Cầm trên tay cuốn sách “Sân khấu – Truyền thống và hiện đại” (Nhà xuất bản Sân khấu – 2019) dày 830 trang của nhà báo Nguyễn Thế Khoa – Tổng Biên tập Tạp chí Văn Hiến (Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc) tặng, tôi thực sự xúc động về một công trình nghiên cứu lý luận phê bình bề thế từ quy mô đến chất lượng nội dung. Tôi không có cảm giác ngạc nhiên, vì đã đọc khá nhiều bài viết của anh trên nhiều tạp chí, sách báo về nhiều lĩnh vực, trong đó có sân khấu. Cuốn sách của nhà báo Nguyễn Thế Khoa cho thấy một nội lực tiềm tàng, cùng niềm đam mê nghiên cứu có nền tảng vững chắc, hội tụ nhiều yếu tố vốn là thế mạnh của tác giả: văn chương – báo chí – trải nghiệm vị trí lãnh đạo quản lý (Trường Đoàn ca múa nhạc Hải Đăng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin Phú Khánh, Phó Tổng thư ký Hội Văn học Nghệ thuật Khánh Hòa) – truyền thống gia đình (hậu duệ Nho tướng Lê Đại Cang 1771-1847, con trai Lão tướng Tuồng Mịch Quang 1917-2018)…
86 bài viết làm nên một công trình đầy đặn về kịch nói, kịch hát dân tộc (Tuồng, Chèo, Cải lương), nghệ thuật diễn xướng dân gian (quan họ, hát xẩm, bài chòi); chân dung tác gia Tuồng (Nguyễn Diêu, Đào Tấn, Tống Phước Phổ, Mịch Quang), tác gia Kịch nói (Học Phi, Lưu Quang Hà, Xuân Trình, Thanh Hương, Nguyễn Khắc Phục, Văn sử, Văn Trọng Hùng), tác gia sân khấu chèo (Trần Bảng), tác gia cải lương (Trương Duy Toản, Viễn Châu), tác gia ca kịch (Nguyễn Sỹ Chức), tác giả nghiên cứu Tuồng (Vũ Ngọc Liễn); đạo diễn (Xuân Đàm, Doãn Hoàng Giang, Lê Hùng, Anh Tú, Hoàng Quỳnh Mai, Triệu Trung Kiên, Đặng Bá Tài…); nhạc sĩ (Hoàng Lê); diễn viên Nhà hát Ca kịch Bài chòi Bình Định (Hoài Huệ, Hồ Thu, Thùy Dung, Băng Châu…); các cô đào trẻ Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh… Ngoài ra, nhà báo Nguyễn Thế Khoa có một số bài đánh giá những vở diễn trong các kỳ Liên hoan, Hội diễn; bàn về các hiện tượng sân khấu (có cả tích cực và hạn chế)… Nói như PGS.TS Tất Thắng đây là công trình nghiên cứu có “sự kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa tư duy logic và tư duy hình tượng”.
Cuốn sách ôm trùm nhiều lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ xin đề cập đến một nội dung khá đặc sắc của cuốn sách về dân ca quan họ – một hình thức sinh hoạt văn hoá, diễn xướng dân gian độc đáo, hấp dẫn; một đặc sản văn hoá đầy tự hào của người Kinh Bắc. Những “con số biết nói” về quan họ đã minh chứng đầy sức thuyết phục cho niềm đam mê của tác giả: 13/86 bài viết, gồm 124 trang đầy đặn (218-341), chiếm tỷ lệ 15% toàn bộ công trình nghiên cứu “Sân khấu – Truyền thống và hiện đại”, đó là: “Hành trình sưu tầm và nghiên cứu dân ca quan họ” (218), “Từ những truyền thuyết về nguồn gốc quan họ” (230), “Một số tục lệ tiêu biểu trong sinh hoạt văn hóa quan họ” (242), “Tài tử quan họ” (253), “Ứng tác và sáng tác trong diễn xướng quan họ”, “Lúng liếng ơi, lóng lánh ơi” (275),”Acapella quan họ” (280), “Chân dung tinh thần của người Kinh Bắc xưa” (292), “Đặc trưng của của ngôn ngữ giao tiếp quan họ” (280), “Những bản tình ca bất hủ” (302), “Các thể thơ trong ca từ quan họ” (318), “Đẳng cấp bác học trong chiếc áo văn chương bình dân” (324), “Hai ngộ nhận lớn trong bảo tồn và phát huy dân ca quan họ” (329).
