Khi gạt nước mắt rời khỏi Đoàn kịch nói Trung ương chuyển sang làm kinh tế để vợ yên tâm theo đuổi giấc mơ nghệ thuật, 2 con gái có điều kiện ăn học thành tài, NS Văn Hải không ngờ gần 30 năm sau, khi trên đỉnh cao của một doanh nhân thành đạt, anh đã dừng sự nghiệp kinh doanh trở về cùng vợ xây dựng Sân khấu Lệ Ngọc, để được trọn đời gắn bó cùng sân khấu….
Hai con người tận hiến cho sân khấu
Nguyễn Văn Hải là dân Hà Nội chính gốc, con một gia đình công chức nhà nước. To cao, đẹp trai có giọng hát tốt, từ nhỏ anh đã say mê âm nhạc, anh học đàn ở nghệ sĩ ghi ta lừng danh một thời Hải Thoại rồi cùng bạn bè lập một ban nhạc trẻ chuyên đánh nhạc đám cưới. Nhưng người lãnh đạo ban nhạc, anh Nguyễn Anh Dũng, một tài hoa nổi tiếng ở Hà Nội thời đó, lại là diễn viên của Đoàn Kịch nói Trung ương (sau này anh Nguyễn Anh Dũng từng làm Giám Đốc Nhà hát kịch VN, anh là chồng nghệ sĩ điện ảnh Phương Thanh, cả hai anh chị nay đều đã mất) nên học hết lớp 10 Văn Hải không thi vào đại học như mong muốn của gia đình mà nghe Anh Dũng thi vào Đoàn kịch nói Trung ương làm diễn viên. Năm 1978, Văn Hải thi và là một trong 40 người trúng tuyển trong số hàng ngàn người dự thi. Thời đó, trúng tuyển vào một đoàn nghệ thuật quốc gia như Đoàn kịch Trung ương vinh dự gấp nhiều lần trúng tuyển đại học. Vừa học vừa làm, Văn Hải rất say mê nghiệp diễn, anh trở thành diễn viên chính thức của Đoàn. Văn Hải được giao rất nhiều vai diễn đa dạng trong hàng chục vở diễn nổi tiếng của Đoàn: Tiếng hát cuộc đời, Sống bằng tên người khác, Người đá lạc đội hình, Lịch sử và nhân chứng, Nhân danh công lý, Bài ca Điện Biên, Bệnh sĩ, Cuộc chia tay tháng Sáu…Anh được sống và diễn trong sự dìu dắt của các nghệ sĩ huyền thoại của kịch VN như Nguyễn Đình Nghi, Đình Quang, Mạnh Linh, Song Kim, Trúc Quỳnh, Trần Tiến, Doãn Hoàng Giang, Hà Văn Trọng, Trọng Khôi, Đoàn Dũng, Thế Anh, Nguyệt Ánh, Can Trường…Anh được trực tiếp chứng kiến việc dựng các vở kịch kinh điển thế giới và VN tại Đoàn kịch Trung ương như Vua Lia, Vụ án người đốt đền, Chuông đồng hồ điện Kremlin, Khúc thứ ba bị tráng, Nghêu Sò ốc Hến, Hồn Trương Ba da hàng thịt…Ở Đoàn kịch Trung ương, Văn Hải đã gặp người bạn đời của mình, NSND Lệ Ngọc, người cùng lớp 1978-1982 với anh, một nữ diễn viên xinh đẹp, tài năng, cũng yêu và say nghề như anh. Đôi bạn tâm giao đó những tưởng sẽ mãi cùng gắn bó và vươn lên với sân khấu…
Vai Bác Hồ trong Lá đơn thứ 72
Nhưng đôi vợ chồng đắm đuối sân khấu ấy không ngờ đời sống của họ ở đoàn kịch hàng đầu đất nước có lúc lại lâm vào khó khăn đến vậy. Đầu những năm 1990, sân khấu lâm vào cuộc khủng hoảng khán giả, sau khi sinh hai con, thu nhập của các nghệ sĩ trong đoàn rất thấp, Lệ Ngọc lại bị bệnh tật hành hạ, gia đình nhỏ của Văn Hải – Lệ Ngọc chao đảo trong sự bế tắc áo cơm, bệnh tật. Không thể để vợ con khổ sở nheo nhóc mãi vậy, sau 16 năm gắn bó với Đoàn kịch Trung ương, năm 1994 Văn Hải đành dứt áo rời xa ánh đèn sân khấu quay sang làm kinh tế để có tiền chăm lo thuốc thang, cổ vũ cho ước mơ sân khấu của Lệ Ngọc và đảm bảo cho tương lai của hai con gái. Đó là cuộc chia tay rất đau đớn với Văn Hải vì anh từng tưởng mình sẽ gắn bó với nghiệp diễn suốt đời. NSND Lệ Ngọc tâm sự chị từng gạt nước mắt để cho chồng rời xa sân khấu, một tình yêu lớn của anh, và thầm hứa chị sẽ hết lòng với nghề hơn, không chỉ vì mình mà còn vì tình yêu lớn của chồng mình.
Văn Hải vốn có gien thương trường. Cha anh từng là một cán bộ lãnh đạo trong ngành thương nghiệp Hà Nội, gia đình từng có hãng thuốc lá Cẩm Thủy nổi tiếng trong Thanh Hóa, từng xuất sản phẩm sang Pháp. Rời Đoàn, anh thành lập một doanh nghiệp xuất nhập khẩu ô tô, xe máy và ngày một thành công trên con đường kinh doanh. Tuy vậy, Văn Hải nói anh gần như chưa bao giờ rời xa sân khấu, chưa bao giờ rời xa Đoàn kịch Trung ương. Hàng ngày anh vẫn trao đổi với Lệ Ngọc về hoạt động của chị và Đoàn. Hầu như chưa bao giờ Văn Hải bỏ sót không xem các vai diễn mới của vợ. Đến đầu những năm 2010, khi Lệ Ngọc nhận nhiệm vụ làm trưởng đoàn biểu diễn của Nhà hát kịch VN (khi ấy Đoàn kịch nói trung ương đã mang tên mới là Nhà hát kịch VN), Văn Hải đã trực tiếp tham gia vào việc dựng vở mới và tổ chức biểu diễn theo hướng xã hội hóa của đoàn biểu diễn của Lệ Ngọc, giúp Lệ Ngọc đạt nhiều thành công.
SK Lệ Ngọc trên sông Nho Quế, Hà Giang
Năm 2016, NSND Lệ Ngọc nghỉ chế độ ở Nhà hát kịch VN, nhưng chị vẫn muốn giữ và phát triển nhóm kịch xã hội hóa của chị. Chị bàn với Văn Hải và được anh ủng hộ ngay. Thế là Sân khấu Lệ Ngọc ra đời. Lúc này Văn Hải đã trở thành một ông chủ lớn nhưng vì thương vợ và nhớ nghề, anh vừa tính đường đi nước bước, lo đảm bảo kinh phí cho Sân khấu Lệ Ngọc hoạt động rồi nhận thêm phần dựng vở và tổ chức biếu diễn. Sân khấu Lệ Ngọc phát triển thần tốc, mỗi năm dàn dựng bốn năm vở, luôn đầy ắp khán giả mỗi buổi diễn ở Hà Nội và TPHCM, tham gia liên hoan và đi diễn ở 11 nước Á, Âu, trở thành hiện tượng đặc biệt trong đời sống sân khấu cả nước giữa thời sân khấu khủng hoảng trầm trọng. Sự phát triển của Sân khấu Lệ Ngọc giúp Văn Hải đi đến một quyết định làm ngạc nhiên bạn bè, đồng nghiệp: anh chính thức dừng hoạt động kinh doanh thương mại, giải thể doanh nghiệp và chung vai sát cánh với vợ trong vai trò giám đốc sản xuất và chỉ đạo nghệ thuật của Sân khấu Lệ Ngọc. Nhiều bạn bè doanh nhân tiếc cho anh khi công việc kinh doanh của Văn Hải đang rất thuận lợi, uy tín của anh trên thương trường rất cao, những lợi nhuận lớn đang chờ anh phía trước thì anh lại chấm dứt để trở về với sân khấu. Họ đâu biết dù là một người đàn ông rất mạnh mẽ, quyết đoán, thực ra Văn Hải là tuýp người lụy tình, luôn biết hy sinh cho những người thương yêu và kinh doanh chỉ là việc chẳng đặng đừng, sân khấu mới là niềm mê đắm lớn nhất của anh. 30 năm làm doanh nhân, anh đã thành công lớn, đã có một cơ ngơi bề thế, đã lo cho hai con du học tại Anh Quốc thành danh và có công ăn việc làm bền vững, anh đã có vốn liếng đủ lo chuyện cơm áo cả đời của gia đình. Giờ là lúc anh dừng lại, rời thương trường để về với kịch trường. Và anh tình nguyện là người đứng phía sau vợ để toàn tâm toàn ý xây dựng và phát triển Sân khấu Lệ Ngọc.
Ở tuổi lục tuần và sau 30 năm xa sàn diễn, Văn Hải nghĩ mình trở về với sân khấu chỉ là để giúp vợ làm nhà quản lý và tham gia dàn dựng vở diễn. Anh là trụ cột, là bộ óc của Sân khấu Lệ Ngọc, vui với những thành công tiếp thành công của nó ở trong nước và 11 nước Âu Á là đã mãn nguyện. Anh không hề nghĩ là mình lại có cơ hội làm diễn viên rồi đạt được những thành tựu mọi nghệ sĩ sân khấu đều mong ước.
Cái thông điệp nóng bỏng của tác giả Nguyễn Đăng Chương: “Ngai vàng nguy nga, mộ tán xa hoa có nghĩa gì đâu, lương dân mà cao quý còn hơn là quân vương mà bị nguyền rủa” và “Làm vua, làm tướng làm quan, muốn thịnh trị vững bền hãy đặt ngai vàng vào giữa lòng dân” đã được Văn Hải thể hiện đầy sức cảm hóa trong vai Đinh Tiên Hoàng. Đinh Tiên Hoàng của Văn Hải là một hoàng đế lập nghiệp từ áo vải cờ lau nhưng ý thức rất sâu xa trách nhiệm của một quân vương. Vị hoàng đế đầu tiên của nước Đại Cồ Việt qua thể hiện của Văn Hải là một vị vua thấu hiểu ý nghĩa của đức trị, nhân trị, một con người có trái tim khoan hòa, đầy lòng nhân ái, đức hy sinh. Bên trong tấm long bào, trên ngôi cao thiên tử, Đinh Tiên Hoàng luôn là một người bạn chung thủy, một người tình say đắm. Ông luôn phải trái phân minh, nghĩa tình trọn ven trong mọi quan hệ nhưng trên hết trước hết là sự quên mình vì nước vì dân.
Còn hình tượng Hồ Chí Minh do Văn Hải thể hiện chắc chắn nằm trong số các vai Hồ Chí Minh hay nhất trên sân khấu. Không phải ngẫu nhiên mà vở diễn “Lá đơn thứ 72” vừa ra đời đã được khắp nơi chào đón, trở thành một trong những vở diễn ăn khách nhất của Sân khấu Lệ Ngọc, trong 6 tháng đã có hơn 80 xuất diễn. “Chuyện của một con người là nhỏ sao?”, câu hỏi nghiêm khắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh với thư ký thân tín Vũ Kỳ cũng như lời nhắn nhủ của Bác với Viện trưởng kiểm sát tối cao: “Chuyện của một con người nhưng nó liên quan đến công lý của cả một đất nước”. Đó là nỗi thao thức khôn nguôi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công lý, công bằng cho mỗi con người, mỗi công dân nhất là khi họ gặp hoạn nạn, oan trái, bất công. Nghệ thuật biểu diễn và đài từ của Văn Hải chưa bao giờ chân thật, rung động và có chiều sâu như trong vai này. Tình yêu đối với Bác, lòng yêu nghề, tinh thần lao động nghiêm túc, sự cộng hưởng sáng tạo với một tập thể tài năng đã làm Văn Hải thăng hoa, sáng tạo một vai diễn Bác Hồ thực sự xuất sắc.
Sân khấu Lệ Ngọc đang chuẩn bị đón năm mới với việc dựng kiệt tác “Vua Lia” của đại văn hào William Shakespeare do đạo diễn trẻ tài năng người Nhật Bản Tsuyoshi Sugiyama dàn dựng. Sân khấu Lệ Ngọc là thế. Dù là một sân khấu ngoài công lập, họ luôn muốn vươn đến những chính kịch lớn của VN và thế giới, sau những Thị Nở Chí Phèo, Huyền thoại Gò Rồng ấp, Vang bóng một thời, Làm vua, Vụ án người đốt đền, Lá đơn thứ 72…bây giờ là Vua Lia. Văn Hải tiếp tục là Giám đốc sản xuất, Chỉ đạo nghệ thuật, trợ lý đạo diễn kiêm diễn viên đóng vai Vua Lia. Những thách thức mới đang chờ Văn Hải, Lệ Ngọc và tập thể Sân khấu Lệ Ngọc. Sau một năm 2022 đại thắng, Sân khấu Lệ Ngọc đang chuẩn bị kỹ càng cho các chuyến biểu diễn trong nước và xuất ngoại trong năm 2023. Ở tuổi trên 60, Lệ Ngọc và Văn Hải như đang trẻ trung sung mãn hơn bao giờ hết. Vẻ thanh xuân như mãi mãi ở cùng họ. Đó là những người sinh ra để làm sân khấu và sẵn sàng trọn đời sống chết với nghiệp sân khấu.
Chúng ta mong họ tiếp tục thành công và hạnh phúc.
Nguyễn Thế Khoa (VHVN)