Là nghĩ thế, nhiều cơ quan, chính quyền nên cho anh em công chức về Hội An để quan sát, để chiêm nghiệm, để ngẫm về một chính quyền đã làm việc vì dân như thế nào, ứng xử với dân ra sao và người dân đã ủng hộ chính quyền thế nào, một mối quan hệ người dân và chính quyền nhẹ nhàng và êm thuận.
Vài ghi nhận của tôi sau 2 tháng ở Hội An vừa rồi:
HỘI AN.
Thành phố này không rộng, dân số cũng không đông nhưng là thành phố du lịch nên chắc chắn phức tạp. Hàng ngày ( trừ thời gian dịch vừa qua) từ sáng đến đêm khuya, nườm nượp khách, rất và rất đông khách nước ngoài: Tham quan, mua sắm, ăn uống, ngủ nghỉ, dạo phố…
Và người dân hàng ngày cũng tiếp cận, gặp gỡ, ứng xử với một số lượng khách lạ không thể đếm được.
Ở đâu cũng vậy, người dân lo làm ăn, lo công việc mình, chính quyền lo quản lý.
Ở đâu cũng vậy, như câu thành ngữ “ bát đũa trong chạn thể nào chả va nhau”, nghĩa là có người sống, có người ở chung, tiếp xúc chung tất nhiên có va chạm. Nặng nề thì đánh chửi, văng tục, chửi thề như chúng ta gặp hàng ngày trên phố ở nhiều nơi.
Buôn bán thì phải gặp với đủ thể loại khách hàng, mua may bán đắt chả nói, gặp khách ểnh ương chọn chọn lựa lựa hỏi ngược hỏi xuôi, trả ra trả vào xong cũng không mua gì, kể cũng chả trách người bán hang cau có như vốn thấy ở nhiều nơi, thậm chí người bán còn nổi khùng, còn chì chiết, còn mắng người mua, hai bên hậm hực nhau, chuyện ấy chả hiếm gặp.
Chính quyền các địa phương thì với dân luôn có khoảng cách, ở đây đang nói khoảng cách chấp hành luật lệ, cứ buông ra là dân vi phạm, cứ lơi ra quy định là dân “ nhanh nhảu” lợi dụng: Tỉ như vỉa hè lấn chiếm, hay như cơi nới xây dựng, hay như giá cả hàng hoá, hay như lôi kéo khách, hay như lừa khách, chụp giật, nâng giá, hay như dùng chiêu trò đối phó với các quy chế, quy định của địa phương…Có vẻ như nhiều nơi, lợi ích của chính quyền và lợi ích của dân cứ “ hậm hực nhau, cạnh khoé nhau, cảnh giác nhau, xâm chiếm nhau” nên mắt dân nhìn chính quyền thì mặc cảm, hậm hực, mắt chính quyền nhìn dân thì cảnh giác…
Trở lại chuyện Hội An.
Ekip tôi có hai tháng để xây dựng sân khấu thực cảnh cho chương trình sân khấu Hội An Show.
Hai tháng không quá lâu nhưng không quá ngắn, nhất là với anh em chúng tôi, vốn luôn hóng hớt, săm soi, vốn không yên chân, yên mồm, yên mắt.
Thấy: Không một tiếng nói nặng lời trên phố, trong ngõ, quán hàng.
Không một lời nói tục.
Không chửi thề.
Không có chuyện xe của trật tự bấm còi, gọi loa thì dân hớt hơ hớt hãi xếp bàn, xếp ghế ra vẻ “ thực hiện quy tắc đường phố”. Không.
Không có chuyện đánh mắt, vểu môi, hằm hè, làu bàu, cau có nếu ai đó mở hàng rồi không mua, nếu khách nào đó chọn lựa lượn như cá cảnh cả tiếng đồng hồ, hỏi tới hỏi lui rồi cũng không mua…Không.
Không có chuyện nâng giá ăn, uống, ngủ, nghỉ, đi thuyền, mua hàng hoá với những khách ngơ ngơ hoặc khách nước ngoài. Không.
Không có chuyện chèo kéo khó chịu khách du lịch. Không.
Không có chuyện phân biệt người dân bản địa với người dân xứ khác đến sống, làm ăn, thuê mướn, hoặc với khách du lịch. Không.
Không có chuyện ngó lơ khi khách hỏi đường. Không.
Không có chuyện nói kháy, nói xấu, mỉa mai chính quyền, kể “ xấu” cán bộ làm “món nhậu” vỉa hè như các nơi khác. Không.
Còn lại là gì? Là những gương mặt cười, tươi tắn, rạng rỡ, đon đả chào hỏi, những ánh mắt thân thiện, mặn mà, yêu thương.
Còn lại sự êm ả, sự thanh tịnh, sự an toàn, an toàn hiểu theo nghĩa an ninh trật tự và cả nghĩa tâm thế mình, cứ về đến Hội An là thấy rất an toàn, rất nhẹ nhàng, rất tự tin, rất chân thành.
Vì sao thế? Vì không biết nhờ đâu, có một phần lịch sử để lại, có một phần đóng góp của chính quyền, hay cái thế phong thuỷ của một vùng đất…mà người dân luôn hoan hỉ, hoan hỉ với khách du lịch, hoan hỉ với nhau, êm thuận với nhau, biết nhường nhịn, biết phải trái, biết cách để từng ánh cười, thái độ của từng người dân, từ trẻ tới già làm hài lòng khách du lịch tức là chính làm tăng thu nhập cho chính cá nhân mình, gia đình mình, thành phố mình, là cách để thu hút du khách nhiều hơn nữa, khi đó, thành phố cũng giàu mà cá nhân mình, gia đình mình cũng giàu.
Vì ở Hội An quyền lợi của chính quyền, của thành phố đồng hành với quyền lợi của người dân.
Vì ở Hội An, có lẽ là nơi hiếm hoi khách du lịch sống cùng người dân, đồng hành bên người dân, vui buồn bên người dân, gần gũi người dân như thế cũng là cách để mang tới Hội An một luồng gió văn minh, cả ngoại ngữ, cả thói quen sống văn minh, cả thái độ sống. Người dân và du khách tự gặp nhau, bên nhau, cho nhau văn minh, tự xoá dần cái lạc hậu, xoá dần khoảng cách văn hoá, cùng nâng nhau tới đạo đức sống, đạo đức ứng xử.
Hội An đáng được tự hào 2 lần: Tự hào về thành phố cổ Di sản văn hóa thế giới và tự hào về một thành phố có chuẩn mực sống văn minh, không phải ở Việt Nam, tại Việt Nam mà ở thế giới. Vì sao khách nước ngoài lưu trú tại Hội An nhiều đêm, nhiều ngày, nhiều tháng, họ ở đây rồi đi du lịch về nhiều vùng miền khác, như quê nhà của họ vậy, đi và trở về, đó là vì Hội An đã vượt qua khung định của một cá nhân, một gia đình, một thành phố, để vươn tới sự mở cửa cho cả thế giới, một thành phố không biên giới, mở hết, thân thiện, êm ấm, cởi lòng và hấp dẫn bởi lòng dân tốt, bởi người dân thiện lành, bởi có một chính quyền hoạt động rất “ đời”, một thành phố không có bóng dáng cảnh sát giao thông, không có bóng dáng “ trật tự” viên hùng hổ, chỉ là những ánh mắt hoan hỉ, tựa như ta đang đi vãn cảnh ở một ngôi chùa cổ, với những bức tường rêu xanh, dòng sông chảy êm, tiếng guốc mộc, tiếng đàn ghi ta, ngay cả hệ thống loa công cộng mở nhạc rất hay, rất nhẹ, nhẹ như tiếng gió, tất cả cộng lại cho một Hội An trở thành 1 trong những điểm du lịch nổi tiếng thế giới.
Cám ơn Hội An cho chúng tôi một thời gian được sống chậm lại, trong trẻo, an nhiên và thấm hơn câu hát “ người với người sống để yêu nhau”…
Nguyễn Quang Vinh