Dù là sinh ra trên quê hương Hát Bội, Bài Chòi, nhưng tôi vẫn mê hát cải lương. Từ bé tôi đã nghe những giọt ca tuyệt vời của Năm Phỉ, Phùng Há, Út Trà Ôn… qua những bộ đĩa hát quay 48 vòng. Thậm chí đến năm 1971, khi đang thực tập tại Beclin (CHDC Đức) tôi được ông Đinh Văn Niệm, Bí thư thứ nhất ĐSQ Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam cho mấy cuốn băng catset cải lương của Lệ Thủy, Bạch Tuyết…
Tôi nghe đến thuộc lòng. Sau này, thời kỳ phụ trách Viện nghiên cứu sân khấu Việt Nam, tôi đặc biệt quan tâm các bộ môn tuồng, chèo, cải lương, bài chòi. Tôi mời soạn giả, nhà nghiên cứu Trương Bỉnh Tòng từ Sài Gòn ra Hà Nội, ăn ở tại Viện, tiếp cận tài liệu và tiếp xúc nghệ sĩ để viết ra công trình “Nghệ thuật cải lương – những trang sử” và gần đây để phục vụ kỷ niệm 100 năm nghệ thuật cải lương, tôi lại chủ trì thực hiện công trình nghiên cứu cấp bộ “100 năm nghệ thuật cải lương”. Công trình này được nhà xuất bản Văn hóa Thông tin ấn hành và Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu (NSND Bạch Tuyết dẫn chuyện), đã gây được hiệu ứng rất tốt.
Cũng như các bộ môn sân khấu truyền thống khác, Cải lương đang gặp những thách thức lớn về khán giả từ những năm đầu thế kỷ 21. Dĩ nhiên người yêu thích cải lương ở miền Bắc và Nam Bộ vẫn còn nhiều. Bởi vì Cải lương là một loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống dân tộc; tuy ra đời có muộn hơn so với Tuồng và Chèo, nhưng cũng đã có tuổi đời một thế kỷ.
Từ khi mới ra đời, Cải lương đã thu hút được những tinh hoa của các nền nghệ thuật từ dân gian, đến nghệ thuật bác học, như Hát Bội (Tuồng), Nghệ thuật nhà Chùa, ca nhạc Cung đình Huế, dân ca Nam Bộ… để làm nên một môn nghệ thuật mang bản sắc văn hoá phương Nam, rồi nhanh chóng lan tỏa ra cả nước và trở thành một bộ môn nghệ thuật được khán giả ưa chuộng vào bậc nhất trong suốt thế kỷ XX cho đến hôm nay.
Từ đầu đến những năm cuối thế kỷ XXI, nhiều vở cải lương được các nghệ sĩ tài danh sáng tạo, thể hiện qua các thời kỳ, để lại dấu ấn khó phai trong công chúng. Khắp nơi trong cả nước, từ thành thị đến nông thôn, nhân dân đều mến chuộng nghệ thuật Cải lương. Cải lương cũng là môn nghệ thuật dân tộc đầu tiên được đi trình diễn ở Paris (Pháp) từ nửa đầu thế kỷ XX.
Ở miền Nam Việt Nam, tỉnh thành nào cũng có đoàn Cải lương, riêng ở thành phố Hồ Chí Minh đã có lúc hàng chục đoàn Cải lương, trong đó có Cải lương Tuồng cổ, thi nhau ra đời và biểu diễn hết sức sôi động. Còn ở miền Bắc thì hầu hết các tỉnh Đồng bằng và thành phố lớn kể cả Nghệ An cũng đều có đoàn cải lương chuyên nghiệp. Tuy vậy, trong tiến trình phát triển, Cải lương đã có những lúc thăng, trầm, đã có những cơn khủng hoảng cả nghệ thuật đến khán giả.
Quy luật thăng trầm trong nghệ thuật biểu diễn là chuyện bình thường. “Vũ hậu thiên quang”, sau mưa trời lại sáng. Điều này có thể nhận thấy trong một thế kỷ, con thuyền cải lương đã biết bao lần vượt qua sóng cả gió to, để đến hôm nay được khẳng định là một trong ba thể loại sân khấu ca kịch truyền thống mạnh nhất trong nền văn hoá dân tộc Việt Nam là Tuồng, Chèo, Cải lương.
Nhưng cũng vào những năm cuối của thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, như một chu kỳ cuộc sống xã hội, Cải lương cũng như Tuồng (Hát Bội) lại lâm vào cảnh khủng hoảng khán giả. Nguyên nhân do tác động của cơ chế thị trường, cũng như xu thế hội nhập văn hoá, gió độc mạnh hơn gió lành, cùng với sự bùng nổ của các phương tiện thông tin và giải trí hiện đại làm cho các loại hình nghệ thuật dân tộc, trong đó có Cải lương bị thưa vắng khán giả.
Tất nhiên, về mặt chủ quan, Cải lương trong những năm gần đây rất thiếu kịch bản hay thiếu diễn viên trẻ tài năng cũng như thiếu sự đầu tư cho vai diễn như các bậc tiền bối “học cho chết, diễn cho sống”. Tôi đã chứng kiến NSND Tám Danh khổ luyện như thế nào ở nhà số 8 Ngô Văn Sở, Hà Nội trong những năm 60, 70 thế kỷ trước.
Âm nhạc cải lương hiện nay cũng không còn đậm bản sắc cải lương như ngày xưa, bởi sự kết hợp giữa tây và ta một cách tuỳ tiện, làm mờ bản sắc một loại hình âm nhạc rất đặc trưng Nam Bộ, mà ai nghe cũng thấy thích. Hãy mở băng nhạc cải lương xưa ra nghe mới thấy thế nào là nhạc cải lương.
Về Mỹ thuật sân khấu cải lương cũng không phát triển ổn định, nhiều đoàn thì phổ biến hiện tượng “đầu Ngô mình Sở”… làm cho bản sắc dân tộc của Cải lương bị mờ dần và sự tôn kính, yêu thích nghệ thuật Cải lương cũng bị giảm sút trong lòng công chúng. Đó cũng là một trong những nguyên nhân thưa vắng khán giả trong những đêm diễn cải lương hiện nay.
Về mặt nghiên cứu, tuy có nhiều sách báo nói về Cải lương, nhưng chưa có những công trình nghiên cứu toàn diện, phân tích thật đầy đủ bản sắc nghệ thuật Cải lương, hoặc đánh giá thật chính xác thực trạng phát triển của Cải lương và cũng chưa có những tổng kết khoa học thật nghiêm túc để giúp cho Cải lương khắc phục những lệch lạc, những nhược điểm trong quá trình sáng tạo. Chí tiến thủ, tinh thần không ngừng đổi mới nghệ thuật để song hành cùng thời đại của câu đối đã thành châm ngôn phát triển thật tốt đẹp của nghệ thuật cải lương
Cải cách hát ca theo tiến bộ
Lương truyền tuồng tích sánh văn minh.
Đôi khi đã bị một số người lợi dụng để bênh vực cho một phương châm chưa thật đúng lắm về quy luật phát triển nghệ thuật dân tộc. Đó là cải tiến, cải cách nghệ thuật không bờ bến, không nguyên tắc, mà chỉ chạy theo sự “tiến bộ” và “văn minh” chung chung của xã hội, giống như cải tiến khoa học kỹ thuật, từ ô tô đến tàu bay, tàu vũ trụ…
Nghệ thuật truyền thống bao giờ cũng có giới hạn trong cải tiến cũng như kịch Kabuki của Nhật Bản từ kịch Noh tách ra để phát triển, nhưng vẫn có giới hạn nếu không sẽ thành kịch nói có vũ đạo và có bài ca. Lý luận là kim chỉ nam cho thực tiễn phát triển.
Nhưng dường như các nhà hát, đoàn cải lương còn ít quan tâm tới học thuật mà cứ thi nhau “cải cách hát ca theo tiến bộ…” một cahc tùy tiện. Rất cần thiết có những công trình nghiên cứu khoa học toàn diện về lịch sử phát triển nghệ thuật Cải lương để khẳng định những mặt tích cực, những giá trị đích thực của nghệ thuật Cải lương đã hình thành và phát triển trong 100 năm qua.
