Không chỉ gây tổn hại sức khỏe trước mắt mà ngủ ngáy có thể gây biến chứng lâu dài trên các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là tim và não, thậm chí gây tử vong.
Vì bị than phiền quá nhiều về tiếng ngáy khi ngủ, anh N.T.A (40 tuổi; ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) đến bệnh viện khám. Sau khi được bác sĩ tư vấn, thăm khám, anh mới biết đó là bệnh.
Bệnh nguy hiểm nhưng ít được quan tâm
“Tình trạng ngủ ngáy không phải riêng mình bị nên cứ nghĩ bình thường. May mắn, tôi thăm khám sớm nên chỉ cần thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt sẽ cải thiện” – anh A. nói.
Bác sĩ Tạ Vương Khoa, Phó trưởng Khoa Nội thần kinh Bệnh viện Quân y 175 (TP HCM), cho biết hội chứng ngưng thở khi ngủ là hiện tượng lưu thông không khí qua vùng mũi họng bị cản trở xảy ra trong lúc ngủ, không khí đến phổi bị gián đoạn, giảm trao đổi khí tại phổi, độ bão hòa ôxy trong máu giảm, máu không cung cấp đủ ôxy cho các cơ quan trong cơ thể.
Theo bác sĩ Khoa, nguyên nhân thường do tình trạng quá phát mô mềm vùng mũi họng làm hẹp hay tắc đường thở, chẳng hạn lưỡi quá to, phì đại vòm miệng, phì đại lưỡi gà, phì đại amidan, phì đại cuống mũi, polyp mũi…
“Bệnh thường xảy ra lúc nằm ngủ vì ngủ là thời điểm các cơ vùng họng doãi ra, tư thế nằm khiến mô mềm và các cơ vùng họng rủ xuống theo trọng lực, lấp đường thở. Xương hàm nhỏ, cằm lẹm làm hẹp đường thở cũng là nguyên nhân. Bên cạnh đó, người béo phì thường đi kèm vòng cổ to, chèn ép họng làm hẹp đường thở, tỉ lệ mắc bệnh cao gấp 4 lần so với người không béo phì. Sử dụng bia, rượu, thuốc an thần trước khi ngủ làm tăng nguy cơ bị hội chứng ngưng thở khi ngủ” – bác sĩ Khoa giải thích.
Bác sĩ chuyên khoa II Lê Thanh Lâm, Khoa Phẫu thuật đầu cổ Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM, cho biết hội chứng tắc nghẽn, ngưng thở khi bệnh nhân tới khám thường than phiền nhiều nhất là ngủ ngáy còn những dấu hiệu khác không nhận ra.
“Người bệnh sẽ được chỉ định khám lâm sàng, xét nghiệm, kiểm tra tổng quát mũi họng. Sau khi loại trừ các bệnh liên quan tai, mũi, họng, bệnh nhân sẽ được đo đa ký giấc ngủ. Đây là tiêu chuẩn vàng để đánh giá hội chứng ngưng thở, tắc nghẽn khi ngủ” – bác sĩ Lâm cho biết.
Đo đa ký được thực hiện trong suốt giấc ngủ của bệnh nhân. Bệnh nhân sẽ được gắn những bộ phận nhận cảm lên một số vị trí trên người như đầu, mặt, ngực, chân, đầu ngón tay để ghi nhận một số kết quả của người bệnh trong suốt giấc ngủ. Máy đa ký giấc ngủ sẽ ghi điện não, điện tim, điện cơ mắt, điện cơ cằm, điện cơ chân, độ bão hòa ôxy trong máu, thông khí hô hấp, chuyển động cơ hô hấp, tiếng ngáy của bệnh nhân. Đo đa ký giấc ngủ hoàn toàn không gây đau đớn.
Ngoài ra, bệnh nhân sẽ thực hiện nội soi ống mềm khi ngủ nhằm kiểm tra vùng tắc nghẽn và mức độ tắc nghẽn khi bệnh nhân ngủ để có thể tìm ra phương pháp điều trị phù hợp nhất cho bệnh nhân.
Có thể gây tử vong
Bác sĩ Lê Thanh Lâm cho biết ngưng thở khi ngủ có thể gây ra thiếu ôxy toàn thân, ảnh hưởng đến các cơ quan như tim, phổi, thận, tuyến tụy, não…, từ đó gây rối loạn chuyển hóa, tăng huyết áp, tăng nguy cơ đột quỵ do nhồi máu não, nhồi máu cơ tim. Chính vì vậy, tình trạng ngưng thở khi ngủ kéo dài có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và có nguy cơ gây đột tử.
Theo bác sĩ Tạ Vương Khoa, hội chứng này không chỉ gây tổn hại sức khỏe trước mắt mà nguy hiểm hơn, như một “sát nhân” thầm lặng gây biến chứng lâu dài trên các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là tim và não, thậm chí gây tử vong.
Triệu chứng nổi bật nhất của hội chứng này là ngủ ngáy. Bệnh nhân ngáy rất to, có lúc gián đoạn nhịp thở, sau đó thở phì phò, thở hổn hển, có khi giật mình thức giấc. Chu kỳ như vậy lặp đi lặp lại vài chục, vài trăm lần trong giấc ngủ và được người ngủ chung giường thuật lại chứ đa phần người bệnh không hay biết.
“80%-90% người bị hội chứng ngưng thở khi ngủ có triệu chứng ngủ ngáy nhưng chỉ 50% người hay ngủ ngáy là thật sự bị hội chứng ngưng thở khi ngủ” – bác sĩ Khoa lưu ý.
Bác sĩ Khoa nhấn mạnh hội chứng ngưng thở khi ngủ tác động tiêu cực lên mạch máu não gây đột quỵ. Lý giải điều này, bác sĩ Khoa cho biết cách mà hội chứng ngưng thở khi ngủ tác động tiêu cực lên mạch máu não gây đột quỵ khá đa dạng, bao gồm thúc đẩy tình trạng xơ vữa mạch máu, gây rối loạn huyết động học do làm dao động huyết áp, viêm mạch máu do tăng phóng thích các yếu tố gây viêm và stress ôxy hóa, tăng bất thường hoạt tính đông máu…
“50%-70% bệnh nhân đột quỵ có hội chứng ngưng thở khi ngủ, đặc biệt tỉ lệ này lên đến 85% đối với đột quỵ vùng thân não. Tử vong cao hơn 75% ở bệnh nhân đột quỵ cấp có hội chứng ngưng thở khi ngủ vừa và nặng so với bệnh nhân không có hội chứng này” – bác sĩ Khoa thông tin.
Tổng hợp