Người chỉ huy 150 y bác sĩ vòng trong chống dịch

14:08 | 28/03/2020

Cởi bỏ bộ đồ bảo hộ, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp bước ra từ khu chăm sóc bệnh nhân Covid-19, đứng im một lúc ở hành lang, mắt trũng xuống.


Khoa Cấp cứu lúc giữa trưa 26/3 thưa vắng chỉ có lác đác nhân viên y tế đi dọn dẹp. Dọc hành lang, độ chục mét lại có biển cảnh báo khu vực cách ly. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là tuyến cuối, tiếp nhận các bệnh nhân nặng nhất về bệnh truyền nhiễm, đang là trọng điểm điều trị bệnh nhân Covid-19 ở miền Bắc.

Nheo đôi mắt thiếu ngủ, anh chia sẻ: “Trước, khi nào căng thẳng thì đi quanh bệnh viện, giờ chỉ loanh quanh khoa mình thôi”.

Mọi nhu cầu sinh hoạt bệnh viện đều đảm bảo đầy đủ, “nhưng tất nhiên không thể có nhịp sống bình thường như ở nhà, mình phải cố gắng. Việc mất ngủ hay thiếu ngủ thì mọi người quen hết rồi”, bác sĩ 50 tuổi, nói.

Từ khi có dịch bệnh, hết đợt đầu tiên ngày 31/1, bác sĩ Cấp về nhà được một tuần, sau đó quay lại viện từ đầu đợt thứ hai. Anh phụ trách 150 y bác sĩ ở tuyến trong, sát với bệnh nhân.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Phạm Quý

Bệnh viện có các khoa phân ra trên 7 tầng nhà. Khoa Cấp cứu khám, sàng lọc và tiếp nhận những ca bệnh mới vào, điều trị bệnh nhân nặng. Khoa Hồi sức tích cực điều trị ca Covid-19 nguy kịch. Một số khu khác dành cho những bệnh nhân khẳng định nhiễm, số còn lại cho những bệnh nhân nghi ngờ.

“Bệnh nhân sẽ được luân chuyển liên tục”, anh nói. “Những người khẳng định dương tính sẽ chuyển sang khu khẳng định, những người nghi ngờ âm tính sẽ chuyển về bệnh viện địa phương. Bệnh nhân nặng thì xuống khoa Cấp cứu, nặng hơn nữa sẽ chuyển đến Hồi sức tích cực”.

Giai đoạn một bệnh viện chỉ có 5 bệnh nhân người Vĩnh Phúc, sang giai đoạn 2 có gần 50 bệnh nhân, gấp 10 lần, phạm vi điều trị mở rộng ra, đến nhiều khoa hơn.

“Hơn nữa, đợt một không có ca bệnh nặng. Còn đợt hai, bệnh viện phải huy động nhiều nhân lực”, bác sĩ cho biết. Bệnh viện có tổng cộng khoảng 350 y bác sĩ thì 150 người được điều động vào tuyến trong. Trong đó có hai bác sĩ từ Bệnh viện Bạch Mai sang hỗ trợ.

Bác sĩ Cấp sắp xếp, lên kế hoạch làm việc cho 150 y bác sĩ này. Có 4 kíp làm chia ra 3 ca một ngày. Bác sĩ làm ca sáng, ca chiều sẽ được nghỉ ca tối, rồi sáng hôm sau lại làm tiếp, anh cho biết.

Phác đồ điều trị của Việt Nam xuất phát từ nghiên cứu của Trung Quốc cũng như những kinh nghiệm của thầy thuốc đúc kết qua nhiều năm và được cập nhật thường xuyên. Điều trị cho vài chục bệnh nhân, đến vài trăm, vài nghìn bệnh nhân, phác đồ luôn có những điểm mới.

Bệnh nhân dương tính nCoV ở Việt Nam chủ yếu được điều trị bằng thuốc, điều trị theo triệu chứng. Với các bệnh nhân có bệnh lý nền, tình trạng suy hô hấp, tổn thương phổi nặng, sẽ được thở máy, lọc máu… tùy tình trạng, nặng hơn thì các bác sĩ quyết định can thiệp bằng hệ thống tuần hoàn oxy ngoài cơ thể (ECMO).

