Ở nước ta hiếm có nơi nào được như làng Sủi. Không chỉ được ban ‘Trung Nghĩa’, làng Sủi còn vang danh khoa bảng với 10 đại khoa – là quê hương của Thái hậu Ỷ Lan, và Thánh thi Cao Bá Quát.
Nói đến Phú Thị (Gia Lâm, Hà Nội), người ta không chỉ nói đến một vùng đất cổ thuộc trung tâm hương Siêu Loại xưa, mà còn là ngôi làng khoa bảng.
Theo các sách đăng khoa lục, dưới thời phong kiến làng Sủi có 10 người đỗ đại khoa, thuộc hàng “Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân”, và là 1 trong 21 làng có từ 10 tiến sĩ trở lên.
Mộ phát khoa bảng
Nhắc tới Phú Thị, nhiều người sẽ nhớ tên địa danh làng Sủi. Khoảng 5 năm đầu niên hiệu Cảnh Hưng (1740 – 1745), làng Sủi bị giặc giã nhiều lần quấy nhiễu, nhưng dân làng anh dũng đẩy lùi. Do vậy năm 1746, chúa Trịnh đã ban cho làng ba chữ “Trung Nghĩa lý” (làng Trung Nghĩa). Từ đó làng Sủi còn được gọi là làng Trung Nghĩa.
Chính tại làng Sủi, vua Lý Thánh Tông đã gặp và đưa về cung người con gái hái dâu tài sắc vẹn toàn, để sau này bà trở thành hoàng hậu, 2 lần nhiếp chính giúp vua giữ nước. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép rõ: “… năm Thiên Huống Bảo Tượng (1068) đổi hương Thổ Lỗi thành hương Siêu Loại, vì đó là quê của Nguyên phi Ỷ Lan”.
Làng Sủi “góp mặt” vào khoa bảng tương đối muộn, mãi đến khoa thi Quý Mùi niên hiệu Chính Hòa (1703) mới có người đỗ đại khoa đầu tiên là Nguyễn Huy Nhuận. Trong 10 vị đại khoa của làng Sủi, họ Nguyễn Huy đông nhất với 5 người, các vị khác thuộc họ Cao, Đoàn, Trịnh, Trần, Nguyễn Xuân.
Gia phả họ Nguyễn cho biết, cụ tổ thứ hai của họ Nguyễn là Đức Hữu có ba người con trai: Đôn Thận, Đôn Tập và Siêu Lang. Khi cụ mất, các con theo lời thầy địa lý, chôn cụ tại một đám đất hình Mộc tinh xứ Mả Cả, sát một vũng trâu đầm.
Được hơn nửa tháng, con cháu trong nhà lần lượt ốm đau, mắc bệnh, nghĩ rằng mộ cha bị động nên di đi nơi khác. Khi đang đào, thì trời nổi mưa gió không thể đào tiếp được. Từ trong tiếng mưa gió gào thét, bỗng vang lên tiếng trẻ hát rằng: “Biết đâu đã hẳn hơn đâu, có chốn thì cầu, có chốn thì vong”.
Các con bàn nhau không đào nữa, chỉ đắp thêm rồi ra về. Từ sau đấy, gia đình hết ốm đau, bệnh tật, làm ăn lại phát đạt và con cháu học hành tấn tới, thành đạt về khoa cử. Đó là Nguyễn Huy Nhuận (con ông Đôn Thận), Nguyễn Huy Mãn (con ông Đôn Tập) và Nguyễn Huy Thuật (con ông Siêu Lang).
Bốn vì hiển vinh
Tiến sĩ Nguyễn Huy Nhuận (1678 – 1758), sau làm quan Thượng thư các bộ: Công, Lễ, Hộ, và cao nhất là Tham tụng (Tể tướng), được cử làm Phó sứ sang nhà Thanh. Tháng Chín năm Mậu Thân (1728), Nguyễn Huy Nhuận được cử lên Tuyên Quang, cùng với Tế tửu Quốc Tử Giám Nguyễn Công Thái nhận vùng đất có mỏ đồng Tụ Long và lập mốc giới ở khu vực sông Đỗ Chú.
