Đi đâu xin việc, phát hiện ông hay làm nghề phục vụ người chết là họ tìm cách loại. Nhưng ông xem đó vừa là nghề vừa là nghiệp, là việc làm kiếm sống vừa tích đức
Năm nay, con nước ngập cao hơn, mộ ông bà tôi chìm trong cánh đồng nước lũ. Gia đình quyết định cải táng ông bà về khu đất của nhà là nơi cao ráo hơn. Nhưng đang mùa nước, không biết người ta có chịu bốc cốt hay không? Mà giữa thị trấn này, tìm đâu ra người làm nghề lấy cốt?
Gần 50 năm “tuổi nghề”
May cho tôi khi lân la với mấy chú hay đi đào đất thuê, mấy chú chỉ ở nghĩa địa thị trấn có ông già tên Có chuyên cắt cỏ bò, chuyên nghề lấy cốt.
Tôi chạy đến nghĩa địa. Đúng là có một người đàn ông đang lom khom cắt cỏ ở cái mả đất. Đoán là ông Có, tôi xuống xe, đang loay hoay khóa xe thì ông ngước lên nhìn tôi, nói: “Để thí đó đi, ở đây có tôi với mấy người nằm ngay đơ không hà, ai lấy xe đâu mà sợ!”.
Nhìn quanh, không thấy một bóng người. Chỉ mả với mả. Tuy dặn lòng không sợ nhưng cũng thấy ớn ớn. Đến gần, hỏi kỹ thì đúng là ông Có mà tôi cần tìm. Tôi ngỏ lời cần ông giúp, sẵn mời ông ra đầu đường ngồi cà phê. Ông không hỏi tôi nhờ ông giúp gì, chỉ ậm ừ cười rồi vui vẻ nhận lời.
Trước khi đặt vấn đề nhờ ông giúp lấy cốt ông bà cố tôi về, tôi gần xa bày tỏ tò mò muốn biết về nghề của ông. Khi đã nói chuyện một hồi lâu, ông mới mở lòng rằng tên thật là Trương Văn Khuông, nhà ở xã Mỹ An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Người dân địa phương quen gọi ông bằng cái tên “Có lấy cốt”. Ông sinh năm 1950, tính đến nay đã có gần 50 năm “tuổi nghề” chuyên làm việc liên quan đến người chết. Thật ra thì nghề của ông nghe thoáng qua thấy đơn giản mà rất khó làm, nào là dọn xác, tẩn liệm, đào huyệt, khiêng hòm cho đến lấy cốt. Nghề dễ vì ai cũng có thể được làm, nhưng khó ở chỗ ít có ai chịu làm và gắn bó lâu dài.
Ông Có tâm sự rằng con người ta lạ là khi đối diện với người sống thì sẵn sàng yêu thương, ôm hôn thắm thiết hay chửi rủa nhau, đánh đập nhau đến chết. Cái chết lại là cái ranh giới đơn điệu, mỏng manh phân định người còn thở và người tắt thở. “Người ta tin rằng khi con người tắt thở, vong hồn trở thành ma. Ma thì không ai nhìn ra và cũng không biết vong ma nó ghét hay thương mình, có theo ám mình không? Cho nên, bỗng dưng người chết trở nên thần bí và người sống thấy sợ. Chỉ những người thân thương lắm, gần gũi lắm mới dám nắm tay, khóc lóc rồi thôi. Còn những người xa lạ, lắm người thấy sợ. Làm việc gì, hễ có liên quan đến người khuất mặt thì ít ai dám dính líu đến” – ông nói đến đây, tôi chợt hiểu công việc nghĩa tử mà hiếm ai dám làm này cũng có lý do.
Thời trẻ, ông Có cũng như nhiều thanh niên khác ở quê tôi, thấy trong xóm có đám tang là chạy lại phụ giúp. Người dân quê là vậy, họ xem trọng việc gia đình có tang chế nên dù bận cách mấy cũng ráng dành thì giờ đến giúp một tay. Hồi ấy, mới 15-16 tuổi, ông Có đã theo mấy ông ở xóm lăn xả vào dọn xác, đào huyệt, khiêng hòm riết rồi quen việc. Dần dà, kiêm thêm nghề lấy cốt. “Đôi khi tôi nghĩ cái nghề này nó ám tôi chú à!”, ông nói.
Làm việc cho người chết riết, người sống không dám mướn ông làm những việc cho người sống, họ sợ có “huông”. Hồi trẻ ông theo xe khách làm lơ nhưng mấy lần trầy trật. Mỗi lần xe gặp sự cố là nhà xe đều nghi ngại: “Tại thằng Có mang vong theo xe”. Cho nên, đi đâu xin làm việc, được một thời gian, người ta phát hiện ông hay làm nghề cho người chết là họ tìm cách trả ông lại cho người chết. Nhưng ông Có nói ông xem đó vừa là nghề vừa là nghiệp vừa là việc làm kiếm sống vừa tích đức.
Ông Có nhớ mãi thời gian đầu làm nghề hốt cốt là khoảng thời gian đầy ám ảnh. Nhiều lúc lấy cốt rồi, về nhà tắm gội sạch sẽ mà mấy hôm sau vẫn còn nghe mùi tử khí hôi thối nồng lên sống mũi. Sau này, ông mới phát hiện những lúc lấy cốt, nước ở hòm văng lên mặt, lên mũi nên nó dính lại ở lông mũi. Tắm gội sạch sẽ cỡ nào thì nước hòm vẫn còn ở lông mũi. Vậy nên, mấy ngày liền, ông phải ráng chịu đựng cho qua.
Cũng nhiều lúc mộ nằm sâu trong nước, ông phải lặn xuống để mò tìm xương cốt, về nhà nằm sốt li bì mấy hôm, có khi nói sảng, kêu tên chủ nhân ngôi mộ. Những lúc ấy, vợ con ông khóc ròng, nghĩ chắc người chết đến đòi mạng. Sau những trận sốt đó, ông nghĩ mình phải bỏ nghề. Nhưng vào những năm đầu sau giải phóng, đời sống khó khăn trăm bề, biết phải làm nghề nào khi nghề lấy cốt đã “ám” lấy ông. Tuy nhiên, thời gian cũng cho ông thấy rằng nghiệp không làm chết người mà còn ban lại cho người miếng cơm manh áo.
Phải có cái tâm sạch
“Nghề lấy cốt không phải ai làm cũng được, phải có kinh nghiệm, phải có cái tâm trong sạch thì mới theo nghề này được” – ông nói.
Ông kể tiếp trước kia, có người đồn rằng lấy răng của người chết mài ra cho những người nghiện rượu uống thì họ sẽ bỏ rượu hay dùng ván đáy quan tài chôn lâu năm đục thành con cơ (hình trái tim) để cầu cơ, xin số đề… Những chuyện không đâu, huyễn hoặc đó phần nào làm cho người ta tò mò tìm đến ông để xin ông giấu lại xương cốt hay ván đáy quan tài.
“Chú biết hông, năm đó nhà tôi khổ lắm. Nhà vách lá, mấy chỗ đắp vá bằng ván hòm cũ, mưa dột tứ phía. Có bà chủ trại cây tên Sang ở Tân Châu biết tôi đi lấy cốt vào sáng mai nên tìm đến nhà năn nỉ tôi giấu giùm cái răng trong bộ cốt để bà về làm thuốc cho chồng bỏ rượu. Bà sẽ cho tôi một bộ tôn cũ che vách nhà. Lúc đầu, nghĩ cảnh mình khổ quá nên tôi đồng ý làm liều. Nhưng khi lấy cốt, tôi thương ông cụ quá. Thấy làm vậy không phải với người ta nên tôi không giấu lại gì cả.
Đến khi về nhà, tôi lắc đầu từ chối, mặc dù bộ tôn họ đã chở đến nhà. Tôi kể hết nỗi lòng của mình cho bà chủ trại cây nghe, bà khóc. Bà bỏ về, bỏ lại bộ tôn cho tôi mà không nói một lời nào. Tội cho tọi đến nay mấy chục năm đi đây đó hỏi thăm tìm mà cũng không biết bà đó giờ ở đâu, chồng bả bỏ rượu chưa để mà tạ ơn. Nhưng mỗi khi đi lấy cốt, tôi đều vái vong người chết, vì tôi mà hãy độ cho chồng bà chủ trại cây đó bỏ rượu, gia đình bà bình an” – giọng ông Có chùng xuống khiến tôi cay cay nơi sống mũi.
Mỗi năm ông Có tham gia cải táng cho hơn 50 phần mộ. Những năm gần đây, tiền công trung bình để cải táng hoàn tất mỗi ngôi mộ giá khoảng từ 500.000 đồng đến 3 triệu đồng tùy vào loại đất, thế chôn cất khó hay dễ lấy. Mỗi ngôi mộ với 3 người đào thì mất từ nửa ngày đến 2 ngày mới hoàn tất. Ông Có cho biết gần 50 năm đi lấy cốt, ông từng gặp hài cốt ở nhiều dạng. Nào là chôn nằm sấp, nằm ngửa, nằm nghiêng rồi chôn ngồi, chôn đứng, mộ trầm thủy, mộ cổ đá tổ ong, các hố chôn tập thể, hài cốt liệt sĩ… Phạm vi khách hàng của ông cũng ở hầu hết các tỉnh, ra cả một số tỉnh phía Bắc.
Vượt qua giới hạn âm – dương
Bây giờ, ngoài những lúc tham gia dọn xác, tẩn liệm, đào huyệt, khiêng hòm, lấy cốt thì ông đi cắt cỏ bò. Nhưng hễ ai chết, người thân cần ông thì cứ chạy ngay đến nghĩa địa này là tìm được. Ông cắt cỏ ở đây vừa cho bò ăn vừa làm gọn gàng, sạch sẽ cho các ngôi mộ. Ông Có nói: “Trong cái “khu dân cư” đó thấy vậy chứ tử tế với nhau lắm, không có cự cãi gì hết!”.
Người ta sống nhờ nhà, thác nhờ mồ. Có người đưa tiễn người thân ra mộ đi chôn rồi đến mấy chục năm sau không thấy bước đến thêm lần nào. Có ngôi mộ chôn xong là xem như bỏ phế, hiu quạnh năm này qua năm khác chẳng thấy ai đến nhang khói. Ông Có thì vẫn hằng ngày âm thầm ở kề cận những ngôi mộ. Những ngôi mộ hoang dần trở thành thân quen như thể tình người, lòng người đã vượt qua khỏi những giới hạn của cõi âm – dương.
Tôi đặt vấn đề nhờ ông bốc cốt ông bà cố tôi về giúp, vì nước ở khu tam giác nay đã ngập quá cao. Tôi chở ông đến nơi xem, ông nói: “Kiểu này chắc tôi phải đắp đê, lặn xuống dưới hòm mới lấy cốt được”. Nghe thôi, tôi đã thấy ớn lạnh. Nhưng câu nói của ông làm tôi vững bụng: “Chú yên tâm, ông bà đã để chú đến tìm tôi thì giá nào tôi cũng ráng đem ông bà về cho được. Tin tôi đi, sáng mốt tôi có mặt”.
Theo Nld.com.vn