Cách đây 5 năm cơ quan chúng tôi đã phối hợp với nhà hát cải lương Việt Nam tổ chức hội thảo: “Cải lương Bắc 60 năm bảo tồn và phát triển”. Những nghệ sĩ tên tuổi, những nhà nghiên cứu tâm huyết đã có những tham luận, những ý kiến hay giúp ích không chỉ cho những người hoạt động thực tiễn (sáng tác, đạo diễn, biểu diễn) mà còn giúp cho việc đào tạo bộ môn Cải lương ở các trường nghệ thuật sân khấu trong cả nước, cũng như phục vụ cho đông đảo công chúng muốn tìm hiểu về bộ môn nghệ thuật đặc sắc này.
Từ sau hội thảo này, Nhà hát cải lương Việt Nam đã có những hoạt động khởi sắc, vừa bảo tồn vừa phát triển, mạnh dạn sáng tạo theo tiêu chí cải cách hát ca theo tiến bộ. Những tác phẩm mới ra đời như Chuyện tình Khau vai, Hừng đông, tác giả Nguyễn Thế Kỷ, đặc biệt là vở Mai Hắc Đế (Mai Thúc Loan) cũng của Nguyễn Thế Kỷ. Đây là một vở cải lương thử nghiệm hiện đại hóa sân khấu cải lương lớn nhất từ trước tới nay do đạo diễn Triệu Trung Kiên dàn dựng, đã tạo nên cơn “địa chấn” trong ngành sân khấu dân tộc Việt Nam, từ việc đầu tư kinh phí nhiều tỉ đồng đến việc huy động diễn viên hàng trăm người và việc xử lý nghệ thuật hiện đại, cả kỹ thuật 3D.
Và tiếp theo đó là những đêm biểu diễn hoành tráng thu hút tới hàng ngàn người xem, doanh thu được nhiều tỷ đồng. Nhưng quan trọng hơn là sự tìm tòi thử nghiệm nghệ thuật cải lương, vừa tìm đường phát triển, vừa đánh thức khán giả. Dĩ nhiên, đã thử nghiệm là có thể thành công và cũng có thất bại, không vì sợ thất bại mà chùn tay thì suốt đời chỉ dẫm chân tại chỗ.
Tôi đã xem những vở kịch ở các nhà hát Châu Âu, có vở gần một trăm diễn viên xuất hiện trên sân khấu, nhưng cũng có vở chỉ có một diễn viên như vở kịch Đứa cháu ruột của Ra-mâu mà tác giả là Didrot vĩ đại ở Pháp. Nghệ thuật dân tộc có tuổi đời trên dưới 100 năm được coi là nghệ thuật truyền thống.
Cải lương là nghệ thuật truyền thống, đã tồn tại và phát triển liên tục và bao trùm toàn quốc suốt một thế kỷ qua. Cũng như các bộ môn Tuồng, Chèo, Bài chòi đều trải qua không biết bao thăng trầm như một bản nhạc hay có bổng có trầm, có thăng có giáng.
Không có bộ môn nghệ thuật nào phát triển bằng phẳng, trơn tru nhưng cuối cùng vẫn tồn tại vì được nhân dân ủng hộ. Đố ai bắt được người Nam Bộ bỏ cải lương. Bản nhạc Cải lương đang ở khúc trầm, nhưng nhất định sẽ được thăng hoa trở lại, bởi đây là nghệ thuật dân tộc, là món ăn tinh thần quen thuộc của nhân dân đang tạm thời bị các loại hình giải trí đơn thuần chèn lấn, giống như người già bị những thanh niên càn quấy chen lấn, đẩy xô, nhưng đạo lý của dân tộc là tôn trọng người già. Đảng ta đã có chính sách rõ ràng với người cao tuổi, nhất là những công thần, những bậc danh nhân, những nghệ sĩ nổi tiếng…
Theo tôi, về giải pháp muốn cho nghệ thuật cải lương khởi sắc, trở lại như thời hoàng kim thì trước hết Đảng, Chính phủ phải có một chính sách đặc biệt cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống nói chung, trong đó có cải lương.
