Danh thơm đất học Kim Hoàng

15:00 | 29/03/2022

Không chỉ nổi tiếng với dòng tranh dân gian, Kim Hoàng còn là làng khoa bảng với những vị đại khoa – nhà sư phạm nổi tiếng thời phong kiến. 


Kim Hoàng là đất khoa bảng và được liệt vào “tứ danh hương”.

Làng Kim Hoàng xưa thuộc tổng Hương Canh, huyện Từ Liêm, nay thuộc xã Vân Canh (Hoài Đức – Hà Nội). Không chỉ là vùng đất văn hiến với câu nói “Mỗ, La, Canh Cót – tứ danh hương”, Kim Hoàng còn là quê hương của nhà sư phạm nổi tiếng trong lịch sử: Lý Trần Quán – người đã lấy cái chết để trả giá khi quá tin học trò.

Làng cổ giỏi nghề tranh

Theo PGS.TS Bùi Xuân Đính – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, làng Kim Hoàng vốn gồm hai làng Kim Bảng và Hoàng Bảng hợp thành vào đầu thế kỷ 18. Làng Kim Bảng ở phía trái đình hiện nay, làng Hoàng Bảng ở bên phải đình. Cả hai làng đều thờ thần Sông và thần Đất, sau khi dựng đình chung thì cùng rước hai vị vào thờ ở đình. Bức hoành phi “Lưỡng Bảng hội đình” ở gian giữa đình làng cho biết điều này.

Cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn, làng Kim Hoàng cùng các làng Hậu Ái và An Trai hợp thành xã Vân Canh thuộc tổng Hương Canh. Thời Đồng Khánh (1886 – 1888), đổi thành Phương Canh, huyện Từ Liêm phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây.

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Vân Canh một xã thuộc huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Đông. Tháng 11/1946, xã Vân Canh hợp nhất với xã Phương Canh thành Liên xã Canh, sau đổi thành xã Thọ Nam, gồm 7 thôn (làng): An Trai, Kim Hoàng, Hậu Ái, Hòe Thị, Thị Cấm, Ngọc Mạch và Miêu Nha). Đến giữa năm 1956, xã Thọ Nam được tách thành hai xã Thọ Nam và Xuân Thủy.

Tổng Hương Canh xưa có hai xã là Hương Canh và Vân Canh, gồm tất cả 7 làng Canh. Đây là một vùng đất cổ, các làng Canh đều được gọi theo Nôm là Kẻ Canh, cư dân đến sống ở đây ít nhất cũng từ đầu Công nguyên.

Theo bản ngọc phả do Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính soạn, từ đời Vua Hùng thứ 18, ông Phan Tây Nhạc đã từ Châu Ái (Thanh Hóa) ra vùng Canh cư ngụ. Sau ông có theo Tản Viên Sơn Thánh đi đánh quân Thục nên được Vua Hùng gả cháu gái và cho phong ấp ở vùng Canh.

Người dân làng Kim Hoàng hầu hết là nông dân thuần túy, canh tác giỏi, nhưng đều say mê nghề mỹ nghệ và rất khéo tay. Từ xưa, người Kim Hoàng đã thạo nghề sơn, thêu… nhưng nghề nổi tiếng khắp thiên hạ là nghề vẽ tranh. Đến mức người tứ xứ gọi là Phường Kim Hoàng, với ý tôn vinh một làng nghề có uy tín.

Theo truyền thống, hàng năm, cứ đến Rằm tháng 11 âm lịch người Kim Hoàng tổ chức giỗ Tổ phường, rồi chia ván in tranh cho các thành viên. Các nghệ nhân Kim Hoàng tập trung vào việc in, vẽ tranh suốt cả tháng. Đến Rằm tháng Chạp, phường Kim Hoàng làm lễ tế Thánh sư, rồi đưa tranh đi chợ bán.

Giữa tháng Giêng hết mùa tranh Tết, chủ phường lại thu hồi ván in về quản giữ chu đáo. Trong lịch sử làng Kim Hoàng, có một tai họa khốc liệt, là trận vỡ đê Liên Mạc năm 1915, nước lũ cuốn trôi nhiều tài sản cửa nhà và rất nhiều ván in tranh. Đó là một tổn thất quá lớn đối với phường tranh Kim Hoàng nói riêng, và với nền mỹ thuật dân gian Việt Nam nói chung.

Tranh dân gian Kim Hoàng vẫn được lưu truyền rộng rãi.

Đời nối đời đỗ đại khoa

Không chỉ là một vùng đất cổ, lưu giữ nhiều giá trị văn hoá nghệ thuật dân gian, Kim Hoàng còn được biết đến bởi sự hiếu học, học giỏi và có nhiều nhà khoa bảng lớn, có nhiều cống hiến cho đất nước.

