Ngày Trái đất 2022: Hãy bảo vệ hành tinh xanh trước khi quá muộn!

14:57 | 22/04/2022

Hơn bao giờ hết, Ngày Trái đất có ý nghĩa quan trọng đối với nhân loại như lúc này. Có quá nhiều điều tồi tệ đang diễn ra gần đây, khiến cho ngay cả những cá nhân nhỏ bé ở một vùng xa xôi nào đó cũng cảm nhận được trái đất đang rung chuyển.


Bây giờ hoặc không bao giờ

Đại dịch Covid-19 đã khiến toàn nhân loại gần như tê liệt trong suốt 2 năm qua. Và khi thảm họa có tác động sâu rộng trên hành tinh này chưa kịp lắng xuống, thì nỗi ám ảnh mới lại xuất hiện. Đó là cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine tại phía đông châu Âu, cũng đã làm lay chuyển mọi ngóc ngách trên thế giới, khiến giá năng lượng, thực phẩm và cả phân bón tăng lên một cách chóng mặt; ảnh hưởng ngay cả tới những người tưởng như đã xa rời với thế giới hiện đại nhất.

Sự nóng lên của toàn cầu sẽ khiến lượng băng khổng lồ ở 2 cực của trái đất tan chảy, làm nhấn chìm nhiều thành phố trên thế giới. Ảnh minh họa: Internet

Đó là chưa kể những thách thức về sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, các cuộc chiến thương mại, xung đột địa chính trị giữa Trung Quốc và phương Tây. Song điều đáng lo hơn cả khi bao trùm lên các cuộc khủng hoảng này còn chính là một một cuộc khủng hoảng mang tính tổng thế hơn, to lớn hơn nhiều. Đó chính là cuộc khủng hoảng trầm trọng về biến đổi khí hậu, mà nếu không được giải quyết kịp thời thì tác động của nó có thể còn thảm khốc hơn nhiều cuộc chiến ở Ukraine hay đại dịch Covid-19.

Chỉ mới đầu tháng này, Liên Hợp Quốc đã đưa ra lời cảnh báo về sự biến đổi khí hậu, mà theo đó nếu chúng ta không hành động ngay vào lúc này thì không còn cơ hội để cứu vãn. Cụ thể, Uy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của LHQ (IPCC) cho biết lượng khí thải phải đạt đỉnh trước năm 2025 và giảm mạnh sau đó để duy trì mục tiêu giữ trái đất không nóng hơn quá 2 độ C mà hiệp định Paris 2015 đặt ra. “Chúng ta đang ở ngã ba đường. Các quyết định mà chúng ta đưa ra bây giờ sẽ cho thấy một tương lai có thể sống được hay không”, giám đốc Hoesung Lee của cơ quan này tuyên bố.

Như đã biết, mục tiêu chính của các chiến dịch chống biến đổi khí hậu của nhân loại trong những năm qua là ngăn trái đất không ấm hơn quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Hiện ngưỡng này đã vào khoảng 1,2 đến 1,3 độ C. Và theo Liên Hợp Quốc, nếu không giảm mạnh lượng phát thải gây ra hiệu ứng nhà kính ở các quốc gia công nghiệp trước năm 2030, thì mục tiêu này sẽ là “bất khả thi”.

Thậm chí, ngay cả mục tiêu ngăn trái đất ấm hơn 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp như hiệp định Paris 2015 đưa ra cũng khó có thể đạt được nếu như các nền kinh tế hàng đầu thế giới không thôi phả những cột khói khổng lồ lên bầu trời.

Cụ thể, để đạt được mục tiêu nói trên, lượng khí thải hàng năm cần giảm 1,5 tỷ tấn CO2 từ năm 2030 đến năm 2050. Lưu ý, đây chính là mức tương đương khi nền kinh tế thế giới gần như hoàn toàn tê liệt vào 2020 khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng nổ. Hay một phân tích khác là để giữ cho nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5 độ C, lượng khí thải phải đạt đỉnh trước năm 2025 và bắt đầu phải giảm xuống. Đó dường như là một mục tiêu quá khó khăn.

Mới vào năm ngoái, chỉ một năm sau khi đại dịch Covid-19 có phần lắng xuống, thì các nhà máy, các tập đoàn khai thác nhiên liệu hóa thạch đã hoạt động hết công suất. Và kết quả là các cột khói trên khắp thế giới đã lại không ngừng phả khí thải vào hành tinh này. Để rồi vào năm 2021, lượng khí thải đã phục hồi lên mức kỷ lục như trước đại dịch là đạt hơn 40 tỷ tấn CO2.

