Người chôn vùi thanh xuân vì trẻ em ở huyện nghèo nhất nước

9:36 | 01/07/2019

Có những thầy cô chấp nhận ở vùng cao 10-20 năm, đi khắp các bản khó khăn nhất của Mường Lát, Thanh Hóa, nhiều lần suýt bỏ mạng sống, chôn vùi cả tuổi thanh xuân, chỉ để gieo chữ cho trẻ nhỏ.


Hơn 20 năm qua, thầy Đỗ Văn Nhất (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa), giáo viên trường Tiểu học Trung Lý 1 (bản Suối Tung, xã Trung Lý, huyện Mường Lát, Thanh Hóa), vẫn chưa quên được ngày đầu tiên nhận nhiệm vụ lên một trong những bản nghèo nhất nước để dạy chữ cho học trò.

Đó là năm 2001, những vùng khó khăn nhất của Mường Lát như Pa Púa, Tà Cóm, Cá Ráng, Sài Khao, Ón… còn thiếu giáo viên trầm trọng. Thời gian đầu, thầy Nhất tình nguyện xung phong đi vùng xa, khó khăn nhất. Điểm trường đầu tiên ông đến là Pa Púa. Ngày đó, không có đường đi, từ trung tâm của xã Trung Lý, thầy phải đi bộ một ngày mới đến được chân núi Pa Púa.

“Làm gì có đường, đó là những con suối, dốc dựng đứng đá lởm chởm. Chúng tôi đi một đoàn mấy người lên nhận công tác. Thầy giáo thì dắt tay cô giáo. Có những đoạn suối nước dâng lên ngực, chỉ cần sơ suất trượt chân là cả người lẫn đồ trôi theo dòng suối luôn”, thầy Nhất kể.

Đi từ trung tâm xã từ lúc trời còn chưa sáng rõ, đến 19h, thầy cô mới đến chân núi Pa Púa. Đường từ trung tâm xã vào chân núi đã khó đi, vượt từ chân núi lên đến đỉnh là cả một kỳ tích. “Những người gieo chữ” phải túm cây theo kiểu leo dây để đu lên.

“Khoảng nửa đêm thì lên đến nơi, nghĩ đến quãng đường đã vượt qua vẫn không hết rùng mình”, thầy Nhất nhớ lại.

 

Quang cảnh ngôi trường nơi thầy Nhất sinh sống và làm việc
Con đường dẫn vào bản Suối Tung
Đoạn đường học sinh hàng ngày đi qua bị sạt lở hồi năm ngoái, để lại con đường nhỏ, chông chênh nhiều đá mạt.
Học sinh đến trường sớm dọn vệ sinh và lau bảng, chuẩn bị một ngày học bắt đầu.

Không có phòng học, giáo viên phải dạy ghép 2 lớp

Sau này, cứ vài năm, thầy Nhất lại được luân chuyển đi bản khó khăn khác. Ngay cả Tà Cóm, bản xa nhất của xã với quãng đường rừng hơn 54 km, thầy Nhất cũng đã đặt chân tới. Mỗi bản có những khó khăn không giống nhau nhưng nói về cung đường để đến được với học trò thì gian nan, khổ như nhau.

Hơn hai chục năm công tác, duy nhất một lần, thầy giáo này được vợ lên thăm. Còn bình thường, cứ mỗi năm, thầy được về với gia đình 2 lần vào dịp hè và Tết.

“Mấy chục năm công tác, vợ vẫn đều đặn viết thư lên cho mình. Những năm trước, thư vợ gửi 2 tháng mới đến được tay. Lúc mình nhận được, thư cũng nhàu mất rồi vì cứ gửi qua người này, người khác”, thầy Nhất tâm sự.

Những năm gần đây, cuộc sống ở bản đã đỡ hơn. Điện được lấy từ máy phát điện lưới nhỏ đặt ở suối, nhưng nguồn điện yếu và chập chờn. Sóng điện thoại cũng có nhưng chập chờn, phải để nguyên một ví trí, riêng mạng 3G thì hoàn toàn không có, phải đi ra ngoài bản mới bắt được.

Thầy Nhất miệt mài với việc dạy chữ cho học sinh vùng cao. Dạy lớp ghép gặp nhiều khó khăn, nam giáo viên nói mình đã quá quen với điều đó.

Cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, thầy giáo và học sinh nơi đây vẫn nỗ lực khắc phục, vượt qua.
Nhiều đứa trẻ chưa đến tuổi đi học thường đứng ngoài của sổ nhìn vào lớp xem anh chị mình ôn bài.

20 năm đều đặn đến lớp dạy chữ cho trẻ vùng cao

20 năm qua, dù nắng hay mưa, thầy Nhất đều lên lớp. Với tình yêu học trò, nam giáo viên coi chúng như con em mình. Thầy kể đồng bào ở đây vẫn xem chuyện học là thừa vì nó không mang lại cái ăn. Thế nên, lũ trẻ cũng ít đứa thiết tha với con chữ. Mỗi lần đến đầu năm học, các thầy cô lại lặn lội vào từng nhà vận động cho các con đến trường. Đường đi đã khó, “đường” đến với học trò còn khó hơn.

