Ngành hàng không và kỳ vọng vực dậy trong năm 2022

15:05 | 17/02/2022

Đầu năm 2022, ngành hàng không Việt Nam đang có được nhiều tín hiệu tích cực khi sản lượng vận chuyển khách nội địa ghi nhận mức tăng trưởng tốt. Việc nối lại các đường bay quốc tế từ ngày 15/2 sẽ thúc đẩy sự phục hồi không chỉ ngành hàng không mà cho nhiều hoạt động sản xuất kinh tế khác.


Qua 2 năm đại dịch COVID-19 hoành hành đã khiến ngành hàng không thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng chịu những thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên, theo dự báo của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), ngành hàng không sẽ từng bước phục hồi mạnh mẽ sau khi đại dịch từng bước được kiểm soát.

Nhộn nhịp hành khách di chuyển dịp cao điểm vận tải Tết Nguyên đán

Tại Việt Nam, những ngày đầu năm mới 2022 đã chứng kiến sự gia tăng đột biến lượng hành khách đi máy bay khiến cho nhiều chuyến bay, đường bay “cháy vé”. Đây thực sự là những tín hiệu vô cùng tích cực cho thấy ngành hàng không đã và đang trên con đường phục hồi.

Để đạt được những kết quả tích cực trên là do tỷ lệ tiêm vaccine đạt mức cao, việc thống nhất “hộ chiếu vaccine” với các nước, dịch COVID-19 dần kiểm soát,… và nhất là Việt Nam đã chuyển đổi trạng thái sang thích ứng an toàn với dịch bệnh đang mang đến những kỳ vọng sáng sủa hơn trong năm 2022 cho hàng không.

Ngành hàng không Việt Nam đang ghi nhận được sự phục hồi và những kết quả tích cực trong những tháng đầu năm 2022.

Theo Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà, trong dịp cao điểm vận tải Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, hãng hàng không đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Từ ngày 16/1-15/2, Vietnam Airlines ước tính khai thác hơn 10.000 chuyến bay, tăng hơn 39% so với cùng kỳ.

Trung bình mỗi ngày hãng hàng không khai thác hơn 320 chuyến bay, vận chuyển, phục vụ hơn 1 triệu hành khách. Đặc biệt trong ngày cao điểm nhất 6/2 (tức mùng 6 Tết), hãng hàng không khai thác tới 419 chuyến bay.

Trong khoảng thời gian từ ngày 17/1 – 11/2/2022, hãng hàng không Bamboo Airways cung ứng gần 600.000 ghế với tỷ lệ lấp đầy gần 80%. Lượng đặt vé đang tăng mạnh theo từng ngày với hệ số lấp đầy trung bình trên toàn mạng bay nội địa của hãng đạt 100%.

Hầu hết các đường bay đều kín chỗ, đặc biệt trên các đường bay trục như Hà Nội – TP.HCM, Đà Nẵng – TP.HCM,… Các đường bay kết nối TP.HCM với Vinh, Thanh Hóa, Hải Phòng, Quy Nhơn hay các đường bay du lịch như Hà Nội/TP.HCM – Phú Quốc, Hà Nội/TP.HCM – Côn Đảo đều chứng kiến sản lượng hành khách tăng mạnh.

Thống kê của Cục Hàng không cho thấy, trong ngày 6/2 (ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán) sản lượng thông qua các cảng hàng không Việt Nam đạt hơn 1,9 nghìn lượt hạ cất cánh, khoảng xấp xỉ 290 nghìn khách và 2 nghìn tấn hàng hóa, tăng tương ứng 20% về hạ cất cánh, 73% về hành khách và 4,4% về hàng hóa so với cùng thời điểm Tết Nguyên đán năm 2021.

Dịp cao điểm vận tải Tết Nhâm Dần 2022, cả hai sân bay lớn nhất cả nước là Nội Bài và Tân Sơn Nhất đều liên tục đón số lượng hành khách tăng kỷ lục. Để phục vụ nhu cầu di chuyển của người dân trở lại các đô thị lớn làm việc và sinh sống sau dịp nghỉ Tết, từ ngày 7 – 10/2/2022, các hãng hàng không nội địa đã khai thác thêm 251 chuyến bay.

Một số chặng bay tăng cao như Hà Nội – TP.HCM tăng 48 chuyến, Đà Nẵng – TP.HCM tăng 43 chuyến. Đường bay Hải Phòng – TP.HCM tăng 26 chuyến, Huế – TP.HCM tăng 25 chuyến, Chu Lai – TP.HCM tăng 27 chuyến và Thanh Hóa/Vinh – TP.HCM tăng 23 chuyến.

Kỳ vọng phục hồi và phát triển mạnh mẽ sau đại dịch

Không chỉ bay nội địa có những tín hiệu tích cực mà từ ngày 15/2, Việt Nam chính thức dỡ bỏ hạn chế về tần suất khai thác các chuyến bay quốc tế, trở lại bình thường như trước khi xảy ra đại dịch COVID-19. Điều này đã đem đến những hy vọng phục hồi cho ngành hàng hàng không, du lịch và nhiều hoạt động sản xuất kinh tế khác.

Sản lượng hành khách di chuyển qua các cảng hàng không Việt Nam tăng mạnh trong dịp cao điểm vận tải Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Thông tin từ Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết, việc khôi phục các chuyến bay quốc tế như trước thời gian dịch bệnh COVID-19 là nhiệm vụ bấp bách theo Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải. Cục Hàng không đã xây dựng phương án và lộ trình mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ từ ngày 1/1/2022.

Qua quá trình thực hiện, các đơn vị thường xuyên tổng kết, đánh giá và đến nay Cục Hàng không đã báo cáo Bộ Giao thông Vận tải đây là thời điểm “chín muồi” để mở lại thị trường các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ. Từ 1/1-12/2/2022, ngành hàng không đã vận chuyển được 118 nghìn khách quốc tế, đây là một con số rất đáng mừng; tuy nhiên so với trước dịch thì vẫn còn rất khiêm tốn.

Các hãng hàng không trong nước, các nhà chức trách nước ngoài, các hãng hàng không nước ngoài đều có một nguyện vọng chung là chúng ta nên khôi phục lại hoàn toàn để các hãng hàng không chủ động trong xây dựng kế hoạch bay cũng như để hành khách tiếp cận với lịch bay, các chuyến bay hơn,… ông Thắng cho biết thêm.

Thông tin từ đại diện hãng hàng không Vietjet Air cho biết, việc nối lại các chuyến bay thường lệ quốc tế đã được hãng chuẩn bị kỹ càng về mọi mặt. Hãng cũng đã tăng tần suất chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ lên 3 – 4 chuyến/tuần đối với đường bay Hà Nội – Tokyo (Nhật Bản) từ ngày 18/2, đường bay Hà Nội – Seoul (Hàn Quốc) từ ngày 16/2 và đường bay TP.HCM – Singapore từ 10/2.

Hiện Vietjet Air cũng đã mở bán vé và khai thác lại các chuyến bay thương mại quốc tế giữa Hà Nội/TP.HCM và Đài Bắc (Trung Hoa), Thái Lan. Dự kiến, hãng này sẽ mở thêm các đường bay xa hơn đến Ấn Độ, Nga,… trong thời gian tới.

Với Vietjet Air, hành khách bay quốc tế bay cùng hãng này đi từ Hà Nội và TP.HCM sẽ được tặng gói xét nghiệm PCR COVID-19 và xét nghiệm nhanh miễn phí tại các điểm xét nghiệm được chỉ định tại Việt Nam.

Chuyên gia hàng không PGS.TS Nguyễn Thiện Tống khẳng định, việc khôi phục các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ vào lúc này là vô cùng cần thiết để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, thúc đẩy khôi phục du lịch quốc tế và kinh tế.

Điều này không chỉ cần thiết với sự hồi phục của ngành hàng không nói riêng và cả nền kinh tế nói chung. Khi những đường bay quốc tế được khôi phục, các nhà đầu tư, giao thương giữa các nước sẽ được thuận lợi hơn. Từ đó sẽ đem tới nhiều cơ hội thu hút được đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, trên thế giới, các quốc gia đã và đang đưa ra nhiều chính sách cạnh tranh để thu hút khách quốc tế, đón đầu nhu cầu đi lại sau khi đại dịch đang từng bước được kiểm soát. Bởi vậy, nếu Việt Nam chậm trễ sẽ tự đánh mất lợi thế cạnh tranh về điểm đến, không chỉ với khách du lịch mà còn với các nhà đầu tư.

Theo Công luận

https://congluan.vn/nganh-hang-khong-va-ky-vong-vuc-day-trong-nam-2022-post181724.html

Cùng chuyên mục

Khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt theo phương thức PPP

Khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt theo phương thức PPP

Hà Nội: Điều chỉnh lại giao thông nút giao Cổ Linh – Thạch Bàn

Hà Nội: Điều chỉnh lại giao thông nút giao Cổ Linh – Thạch Bàn

Đề xuất mở rộng tuyến cao tốc TP HCM – Trung Lương – Mỹ thuận lên 8 làn xe

Đề xuất mở rộng tuyến cao tốc TP HCM – Trung Lương – Mỹ thuận lên 8 làn xe

Giá vé giảm tới 20% khi hành khách mua xa ngày tàu chạy

Giá vé giảm tới 20% khi hành khách mua xa ngày tàu chạy

Đề xuất thực hiện cao tốc Nha Trang – Liên Khương theo hình thức PPP

Đề xuất thực hiện cao tốc Nha Trang – Liên Khương theo hình thức PPP

Đà Nẵng khai thác trở lại đường bay Incheon

Đà Nẵng khai thác trở lại đường bay Incheon

Tháo gỡ khó khăn về mặt bằng thi công cao tốc Bắc – Nam qua Quảng Trị

Tháo gỡ khó khăn về mặt bằng thi công cao tốc Bắc – Nam qua Quảng Trị

Hà Nội: Kiểm soát hoạt động xe U-oát (UAZ) chở khách du lịch trong phố cổ

Hà Nội: Kiểm soát hoạt động xe U-oát (UAZ) chở khách du lịch trong phố cổ

Đường sắt tung 6.000 vé tàu giảm giá nhằm kích cầu hành khách đi lại