Cho đến nay, làng cổ Đường Lâm còn lưu giữ được khoảng 900 ngôi nhà truyền thống, nhiều ngôi nhà có niên đại hàng trăm năm tuổi.
Cách Hà Nội 40 km về phía Tây, nằm cạnh QL32, Đường Lâm là làng cổ đầu tiên ở Việt Nam được trao bằng Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia. Hiện nay, nơi đây vẫn còn giữ được những nét đặc trưng cơ bản của một ngôi làng Việt với cổng làng, cây đa, bến nước.
Cho đến nay, làng cổ Đường Lâm còn lưu giữ được khoảng 900 ngôi nhà truyền thống, nằm ở các làng Đông Sàng, Mông Phụ và Cam Thịnh. Có nhiều ngôi nhà đã có niên đại hàng trăm năm tuổi.
Ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Hùng có niên đại gần 400 năm tuổi, với 12 thế hệ đã từng sinh sống, Cũng như những ngôi nhà cổ khác tại Đường Lâm, ngôi nhà của ông Hùng được thiết kế 4 gian phòng khách và 2 buồng 2 bên. Ngôi nhà phần lớn được xây dựng bằng gỗ nhưng đã bị bào mòn theo thời gian.
Cổng nhà được làm hoàn toàn bằng đá ong. Theo ông Hùng, trước khi được công nhận là nhà cổ thì đã có nhiều người tới hỏi mua ngôi nhà với giá hơn 1 tỷ đồng nhưng ông không bán vì muốn giữ lại những nét cổ truyền, văn hóa cho con cháu.
Ngôi nhà của ông Cao Văn Toàn (56 tuổi, Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội) đã có niên đại 401 năm, 10 thế hệ con cháu đã sống tại đây. Ngôi nhà được coi là một trong những biểu tượng của Đường Lâm.
Hầu hết các ngôi nhà truyền thống tại Đường Lâm đều được trùng tu để đảm bảo cho việc sinh hoạt nhưng ngôi nhà của ông Toàn mọi thứ vẫn được giữ nguyên vẹn. Từ cột gỗ, ngói đỏ, gạch nung, cho tới vách tre… Chính điều này đã làm nên giá trị “vô giá” cho ngôi nhà.
Ngôi nhà được thiết kế 4 gian giữa và 2 gian buồng 2 bên, kiểu thiết kế đặc trưng của kiến trúc Bắc bộ xưa. Nhiều vật dụng cổ xưa quen thuộc trong sinh hoạt vẫn được gia đình ông Toàn lưu giữ.
Gia đình ông Toàn hiện nay có 3 thế hệ đang sống trong nhà cổ. Trong đó, vợ chồng ông với người co Ông Cao Văn Toàn cho biết, căn nhà từng được trả giá trên 10 tỷ nhưng ông không bán. “Đây là ngôi nhà tổ tiên để lại qua nhiều thế hệ cha truyền con nối nên tôi không bao giờ nghĩ tới việc sẽ giao nó cho người chủ nhân khác. Căn nhà không chỉ có những giá trị về vật chất mà với gia đình tôi đó còn là những giá trị không thể thay thế về truyền thống gia đình”, ông Toàn khẳng định.
Ngôi nhà cổ 300 tuổi của ông ông Hà Hữu Thể (ở xóm Xui, thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm) là di tích được xếp hạng nhà cổ dân sinh loại một. Nhà gồm 7 gian, được gắn kết theo lối cổ truyền, hoàn toàn dùng mộng mà không cần đến chiếc đinh sắt nào…
Căn nhà ông Phan Văn Dũng được xây dựng từ năm 1854, là một căn nhà cổ 7 gian, 11 thế hệ con cháu đã từng sinh sống tại đây. Ngôi nhà được thiết kế theo lối kiến trúc nhà Bắc Bộ xưa.
Năm 2006, Đường Lâm nhận danh hiệu làng cổ cấp quốc gia, mỗi năm nơi đây đón khoảng 17 vạn du khách.
Sống trong căn nhà cổ với niên đại hàng trăm năm, nhiều nhà có thu nhập từ việc đón khách du lịch thế nhưng người dân nơi đây đã nhiều lần viết đơn kêu cứu, đòi trả lại bằng di sản do những bất tiện trong sinh hoạt và những thủ tục phức tạp khi sửa chữa lại nhà.
Theo Dân trí