“Ba mươi nan hoa cùng quy vào một cái bánh xe, nhưng chính nhờ khoảng trống không trong cái bánh mà xe mới dùng được. Nhồi đất sét để làm chén bát, nhưng chính nhờ cái khoảng trống không ở trong mà chén bát mới dùng được. Vậy ta tưởng cái ‘có’ có lợi cho ta mà thực ra cái ‘không’ mới làm cho cái ‘có’ hữu ích.” Đây là một đoạn trong chương 11 Đạo Đức Kinh của Lão Tử.
Ngẫm lại về cuộc đời con người, từ khi sinh ra đến lúc chết đi đều cố gắng để đạt được những gì mình muốn – “cái có” – cũng chính là cái vị tư. Con người sống trên đời chỉ vì ba chữ danh – lợi – tình, mà đau khổ phiền não, cuối cùng sinh ra bệnh tật đầy mình, lúc chết đi vẫn còn tiếc nuối. Con người những tưởng “cái có” này sẽ mang đến hạnh phúc cho mình, nhưng thực ra không phải.
Trong tâm mà toàn tham – mong – cầu thì không có hạnh phúc. Điều mang đến hạnh phúc thực sự cho con người chính là sự an nhiên tự tại trong tâm hồn. Tâm vô vi, không mong cầu – chính “cái không” này mới là hạnh phúc lớn nhất của đời người.
Lão Tử viết: “Vạn vật trong trời đất sanh từ có (hữu), (hữu) có sanh từ không (vô). Hữu vô đều từ thiên đạo”. Câu này có thể hiểu là vạn sự vạn vật, đều do Thiên Đạo tạo ra, có hay không đều do Thiên Đạo quyết định. Con người mong cầu điều gì, được mất, thành bại là do Trời định. “Nhân định” sẽ không bao giờ vượt qua được “Thiên định”. Người xưa nhận thức điều này rất rõ, dẫu ở địa vị cao như Hoàng đế thì vẫn là Trời định. Hoàng đế được gọi là chân mệnh Thiên tử, khi ban chiếu chỉ lúc mở đầu đều viết “Thuận Thiên thừa vận, Hoàng đế chiếu viết…”
Vận mệnh của con người do trời định, thế nên con người phải hành xử thuận theo thiên ý. Hiểu được quy luật này thì có thể thảng đãng sống những ngày tháng an nhiên tự tại.
Trong Hán tự, chữ “nhân” – 人(người) nếu thêm một chữ “nhất” (一) với hàm nghĩa là Đạo (“Đạo sinh nhất”), sẽ thành chữ “đại” – 大 (to lớn). Người mà có đạo thì sẽ trở nên to lớn vĩ đại. Chữ “đại” – 大 mà thêm một chữ “nhất” nữa thì sẽ thành chữ “Thiên” – 天 (trời). Như vậy “đệ nhất đại” (cái to lớn nhất) chính là “Thiên” . Đạo chính là pháp tắc và quy luật của vũ trụ, nội hàm và ý chỉ của Đạo chính là Thiên ý. Con người phải thuận theo Đạo mà hành xử, thuận theo Thiên ý. Đối với con người mà nói, Thiên ý là điều không thể làm trái.
Lão Tử cũng nói “Hành vô vi chi Đạo” – câu này không phải là không làm gì hết, mà thực ra nghĩa là làm mọi việc một cách vô vi, làm mà không truy cầu mới chính là Đạo. Điều này cũng không phải là làm một cách hờ hững, vô tâm. Vô vi ở đây là không chấp nhất, làm việc gì cũng phải toàn tâm toàn ý, nhưng với một tâm thái thảng đãng, không chấp vào kết quả. Bởi vì người tính không bằng Trời tính nên con người cần hiểu rằng những gì mình có được trong đời đều là do Đức và Nghiệp của mỗi cá nhân tạo thành. Có cái muốn có nhưng không thuộc về ta thì cố gắng đến mấy cũng không có được – là do nghiệp tạo thành, cái thì không cần làm mà lại có một cách dễ dàng – là do đức tạo thành.
Phật gia dạy “Đời người là bể khổ”, làm người là phải chịu khổ. Vậy những khó khăn, khổ nạn trong đời là cái tất nhiên phải “có”. Con người không thể mong cầu khổ nạn không tồn tại, mà cần học cách đối mặt với nó. Nếu dùng tâm thái an nhiên, tĩnh tại để đối mặt với mọi sự thì việc gì cũng sẽ vượt qua một cách dễ dàng. Đây chính là cái tâm vô vi – chính là cái “không”. Dùng cái “không” (tâm vô vi) này để đối mặt với cái “có” (khổ nạn) thì sẽ thực sự thấy được hạnh phúc chân chính của đời người – mới là cái “có” đích thực. Phật gia cũng giảng, mọi việc trên đời đều là huyễn tượng, con người đều không thoát khỏi sinh lão bệnh tử, khi chết đi thì ngay những gì “có” được cũng không thể mang theo. Vậy những mong cầu đó chẳng phải là huyễn tượng còn gì? Đa số người ta vì để đạt được cái huyễn tượng đó mà bất chấp tất cả đạo lý, hại người hại mình, chính là đang tạo nghiệp, đánh mất đi đức đã tích bao đời.
Xã hội ngày càng phát triển thì càng phức tạp, đạo đức trượt dốc hàng ngày. Con người sinh ra là “Nhân chi sơ tính bản thiện”, nhưng lớn lên thì bản tính ban đầu dần bị thay đổi. Nó thuận theo dòng chảy của xã hội mà trở nên ngày càng vị tư, ích kỷ. Dục vọng, ham muốn, ngày càng nhiều hơn. Thậm chí có lúc dục vọng che mờ lý trí, từ thiện thành ác trong phút chốc. Để giữ được cái tâm nguyên sơ trong sáng ban đầu của mình không bị biến đổi thực sự là điều không dễ dàng. Con người vì muốn “có” nhiều hơn mà dần đánh mất cái “không” ban sơ.
Trong chương 1 của Đạo Đức Kinh, Lão Tử nói: “Ai thường không có ham muốn (dục) thì thấy được cái huyền diệu của Đạo, ai ham muốn thì chỉ thấy những cái nhỏ nhặt”.
Cách tốt nhất vẫn là trở về “không”, giữ một tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến, dù cuộc đời có nghiệt ngã với mình thế nào tâm vẫn không thay đổi. Đó mới chính là mục đích làm người, cũng chính là hạnh phúc thực sự của đời người. Đại đạo là giản dị nhất. Phật gia cũng giảng về chữ không: vô ngã, vô vi, vô minh, vô thường – không truy cầu, không dục vọng thì mới đạt được “vô”. Một người bình thường nếu hiểu được điều này thì chính là không tu đạo mà đã ở trong đạo rồi.
Vũ trụ vận động không ngừng. Vạn sự vạn vật được sinh ra và phát triển theo quy luật tự nhiên. Trong mọi thứ đều tồn tại cái có và cái không, thái cực có âm và dương, ngũ hành cũng có tương sinh tương khắc, trong con người thì có Phật tính và ma tính, thiện và ác. Có mà không, không mà có, mọi việc đều đang vận động, hoán đổi qua lại, bù trừ cho nhau. Dùng cái không để đối diện với cái có, dùng Thiện để diệt trừ ác – một người thường nếu làm được điều này chính là đã đạt tới cảnh giới của người tu luyện.
Có một câu chuyện kể rằng.
Sư phụ hỏi: “Nếu muốn đun ấm nước nhưng nửa chừng phát hiện củi không đủ, con sẽ làm thế nào?”
Một đệ tử nói: “Con sẽ đi tìm”. Một đệ tử đáp: “Con đi mượn tạm cho nhanh”. Một đệ tử khác nói: “Là con, con sẽ đi mua”.
Sư phụ mỉm cười hỏi: “Thế sao các con không đổ bớt nước đi?”.
Làm người thì sống phải biết đủ, biết trân quý những gì có được. Bằng lòng với cái mình “có”, “không” truy cầu nhiều hơn, thì mới “có” được hạnh phúc thực sự. Đơn giản đây chính là Đạo.
Theo VisionTimes