Cụ thể là đầu tư kinh phí cho những công trình sáng tác, dàn dựng và biểu diễn để có được những vở hay, những tác phẩm vừa đáp ứng thị hiếu thẩm mỹ của công chúng, vừa có tính tư tưởng cao. Tránh cách làm có tính đối phó, kế hoạch, chỉ tiêu. Và, đôi khi phải miễn phí cho khán giả để họ làm quen trở lại “tục xem hát” như ngày xưa. Khi mê rồi thì “nghe rao trống chiến, không khiến cũng đi, nghe giục trống chầu, đâm đầu mà chạy”.
Một giải pháp vô cùng quan trọng nữa là thường xuyên “tuyên truyền quảng bá” cái hay cái đẹp của nghệ thuật cải lương. Điều này chúng tôi đã thấy rất rõ hiệu quả của “Dự án sân khấu học đường” đã thực hiện ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Bộ cách đây gần 10 năm.
Các học sinh ở các trường phổ thông cơ sở đã thi nhau học hát, học diễn cải lương rồi mê cải lương, một biểu hiện rất tốt đẹp. Các hiệu trưởng các trường ở Nam Bộ gửi thư tới chúng tôi thiết tha xin được tiếp tục thực hiện dự án sân khấu học đường về cải lương và họ cho biết, một số học sinh có năng khiếu sau khi tham gia dự án sân khấu học đường đã được tuyển vào đoàn cải lương ở Đồng Tháp.
Điều đó cho ta thấy rất rõ, là nhân dân ta từ già đến trẻ vẫn yêu thích nghệ thuật cải lương khi chúng ta biết cách quảng bá, biết giáo dục thẩm mỹ, biết đem món ăn tinh thần tới tận người dân và làm cho họ thấy rõ những giá trị của nó khi đã hiểu rồi thích càng thích càng mê.
Tôi được biết ở thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều sáng kiến, có nhiều cách làm để tuyên truyền, quảng bá sâu rộng về nghệ thuật cải lương, đó là đã 12 lần tổ chức giải Trần Hữu Trang kế thừa giải Thanh Tâm trước ngày giải phóng 30 tháng tư 1975. Đây là cách làm rất hay vừa tôn vinh nghệ sĩ tài năng, vừa quảng bá nghệ thuật cải lương sâu rộng. Rồi giải “Chuông vàng vọng cổ” do Đài truyền hình thành phố tổ chức. Từ năm 1993 còn có giải “Bông lúa vàng” của Đài phát thanh thành phố, đã góp phần truyền bá cái hay cái đẹp của nghệ thuật cải lương tới từng nhà người dân, nên cần phát huy cách làm hay này.
Cuộc đấu tranh sinh tồn trên mặt trận văn hóa hiện nay là vô cùng gian nan, phức tạp. Vì còn văn hóa là còn tất cả, mà mất văn hóa là mất nước. Cuộc đấu tranh thầm lặng bảo vệ văn hóa, trong đó có bảo vệ nghệ thuật cải lương. Nếu không tâm huyết, không kiên trì thì không thể chiến thắng được sức mạnh của xâm lăng văn hóa hiện nay.
Vì vậy tôi coi cuộc hội thảo khoa học “Một thế kỷ hình thành phát triển của nghệ thuật cải lương ở Việt Nam (1918-2018) – những vấn đề đặt ra định hướng và giải pháp phát triển” là cần thiết và đúng lúc vừa kỷ niệm, vừa tổng kết đánh giá, đồng thời tìm hướng phát triển cho cải lương. Nếu sau hội thảo này, các đơn vị cải lương cả nước đồng loạt tổng kết khoa học thì hiệu ứng còn cao hơn và nhất định nghệ thuật cải lương sẽ được thăng hoa, khởi sắc cải lương sẽ là mãi mãi…
Hà Nội 9/4/2018
GS Hoàng Chương
TGĐ Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam