Ngành công nghiệp âm nhạc đầy bê bối là nguồn tiền khổng lồ cho Hàn

9:09 | 20/03/2019

Kpop phát triển vượt bậc trong suốt 2 thập kỷ qua. Đây là thị trường lớn thứ 8 thế giới về âm nhạc theo số liệu của IFPI.


Kpop được xây dựng trong hai thập kỷ và đặc biệt nổi tiếng với khán giả toàn cầu trong vòng 10 năm qua. Các nghệ sĩ Hàn Quốc có ít nhất 8 lần lọt bảng xếp hạng Hot 100 của Billboard kể từ Nobody phát hành năm 2009 của Wonder Girls.

Âm nhạc Hàn Quốc trở thành ngành công nghiệp ấn tượng trị giá 5 tỷ USD, theo báo cáo được công bố tại Cơ quan Nội dung Sáng tạo Hàn Quốc (KOCCA) năm 2017.

Nguồn gốc sự trỗi dậy của nền văn hóa nhạc pop

Vào cuối những năm 90, khi châu Á trải qua một cuộc khủng hoảng tài chính lớn, các nhà lãnh đạo Hàn Quốc quyết định sử dụng âm nhạc để cải thiện hình ảnh và xây dựng ảnh hưởng văn hóa. Chính phủ nước này rót hàng triệu USD để thành lập Bộ Văn hóa với một bộ phận cụ thể dành cho Kpop.

Từ thế hệ thần tượng thứ 2 với Wonder Girls, TVXQ, Big Bang, SNSD… giúp Kpop bắt đầu nổi tiếng trên thị trường quốc tế.

“Chính phủ Hàn Quốc đối xử với ngành công nghiệp Kpop theo cách chính phủ Mỹ đối xử với ngành công nghiệp ôtô và ngân hàng, tức đây là ngành phải được bảo vệ”, Euny Hong, tác giả của The Birth Of Korean Cool nhận định.

Nằm trong chiến lược phát triển Kpop, chính phủ nước này xây dựng khán phòng hòa nhạc trị giá hàng triệu USD, tinh chỉnh công nghệ hình ba chiều, thậm chí giúp điều chỉnh noeraebang – quán karaoke – để bảo vệ lợi ích của các ngôi sao Kpop.

“Họ muốn Hàn Quốc của thế kỷ 21 giống nước Mỹ của thế kỷ 20, thời điểm mà nước Mỹ được coi là tuyệt vời đến mức mọi thứ sản xuất tại đây sẽ tự động được mua”, tác giả nói thêm.

Theo The Outline, chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ quỹ tài chính 1 tỷ USD để phát triển ngành công nghiệp âm nhạc vào năm 2005. Đến 2012, một phần ba tổng số vốn đầu tư mạo hiểm được dành cho lĩnh vực giải trí.

Khoản đầu tư sinh lời lớn

Đến hiện tại, phải nói rằng khoản đầu tư của chính phủ Hàn Quốc dành cho Kpop sáng suốt và xứng đáng. Theo KOCCA, doanh thu concert, lượt nghe trực tuyến… năm 2016 đạt mức kỷ lục 4,7 tỷ USDtrên toàn cầu. Keith Howard, giáo sư âm nhạc tại Đại học London nhận định Hàn Quốc thu về 5 USD từ mỗi khoản đầu tư trị giá một USD.

Hàn Quốc, với dân số 51 triệu người, là thị trường lớn thứ 8 thế giới về âm nhạc theo thống kê dựa trên doanh thu của Liên đoàn Công nghiệp ghi âm quốc tế (IFPI).

2012 và 2018 là hai cột mốc quan trọng đánh dấu bước phát triển vượt bậc của Kpop. Năm 2012, nhờ hiện tượng Gangnam Style của PSY, âm nhạc Hàn Quốc được biết đến rộng rãi trên toàn thế giới.

Sức mạnh của BTS góp công lớn giúp nâng cao địa vị của Kpop trên thị trường âm nhạc thế giới.

