Dù trời mưa, người dân Ninh Bình vẫn nán lại lễ an táng để tiễn đưa Chủ tịch nước Trần Đại Quang về nơi yên nghỉ cuối cùng.
Chiều 27/9, sau lễ truy điệu tại Nhà tang lễ quốc gia (Hà Nội) linh xa chở linh cữu Chủ tịch nước Trần Đại Quang về tới quê nhà tại thôn 13, xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, Ninh Bình. Ban tổ chức thông báo giờ an táng là 15h30 nhưng từ trưa hàng nghìn người dân đã đổ về nghĩa trang chờ đón đoàn xe. Chủ tịch nước sinh năm 1956, qua đời lúc 10h05 ngày 21/9/2018 tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108.
Trời mưa vào buổi sáng, đến trưa còn âm u, người dân Kim Sơn và các huyện lân cận vẫn đứng chờ sẵn đoàn xe cùng với cờ, di ảnh, khăn tang. Cảnh sát phải làm việc liên tục để giải tỏa giao thông. Trên đường đi, linh xa dừng ở một số địa điểm gắn với tuổi thơ và quá trình trưởng thành của cố Chủ tịch nước như trường THPT Kim Sơn B, ngôi nhà nhỏ ở xóm 13.
Đoàn xe tiến vào khu mộ trong tiếng nhạc “Hồn tử sĩ” do đội quân nhạc cử hành. Họ tộc, lãnh đạo địa phương và tăng ni đứng thành hai hàng. Khu mộ nơi Chủ tịch nước được an táng nhìn ra ngôi làng gắn với tuổi thơ của ông, sát quốc lộ 10.
Người dân tập trung rất đông quanh khu vực an táng. Theo Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, Chủ tịch nước qua đời do mắc bệnh hiểm nghèo, dù được các giáo sư, bác sĩ trong và ngoài nước hết lòng cứu chữa, lãnh đạo Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm, tạo điều kiện nhưng không qua khỏi.
Chỉ ít người có trách nhiệm được vào khu lăng mộ, phần lớn phải đứng ngoài hàng rào do lực lượng an ninh lễ tang thiết lập. Những tấm di ảnh, cờ tổ quốc, hay bàn thờ được người dân đặt bên đường chờ linh xa đi qua đều là tấm lòng của người dân Ninh Bình, với mong ước Chủ tịch nước ấm lòng khi trở về quê hương.
Trời chiều Ninh Bình lúc âm u, lúc đổ mưa nặng hạt nhưng người dân vẫn quyết lưu lại khu vực tang lễ để nói lời từ biệt cuối cùng với người con ưu tú của của huyện Kim Sơn. Gia đình Chủ tịch nước Trần Đại Quang có 6 anh em, cha mất sớm, mẹ tần tảo nuôi các con ăn học.
Trên đường vào khu an táng, người dân đứng đông nghịt. Hàng trăm tăng ni của Ban Trị sự Giáo hội phật giáo tỉnh Ninh Bình cũng tới dâng hương, tụng kinh. Đoàn đại biểu từ các tỉnh khác cũng về tận quê của Chủ tịch nước để nói lời từ biệt.
Thỉnh thoảng trời đổ cơn mưa nặng hạt, người dân vẫn đứng tại chỗ hướng mắt về nơi đang diễn ra lễ hạ huyệt. Sáng nay, trong lời đáp từ, con trai Chủ tịch nước cho biết: “Tâm nguyện của cha tôi là suốt đời phấn đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng cao cả của Đảng và dân tộc. Về với các bậc tiền nhân, anh linh cha tôi sẽ hòa cùng anh linh các thế hệ cha anh, các anh hùng liệt sĩ, đồng bào, đồng chí đã cống hiến trọn đời vì một nước Việt Nam”.
Người dân ở lại tới tận khi lễ an táng kết thúc. Trưởng Ban tổ chức lễ tang, Phó thủ tướng Trương Hoà Bình nhấn mạnh trong những ngày qua, lễ tang Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã nhận được tình cảm quý trọng và niềm tiếc thương vô hạn của các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Nhà nước, của đồng bào, đồng chí và bạn bè quốc tế. “Cầu chúc linh hồn Chủ tịch nước Trần Đại Quang yên nghỉ cõi vĩnh hằng. Xin vĩnh biệt đồng chí”, Phó thủ tướng nói và tuyên bố kết thúc buổi lễ.
Theo Zing News