Mặc dù là vùng đất cổ, nhưng làng Kim Hoàng có lịch sử khoa cử và đỗ đạt khá muộn. Theo các nguồn sử liệu, người đỗ đầu tiên là ông Trần Hiền sinh năm 1684, Tiến sĩ khoa Quý Sửu (1733) đời vua Lê Thuần Tông.

Trước đó, năm 25 tuổi, ông đã đỗ Hương cống, mở trường dạy học và có khá đông học trò. Khoa thi Quý Sửu (1733), cùng đỗ Tiến sĩ với Trần Hiền còn có 3 học trò của ông là Trần Mô, Trần Đồng và Trần Danh Tiêu. Sau khi đỗ, Trần Hiền làm quan đến chức Hàn lâm viện Đãi chế.

Con Trần Hiền là Trần Huân, hiệu là Yên Lý tiên sinh đậu Cử nhân khoa Ất Dậu (1745), được bổ nhiệm làm Tri phủ Lâm Thao. Vài chục năm sau, cháu nội Trần Hiền và là con Trần Huân là Trần Bá Lãm (1758 – 1815) đỗ Tiến sĩ khoa Đinh Mùi (1787), đời Lê Mẫn Đế, sau làm quan tới chức Lại khoa cấp sự trung, rồi Đốc đồng xứ Hải Dương, hàm Đông các Đại học sĩ.

Trần Bá Lãm là học trò của Tiến sĩ Nguyễn Quí Hiển. Ông đậu giải nguyên khoa thi hương năm Cảnh Hưng thứ 40 (1779) lúc tròn 22 tuổi. Năm Cảnh Hưng thứ 44, ông phụng mệnh làm phúc khảo trường thi Nghệ An khoa Quý Mão (1783). Năm Nhâm Ngọ (1786), khi hoàng tự tôn của vua Lê Hiện Tông là Lê Duy Kỳ lên nắm chính sự, ông sung chức thị nội văn chức.

Khi Lê Duy Kỳ chính thức lên ngôi, đặt niên hiệu Chiêu Thống, để thu phục nhân tâm và theo đề nghị của Nguyễn Hữu Chỉnh, cho mở chế khoa để thu phục người tài. Số người vào điện thi có tới trên 200, chỉ có hai người được lấy đỗ. Trần Bá Lãm ở vị trí đậu đệ nhất giáp.

Do sinh vào thời thác loạn nên ông chẳng được yên để yến vũ tu văn, bước hoạn đồ của ông chịu nhiều thăng trầm trôi nổi, phải trải qua ba triều đại và năm đời vua. Ông được giữ chức Cấp sự trung rồi thăng Hàn lâm viện Hiệu úy, rồi được bổ giữ chức Hải Dương đốc đồng tham hiệp nhung vụ, được phong tước Canh nhạc bá dưới thời Lê Chiêu Thống.

Con Trần Bá Lãm là Trần Bá Kiên đậu giải nguyên khoa Đinh Mão (1807) sung chức Phó sứ, nhưng vì Chánh sứ không đi được nên ông thay quyền.

Ở Kim Hoàng còn có dòng họ Lý Trần (gốc họ Đặng) có cụ Đặng Trần Diễm là thầy dạy cho 3 người con đều đỗ tiến sĩ, được nhận sắc phong của vua “Giáo tử đăng khoa”. Các con của ông là những nhà khoa bảng nổi tiếng: Lý Trần Quán, Lý Trần Dự, Lý Trần Thản.

Cái chết khảng khái của người thầy

Nhà khoa bảng nổi tiếng nhất của Kim Hoàng là Tiến sĩ Lý Trần Quán – người tự chôn sống vì không dạy dỗ được học trò (tranh minh hoạ IT).

Lý Trần Quán đỗ Tiến sĩ khoa Bính Tuất (1766) đời Lê Cảnh Hưng, làm quan tới chức Hiến sát xứ Hải Dương, Hiệp trấn Sơn Tây. Lý Trần Quán là một tác gia có tiếng đương thời, để lại cho đời tác phẩm “Thiên Nam liệt khoa hội tuyển” và một số thơ văn khác.

Tháng 6 âm lịch năm 1786, quân Tây Sơn vào Thăng Long, quân Trịnh vỡ trận. Chúa Trịnh là Đoan Nam vương Trịnh Khải liệu không cầm cự nổi, đã phải rời bỏ kinh thành, đi theo chỉ còn vài cận thần cùng hơn ngàn quân dắt díu nhau đến địa phận huyện Yên Lãng.

Đến nơi, chúa hỏi cận thần rằng ở địa phương này có ai giỏi, vào hàng tiến sĩ không? Có người biết chuyện chỉ chỗ ở của Tiến sĩ Lý Trần Quán tại làng Hạ Lôi, giữ chức Tri Lại phiên tại phủ chúa và đang đi chiêu phủ tại địa phương.