Đầu năm ất Sửu (1745), sau khi đã về nghỉ được hai năm, ông lại được chúa Trịnh vời ra giúp triều chính. Bấy giờ, bốn phương không yên, giặc giã nổi dậy, giấy tờ việc binh bề bộn. Nguyễn Huy Nhuận nắm giữ cả việc quân sự và hành chính, cai quản tướng sĩ, khuyên bảo quan lại dẹp giặc yên dân.
Họ Cao ở làng Sủi, sau khi Cao Bá Quát nổi dậy chống triều đình và bị trả thù vào giữa thế kỉ 19, con cháu họ Cao chạy đi các nơi. Họ Cao vốn từ làng Bút Sơn (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) chuyển cư ra Bắc; lúc đầu sống ở làng Thuận Quang (nay thuộc xã Dương Xá), sau di sang Phú Thị (khoảng đầu thế kỉ 17), tính đến Cao Bá Quát là 10 đời.
Hiện tại họ Cao vẫn lấy tiến sĩ, Thượng thư Cao Dương Trạc làm tổ. Mặc dầu vậy những ghi chép trong chính sử cùng lưu truyền dân gian ở làng Sủi cho người đời sau biết được, họ Cao Phú Thị một thời từng là dòng họ khoa bảng, tài hoa, với 1 tiến sĩ thời Lê, 5 cử nhân thời Nguyễn, có nhiều người nổi tiếng về thơ văn.
Theo lưu truyền dân gian ở làng Sủi thì tổ của họ Trịnh ở đây là Trịnh Bá Tướng, quê ở Đô Lương (Nghệ An). Ông được bố đưa ra học thầy Nguyễn Huy Nhuận rồi lập nghiệp ở quê thầy. Khi ra học Huy Nhuận, Trịnh Bá Tướng đã bước sang tuổi 16 nhưng chưa hề nhận biết mặt chữ.
Bố ông nói với Nguyễn Huy Nhuận: “Nhà tôi ăn mặc may cũng vừa đủ, chỉ có điều có đứa con trai đã 16 tuổi mà chưa biết chữ, sau này dễ bị người khác lừa. Tôi đem gửi nó cho anh, xin cho nó được ăn mày dăm ba chữ, để mong khi làm giấy tờ khỏi phải điểm chỉ”.
Với trí thông minh, ham học lại được thầy giỏi chỉ bảo, 14 năm sau ông dự kì thi hội đỗ tiến sĩ khoa Tân Sửu niên hiệu Bảo Thái đời Lê Dụ Tông (1721). Sau khi đỗ, ông rời làng đi làm quan. Hiện ở làng vẫn còn nhà thờ và sắc phong của ông.
Cạnh họ Trịnh là họ Trần, theo “Thế ngọc đường gia phả tựa”, họ Trần vốn thuộc dòng dõi Trần Quốc Tuấn, sau này phát triển đông đúc ở nhiều nơi. Cụ thủy tổ đến làng Phú Thị tên là Trần Quốc Thạch, lấy con gái họ Nguyễn Xuân. Hai ông bà sống bằng nghề cáng thuê.
Một lần, hai ông bà đi làm, đến ngã tư ấp Sủi, thấy có một người ốm yếu nằm bên đường. Động lòng thương, ông bà đưa người đó về nhà cho ăn cơm, uống thuốc. Được vài ngày, bệnh tình người đó không thuyên giảm.
Biết không thể sống được nữa, người đó nói với ông bà rằng: “Tôi vốn là một thầy địa lý, không may gặp phải nạn này. Ông bà quả là người giàu lòng nhân đức, không biết lấy gì để tạ ơn, tôi chỉ xin được đặt chỗ đất tốt để ông bà đặt mộ sau này, con cháu sẽ phát đạt”.
Rồi ông địa lý lấy bút vẽ sơ đồ chỗ đất để táng mộ về sau. Vẽ xong, người ấy lịm dần. Lo mai táng cho thầy địa lí người Tàu xong, ông bà bỏ nghề cáng thuê, chuyển sang buôn bán, tần tảo nuôi các con ăn học. Trước khi mất, ông bà dặn lại các con chôn mình đúng nơi thầy địa lý chỉ dẫn.
Mộ tọa Quý, hướng Đinh, đằng trước có ruộng trũng, dáng như một nghiên mực, đằng sau – phía xa xa có gò tựa cái lọng che, hai bên cạnh mộ có hai dải đất tựa dải mũ, xa hơn một chút là các gò voi phục, ngựa quỳ. Đúng như lời thầy địa lý, ông bà có 3 người con trai đều đỗ đạt, có cháu nội là Trần Huy Liễn đỗ tiến sĩ (1779).