Bác sĩ Cấp trong bộ đồ bảo hộ (trái), đi thăm các bệnh nhân Covid-19 tại Khoa Cấp cứu chiều 24/3. Ảnh: Ngọc Thành

Khi biết tin một đồng nghiệp tại bệnh viện bị lây nhiễm, là “bệnh nhân 116”, bác sĩ Cấp và đồng nghiệp không khỏi lo lắng, dù anh luyện tinh thần “vững như thép” qua nhiều vụ dịch.

“Thật ra chúng tôi lo lắng, nhắc nhau không chủ quan từ khi các bác sĩ bên Trung Quốc nhiễm bệnh. Không quan trọng là trong nước hay ngoài nước, bởi dù ở Trung Quốc hay các nước khác thì họ vẫn là con người với nhau. Đồng nghiệp bị nhiễm bệnh là nguy cơ lớn đối với nhân viên y tế”, anh nói.

Tình hình sức khỏe hiện tại của bác sĩ bị lây nhiễm ổn định, có sốt, không ho, tiên lượng ổn. Những người tiếp xúc gần với bệnh nhân đều có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1, vẫn tiếp tục phải cách ly.

Ngay từ khi có dịch, mức cảnh báo của bệnh viện luôn ở mức tối đa, không thể nâng thêm được nữa.

“Nhân viên y tế nhiễm bệnh là chuyện không may”, hơi cúi mặt xuống, anh bộc bạch. “Dù rằng mình có thực hiện nghiêm chuẩn chỉnh đến đâu thì sơ suất vẫn có thể xảy ra”.

Song, không vì thế mà anh nản lòng. Bác sĩ Cấp truyền niềm tin đến đồng nghiệp và nhân viên cấp dưới rằng càng phải cẩn trọng và vững tin hơn nữa. Với anh, hiện giờ lượng công việc như vậy chưa phải quá tải. Nhưng nếu số bệnh nhân Covid-19 đông hơn, bác sĩ chưa dám nói.

Bác sĩ Cấp cùng các đồng nghiệp họp trực tuyến với thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn ngày 24/3. Ảnh: Ngọc Thành

Bốn phía hành lang lác đác người. Bác sĩ Cấp lặng lẽ bước vào bên trong. Các y bác sĩ không chỉ hạn chế tiếp xúc với cộng đồng, mà còn hạn chế tiếp xúc với nhau.

Được nhắc chuyện gần hai tháng chưa về nhà, bác sĩ Cấp chỉ cười xòa. “Với chúng tôi, có lẽ bây giờ chỉ có công việc. Còn gia đình, dù nhớ, tôi vẫn phải tập trung toàn lực và tâm trí chữa trị cho các bệnh nhân.

“Không biết dịch bệnh bao giờ mới kết thúc, vẫn phải chiến đấu thôi”, anh nói.

 

Theo VNE

Video hay

Cùng chuyên mục

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Miễn phí đường bộ đối với xe chở hàng cứu trợ

Miễn phí đường bộ đối với xe chở hàng cứu trợ

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Ngày Kỉ niệm 79 năm Quốc khánh của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Perth

Ngày Kỉ niệm 79 năm Quốc khánh của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Perth

Vĩnh Linh – Viết tiếp bài ca truyền thống

Vĩnh Linh – Viết tiếp bài ca truyền thống

Hành trình đến với danh hiệu Hoa hậu Nhân ái của doanh nhân Nguyễn Thị Phương

Hành trình đến với danh hiệu Hoa hậu Nhân ái của doanh nhân Nguyễn Thị Phương

Tăng cường kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu làm bánh Trung thu

Tăng cường kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu làm bánh Trung thu

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU TỪ DU THUYỀN TRÊN DÒNG LA GIANG

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU TỪ DU THUYỀN TRÊN DÒNG LA GIANG

Đại hội Hội hữu nghị Việt – Nhật tại Đà Nẵng

Đại hội Hội hữu nghị Việt – Nhật tại Đà Nẵng