Trong “Hành trình sưu tầm và nghiên cứu dân ca quan họ”, tác giả điểm lại những tác giả và những công trình đã nghiên cứu trước đó: Bắt đầu là tác giả Chu Ngọc Chi “Hát quan họ” (1928), tiếp đến là Nguyễn Văn Huyên “Hát đối đáp nam nữ thanh niên” (Luận văn Tiến sĩ, 1934), học giả Dương Quảng Hàm “Việt Nam văn học sử yếu”, cùng một số bài du ký, tiểu luận in trên báo chí trước cách mạng tháng 8 của các tác giả: Vũ Bằng, Nguyễn Duy Kiện, Việt Sinh, Minh Trúc, Mạnh Quỳnh, Toan Ánh… Những công trình nghiên cứu nhỏ lẻ thời gian này chưa gây được sự chú ý, ít người biết tới, thậm chí đầu năm 1950, GS Trần Văn Khê vẫn xa lạ với hình thức diễn xướng này. Bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ, đội ngũ làm công tác văn hóa-văn nghệ ở chiến khu Việt Bắc đã ý thức tìm tòi, sưu tầm, nghiên cứu, chỉnh lý, phục hồi dân ca quan họ. Kết quả là 10 bài quan họ đã có mặt trong chương trình của Đoàn Văn công Quân đội biểu diễn chào mừng chiến thắng Điện Biên Phủ. Kể từ đó, sau năm 1954, trên miền Bắc, các nhạc sĩ (Văn Cao, Lưu Hữu Phước, Lê Yên, Lê Huy, Nguyễn Đình Phúc, Nguyễn Đình Tấn, Tử Phác, Tú Ngọc, Hồng Thao…); các nhà nghiên cứu (Vũ Ngọc Phan, Lê Thị Nhâm Tuyết, Lê Văn Hảo, Nguyễn Địch Dũng, Lê Trung Vũ, Lê Hồng Dương, Đặng Văn Lung, Trần Linh Quý…) đã dành thời gian, tâm sức sưu tầm, nghiên cứu dân ca quan họ. Theo đó, các công trình nghiên cứu quan họ trong và ngoài nước đã ra đời, như: “Dân ca quan họ Bắc Ninh” (Nguyễn Văn Phú, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Viêm, Tú Ngọc-1961), “Một số vấn đề về dân ca quan họ” (Ty Văn hoá Hà Bắc-1972), “Quan họ – Nguồn gốc và quá trình phát triển” (Đặng Văn Lung, Hồng Thao, Trần Linh Quý-1978), “Dân ca quan họ” (Hồng Thao – 1997),“300 bài dân ca quan họ Bắc Ninh” (Hồng Thao -2002)… Năm 1969, Đoàn dân ca quan họ Hà Bắc ra đời đánh dấu một sự kiện quan trọng trong công tác sưu tầm nghiên cứu quảng bá dân ca quan họ. Với những nỗ lực bảo tồn hình thức diễn xướng dân gian, năm 2009, Dân ca quan họ đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Từ xa lạ với hình thức diễn xướng này, hơn 10 năm sau, GSTS Trần Văn Khê đã viết và giới thiệu hai công trình dân ca quan họ trong “Âm nhạc truyền thống Việt Nam” và “Hát quan họ”. Các công trình nghiên cứu đã khẳng định “sinh hoạt văn hoá quan họ đã sáng tạo, dung nạp, chuyển hóa, sinh thành, đào thải…trong quá trình giao lưu và tiếp biến văn hoá với các hình thức sinh hoạt văn hoá khác ở địa phương, ở trong nước và các nước láng giềng để thích nghi, đáp ứng những nhu cầu phát triển qua từng thời đại, nên giá trị nội dung, nghệ thuật của sinh hoạt văn hoá quan họ giàu có, phức tạp, đa diện, phát triển và biến hoá không ngừng”…
Trong “Từ những truyền thuyết về nguồn gốc quan họ” (230), tác giả cùng các nhà/nhóm nghiên cứu, như: Đặng Văn Lung, Nguyễn Duy Kiện, Nguyễn Tiến Chiêu, Lê Văn Hảo, các nhóm (Lưu Khâm, Nguyễn Đình Tấn, Nguyễn Văn Phú, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Viêm, Tú Ngọc…) đi tìm nguồn gốc Quan họ. Nhiều ý kiến cho rằng nguồn gốc và thời điểm ra đời quan họ liên quan đến 15 truyền thuyết và hai câu ca lưu truyền trong dân gian Kinh Bắc từ lâu đời:
-Thủy tổ quan họ làng ta
Những lời ca xướng Vua Bà sinh ra
Xưa nay nam nữ trẻ già
Nối dòng tiên tổ ắt là hiển vinh
– Quan họ là chúa sinh ra
Bịu Sim là gốc ai mà không ưa
Với vốn hiểu biết sâu sắc văn hóa quan họ, tác giả nhận định dân ca quan họ là do “cư dân xứ Kinh Bắc sáng tạo nên”. Nhưng đồng thời, tác giả cũng đưa ra một thông điệp mở là cư dân đến từ các miền quê khác nhau đã làm giàu, sinh động, phong phú cho hình thức diễn xướng dân gian độc đáo này. Nhà báo Nguyễn Thế Khoa lý giải có cơ sở, dựa trên phẩm tính người sở hữu giá trị văn hóa này là “người Kinh Bắc rất công minh, cởi mở, không hề bản vị, địa phương chủ nghĩa trong hành trình đi tìm nguồn cội của một giá trị văn hoá đặc sắc của quê hương mình. Họ sẵn sàng tôn vinh đóng góp của những người ngụ cư từ tứ xứ”. Điều này phù hợp với các nghiên cứu trước đó là “dân ca quan họ không những được nuôi dưõng bằng nguồn sữa những tinh hoa nghệ thuật bản địa Kinh Bắc như hát ví, trống quân, đúm, xẩm, chèo, tuồng…mà còn thu hút vào mình nhiều tinh hoa của nghệ thuật xứ khác như xứ Đoài, xứ Đông, xứ Nam, các dân tộc thiểu số trung du và miền núi phía Bắc, miền Trung và cả Nam Bộ”. Trong quan họ không chỉ có lối hát, lối chơi mà còn có cả lối diễn. Quan họ thể hiện đẳng cấp bác học trong “chiếc áo” văn chương bình dân. Ca từ trong quan họ hội tụ những tinh hoa văn chương chọn lọc trong chất liệu ca dao, dân ca các vùng miền; những truyện Nôm khuyết danh, Truyện Kiều, thơ lục bát của các nhà thơ Việt Nam…
Am tường văn hóa quan họ, lọc từ nhiều truyền thuyết, tác giả cho rằng có 5 truyền thuyết liên quan đến nguồn gốc quan họ ở thời Lý: “quan họ ra đời cách đây 12 đời, từ khoảng đời Lý”; “bài hát quan họ đầu tiên được Vua Lý đặt ra cho dân chúng hát trong dịp mừng đám cưới”; là những bài hát “do nguyên phi Ỷ Lan hát từ khi còn là cô thôn nữ trên đồng Thổ Lỗi”; là những “bài hát kết bạn của hai làng Tam Sơn – Lũng Giang đã được các quan viên triều Lý đem vào cung để hát mừng vua” và tạo nên quan họ là “sự phát triển điệu hát đúm để thờ cúng vua Lý”. Với tư cách một nhà lý luận phê bình, nhà báo Nguyễn Thế Khoa thể hiện rõ quan điểm của mình đồng tình với ý kiến của nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan và các học giả khác “xem thời Lý, khoảng thế kỷ X-XI, là cái mốc đánh dấu sự ra đời của quan họ có lẽ là giả thuyết gần sự thật hơn cả”…
Điều dễ nhận thấy quan họ được đông đảo mọi người yêu mến bởi vẻ đẹp hội tụ vừa phô diễn, vừa kín đáo, dồn nén, tích tụ những giá trị sinh động của văn hóa quan họ từ người đẹp, duyên, đến trang phục, ứng xử, ngôn ngữ, tinh tế trong tiếng cười, cử chỉ, ánh mắt, đi đứng, mời trầu, mời nước… Tất cả đều thấm đậm chuẩn mực văn hóa, thắm đượm tình người, nghĩa nặng, ân sâu. Trong sinh hoạt văn hóa quan họ, một số tục lệ tiêu biểu đã được tác giả giới thiệu, phân tích kỹ càng bằng vốn hiểu biết văn hóa Quan họ sâu sắc, như: Tục kết bạn, Những tục lệ đẹp trong giao tiếp Quan họ, như: Mời và tiếp khách Quan họ, Tiệc đêm Quan họ… Tục kết chạ giữa các làng cùng thờ chung thành hoàng như Diềm – Bịu, Tam Sơn – Lũng Giang là một trong những truyền thuyết khẳng định nguồn gốc “quan họ sinh ra từ tục kết chạ”. Đây là một mỹ tục đẹp, nền tảng thể hiện tình bạn son sắt, thuỷ chung, keo sơn gắn bó bền chặt giữa con người của các làng. Đồng thời, tục kết bạn là một trong những phong tục giàu tính nhân văn trong sinh hoạt văn hoá quan họ và cũng là một trong những nội dung cao đẹp nhất của dân ca quan họ. Nói như nhà nghiên Vũ Ngọc Phan, dân ca quan họ có sức sống kỳ diệu và “những nhạc sĩ dân gian thiên tài”, “những nhà thơ dân gian xuất chúng” đã sinh ra trong chính không gian quan họ trữ tình đó.
Nhà báo Nguyễn Thế Khoa nhắc đến một khái niệm “Tài tử quan họ”. Anh cho biết anh không phải là người đầu tiên kết hợp chữ “tài tử” với “quan họ” mà tác giả phát ngôn đầu tiên là Lê Văn Hảo trong công trình biên khảo “Vài nét về sinh hoạt hát quan họ trong truyền thống văn hóa dân gian” tại Sài Gòn năm 1963. Theo Lê Văn Hảo, khái niệm “tài tử quan họ” được hiểu là “loại hát không dính dáng gì đến lao động, chỉ dùng trong các dịp lễ lạt, trai gái quan họ không phải sống bằng nghề hát”. Hát quan họ đòi hỏi các “tài tử quan họ” phải có những điều kiện, như: giọng hát tốt, kiên trì học tập, khổ luyện, thông minh, có tài đối đáp…Trong những điều kiện đó khó nhất đối ca phải chuẩn cả giọng lẫn lời. Vì thế, tác giả nhận định “Tuy là hoạt động văn nghệ dân gian, nhưng quan họ đòi hỏi một khả năng, một trình độ chuyên nghiệp rất cao”…Trên cơ sở cách gọi của Lê Văn Hảo và nghiên cứu của Trần Linh Quý về “Người nghệ sĩ quan họ”, Nguyễn Thế Khoa đã phân tich sâu rộng hơn về các phẩm chất khác biệt độc đáo của các “tài tử quan họ”.
“Acapella Quan họ” là cách tác giả đặt tít bài và lý giải nội hàm khá thú vị về 3 đặc điểm nổi bật nhất về phương thức diễn xướng của Quan họ truyền thống là hát đôi, hát đối, hát không nhạc đệm. Lý do vắng bóng cây đàn trong sân chơi quan họ là một đặc điểm quan trọng, song ít nhà lý luận phê bình tập trung nghiên cứu sâu. Theo nhà báo Nguyễn Thế Khoa, mấy chục năm qua, chỉ có ba tác giả nhắc đến điều này, như: nhạc sĩ Hữu Thu “Thử đi tìm cây đàn trong quan họ”, nhạc sĩ Đôn Truyền “Yếu tố nhạc đàn trong dân ca quan họ” và nhạc sĩ Nguyễn Trọng Ánh “Về việc sử dụng nhạc cụ đệm cho hát quan họ”. Lý giải cây đàn vắng bóng, nhưng trong sân quan họ vẫn ngân nga tiếng đàn, nhạc sĩ Hữu Thu cho rằng là vì “hình thức sinh hoạt không có tính biểu diễn mà là hình thức kết bạn giao lưu”. Thế nên, tiếng đàn quan họ hiện lên cũng cũng thật đặc biệt, đó là hệ thống tiếng đệm lót mang tính chất nhạc cụ thanh nhạc, trong đó chiếm tỷ lệ lớn 70% là “những tiếng: tang, tình, tính, tính tang xen thêm tiếng đệm khác: phú lý tình, ô tình, bớ song tình…”. Thứ đến chiếm tỷ lệ 27% của “những tiếng ký hiệu âm nhạc cổ: ú, xang, phàn, xế, liu, cống, có độ cao và tiết tấu tương đương bài hát”. Và cuối cùng chiếm tỷ lệ rất nhỏ (3%) âm thanh tiết tấu trong lời ca. Sau hơn 30 năm , trên cơ sở nghiên cứu của nhạc sĩ Hữu Thu, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Ánh nhấn mạnh lối hát theo từng cặp đôi (đôi nam hát với đôi nữ) không có nhạc đệm “là lối hát được các bậc tiền nhân lựa chọn…” và đánh giá cao là “một thứ nguyên chất thuần khiết của quan họ…”. Nhạc sĩ Đôn Truyền cho rằng lối hát không nhạc đệm của quan họ là “một thi pháp nghệ thuật đặc sắc và độc đáo”. Trải qua quá trình giao lưu, tiếp biến với các hình thức âm nhạc khác thì lối hát quan họ tự đệm vẫn “lừng lững tồn tại riêng biệt tự tin với nét đẹp độc đáo của mình”…Trên cơ sở của những người đi trước, Nguyễn Thế Khoa đã tổng hợp phân tich rõ thêm đặc điểm hát không nhạc đệm của quan họ là sự tự tin nhờ có một hệ thống thanh nhạc vang, rền, nền, nầy phong phú, hiệu quả cũng như các cặp hát đôi đi trọn đời cùng nhau người dẫn kẻ luồn rất ăn ý. Từ đó Nguyễn Thế Khoa nhấn mạnh: Đặc sắc của Quan họ truyền thống tạo nên từ hát đôi cùng giới, hát đối khác giới và hát không nhạc đệm, đánh mất những cái đó là đánh mất vè đẹp diệu kỳ, không gì thay thế nổi của nó…
Ngoài các bài viết tôi đã phân tích trên các bài viết khác về Dân ca quan họ của Nguyễn Thế Khoa cũng đều khá thú vị, với khả năng tổng hợp và phân tich xuất sắc, hấp dẫn, với những cảm nhận tinh tế và trên hết là tình yêu và niềm đam mê lớn mà tác giả dành cho dân ca Quan họ.
Có thể nói, “Sân khấu – Truyền thống và hiện đại” là một công trình nghiên cứu tổng hợp, quy mô, bài bản, có giá trị của nhà báo Nguyễn Thế Khoa. Sự phát huy vốn hiểu biết rộng sâu trên nhiều lĩnh vực (văn hóa, văn chương, báo chí), kết hợp phẩm tính nghệ sĩ với nhà nghiên cứu lý luận phê bình là những yếu tố quan trọng làm nên thành công cho công trình nghiên cứu tầm cỡ về nghệ thuật sân khấu và diễn xướng dân gian Việt Nam.
PGS.TS Lê Thị Bích Hồng