Đồng triều tứ Thượng thư
Trong các tiến sĩ của làng Sủi, nhiều người đã đảm nhận các trọng trách trong bộ máy chính quyền trong triều đình. Nếu họ Nguyễn Huy có “nhất môn tam tiến sĩ”, thì cả làng lại có “Đồng triều tứ thượng thư”.
Bốn người cùng làm Thượng thư trong triều là các tiến sĩ: Nguyễn Huy Nhuận, Cao Dương Trạch, Trịnh Bá Tướng và Đoàn Bá Dung. Điều đặc biệt, ít thấy trong lịch sử khoa cử và quan trường Việt Nam là cả bốn người đều ở một ngõ. Câu thơ trong Kinh Bắc phong thổ diễn quốc sự: Chung linh đất Sủi ai bì/Thượng thư một ngõ, bốn vì hiển vinh.
Sử cũ ghi nhận, Nguyễn Huy Nhuận, Cao Dương Trạc, Đoàn Quang Dung, Trịnh Bá Tướng đều là người Phú Thị, đều đỗ Tiến sĩ, cùng tham gia vào những chính sách lớn của triều đình Lê – Trịnh trong hơn 10 năm từ thập kỉ 30 đến thập kỉ 40 thế kỉ 18.
Lưu truyền dân gian kể lại rằng, thời kì làng Sủi có 4 thượng thư trong triều, lại thêm Phạm Khiêm Ích (người làng Then cùng tổng Kim Sơn với làng Sủi) là Thượng thư bộ Lễ, chiếm gần hết quan đầu triều nên mỗi khi họp triều đình, chúa Trịnh thường nói vui là “họp bàn chuyện hàng tổng Kim Sơn”.
Ở làng Sủi bây giờ vẫn còn lưu truyền bài thơ: “Triều đình sáu bộ Thượng thư/Làng ta được bốn, từ xưa mấy làng?/Bầu hoa chén rượu cúc vàng/ Ba quan hưu trí cẩm đường tiêu dao/Rừng nho nối gót vân tiêu/Trâm anh lần lượt biết bao nhiêu người”.
Giải thích về sự đỗ đạt, người làng Sủi cho rằng là vùng đất có truyền thống hiếu học nhất trong “tứ trấn”. Quanh làng Sủi có một vệt làng cũng rất thành đạt về học hành như làng Kim Sơn với dòng họ Nguyễn (của Nguyễn Mậu Tài), làng Lạc Đạo với dòng họ Dương, tạo ra sự ganh đua.
Làng ở vị trí giao thông thuận lợi, có điều kiện để phát triển kinh tế. Đồng thời, làng nằm trên đường thiên lí từ kinh đô Thăng Long đi về hướng Đông Bắc, chỉ khoảng 20km, rất thuận lợi cho việc đi học và nhất là đi thi.
Cùng với đó là truyền thống và sự hi sinh của các bậc cha mẹ đối với việc học của con cái. Bố của Trịnh Bá Tướng lặn lội từ Nghệ An đưa con ra tận Phú Thị, hoặc như ông Đôn Thận dối dặn khi không cần phải mua quan tài, dành 3 sào ruộng để mà học hành.
Các dòng họ ở Phú Thị còn có truyền thống dạy nhau mà thành đạt. Nguyễn Huy Nhuận sau khi đỗ đã dạy các em con nhà chú là Nguyễn Huy Mãn, Nguyễn Huy Thuật. Rồi đến lượt Huy Mãn và Huy Thuật lại dạy các cháu. Anh dạy em, cha dạy con, chú bác dạy cháu… nhờ đó mà dòng họ này chỉ trong hơn 70 năm đã có 5 tiến sĩ và 7 hương cống.
Trong các tiến sĩ làng Sủi, nhiều người đã đảm nhận các chức vụ quan trọng trong triều đình. Không chỉ là “một nhà ba tiến sĩ”, mà còn “Đồng triều tứ Thượng thư”, bốn người cùng làm Thượng thư trong triều. Đó là điều đặc biệt, ít thấy trong lịch sử khoa cử và quan trường nước ta thời phong kiến – PGS.TS Bùi Xuân Đính, Viện Dân tộc học.
Theo Giáo dục và Thời đại