Lý Trần Quán là người nổi tiếng hiếu nghĩa. Có lần ông tâm sự với người thân: “Ta nay đã bốn chục tuổi đầu, nhưng những việc đã làm trong quãng đời vừa qua của ta, chỉ có ba năm chịu tang này là gần với đạo làm người”.

Khi Lý Trần Quán đến yết kiến, chúa Trịnh Khải nhờ tìm người bảo vệ và đưa đến địa giới huyện Yên Lãng. Quán tiến cử người học trò cũ tên Nguyễn Khang. Sợ để lộ tung tích chúa Trịnh, Quán nói nhờ Khang đưa đường cho quan Tham tụng Bùi Huy Bích.

Song Khang biết rõ chuyện thực và báo cho quân Tây Sơn tới bắt Trịnh Khải. Chúa Trịnh Khải tự tử trên đường đi. Khi bị Lý Trần Quán chỉ trích, Nguyễn Khang đáp: “Sợ thầy không bằng sợ giặc, yêu chúa không bằng yêu mình”.

Tự xét thấy mình không bảo vệ được chúa và không biết dạy dỗ học trò, Lý Trần Quán tự tìm tới cái chết. Ông nhờ chủ trọ mua cho mình một quan tài, mặc nguyên mũ áo nằm vào trong, rồi sai người đem chôn sống sau hai ngày khi Trịnh Khải chết.

Lý Trần Quán được truy phong Công bộ Thượng thư tước Dực Quận công, được phong làm phúc thần. Đời sau có đôi câu đối về hành trạng của ông rằng: “Khảng khái cần vương dị/ Thung dung tựu nghĩa nan” (nghĩa là: Khảng khái làm việc cần vương thì dễ, ung dung làm trọn đại nghĩa thì khó).

Em ruột Lý Trần Quán là Lý Trần Dự, đỗ Tiến sĩ khoa Kỷ Sửu (1769) đời Lê Cảnh Hưng, làm quan đến chức Đốc đồng Lạng Sơn, Hàn lâm viện Đãi chế. Lý Trần Dự là con rể Tiến sĩ Lê Trọng Thứ – cha của Lê Quý Đôn.

Người em cùng cha khác mẹ là Lý Trần Thản cũng đỗ tiến sĩ, giữ chức Tả tư giảng dạy Trịnh Khải. Do tài kiêm văn võ, ông được vua giao trấn giữ Hưng Hóa (Phú Thọ, Sơn Tây), đốc lĩnh các đạo quân ở Tuyên Hưng, được phong Tuy Viễn hầu, Thượng thư Bộ Binh. Hiện nay, tại đình Thanh Liệt thờ Chu Văn An và cháu bốn đời Chu Đình Báo còn lưu nhiều dấu tích của Lý Trần Thản.

Ngoài các vị đại khoa, làng Kim Hoàng còn 31 người đỗ Hương cống, Cử nhân và nhiều người đỗ Sinh đồ, tú tài. Bởi vậy, từ xa xưa Kim Hoàng đã trở thành vùng đất văn hiến và được liệt vào hàng “tứ danh hương”: Mỗ, La, Canh Cót.

Theo Giáo dục & Thời đại

Cùng chuyên mục

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ tháng 8/2024

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ tháng 8/2024

Thủ tướng chung vui lễ khai giảng tại ngôi trường đặc biệt của Thủ đô

Thủ tướng chung vui lễ khai giảng tại ngôi trường đặc biệt của Thủ đô

Thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi ngành giáo dục nhân dịp khai giảng

Thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi ngành giáo dục nhân dịp khai giảng

Lãnh đạo các nước gửi điện, thư chúc mừng 79 năm Quốc khánh Việt Nam

Lãnh đạo các nước gửi điện, thư chúc mừng 79 năm Quốc khánh Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính phân công nhiệm vụ của các Phó Thủ tướng Chính phủ

Thủ tướng Phạm Minh Chính phân công nhiệm vụ của các Phó Thủ tướng Chính phủ

Thủ tướng Phạm Minh Chính giao nhiệm vụ cho 3 Phó Thủ tướng và 2 Bộ trưởng

Thủ tướng Phạm Minh Chính giao nhiệm vụ cho 3 Phó Thủ tướng và 2 Bộ trưởng

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước trao quyết định bổ nhiệm 3 Phó Thủ tướng và 2 Bộ trưởng

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước trao quyết định bổ nhiệm 3 Phó Thủ tướng và 2 Bộ trưởng

Quốc hội bắt đầu phiên họp bất thường xem xét công tác nhân sự

Quốc hội bắt đầu phiên họp bất thường xem xét công tác nhân sự

Công bố quyết định của Bộ Chính trị phân công Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và Trưởng Ban Dân vận Trung ương

Công bố quyết định của Bộ Chính trị phân công Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và Trưởng Ban Dân vận Trung ương