Người Mông Mường Phăng giữ nghề truyền thống

12:07 | 23/08/2022

Nằm cách trung tâm TP. Ðiện Biên Phủ (Điện Biên) chừng hơn 30km, xã Mường Phăng lâu nay được biết đến là miền đất gắn liền với lịch sử và văn hóa dân tộc Thái. Ít ai biết, mặc dù chỉ chiếm trên 20% dân số toàn xã, song cộng đồng người Mông ở đây vẫn nắm giữ nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo, tạo nên sức hút riêng…


Hiện nay, đồng bào Mông ở xã Mường Phăng (TP. Điện Biên Phủ) vẫn lưu giữ nhiều nghề truyền thống, như: Dệt lanh, đan lát, rèn, làm hương…

Đam mê nghề “âm ỉ cháy” ở người già

Là người gắn bó từ rất lâu với đất Mường Phăng và giờ cũng đã bước qua tuổi 80, song bà Vàng Thị Ðớ, bản Loọng Luông 1 vẫn nhớ như in nhiều giá trị văn hóa truyền thống cha ông để lại. Trong số đó, thứ theo bà bền bỉ suốt hành trình cuộc đời, đó là cây lanh, sợi vải.

Bà Ðớ kể, thời xưa khó khăn lắm. Song chỉ thiếu ăn chứ không thiếu mặc, do vải vóc, quần áo đều tự tay người phụ nữ trong gia đình làm ra. Họ sử dụng trang phục làm bằng vải lanh trong mọi sinh hoạt đời sống thường ngày và nghi lễ tín ngưỡng vòng đời. Bởi vậy, các bé gái sinh ra, lớn lên không ai là không biết trồng lanh, dệt vải, may vá, thêu thùa.

“Ðể tạo ra những tấm vải thổ cẩm bằng lanh, chúng tôi phải trải qua rất nhiều công đoạn. Tất cả đều đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ và đôi bàn tay khéo léo. Vì thế vải lanh rất bền, có bộ quần áo nếu biết giữ gìn thì sử dụng được cả đời”, bà Đớ chia sẻ.

Theo bà Vàng Thị Ðớ hiện nay những người còn dệt vải trong bản, trong xã chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.

Thế nhưng, theo thời gian, người Mông ở Mường Phăng không còn sử dụng trang phục truyền thống nhiều, nên người làm ra chúng cũng giảm đi. Theo bà Đớ, người biết và chịu làm ở trong bản, trong xã hiện chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Đa phần cũng đều bước sang lứa tuổi “xưa nay hiếm”.

Còn ông Cứ Vàng Lồng, bản Loọng Háy là người có thâm niên 30 năm gắn bó với nghề rèn. Cái nghề đến với ông Lồng cũng tự nhiên như cây cỏ trong rừng. Ông bảo: “Chẳng có ai dạy cả. Thanh niên, trai tráng trong bản lớn lên, nhìn các cụ làm rồi thích nghề nào cứ thế làm theo nghề đó. Riêng tôi thì mê rèn, vì nó biểu trưng cho sức mạnh, sự cường tráng của đàn ông người Mông”.

Cho đến giờ, mọi thứ đều sẵn có, song ông Lồng vẫn không quên tiếng chát chúa từ những nhát búa mỗi lần đóng xuống phôi sắt rực lửa. Bởi vậy, ông vẫn túc tắc làm mỗi lúc rảnh rỗi. Theo ông Lồng thì ai cũng có thể làm nghề, nhưng không phải sản phẩm nào làm ra cũng như nhau. Đặc biệt, tùy thuộc vào khả năng thẩm mỹ, độ khéo léo mà mỗi người sẽ có kinh nghiệm để tạo ra sản phẩm mang dấu ấn riêng.

Cho đến giờ, mọi thứ đều sẵn có, song ông Cứ Vàng Lồng vẫn không quên tiếng chát chúa từ những nhát búa mỗi lần đóng xuống phôi sắt rực lửa.

“Cái hay ở các sản phẩm rèn của người Mông chúng tôi là độ bền và sắc bén rất cao. Mỗi con dao, lưỡi quốc… tôi làm ra đều chú trọng vào 2 yếu tố này. Mặc dù không có thương hiệu gì và chưa mở rộng sản xuất để phục vụ kinh doanh, buôn bán. Nhưng tôi thấy đa phần người đã mua rồi đều thích và giới thiệu cho người khác đến mua tiếp”, ông Lồng bộc bạch.

Ðể minh chứng cho điều này, ông Lồng khoe, cách đây 2 năm trong một dịp hội xuân do địa phương tổ chức, các sản phẩm rèn của ông đã thu hút rất nhiều người quan tâm. Chỉ trong buổi sáng ông đã bán được hơn 60 sản phẩm rèn, chủ yếu là dao. Sau đó có nhiều người được giới thiệu đã quay lại tìm ông để đặt hàng. “Chỉ tiếc là từ đó đến nay dịch bệnh, không có dịp nào như thế để tôi có cơ hội giới thiệu sản phẩm rộng rãi”, ông Lồng tiếc nuối.

Lấy du lịch làm “đòn bẩy”

Sống trên khu vực đầu nguồn các khe suối, người Mông ở Mường Phăng cư trú tập trung tại 4 bản: Loọng Luông 1, Loọng Luông 2, Loọng Ngựu, Loọng Háy. Theo điều tra khảo sát về di sản văn hóa của đồng bào Mông từ cơ quan chuyên môn, mặc dù cùng chịu tác động chung của cuộc sống hiện đại, song cộng đồng người Mông ở đây vẫn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống. Trong đó có các nghề thủ công truyền thống (rèn, đan lát, dệt lanh, làm hương…).

“Với tập quán thường chọn những vùng núi cao để sinh sống, đa phần nhu cầu thiết yếu từ ăn, mặc, sinh hoạt, lao động đều tự cung tự cấp. Vậy nên, dù di cư về đất Mường Phăng sinh sống gần cộng đồng người Thái, song bà con người Mông ở đây vẫn lưu giữ được nhiều nét văn hóa riêng, mang đậm bản sắc tộc người”, ông Lò Văn Hợp, Chủ tịch UBND xã Mường Phăng cho hay.

Làm hương là một trong những nghề truyền thống vẫn được người Mông ở Mường Phăng thực hành.

Tuy nhiên, cũng theo ông Hợp, trên thực tế, hiện nay đến các bản, làng người Mông trong xã thì đa phần không còn thấy đàn ông mặc trang phục truyền thống. Lý do họ đưa ra là bộ trang phục này gây bất tiện cho quá trình lao động, sản xuất. Thêm vào đó, các sản phẩm may mặc có giá thành rẻ lại bán sẵn ngoài chợ.

“Nhu cầu không còn nhiều, nên đa phần bà con đi mua cho tiện. Do vậy, người làm ra các sản phẩm này cũng không nhiều. Có thời gian các nghề truyền thống đứng trước nguy cơ mai một. Sau này, khi được tuyên truyền nhiều thì bà con mới lại tiếp tục duy trì. Tuy nhiên chỉ do người già thực hành chứ thế hệ trẻ không mấy mặn mà vì chưa nhìn ra được giá trị”, ông Hợp cho biết thêm.

Trước những thách thức chung đó, vài năm gần đây, được sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước, chính quyền địa phương cũng đã khuyến khích và có nhiều giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Theo ông Hợp, thì công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức gìn giữ văn hóa dân tộc cho bà con được đẩy mạnh, thông qua đa dạng các hình thức khác nhau. Trong đó, chú trọng việc tổ chức, tạo dựng các sân chơi, cơ hội để bà con có dịp phô diễn các nét đẹp văn hóa.

Những bó hương do người Mông tự sản xuất ra, phục vụ trong các dịp lễ, tết.

Nhiều năm gần đây, trong các hoạt động văn hóa, lễ tết, chính quyền xã Mường Phăng đều lồng ghép và tạo điều kiện để bà con các bản người Mông được trình diễn, trưng bày, giới thiệu sản phẩm nghề truyền thống. Trên cơ sở đó khơi dậy niềm tự hào dân tộc trong mỗi người dân, đồng thời cũng là để quảng bá rộng rãi hơn.

Ngoài việc khuyến khích, động viên thì các hoạt động hỗ trợ bà con khôi phục nhiều nghề, như: Dệt vải, rèn, đan lát cũng đang được các ngành chức năng và chính quyền địa phương nghiên cứu, thúc đẩy.

“Hiện nay Mường Phăng rất có lợi thế để phát triển du lịch vì sở hữu nhiều sản phẩm giá trị, như: Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đỉnh Pú Huốt… Vì thế ngành du lịch và địa phương đang xây dựng lộ trình kết nối các điểm đến này với việc tham quan, trải nghiệm nghề truyền thống. Vừa tạo sức hút và đang dạng cho du khách; đồng thời cũng thúc đẩy làng nghề phát triển”, ông Hợp nói.

 

Theo GD&ĐT

https://giaoducthoidai.vn/nguoi-mong-muong-phang-giu-nghe-truyen-thong-post605049.html

Video hay


Cùng chuyên mục

Hà Tĩnh: Sai phạm tại Di tích văn hoá Đền Truông Bát “Sinh con rồi mới sinh cha – Sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông”

Hà Tĩnh: Sai phạm tại Di tích văn hoá Đền Truông Bát “Sinh con rồi mới sinh cha – Sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông”

Bế mạc Festival “Về miền Ví, Giặm – Kết nối tinh hoa di sản”

Bế mạc Festival “Về miền Ví, Giặm – Kết nối tinh hoa di sản”

Hội thảo Quốc gia về “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh”

Hội thảo Quốc gia về “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh”

Thiếu tướng Hoàng Sâm – Người con ưu tú của quê hương Quảng Bình

Thiếu tướng Hoàng Sâm – Người con ưu tú của quê hương Quảng Bình

Thủ tướng chỉ đạo tăng cường các giải pháp điều hành tín dụng năm 2024

Thủ tướng chỉ đạo tăng cường các giải pháp điều hành tín dụng năm 2024

Quy định mới về nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông áp dụng từ 1/1/2025

Quy định mới về nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông áp dụng từ 1/1/2025

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Thủ tướng: Đại đoàn kết để mang lại sản phẩm, hiệu quả cụ thể, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân

Thủ tướng: Đại đoàn kết để mang lại sản phẩm, hiệu quả cụ thể, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều