Trong lịch sử đã chứng kiến nhiều chiến công lẫy lừng bảo vệ Giang Sơn Xã Tắc là nhờ biết dựa vào lòng dân, được dân giúp sức. Cũng có trường hợp dù xây dựng quân đội “trăm vạn”, thành trì kiên cố, vũ khí “nhất thiên hạ” nhưng để mất Giang Sơn rồi mới thấm thía “ngã tay chèo mới biết lòng dân như nước”.
“Khoan sức dân làm kế rễ sâu gốc vững”
Năm 1300, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn bệnh nặng do tuổi già sức yếu, khó qua khỏi. Vua Trần Anh Tông thăm viếng. Nhà Vua hỏi rằng: “Nếu có sự không lành xảy ra mà quân Nguyên lại sang xâm lấn thì chống cự bằng cách gì?”
Hưng Đạo Vương đáp rằng:
“Ngày trước Triệu Võ (Triệu Đà) dựng nước, Vua nhà Hán sai quân sang đánh, bấy giờ, dân thì phá hết hoa màu ở đồng nội, quân thì kéo sang, dùng đoản binh tập hậu mà đánh phá châu Khâm, châu Liêm và châu Trường Sa. Đó là một thời kỳ.
Đến đời nhà Đinh, nhà Lê thì dùng người hiền tài. Lúc ấy phương Nam đang mạnh, phương Bắc đang suy, trên dưới một dạ, dân không có lòng ly tán, đắp thành Bình Lỗ mà phá được quân Tống. Đó lại cũng là một thời kì.
Nhà Lý dựng cơ nghiệp, người nhà Tống sang xâm lấn. Lúc ấy, dùng Lý Thường Kiệt đánh châu Khâm, châu Liêm, nhiều phen đánh đến tận Mai Lĩnh, ấy là có thế lực mạnh.
Vừa rồi, Toa Đô, Ô Mã Nhi bốn mặt đánh phá bao vây. Lúc ấy, vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước ra sức nên giặc phải chịu bó tay. Đấy là lòng trời xui khiến.
Quân giặc cậy vào trường trận, ta cậy ở đoản binh, đem đoản binh chống trường trận là việc thường trong binh pháp. Nhưng cần phải cân nhắc cho kĩ, giá thử quân giặc tràn sang như gió như lửa thì có thể chống cự được; nếu giặc dùng cách chiếm cứ dần như tằm ăn dâu, không vơ vét của dân, không mong đánh được ngay thì mình phải dùng tướng giỏi, xem tình thế biến chuyển như người đánh cờ, tùy cơ mà ứng biến cho đúng, làm thế nào thu hút được binh lính như cha con một nhà thì mới có thể chiến thắng được. Vả lại, phải khoan sức dân làm kế rễ sâu gốc vững, ấy mới là thượng sách, không có gì hơn được.”
Khâm định Việt sử thông giám cương mục
Lời bộc bạch cuối đời của Hưng Đạo Vương có giá trị như vàng ngọc để hậu thế sau này giữ nước. Hưng Đạo Vương đưa ra dẫn chứng các kế sách trong lịch sử, nhưng cuối cùng thượng sách vẫn là dựa vào sức dân: “khoan sức dân làm kế rễ sâu gốc vững, ấy mới là thượng sách, không có gì hơn được”.
Nhà Trần khi biết chăm lo cho dân chúng, được người dân đồng lòng ủng hộ, thì mới có được 3 lần chiến thắng quân Nguyên Mông.
Thậm chí dù được lòng dân, nhưng vào năm 1284, khi 50 vạn đại quân Nguyên Mông (bao gồm cả dân phu) chuẩn bị tiến đánh Đại Việt, để chuẩn bị đánh giặc, nhà Trần vẫn tổ chức hội nghị Diên Hồng, củng cố thêm quyết tâm, dùng sức dân làm gốc rễ, nhờ đó mà thắng giặc.
“Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo thôi!”
Năm 1399, Hồ Quý Ly cho giết chết gần 400 tôn thất cùng tướng lĩnh nhà Trần. Con cái của họ, gái thì bị bắt làm nô tỳ, trai từ một tuổi trở lên thì bị chôn sống hoặc bị dìm nước cho chết. Nhưng có một điều Hồ Quý Ly không để tâm: Các tướng lĩnh nhà Trần nhiều người biết cầm quân khiển tướng, việc diệt hết các tướng họ Trần khiến quân đội nhà Hồ sau này không còn ai có tài thao lược.
Mặt khác các chính sách của Hồ Quý Ly khiến lòng dân oán thán. Khi quân Minh chuẩn bị tiến đánh, Hồ Quý Ly chuẩn bị rất chu đáo để đánh trả, thành lũy quân đội được xây dựng hùng hậu, nhiều tuyến phòng thủ kéo dài.
