Người Hoa với những lễ vía tháng giêng

13:48 | 29/01/2024

Trong tháng giêng, ngoài hai dịp lễ lớn là tết Nguyên đán và tết Nguyên Tiêu (Rằm tháng giêng), người Hoa còn tổ chức nhiều lễ Vía các vị Thần Thánh có vai trò quan trọng ảnh hưởng đến đời sống tâm linh của họ trong gia đình cũng như ở các cơ sở tín ngưỡng cộng động.

Ngay sau tết Nguyên đán, người Hoa chuẩn bị cho lễ Vía lớn nhất trong tháng giêng là Vía Ngọc Hoàng Thượng Đế (玉 黃 上 帝), tổ chức vào ngày mùng 9. Trong quan niệm dân gian của người Hoa, Ngọc Hoàng Thượng Đế hay còn gọi là Ngọc Hoàng Đại Đế (玉 黃 大 帝), tức “ông Trời”. Ngài là đấng tối cao, là người công minh, chính trực, cầm cân nẩy mực quyết định tất cả mọi chuyện ở thế gian.

Thờ Ngọc Hoàng Thượng Đề ở hội quán Ôn Lăng, quận 5, TP. HCM. (Ảnh: Trần Đăng Kim Trang)

Ngày Vía Ngọc Hoàng là một ngày lễ quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của người Hoa. Vào ngày này, họ làm mâm cúng Ngọc Hoàng ở nhà và đến chùa miếu, hội quán có thờ Ngài để cúng bái. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, các cơ sở tín ngưỡng – tôn giáo lớn có thờ Ngài luôn thu hút đông đảo người Hoa đến ngay từ sáng sớm mùng 9 là điện Ngọc Hoàng (tức chùa Phước Hải, 58 Mai Thị Lựu, phường Đa Kao, quận 1), hội quán Hà Chương (802 Nguyễn Trãi, phường 14, quận 5), hội quán Ôn Lăng (chùa Quan Âm, 12 Lão Tử, phường 11, quận 5), Nhị phủ miếu (chùa Ông Bổn, 264 Hải Thượng Lãn Ông, phường 14, quận 5), …

Lễ Vía Ngọc Hoàng Thượng Đế ở hội quán Hà Chương, quận 5, Tp. HCM.  (Ảnh: Trần Đăng Kim Trang)

Lễ vật cúng Ngọc Hoàng phải có là áo, mão, hia, giấy tiền vàng mã, cặp mía, cặp dây trường tiền, thúng vàng, thúng bạc, tháp đường, …cùng trái cây hoa quả, nhang đèn. Tất cả những lễ vật dâng cúng này nhằm cầu mong một năm nhiều thuận lợi, may mắn, tiền của dồi dào.

Lễ Vía Quan Thánh Đế Quân (関 聖 帝 君), tức Quan Đế (関 帝), Quan Thánh Đế (関 聖 帝), Quan Lão Gia (関 老 爺), hay trang trọng và tôn kính gọi bằng Ông. Quan Thánh Đế Quân tên thật là Quan Vũ, tự Vân Trường, là một nhân vật lịch sử thời Tam quốc. Ông biểu tượng cho tình bạn thủy chung, tận tụy hy sinh, nhân ái độ lượng, trung hiếu tiết nghĩa, luôn được người đời ca tụng là “Vạn cổ nhất nhân” (người xưa nay chỉ có một), “Vạn cổ tinh huy” (vì sao sáng muôn đời). Nho giáo gọi Ông là Phu tử, tức là xem Ông tương tự như Khổng phu Tử. Ngành quân sự võ bị ngày xưa xem Ông là một trong những vị Thánh Tổ và thờ tự ở võ miếu, Đạo giáo xem Ông là một vị thần chuyên trừ tà ma trong bộ bốn “Tứ đại nguyên soái’. Trong quan niệm dân gian xem Ông là Thần độ mạng cho nam giới, ông còn là Thần Tài mang của cải đến cho con người. Ở hội quán Nghĩa An (miếu Quan Đế, chùa Ông, quận 5), có hai câu đối ở chính điện nói rõ những tước phong của Ông qua nhiều triều đại: “Hán phong hầu, Tống phong Vương, Thanh phong Đại Đế Nho xưng Thánh, Thích xưng Phật, Đạo xưng Thiên Tôn”.

Thờ Quan Thánh Đế Quân ở hội quán Nghĩa An, quận 5, TP. HCM. (Ảnh: Trần Đăng Kim Trang)

Một năm có ba ngày Vía Ông: Vía sanh (13 tháng giêng), Vía tử (13 tháng 5 ÂL), Vía hiển thánh (24 tháng 6 ÂL). Lễ vật dâng cúng Ông trong ngày Vía có thể là chay hoặc mặn, tuy nhiên kiêng kỵ sử dụng gà trống và cả hoa mồng gà. Theo truyền thuyết dân gian được ghi lại trong Tam quốc ngoại truyện, khi còn trẻ, trong một lần Ông bị quan binh truy đuổi, Ông chạy trồn vào nhà một người dân, được cô gái trong nhà che chở cứu giúp bằng cách giết ngay một con gà, lấy máu gà thoa lên mặt và cằm. Sau đó cô gái cắt mớ tóc dài của mình gắn vào cằm Ông giả làm râu. Nhờ vậy, Quan Vũ thoát được cảnh thập tử nhất sinh và cũng từ đó ông mang ơn con vật ân nghĩa này.

Đặc biệt, vào dịp Tết Nguyên Tiêu, người Hoa và người Việt đểu nô nức đến chùa Ông “vay tiền (vay lộc), trả lễ”. Tập tục này đã có từ lâu và vẫn được gìn giữ đến tận ngày nay. Vốn dĩ Ông còn được xem là Thần Tài nên tập tuc này một lần nữa khẳng định quyền năng của Ông. Những người làm ăn, mua bán, kinh doanh rất tin tưởng tập tục này, họ cho rằng vay lộc từ Ông sẽ thuận lợi, thành công trong công việc của mình.

Tập tục “vay lộc, trả lễ” ở hội quán Nghĩa An, quận 5, TP. HCM. (Ảnh: Trần Đăng Kim Trang)

Ngày 15 tháng giêng, người Hoa vừa tổ chức tết Nguyên Tiêu, đồng thời cũng là ngày Vía Phúc Đức Chính Thần (福 德 正 神). Theo quan niệm của từng nhóm phương ngữ người Hoa khác nhau, vị Thần này mang nhiều chức năng khác nhau: Thổ Địa, Thần Tài, Nhân thần hoặc Phúc thần.

  • Là thần Thổ Địa, là người cai quản xã thôn tương đương Thành Hoàng Bổn Cảnh của Việt Trước đây chỉ có hội quán của người Hoa Minh Hương hoặc Thất phủ mới tôn thờ Ông ở vị trí trung tâm, còn ở các hội quán khác Ông chỉ mang ý nghĩa cai quản một cộng đồng nên chỉ thờ tùng tự bên tả – hữu một vị thần khác, hoặc thờ ngay sát cổng ra vào hội quán với vai trò là vị Thần Đất cai quản giếng trời (còn gọi là Thần Trung Lựu) mang ý nghĩa cai quản hội quán đó.
  • Là Thần Tài, theo quan niệm Ngũ Hành tương sinh “Thổ sinh Kim” nên Phúc Đức Chính Thần (Thổ Địa) được đồng nhất với Thần Tài. Vì thế, người Hoa dùng hình ảnh một ông lão râu tóc bạc phơ, mặc áo đội mũ, một tay cầm vàng ban phát cho dân gian, đó là hình tượng vị Thần Tài – Phúc Đức Chính Thần được thờ phổ biến trong gia đình của người Hoa và cả người Việt ngày nay.
  • Là một Nhân thần có lai lịch rõ ràng. Nhị phủ miếu (chùa ông Bổn, quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh) là nơi thờ Ông quy mô, cổ kính nhất. Trong miếu thờ bài vị “Nhị phủ miếu Đại Bá Công”, Đại Bá Công ở đây là Châu Đạt Quan – một viên quan của triều đình nhà Nguyên (Trung Quốc). Ông đã từng sang vương quốc Campuchia công cán và cũng là tác giả “Chân Lạp phong thổ ký”. Bên cạnh đó, còn có thuyết cho rằng Phúc Đức Chính Thần là Trịnh Tu Hòa (tức Trịnh Hòa) – viên quan dưới triều nhà Minh (Trung Quốc). Ông thường đi công cán đến Việt Nam, Campuchia và các nước Đông Nam Á để buôn bán và truyền bá văn hóa Trung Quốc ra nước ngoài. Ông cũng là “Thủy tổ” có lòng nhiệt tình, giúp đỡ cho những dân nghèo ở Trung Quốc di cư ra nước ngoài sinh sống. Sau khi qua đời, Ông được triều đình nhà Minh phong cho chức Tam Bửu Công (còn gọi là Bổn Đầu Công), còn những người dân di cư ra nước ngoài thờ Ông và gọi là Phúc Thần hay Phúc Đức Chính Thần.

Vào ngày Vía Ông, mọi người dâng lễ vật phải có phải có bộ tam sên (thịt, tôm, quả trứng luôc. Những ai có niềm tin về Ông hoặc sinh hoạt tại Nhị phủ miếu thì thỉnh biểu tượng “Nhị phủ miếu trấn trạch”, bên trên có viết dòng chữ lớn “Nhị phủ Bổn Đầu Công”, bên dưới hai bên có chữ “trấn trạch” và “bình an” về treo dán trước cửa ra vào nhà hoặc tại nơi buôn bán, kinh doanh.

