NGÕ HẺM – NƠI LƯU GIỮ HỒN PHỐ GIỮA LÒNG ĐÔ THỊ

20:47 | 21/01/2024

Hãy thử hình dung, nếu chúng ta nhắm mắt lại có thể vẽ được bao nhiêu con đường trong ký ức? Đối với tôi, mọi nẻo đường đều nhạt nhòa giữa vùng ký ức mênh mông. Hình ảnh phố xá giống như những mảnh ghép rời rạc trong một tổng thể rộng lớn. Thị giác con người thật khó nắm bắt sự chuyển động không ngừng, giác quan chưa kịp hoàn thành bức vẽ chi tiết về đường phố thì đã bị não bộ xóa đi.

Trong quá trình đô thị hóa, phố xá thường phải nhường không gian cho đường sá. Đường sá ngày một mở rộng, còn phố xá ngày càng bị thu hẹp. Công năng của đường vượt trội hơn tính năng của phố. Địa bàn cư trú vì thế phải chia xẻ bớt không gian cho đường cùng các thiết chế phục vụ nhu cầu sinh hoạt, như cửa hàng, siêu thị, cây xăng, ngân hàng… Tất cả mọc lên nhằm tạo diện mạo mới cho bức tranh đô thị. Cùng với đó, người phố cũ ra đi, người nơi khác chuyển đến. Sự dịch chuyển này cũng làm tăng quá trình tái cấu trúc cư dân đô thị, ẩn sâu xuống lòng “địa tầng” của phố. Trong sự thay đổi liên miên đó có những con hẻm cố giữ mình để nhớ về dĩ vãng.

Phố để ở và đường để đi. Đó là sự khác biệt giữa công năng và tính năng của đường và phố. Trên thực tế, chúng ta hoàn toàn có thể hoán đổi vị trí hai danh từ này. Mặc dù, trong tâm tưởng, phố và đường thuộc hai miền ký ức khác nhau. Phố giữ những trầm tích văn hóa chạy dài theo năm tháng; đường đi từ quá khứ tới hiện tại làm nên ý nghĩa lịch sử, nhưng trên hết, đường chạy từ điểm này tới điểm kia, nối các điểm lại với nhau thành một mạng lưới liên kết; đường thể hiện tính mục đích rõ ràng, đề cao công năng di chuyển, trong khi phố tĩnh tại, độc lập làm nên quần thể không gian cư trú. Phố luôn biết giữ gìn hình ảnh xưa cũ để hoài niệm. Có cả một trời ký ức mênh mông nằm sâu giữa lòng phố, nuôi dưỡng hồn phố.

Trong muôn vàn thay đổi nổi lên số phận của con người. Những người sống trên cùng con phố gọi nhau bằng hàng xóm. Ở đây có thể thấy, hàng xóm thuộc nhóm xã hội cư trú trên cùng địa bàn, còn người chung đường lại mang một ý nghĩa hoàn toàn khác. Kể từ đó, đường và phố tô đậm thêm nét khác biệt. Vạch nối đi từ dĩ vãng tới hiện tại trở thành điểm tựa lưu giữ ký ức văn hóa, lịch sử. Giữa đường và phố chất chứa cả một trời kỷ niệm cho tâm hồn trú ngụ.

Trong sự đổi thay, phố biết lùi lại phía sau nhường cho đường tiến lên phía trước. Đường tham gia phục vụ nhu cầu đi lại, ẩn sau đó có trách nhiệm của phố. Có một điều dễ dàng nhận thấy, trong sự thay đổi nhanh chóng của đường, phố nép mình bên trong những con hẻm. Hẻm thuộc di sản của quá khứ, một đặc sản của kiến trúc đô thị. Nhiều con hẻm ngoằn ngoèo, uốn khúc, nằm sâu hun hút… như những pháo đài bảo vệ, gìn giữ quá khứ. Trong khi đường thay đổi liên tục, hẻm chuyển mình chậm chạp hơn tạo nên nét tương phản giữa bên trong lòng phố và bên ngoài đường sá. Nhiều con hẻm nằm khuất tầm mắt, dấu mình kỹ càng tạo thành những “điểm mù”, bảo lưu hình dáng qua bao tháng ngày. Mạng lưới giao thông như hệ thống huyết mạch tỏa đi khắp nơi, trong đó, đường là nơi đi và phố là nơi đến. Trong lòng phố lại có những con hẻm tạo thành các bộ phận, tế bào của một cơ thể đô thị. Trên hệ thống bản đồ, chúng ta không nhìn thấy ngõ, hẻm mà chỉ nhìn thấy đường. Song, hẻm chính là nơi giao thoa giữa đường và phố, kết nối đường với không gian cư trú. Nơi đây nuôi dưỡng, viết nên những câu chuyện của phố. Khi bản sắc đô thị bị xáo trộn, thậm chí trở nên nhạt nhòa, phai sắc, hẻm gìn giữ thành quả của dĩ vãng, nhắc nhớ về một thời đã xa. Ngõ, hẻm thu hút sự quan tâm của người dân, ghi chép bản lý lịch về không gian cư trú, những câu chuyện văn hóa, ký ức lịch sử. Ở Sài Gòn có những con hẻm dài dặc chạy suốt dọc hai bên đường, nằm chằng chịt, đan xen nhau. Hẻm giống như mạng lưới giao thông phi hệ thống với cấu trúc vô cùng phức tạp. Nó cho thấy quá trình khẩn hoang, lập làng, tụ cư của cộng đồng cư dân đô thị. Tương phản giữa đường và hẻm có một cấu trúc ngầm ẩn hiện trong lòng đô thị.

