Hàng năm cứ sau tết, trời nắng nóng kéo dài cũng là thời điểm người dân huyện Núi Thành, Quảng Nam nhộn nhịp vớt, hái rong câu trên dòng sông Trường Giang.
Những ngày này, khi đến các xã ven dòng sông Trường Giang như Tam Hòa, Tam Hiệp, Tam Hải (huyện Núi Thành, Quảng Nam), rất dễ gặp những người dân hụp lặn dưới nước để vớt rong câu.
Đây là khu vực tiếp giáp giữa sông và biển, vùng nước lợ nên rong câu mọc dày đặc. Từ lúc mặt trời chưa mọc, họ vớt rong dưới dòng nước lạnh ngắt đến khi ánh bình minh bắt đầu ló dạng.
Việc mò, vớt rong câu khá đơn giản, lại có thu nhập khá nên nhiều gia đình rủ đến 3-4 người cùng. Nguyễn Văn Linh (14 tuổi) kể, tranh thủ lúc được nghỉ học bởi dịch COVID-19, em theo ba mẹ ra đây để vớt rong câu để phụ giúp gia đình.
Thành quả sau những giờ cần mẫn là nhiều bao tải, thùng xốp chứa đầy rong câu. Họ rửa sạch, lọc rác rồi được chở về nhà hoặc bán cho thương lái chờ sẵn ở trên bờ sông.
Gần bờ ít rong câu, lại được khai thác gần như hết nên người dân phải ra xa bờ, giữa dòng nước sâu. Mực nước sông Trường Giang dâng lên theo thời gian là nguy hiểm tiền tàng cho người vớt, mò rong câu.
“Nhiều người mải mê vớt, mò nên không để ý nước lên, lúc từ ngoài xa vào bờ thì nước đã dâng quá đầu, không biết bơi sẽ rất nguy hiểm. Ở đây cũng có người bị nước cuốn, may mắn được các hộ gia đình có ghe, thuyền cứu” – chị Nguyễn Lê Bảo Vy (37 tuổi, xã Tam Hòa) – kể lại.
Mùa rong biển thường xuất hiện vào đầu tháng 2, kéo dài đến cuối tháng 5. Rong câu (rau câu) có tên khoa học là Gracilaria, là một chi của tảo đỏ, thân cây giòn, đỏ hay hơi vàng. Rong câu được dùng làm thạch, xoa xoa, làm gỏi… Chất alga alkane mannitol trong rong là loại đường hàm lượng calo thấp, giúp nuôi dưỡng các vi khuẩn có lợi cho ruột. Rong câu có tác dụng giảm trigltyceride máu và choleterol xấu, giúp dự phòng tiểu đường, xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim.
Theo Tuoitre