Trong các lễ Vía, người Hoa dâng cúng các vị Thần Thánh những loại trái cây như quýt, lê, mãng cầu, …; Các loại bánh phải kể đến như: bánh bò, bánh ca dé có in những chứ Hán tốt lành bên trên, ai cầu điều gì thì mua bánh dâng cúng có in chữ mang ý nghĩa đó, như cầu phúc thì mua bánh dâng cúng có in chữ “Phúc”, cầu Tài thì dâng bánh có in chữ “Chiêu Tài Tiến Bảo”, cầu bình an thì dâng bánh có in chữ “Hợp gia bình an” hoặc muốn cầu Thọ thì dâng bánh có hình quả đào. Đào là loại trái cây có trên Thượng giới thuộc cung Dao Trì của Tây Vương Mẫu. Theo truyền thuyết thì ai ăn được đào này sẽ được trường thọ, do đó quả đào là biểu tượng cho sự sống lâu. Đặc biệt những gia đình có Ông bà, Cha Mẹ từ 60 tuổi trở lên thì khi đi lễ chùa miếu thường mua loại này dâng cúng cầu xin phúc thọ miên trường. Ngoài ra còn có bánh Tổ – loại bánh được chế biến bằng bột nếp hơi lỏng pha đường mật. Bánh có tên “niên cao” tức cao thăng, cao phát – một từ hay dùng chúc tụng nhau. Người ta dùng bánh Tổ để cúng nhằm cầu mong cho gia đình và bản thân mọi việc năm nào cũng được đi lên, thịnh vượng. Ngoài ra đến những nơi thờ tự cộng đồng của người Hoa, người đi cúng thường mua những chai dầu ăn mang vào nơi thờ, lần lượt châm vào các chum đèn, các ngọn đèn thất đăng trên tất cả các bàn thờ trong chùa miếu nhằm cầu mong nhận được sự sáng sủa, vạn sự trôi chảy, suôn sẻ: “Châm dầu cho giữ lửa, Châm dầu cúng Thất tinh, Châm dầu để sáng mắt, Châm dầu cầu trường thọ”.

Những lễ vật được người Hoa dâng cúng trong ngày Ví. (Ảnh: Trần Đăng Kim Trang).

Người Hoa khi đến định cư tại Nam bộ nói chung và khu vực Chợ Lớn nói riêng đã mang theo hành trang văn hóa tâm linh phong phú mà bản thân họ luôn cố gắng bảo tồn, phát huy đến nay. Người Hoa vốn có quan niệm “vạn vật hữu linh” vì thế đời sống tín ngưỡng của họ mang tính chất đa thần. Đối tượng thờ cúng của họ có mặt ở cả 3 thế giới: thượng giới, trần gian và âm phủ. Những ngày tháng giêng cùng đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp những ngôi chùa miếu cổ cùng với lòng thành tâm cúng bái các vị Thần Thánh nhằm cầu mong một năm Hợp gia bình an, Phúc đáo nhãn tiền, Liên niên hòa hiệp, Kim ngọc mãn đường, Cát tường như ý./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Lâm Tâm (1994), Người Hoa ở An Giang, Hội văn nghệ Châu Đốc.
  2. Nguyễn Văn Sanh (2006), Văn hóa nghệ thuật người Hoa Thành phố Hồ Chí Minh, – đề tài nghiên cứu, Trung tâm Văn hóa Thành phố Hồ Chí.
  3. Nhiều tác giả (2007), Người Hoa tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, NXB Văn hóa – Thông tin.
  4. Phan An (1990), Chùa Hoa Thành phố Hồ Chí Minh, NXB Thành phố Hồ Chí.
  5. Trần Hồng Liên (2005), Văn hóa người Hoa ở Nam bộ – tín ngưỡng và tôn giáo, NXB Khoa học xã hội.
  6. Tài liệu điền dã do tác giả thực hiện.

Cùng chuyên mục

Lễ hội “Mục Đồng làng Phong Lệ”

Lễ hội “Mục Đồng làng Phong Lệ”

Gia Lai: Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ – Dliê Ya đón nhận bằng Di tích Lịch sử quốc gia

Gia Lai: Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ – Dliê Ya đón nhận bằng Di tích Lịch sử quốc gia

Thành phố Đông Hà chú trọng công tác bảo tồn và tôn tạo di tích

Thành phố Đông Hà chú trọng công tác bảo tồn và tôn tạo di tích

Lễ hội “Thống nhất non sông”

Lễ hội “Thống nhất non sông”

TRỊNH CÔNG SƠN – HÀ THỊ CẦU, HAI KẺ HÁT RONG VĨ ĐẠI CỦA DÂN TỘC!

TRỊNH CÔNG SƠN – HÀ THỊ CẦU, HAI KẺ HÁT RONG VĨ ĐẠI CỦA DÂN TỘC!

Tượng đài N’Trang Lơng – Niềm tự hào của người dân Đắk Nông

Tượng đài N’Trang Lơng – Niềm tự hào của người dân Đắk Nông

Ngôi làng 600 năm tuổi với 3 di sản Ký ức thế giới

Ngôi làng 600 năm tuổi với 3 di sản Ký ức thế giới

Đặc sắc Lễ hội làng cổ Siêu Quần

Đặc sắc Lễ hội làng cổ Siêu Quần

NGHỆ AN: Du khách nô nức tham dự Khai hội Đền Cuông 2024

NGHỆ AN: Du khách nô nức tham dự Khai hội Đền Cuông 2024