Hẻm vươn tới chân trời xa xăm, bảo lưu nét xưa cũ. Hẻm chuyển mình chậm chạp trước sự đổi thay nhanh chóng của xã hội. Người thành thị thường phải thích nghi với sự đổi thay. Trong sự thay đổi về quy hoạch, đường và hẻm tạo nên những ngã rẽ lý thú. Đi ngoài đường, ta chỉ cần xác định phương hướng, còn đi trong hẻm, tất cả men theo sự dịch chuyển linh hoạt của không gian, lãnh thổ, địa bàn cư trú… Mỗi con hẻm đều mang đặc trưng riêng, chẳng nơi nào giống nhau. Tại đây, những cộng đồng dân cư nhỏ thể hiện bản sắc của mình. Giữa đô thị phát triển theo chiều hướng vô tính hóa, hẻm giống như chiếc hộp thu gom, cất giữ kỷ vật. Bản sắc văn hóa này hiện lên giữa lòng không gian nhỏ hẹp, chan chứa tình người xứ sở. Trên từng con hẻm cũng cho thấy mức độ hỗn dung, tương tác giữa những cư dân sống ở đó. Có nhiều nơi, sự hình thành điểm quần cư diễn ra vào cùng thời điểm mang tính lịch sử, làm nên sự gắn kết, cố kết lâu bền, nhất là cộng đồng luân lý, cùng chung hệ giá trị, như các con hẻm của cộng đồng Giáo phận Bùi – Phát nằm vắt ngang qua hai quận 3 và Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh. Gặp dịp Noel, lễ tết, từng con hẻm giăng đèn kết hoa tạo thành bức tranh sống động, tràn đầy ý vị.

Người Sài Gòn từ thời khẩn hoang vẫn sống hồn nhiên, chan hòa, cởi mở, đùm bọc lẫn nhau, trong xu hướng đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, thuộc tính này mất dần ở nơi này nơi khác, nhưng bảo lưu trong những con hẻm. Người ta vẫn tìm thấy ở đây một giá trị không đổi. Hẻm hội tụ, tích hợp cả yếu tố thuộc xã hội nông thôn lẫn đô thị. Ngõ hẻm giống như bức tranh đa sắc, nơi hàn gắn giữa quá khứ và hiện tại tạo nên bản sắc trong những tiểu vùng văn hóa, mang đầy tính chất tự trị. Trong xu hướng nông thôn hóa đô thị, đô thị hóa nông thôn, ngõ, hẻm làm nhiệm vụ dung hòa những yếu tố khác biệt. Theo xu hướng tìm kiếm thị trường mới cho hoạt động du lịch, ngõ, hẻm đáng được quan tâm để giúp du khách có thêm địa chỉ văn hóa mới. Hiện tại, những câu chuyện về ngõ, hẻm vẫn tiềm ẩn nhiều giá trị chờ khám phá, khai thác. Chúng vừa mới, vừa cũ, vừa lạ, vừa quen, tất cả đan xen nhau và chưa bao giờ vơi niềm vui thú. Trôi giữa dòng người nhộn nhịp, phố không đủ khả năng giữ cho mình một bản sắc tĩnh tại. Khi đó, bản sắc của phố đi vào những ngõ hẻm, nơi ít nhiều vẫn còn lưu giữ ký ức dĩ vãng.

LÊ HẢI ĐĂNG

 

Cùng chuyên mục

Lễ hội “Mục Đồng làng Phong Lệ”

Lễ hội “Mục Đồng làng Phong Lệ”

Gia Lai: Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ – Dliê Ya đón nhận bằng Di tích Lịch sử quốc gia

Gia Lai: Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ – Dliê Ya đón nhận bằng Di tích Lịch sử quốc gia

Thành phố Đông Hà chú trọng công tác bảo tồn và tôn tạo di tích

Thành phố Đông Hà chú trọng công tác bảo tồn và tôn tạo di tích

Lễ hội “Thống nhất non sông”

Lễ hội “Thống nhất non sông”

TRỊNH CÔNG SƠN – HÀ THỊ CẦU, HAI KẺ HÁT RONG VĨ ĐẠI CỦA DÂN TỘC!

TRỊNH CÔNG SƠN – HÀ THỊ CẦU, HAI KẺ HÁT RONG VĨ ĐẠI CỦA DÂN TỘC!

Tượng đài N’Trang Lơng – Niềm tự hào của người dân Đắk Nông

Tượng đài N’Trang Lơng – Niềm tự hào của người dân Đắk Nông

Ngôi làng 600 năm tuổi với 3 di sản Ký ức thế giới

Ngôi làng 600 năm tuổi với 3 di sản Ký ức thế giới

Đặc sắc Lễ hội làng cổ Siêu Quần

Đặc sắc Lễ hội làng cổ Siêu Quần

NGHỆ AN: Du khách nô nức tham dự Khai hội Đền Cuông 2024

NGHỆ AN: Du khách nô nức tham dự Khai hội Đền Cuông 2024