Có thể nói, chưa bao giờ trái đất lại phải chịu nhiều thách thức như hiện nay. Khi mà hành tinh xanh của chúng ta đã gần như đã đạt đến ngưỡng giới hạn, thì nó đã phải chịu nhiều đòn giáng cùng một lúc. Cuộc khủng hoảng năng lượng xuất phát từ cuộc chiến giữa Nga -Ukraine mà kéo theo nó là các lệnh trừng phạt kinh tế từ phương Tây đối với Nga, đã khiến cho các sản phẩm năng lượng, phần lớn từ nhiên liệu hóa thạch – kẻ thù của biến đổi khí hậu – được săn đón hơn bao giờ hết.

Do giá cả tăng lên và sự khan hiếm, nên gần như mọi mỏ dầu, mỏ than trên khắp thế giới đều hoạt động hết công suất đề bù đắp sự thiếu hụt. Chỉ mới tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã yêu cầu khởi động lại tất cả các nhà máy khai thác dầu thô trên đất công. Có thể nói, chưa bao giờ châu Âu nói riêng, thế giới nói chung lại cảm thấy phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên, nhiên liệu hóa thạch và dầu thô như vào thời điểm này.

“Hãy đầu tư cho trái đất”

Và giờ hãy bàn đến việc nếu trái đất nóng lên 1,5 độ C và đặc biệt 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp thì sẽ ra sao? Nó sẽ khiến hàng tỷ mét khối băng ở Nam Cực và Bắc Cực tan chảy và nhấn chìm một lãnh thổ đồng bằng rộng lớn trên hành tinh này, từ Đông Nam Á (gồm Việt Nam của chúng ta) cho đến các bờ biển Bắc Mỹ, khu vực Amazon của Brazil, cho đến các sa mạc ở châu Phi.

Lũ lụt, hạn hán, giông bão và cháy rừng sẽ xảy ra thường xuyên, một khi quy luật tự nhiên bị phá vỡ. Ảnh minh họa: Internet

Đó là một viễn cảnh đã hiển hiện trước mắt, khiến người Indonesia buộc phải chuyển thủ đô đến vùng đất cao hơn khỏi Jakarta – nơi được khẳng định chắc chắn sẽ bị nước biển nhấn chìm 1/3 diện tích chỉ trong một vài thập kỷ tới, nếu như trái đất nóng lên theo tốc độ hiện tại.

Biến đổi khí hậu tất nhiên không chỉ khiến mức nước biển tăng lên, mà còn thay đổi hoàn toàn các quy luật tự nhiên đã tồn tại suốt hàng nghìn năm qua – chứ không muốn nói là hàng triệu năm qua, trước khi con người phả những cột khói khổng lồ vào tầng khí quyển mong manh của hành tinh xanh này.

Nó sẽ khiến thay đổi quy luật của cây trồng, khiến mùa vụ thất thu, khiến quá trình sa mạc hóa ngày càng trầm trọng, tạo nên những cơn bão, những đợt mưa lũ, hạn hạn khủng khiếp. Đó là những điều mà thế giới vốn đã thường xuyên được chứng kiến trong những năm qua, đặc biệt trong năm 2021 vừa rồi. Lý do đơn giản, biến đổi khí hậu là một hành động phá hoại quy luật đồng điệu của thiên nhiên, nên chắc chắn sẽ gây ra những điều bất thường mang tính tiêu cực.

Bởi vậy, dù có phần muộn màng, nhưng sự kiện Ngày Trái đất vào hôm nay là một cơ hội để nhân loại hành động mạnh mẽ hơn nhằm bảo vệ hành tinh xanh của chúng ta. “Không ai trong chúng ta có thể làm điều đó một mình. Điều đó khá lố bịch. Vấn đề là rất lớn”, nhà hoạt động vì môi trường Jane Goodall đã từng tuyên bố như vậy tại Hội nghị thượng đỉnh về bảo tồn thiên nhiên 2021.

Và cuối cùng, Tổ chức Toàn cầu Ngày Trái đất cũng đã đưa ra chủ đề cho Ngày Trái đất năm 2022 này là “Hãy đầu tư vào hành tinh của chúng ta”, bởi đây chính là sự đầu tư cần thiết và sinh lời nhất cho tương lai của chúng ta!

Theo Công luận

https://congluan.vn/ngay-trai-dat-2022-hay-bao-ve-hanh-tinh-xanh-truoc-khi-qua-muon-post191101.html

Cùng chuyên mục

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

Giới thiệu bộ sách thưởng thức triết học

Giới thiệu bộ sách thưởng thức triết học

Khai mạc Giải vô địch Cầu mây quốc gia năm 2024

Khai mạc Giải vô địch Cầu mây quốc gia năm 2024

Tổ chức cuộc thi “Trạng Nguyên nhỏ tuổi” tri Ân các Vua Hùng

Tổ chức cuộc thi “Trạng Nguyên nhỏ tuổi” tri Ân các Vua Hùng