Để chuẩn bị chống quân Minh, Hồ Quý Ly từng nói với các tướng muốn xây dựng quân đội “trăm vạn”, vì thế mà quân đội dưới thời nhà Hồ rất đông, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng quân đội dưới thời nhà Hồ đông đúc và được trang bị thuộc loại tốt nhất trong sử Việt. Thậm chí quân đội nhà Hồ còn có Thần cơ thương pháo của Hồ Nguyên Trừng, được xem là hiện đại thời bấy giờ.
Năm 1405 trong cuộc họp bàn các tướng về kế sách chống quân Minh, Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng đã nói với Vua rằng: “Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo thôi!”.
Câu nói của Hồ Nguyên Trừng đã nói đúng vào điểm yếu của nhà Hồ lúc đó. Hồ Quý Ly chỉ lo xây dựng thành trì quân đội, mà không hề để ý đến lòng dân. Các tướng giỏi họ Trần đã bị giết, cải cách thi hành phục vụ chiến tranh gây ra mâu thuẫn và bức bối trong dân chúng, người tài trong thiên hạ không ai muốn phục vụ cho nhà Hồ.
Nhà Hồ cuối cùng đã bại trận.
Sau này lòng dân hướng đến các cuộc khởi nghĩa khắp nơi nổ ra, trong đó cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã quét sạch quân Minh ra khỏi bờ cõi.
“Lật thuyền mới biết dân như nước”
Khi nhà Hồ bị đánh bại, Nguyễn Phi Khanh lúc này đang giữ chức Đại lý tự khanh kiêm Trung thư Thị lang, ông bị bắt và giải về Trung Quốc.
Nguyễn Phi Khanh có người con là Nguyễn Trãi rất hiếu thảo, năm ấy đã 27 tuổi, thấy cha bị bắt thì khóc lóc. Khi Nguyễn Phi Khanh bị giải về phương bắc, Nguyễn Trãi quyết đi theo để ở bên cạnh chăm sóc cha mình dù Nguyễn Phi Khanh không đồng ý.
Tuy nhiên khi đến ải Nam Quan, nơi phân định biên giới hai nước thì Nguyễn Phi Khanh nhất quyết bắt con mình phải quay trở về. Nguyễn Phi Khanh đã nói rằng nuôi chí đánh bại quân Minh, bảo vệ Giang Sơn Xã Tắc mới làm tròn đại hiếu.
Nguyễn Trãi vâng lời cha quay trở về, khi đi ngang qua cửa biển Bạch Đằng, nơi cha ông từng ba lần đánh bại đại quân xâm lược phương bắc, ông ngậm ngùi ngắm biển, suy ngẫm đến vận nước, rồi cảm thán mà viết ra bài Quan hải (Cửa biển) nổi tiếng:
Quan hải
Thung mộc trùng trùng hải lãng tiền
Trầm giang thiết toả diệc đồ nhiên
Phúc chu thuỷ tín dân do thuỷ
Thị hiểm nan bằng mệnh tại thiên
Hoạ phúc hữu hồi phi nhất nhật
Anh hùng di hận kỷ thiên niên
Càn khôn kim cổ vô cùng ý
Khước tại thương lương viễn thụ yên
Tạm dịch:
Sóng biển mênh mang cọc điệp trùng
Ngăn sông xích sắt luống toi công
Lật thuyền mới biết dân như nước
Cậy hiểm không xong trách Hoá công
Hoạ phúc phải đâu trong phút chốc
Anh hùng ôm hận với non sông
Xưa nay trời đất vô cùng ý
Khói toả cây xa sóng chập chùng
Bài thơ nói về sự thất bại của nhà Hồ, tát cả đều xoay quanh ở một câu: “Lật thuyền mới biết dân như nước”. Dẫu nhà Hồ có đóng cọc kín cửa biển, dẫu sông Thao, sông Lô, sông Hồng “sóng biển mênh mang cọc điệp trùng”, dẫu có giăng xích sắt ở sông, có tìm đất hiểm xây thành đá vững bền, cũng chẳng thể nào ngăn được quân giặc dữ. Lúc thua trận thì chợt thấm thía rằng: “lật thuyền mới biết dân như nước”.
Bài học về “lòng dân” trong lịch sử còn nguyên vẹn giá trị đến ngày nay. Dẫu có xây dựng quân đội “trăm vạn”, dẫu có hệ thống an ninh tỏa khắp, dẫu có trang bị vũ khí như thế nào, nhưng nếu để mất lòng dân thì vẫn chỉ chuốc lấy thất bại.
Theo Trithucvn