Học trò nơi đây không biết nhiều tiếng Kinh nên những năm đầu, giáo viên phải vừa học tiếng Mông vừa học phương pháp dạy. Ngày nào thầy trò cũng phải “đánh vật” với từng “cái chữ”, con số, cứ tiếng H’Mông và tiếng Kinh đan xen nhau.

Giáo án soạn cũng chỉ là những bài giảng thông thường và đơn giản nhất. Thầy Nhất bảo làm sao để các con nghe lời đã khó, chứ chưa nói dạy thế nào chúng có thể hiểu.

Dần dần, giáo viên cũng quen và chấp nhận những thiếu sót của học trò, rồi lại nỗ lực nhiều hơn để tìm cách dạy sao cho phù hợp. Không những vậy, cơ sở vật chất thiếu thốn khiến các thầy cô đều phải dạy lớp ghép. Thầy Nhất kiêm 2 lớp (3 và 4) trong cùng một thời gian. Vì thế, ông cứ quay sang lớp này hướng dẫn bài cho học sinh, rồi lại tất bật chạy sang lớp kia.

Nhiều đứa trẻ lại chọn cho mình những khu vực vui chơi khác.
Khoảng giờ giải lao là lúc chúng được chơi thỏa thích nhất.

Vào thứ ba và năm, các em lại được nhà tài trợ “Cơm có thịt” cho ăn hai bữa trưa tại trường. Tranh thủ lúc giải lao, thầy Nhất vào bếp nấu cơm trưa cho học trò.
Khoảng 11h, hai lớp tan học, thầy Nhất tự tay chia cơm cho các em. Nhiều em nhà nghèo không có tiền mua cặp lồng, đành lấy lá chuối đựng thức ăn.

Học sinh ở đây rất ngoan, lễ phép. Cái khó đối với thầy Nhất là nhiều em đến trường còn chưa biết tiếng Kinh nên dạy học rất khó khăn.

Vào thứ ba và năm, các em lại được nhà tài trợ “Cơm có thịt” cho ăn hai bữa trưa tại trường. Đó cũng là những lúc thầy tất bật vào bếp nấu ăn cho đám trẻ. Thầy Nhất còn dạy miễn phí cho các em hai buổi nằm ngoài khung chương trình của trường.

“Nhiều giáo viên đã bỏ cuộc, nhưng mình nghĩ nếu cũng làm vậy thì lũ học trò biết phải làm sao? Cứ nhìn thấy mặt mũi lấm lem của chúng, trời lạnh căm căm chỉ một manh áo mỏng đến trường, hay những hôm các em nhịn đói đi học, tình thương lại lấn át tất cả”, thầy Nhất chia sẻ.

Thầy Nhất coi học sinh như con em của mình. Ngoài việc giảng dạy trên lớp, nam giáo viên còn cắt tóc, tắm hay đưa các em qua những đoạn đường khó để về nhà.

Sau một ngày ở tại trường, các em học sinh trở về nhà với bố mẹ.

Sóng di động ở đây rất kém, có khi không có, nên thầy giáo thường xuyên phải đặt điện thoại ở vị trí cố định để “chờ sóng”.
Thầy Nhất phải đi ra ngoài bản mới có sóng 3G. Đêm nào cũng vậy, giáo viên này đều gọi điện thoại cho người thân ở nhà.

Những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không cho con đến trường, thầy đến tận nơi vận động.
Một góc bàn làm việc của thầy Nhất.

Nếu không có trái tim yêu thương và tràn đầy nhiệt huyết, có lẽ, thầy cô đã không cắm bản ngày đêm, mang con chữ đến học trò vùng cao. Bình minh lên, một ngày mới bắt đầu, thầy cô lại trở về với công việc “trồng người” nơi vùng biên của Tổ quốc.

Huyện Mường Lát có 8 xã và một thị trấn, với 37.000 nhân khẩu. Trong đó, hơn 90% là người dân tộc thiểu số, chủ yếu là người dân tộc Mông. Sau hơn 20 năm thành lập, đến nay, Mường Lát vẫn là một trong những huyện nghèo nhất cả nước với tỷ lệ hộ nghèo trên 61%; 27 thôn, bản vẫn chưa có điện lưới quốc gia.

Những năm qua, hệ thống đường giao thông ở Mường Lát được đầu tư mạnh mẽ. Từ trung tâm huyện đã có đường ôtô tới các xã, còn hệ thống đường liên xã, liên thôn vẫn rất khó khăn. Việc phát triển kinh tế ở Mường Lát, từ nhiều năm nay, vẫn là bài toán nan giải. Hiện tại, bình quân thu nhập đầu người của huyện chỉ đạt 14 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều là 61%. Đụng đâu vướng đó là hiện trạng công cuộc xóa đói giảm nghèo ở Mường Lát.

 

Theo Zing

 

Video hay


Cùng chuyên mục

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình