Với phương châm “Thấu hiểu lòng dân. Tận tâm phục vụ” và ý chí, khát vọng “nơi nào có người nghèo, nơi đó có mạch nguồn tín dụng”. 19 năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Nông (NHCSXH) đã không ngừng cố gắng cùng người nghèo trên địa bàn tỉnh vượt khó, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng NTM tại địa phương.
Những ngày này, cùng với không khí hân hoan đón mừng sinh nhật tuổi 19 của hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), tại Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Nông cũng không ngoại lệ. Cùng với sự phát triển của tỉnh nhà, dù được thành lập muộn hơn so với NHCSXH các tỉnh bạn, thế nhưng NHCSXH tỉnh Đắk Nông đã không ngừng nổ lực để hoà thành tích của mình vào thành tích chung của cả hệ thống trong nhiệm vụ giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới của địa phương. Câu chuyện làm tín dụng 19 năm qua của NHCSXH tỉnh Đắk Nông có những đặc thù riêng, đòi hỏi mỗi cán bộ không chỉ giỏi chuyên môn mà còn phải có tâm để nuôi dưỡng ý chí, khát vọng “nơi nào có người nghèo, nơi đó có mạch nguồn tín dụng”.
Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cùng người nghèo vượt khó
Năm 2004, sau khi tỉnh Đắk Nông được thành lập; ngày 17/3/2004 Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH Việt Nam ký ban hành Quyết định số 92/QĐ-HĐQT thành lập Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Nông , chính thức đi vào hoạt động kể từ ngày 15/4/2004. Ngay sau khi được thành lập, NHCSXH tỉnh đã tập trung củng cố bộ máy tổ chức từ tỉnh đến huyện, chủ động tham mưu cho UBND tỉnh, huyện thành lập Ban đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) để quản lý, chỉ đạo giám sát đối với hoạt động của NHCSXH, đồng thời tiến hành nhận bàn giao dư nợ chương trình cho vay hộ nghèo, giải quyết việc làm từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Kho bạc Nhà nước, với dư nợ là 29,155 triệu đồng, trong đó gần 50% nợ quá hạn, nợ khó đòi.
Thực hiện Nghị định 78/NĐ/2002/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Đắk Nông , được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của NHCSXH Việt Nam, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh, huyện, Thị xã, các Sở, ngành, cơ quan hữu quan và cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp; cùng sự phối hợp ngày càng chặt chẽ của các tổ chức Hội đoàn thể gồm: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (TNCS HCM); đặc biệt là sự phấn đấu, nỗ lực không mệt mỏi của tập thể Ban lãnh đạo và cán bộ viên chức NHCSXH, hoạt động của Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Nông đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận, minh chứng cho sự phát triển ngày càng lớn mạnh từ bộ máy cho đến dư nợ, đã và đang là địa chỉ đáng tin cậy của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, là công cụ tài chính quan trọng đối với sự phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội của địa phương.
Tỉnh Đắk Nông trong điều kiện kinh tế – xã hội còn gặp rất nhiều khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng thụ hưởng chính sách tín dụng theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP chiếm tỷ lệ cao. Tại tỉnh không có các nguồn vốn tài trợ ủy thác của các tổ chức, cá nhân, do đó, để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và ổn định an ninh chính trị địa phương, đồng thời qua đó khẳng định vai trò tín dụng của NHCSXH đối với nhiệm vụ chính trị của địa phương. Trong những năm qua, NHCSXH tỉnh Đắk Nông luôn tích cực chủ động đề xuất với NHCSXH Trung ương và chính quyền địa phương bổ sung nguồn vốn cho vay, đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm… của các đối tượng thụ hưởng tín dụng chính sách trên địa bàn.
Năm 2004; tổng nguồn vốn Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Nông thực nhận bàn giao là 36.700 triệu đồng, đến 30/9/2021 tổng nguồn vốn đạt trên 3.161 triệu đồng, tăng 3.124 triệu đồng (gấp 85 lần) so với khi nhận bàn giao.
Để chuyển tải vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, hỗ trợ tối đa cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác trong điều kiện phải tinh giảm biên chế, tiết giảm chi phí quản lý…, NHCSXH đã thực hiện phương thức quản lý tín dụng chính sách ủy thác một số công việc trong quy trình nghiệp vụ tín dụng cho 04 tổ chức chính trị – xã hội (Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh). Đến nay, Chi nhánh đã ủy thác 16/17 chương trình tín dụng chính sách qua 04 Hội đoàn thể.
Các tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác chính là cầu nối giữa Nhà nước và nhân dân thông qua việc tổ chức thành lập và chỉ đạo hoạt động của các tổ Tiết kiệm &Vay vốn (TT&VV) tại cơ sở, từ đó cộng đồng người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tiếp cận với dịch vụ tín dụng ưu đãi một cách dễ dàng. Bên cạnh đó, các Hội đoàn thể còn cùng với Trưởng thôn trực tiếp tham gia vào việc bình xét cho vay, kiểm tra giám sát hoạt động của các Tổ TK&VV và việc sử dụng vốn của hộ vay; ngoài ra, còn phối hợp với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng hướng dẫn cách làm ăn, chuyển giao khoa học – kỹ thuật, áp dụng các chương trình khuyến nông, khuyến ngư vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế; từ đó, đồng vốn ngân hàng đầu tư mang lại hiệu quả, giúp hộ vay cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo. Đồng thời, thông qua phương thức ủy thác cho vay, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các Hội đoàn thể thường xuyên tiếp xúc với hội viên, nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của hội viên, giúp hội viên phát triển kinh tế gia đình, chất lượng cuộc sống ngày được nâng lên; đồng thời tập hợp được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia vào Hội, từ đó góp phần đưa tổ chức Hội ngày càng phát triển vững mạnh.
Đến 30/9/2021 dư nợ uỷ thác qua 04 tổ chức Hội đoàn thể của NHCSXH tỉnh Đăk Nông là 3.139 tỷ đồng với 68.372 hộ đang vay vốn qua 1.564 tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV);Trong thời gian qua, Chi nhánh luôn thường xuyên quan tâm củng cố nâng cao chất lượng hoạt động các Ban quản lý Tổ nhằm phục vụ tốt nhất đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Do vậy, trong thời gian qua, Tổ TK&VV đã thực hiện tốt chức năng là cầu nối giữa NHCSXH, UBND cấp xã, Tổ chức Hội đoàn thể với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trong việc chuyển tải kịp thời nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng, đồng thời thường xuyên tuyên truyền, vận động hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác thực hiện đúng quy định của Nhà nước khi vay vốn NHCSXH, điều đó thể hiện ở kết quả đánh giá chất lượng hoạt động của Tổ TK&VV ngày càng được kiện toàn và nâng cao.
Hoạt động tín dụng chính sách chủ yếu tập trung tại các điểm giao dịch xã phường thị trấn, cũng vì vậy mà trong thời gian qua Chi nhánh đã tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình về phòng chống dịch Covid_19. Hoạt động của Chi nhánh được diễn ra an toàn tuyệt đối cả con người và tài sản. Bên cạnh đó, Chi nhánh không ngừng củng cố nâng cao chất lượng tại Điểm giao dịch xã; Toàn tỉnh có 71 Điểm giao dịch đang hoạt động tại 71 xã, phường, thị trấn; việc phục vụ nhân dân tại xã là một đặc thù riêng của NHCSXH, đang phát huy hiệu quả và nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, của cấp ủy, chính quyền địa phương. Việc thực hiện giao dịch cố định tại trụ sở UBND cấp xã là nơi để cấp ủy, chính quyền địa phương kịp thời giám sát việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội tại cơ sở, là nơi thể hiện rõ việc xã hội hóa tín dụng chính sách vì mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại địa phương, đặc biệt hơn nữa đó là việc thực hiện giao dịch xã của NHCSXH để giúp cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tiết giảm chi phí tối thiểu khi giao dịch với NHCSXH, cũng như công khai đầy đủ danh sách các hộ vay vốn, thủ tục giải quyết cho vay, chính sách tín dụng và đối tượng thụ hưởng chính sách tín dụng để người dân biết, cùng giám sát việc thực hiện chính sách Nhà nước tại địa phương.
Đến nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh là 3.144tỷ đồng với 68.446 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, trong đó có 13.310 hộ nghèo; 7.875 hộ cận nghèo; 9.912 hộ mới thoát nghèo đang còn dư nợ tại NHCSXH; có 1.386 hộ nghèo đang còn dư nợ nguồn vốn hỗ trợ làm nhà theo quyết định 167 và quyết định 33/2015/QĐ-TTg.Đối với hộ đồng bào DTTS được tiếp cận với vốn tín dụng tăng rõ rệt, được vay vốn ngày càng nhiều, việc quản lý, sử dụng tiền vay có hiệu quả, sử dụng đúng mục đích, trả nợ đúng hạn theo cam kết. Đến nay, có trên 23 ngàn hộ vay vốn thuộc hộ đồng bào DTTS còn dư nợ, chiếm 33% số hộ còn dư nợ, với dư nợ 1.024 tỷ đồng, chiếm 32% so với tổng dư nợ 3.144 tỷ đồng. Chi nhánh đã tổ chức giải ngân cho vay được 5 cơ sở vay vốn trả lương ngừng việc cho 89 lao động với số tiền là 614 triệu đồng theo Nhị quyết 68 và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg.
Trong giai đoạn 2004 đến 30/9/2021, vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giúp 38.532 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2004 từ 56% xuống còn 6,98% cuối năm 2020 (riêng tại khu vực đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 80,76% xuống còn 17,8%); thu hút, tạo việc làm và duy trì, mở rộng việc làm cho 17.859 lao động; 5.368 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng 81.470 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; 1.687 căn nhà ở cho hộ nghèo; góp phần giúp cho 39.127 lượt hộ cư trú tại các xã vùng khó khăn tiếp cận nguồn vốn phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh, hoạt động thương mại trên địa bàn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội các xã khu vực khó khăn, giảm khoảng cách phát triển giữa các xã có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn với đơn vị còn lại trong tỉnh; Góp phần cùng với địa phương nâng tỷ lệ hộ gia đình cư trú khu vực nông thôn sử dụng nước sạch hợp vệ sinh lên 89% và có công trình vệ sinh đạt chuẩn lên 80%; góp phần cùng với 29 xã hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu của cuộc sống cho người nghèo, đối tượng chính sách khác, nhất là đối với điều kiện của các huyện nghèo, đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa của tỉnh; mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế – xã hội; góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Các đối tượng thụ hưởng được tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước đề đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm; làm quen với các dịch vụ ngân hàng, tài chính; từng bước nâng cao trình độ quản lý sản xuất, kinh doanh, trình độ quản lý vốn; mạnh dạn vay vốn và sử dụng vốn có hiệu quả; góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Thông qua các chương trình tín dụng chính sách xã hội, các đối tượng thụ hưởng còn có điều kiện trang trải chi phí học tập, xây dựng nhà ở, công trình nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh; giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm bệnh tật, thất học và các tệ nạn xã hội; làm thay đổi căn bản nhận thức của người nghèo, đồng bào DTTS, giúp họ thêm tự tin, tăng dần vị thế trong xã hội.
Tuy nhiên, diễn biến khó lường của nhiều loại dịch bệnh như Covid-19, dịch tả lợn châu Phi… Và tới đây sẽ còn xuất hiện nhiều nữa, như biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhân dân, đặc biệt là hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Trong bối cảnh đó, NHCSXH tỉnh xác định cần phải tập trung sức làm tốt hơn nữa công tác tín dụng chính sách xã hội, để hỗ trợ ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn cho người nghèo, người yếu thế trên địa bàn tỉnh. Để có thể hỗ trợ người nghèo cùng với việc phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội các cấp, sự chung sức đồng lòng của của toàn xã hội; tiếp tục nâng cao hơn nữa năng lực và hiệu quả hoạt động, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng năng lực chuyên môn; triển khai kịp thời, có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách đến hộ nghèo, đối tượng chính sách với phương châm “Thấu hiểu lòng dân. Tận tâm phục vụ”.
Thế Hiếu