Theo IFPI, BTS là nghệ sĩ bán album nhiều nhất thế giới với 5 triệu bản, vượt qua những tên tuổi tầm cỡ thế giới như Ed Sheeran, Lady Gaga…

Trong hai tháng đầu năm 2018, BTS có hơn 36 triệu lượt đề cập trên Twitter, gấp gần 4.000 lần so với tỷ lệ dự kiến của công ty phân tích âm nhạc Next Big Sound. Trong khi đó, nhóm nhạc EXO đạt 24 triệu, gấp hơn 14.000 lần so với dự kiến. Không phải ngẫu nhiên mà EXO và BTS là hai nhóm xuất hiện thường xuyên trên bảng quảng cáo của Quảng trường Thời đại.

Sức mạnh tổng hợp của BTS, EXO cùng vô số nhóm nhạc đang hoạt động hiệu quả như Black Pink, Twice, Red Velvet, GOT7, NCT… giúp Kpop không ngừng phát triển, thậm chí theo cấp số nhân về doanh thu, thành tích trong suốt 2 thập kỷ qua.

Đóng góp lớn cho nền kinh tế Hàn Quốc

Hiệu ứng của Hallyu nói chung và Kpop rất lớn, đóng góp 0,2% GDP của Hàn Quốc năm 2004, lên tới 1,87 tỷ USD. 10 năm sau, con số tăng gấp nhiều lần, ở mức 11,6 tỷ USD. Trong 2 thập kỷ qua, Hàn Quốc trở nên giàu có. Năm 1965, GDP bình quân đầu người của Hàn Quốc thấp hơn Ghana. Năm 2018, Hàn Quốc là nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới theo báo cáo thường niên của US News.

CedarBough Saeji, nhà nghiên cứu sau Tiến sĩ tại Đại học British Columbia đánh giá: “Sức mạnh mềm rất quan trọng trong việc thu hút công chúng nước ngoài quan tâm nhiều hơn tới Hàn Quốc”.

“Kpop là công cụ quyền lực mềm tối thượng của Hàn Quốc, nó được thực hiện bằng tiếng Hàn và tinh túy theo nhiều cách của Hàn Quốc. Nó có sức mạnh khiến người hâm mộ muốn tìm hiểu thêm về âm nhạc, về ngành công nghiệp và về đất nước đó”, Jenna Gibson – nghiên cứu sinh tiến sĩ tại ĐH Chicago nói.

Sự nổi tiếng của các nhóm nhạc giúp Hàn Quốc tăng lượng khách du lịch từ nước ngoài.

Kpop thậm chí giúp việc học tiếng Hàn trở thành trào lưu ở nhiều nước trên thế giới. Trong một cuộc khảo sát với 20.000 người hâm mộ Kpop sống ở Algeria năm 2017, 93% số người được hỏi cho biết họ sử dụng từ và tiếng lóng Hàn Quốc vào việc nói chuyện hàng ngày.

“Có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra việc Kpop góp phần tăng lượng khách du lịch đến Hàn Quốc và tăng cả số lượng người nghiên cứu ngôn ngữ này”, ông Gibson nói.

Viện nghiên cứu Hyundai (HRI) công bố số liệu năm 2017, BTS mang về gần 3,6 tỷ USD, tương đương đóng góp từ 26 công ty có quy mô trung bình. Cứ 13 du khách tham quan Hàn Quốc thì có một người đến vì BTS.

Trước đó, năm 2016, tờ Herald Corp thống kê lượng khách du lịch của Hàn Quốc trong 8 tháng đầu năm là 1,66 triệu lượt người. So với cùng kỳ năm trước, lượng khách tăng 55,6%. Đặc biệt, du khách từ Đài Loan tăng đột biến, đạt 310% so với năm trước đó. Theo nhận định của giới chuyên gia, sự nổi tiếng của Tzuyu trong nhóm nhạc Twice là yếu tố chính kích thích sự quan tâm của người dân Đài Loan với Hàn Quốc.

