta nên từ bỏ những mối quan hệ xã hội vô nghĩa.
Một bàn rượu, một hộp danh thiếp… phát hiện rồi, cũng chẳng biết ai với ai. Những mối quan hệ xã hội như thế thì có ý nghĩa gì?
Những buổi tiệc rượu vô nghĩa chỉ tiêu hao phần năng lượng lớn của chúng mà còn làm chất lượng cuộc sống của ta đi xuống. Có lần, sau khi kết thúc công việc, tôi mời cô bạn thân ngày đại học của mình đi dùng bữa. Không ngờ cô từ chối khá dứt khoát: “Tôi không đi được, tôi phải về nhà làm bài tập”. Hóa ra mỗi ngày cô đều dành 2 – 3 giờ để học tiếng Anh. Thói quen này đã được cô duy trì trong suốt 4 năm. Cô nói: “Vì có quá nhiều thứ có ý nghĩa muốn hoàn thành, tôi không muốn lãng phí thời gian vào những thứ vô nghĩa”.
Có người từng nói: “Trải nghiệm sống lớn nhất của tuổi 30 là phép trừ. Có người khi ở tuổi 20 muốn cố gắng hết sức để làm phép cộng nhưng đến một thời gian nhất định họ sẽ thấy rằng tốt nhất nên học làm phép trừ dần”.
Quả vậy, đến một độ tuổi nhất định nào đó, ta sẽ buộc phải bỏ đi mấy thứ này: Những tiệc rượu vô nghĩa, người không yêu bạn, người thân coi thường bạn và những người không thật lòng với bạn. Bởi ở đời biết buông bỏ thì mới có đạt được. Chỉ khi hiểu được cách làm phép trừ, vứt bỏ những thứ vô dụng, ta mới có thể tiến thêm một bước càng ưu tú.
Học cách nhàn rỗi, từ bỏ niềm đam mê với vật chất
Con người sống trên đời luôn bị mê hoặc bởi những ham muốn vật chất, bị xáo trộn bởi những vinh hoa, phú quý. Nhưng vẫn có một số người biết cách buông tay. Diễn viên điện ảnh nổi tiếng Hồng Kông, Châu Nhuận Phát đã dùng toàn bộ tài sản của mình ước tính hơn 700 triệu USD để làm từ thiện. Anh nói: “Ước mơ của tôi là trở thành một người bình thường và hạnh phúc. Trong cuộc sống, điều khó khăn nhất không phải là kiếm được bao nhiêu tiền mà là làm thế nào để giữ được tâm tính bình thản, dùng một phương thức đơn giản mà vô tư vượt qua quãng đời còn lại”.
Quả là, danh tiếng lợi lộc khác gì một đám mây, thoát đến rồi lại thoắt đi vậy
Trong cuộc sống hằng ngày, Châu Nhuận Phát vẫn ngồi tàu điện ngầm, đi chợ mua đồ ăn, sử dụng chiếc điện thoại Nokia đã lỗi thời và không có bất cứ bộ quần áo hàng hiệu nào hết. Nhưng anh luôn tận hưởng niềm vui mỗi ngày, vui sống mỗi ngày.
Theo đuổi tiền bạc và tận hưởng lạc thú nhân gian sẽ chỉ khiến bạn lạc trong vòng xoáy của ham muốn vật chất, lạc trong bể khổ, chẳng biết bao giờ mới tìm được lối thoát vậy.
Phật gia giảng, đời người có mấy cái khổ: sinh, lão, bệnh, tử, yêu mà phải ly biệt, phàn nàn quá lâu, cầu không đạt được và không vứt bỏ được.
Vứt bỏ những món đồ vô dụng để cuộc sống thoải mái hơn.
Loại bỏ các mục tiêu vô dụng để tập trung hơn vào công việc.
Từ bỏ những mối quan hệ xã giao vô bổ để có thể trau dồi bản thân mạnh mẽ hơn.
Từ bỏ những ham muốn vật chất để sống một cuộc sống hạnh phúc hơn.
Hạnh phúc, có lẽ chính là biết buông bỏ.
Theo Aboluowang