Vũ khí phục vụ chính trị

Ngoài việc mang lại lợi nhuận, Kpop còn là phương tiện để nâng cao tầm vóc của Hàn Quốc. Một điều mà nhiều chuyên gia phải thừa nhận, đó là các thần tượng, theo nhiều cách khác nhau đã trở thành nhà ngoại giao tài ba. “Sau khi được đào tạo, họ rất cẩn thận trước ống kính và cư xử tinh tế, hoàn hảo”, ông Saji nói.

Trong quan hệ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, các ngôi sao Kpop từ lâu đã đóng vai trò quan trọng. Từ việc phát các bài hát của SNSD, Big Bang… qua biên giới – một hoạt động thu hút nhiều sự chú ý từ Triều Tiên – mối quan hệ 2 bên gần đây đã nồng ấm hơn.

Vào 31/3/2018, Hàn Quốc cử đoàn nghệ sĩ gồm 160 thành viên, trong đó có nhiều ngôi sao Kpop sang Bắc Triều Tiên biểu diễn. Buổi hòa nhạc diễn ra ngày 1/4/2018 tại Nhà hát lớn Đông Bình Nhưỡng có sự tham dự của ông Kim Jong Un.

Thành viên Irene của nhóm Red Velvet đứng cạnh nhà lãnh đạo Triều Tiên, Kim Jong Un.

Các báo cáo từ Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên cho biết nhà lãnh đạo xúc động sâu sắc bởi những gì ông thấy. Ông thậm chí điều chỉnh lịch trình để gặp các thành viên Red Velvet, nhóm nhạc Kpop nữ duy nhất tại sự kiện.

Chính trị gia nổi tiếng Nhật Bản Shinjiro Koizumi từng đề cập đến nhóm nhạc nữ Twice khi thảo luận về sự gia tăng trao đổi văn hóa giữa Nhật Bản và Hàn Quốc.

Tiếp đó, với việc Hàn Quốc tổ chức Thế vận hội mùa đông 2018 tại Pyeongchang với sự tham gia của CL, EXO vào thời điểm căng thẳng chính trị, Kpop đã mang một ý nghĩa xã hội hoàn toàn mới, đó là: Hàn Quốc tự hào thể hiện ngành xuất khẩu nổi tiếng nhất của mình trước thế giới.

 

Theo Zing

Video hay

Cùng chuyên mục

Hành trình đến với danh hiệu Hoa hậu Nhân ái của doanh nhân Nguyễn Thị Phương

Hành trình đến với danh hiệu Hoa hậu Nhân ái của doanh nhân Nguyễn Thị Phương

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU TỪ DU THUYỀN TRÊN DÒNG LA GIANG

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU TỪ DU THUYỀN TRÊN DÒNG LA GIANG

Giải bóng chuyền Nam thanh niên Công an Hà Tĩnh vào giờ khai cuộc

Giải bóng chuyền Nam thanh niên Công an Hà Tĩnh vào giờ khai cuộc

HÀ NỘI: Tỏa sáng từ mái trường Ngọc Lâm thân yêu

HÀ NỘI: Tỏa sáng từ mái trường Ngọc Lâm thân yêu

PHÓ ĐỨC PHƯƠNG VÀ KHÁT VỌNG SỬ CA

PHÓ ĐỨC PHƯƠNG VÀ KHÁT VỌNG SỬ CA

Tấm gương sáng ngời của thế hệ trẻ Việt Nam

Tấm gương sáng ngời của thế hệ trẻ Việt Nam

NSƯT Tố Nga: Đúng như tên bài hát “Điệu Ví Giặm là em”

NSƯT Tố Nga: Đúng như tên bài hát “Điệu Ví Giặm là em”

PHONG TRÀO THỂ THAO RẤT HIẾM CÓ Ở MỘT VÙNG QUÊ

PHONG TRÀO THỂ THAO RẤT HIẾM CÓ Ở MỘT VÙNG QUÊ

Phát động Giải Báo chí “Tuyên truyền về chuyển đổi số TP. Đà Nẵng” năm 2024

Phát động Giải Báo chí “Tuyên truyền về chuyển đổi số TP. Đà Nẵng” năm 2024