Sáng 26/7, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội đã diễn ra Tọa đàm Khoa học: “Công tác Kiểm kê, bảo quản hiện vật tại các Bảo tàng Mỹ thuật ở Việt Nam – Thực trạng và giải pháp”.
Phát biểu tại tọa đàm, TS. Nguyễn Anh Minh – Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, hiện vật tại bảo tàng là xương sống cho mọi hoạt động chuyên môn từ nghiên cứu, sưu tầm đến trưng bày phát huy giá trị hiện vật trong mỗi bảo tàng. Công tác kiểm kê hiện vật là một trong các khâu hoạt động nghiệp vụ cơ bản và hết sức quan trọng của bảo tàng.
“Đó là hoạt động nhằm khẳng định và đảm bảo tính khoa học, tính pháp lý cho từng hiện vật. Công tác kiểm kê ngoài chức năng riêng biệt của mình còn là tiền đề cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu, là cơ sở bước đầu cho mọi hoạt động nghiên cứu khoa học cho các khâu nghiệp vụ khác như: Sưu tầm, bảo quản, xây dựng các bộ sưu tập, tuyên truyền giáo dục, trưng bày và truyền thông quảng bá hình ảnh của bảo tàng” – Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết.
TS. Nguyễn Anh Minh – Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phát biểu tại tọa đàm Khoa học: “Công tác Kiểm kê, bảo quản hiện vật tại các Bảo tàng Mỹ thuật ở Việt Nam – Thực trạng và giải pháp”.
Ngoài ra, công tác bảo quản phòng ngừa nhằm kéo dài tuổi thọ cho hiện vật cũng như quản lý tốt hiện vật là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của mỗi bảo tàng, trong đó quản lý, tư liệu hóa, số hóa hiện vật là những hoạt động nghiệp vụ cơ bản, nền tảng bảo đảm cho bảo tàng vận hành đúng hướng và hiệu quả.
Những năm qua, công tác kiểm kê, bảo quản và quản lý hiện vật tại các bảo tàng mỹ thuật được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các tỉnh thành phố quan tâm: như đầu tư kinh phí cho cơ sở vật chất, cũng như các thiết bị để bảo quản và kiểm kê hiện vật, các bảo tàng mỹ thuật đã chủ động từ nguồn lực hạn chế của mình, áp dụng công nghệ vào quản lý hiện vật, xây dựng cơ sở dữ liệu cho các bộ sưu tập, xây dựng hồ sơ khoa học cho hiện vật đáp ứng quy chuẩn.
Bên cạnh những kết quả nhất định, các bảo tàng mỹ thuật trên cả nước nói chung vẫn còn khó khăn, hạn chế: Hệ thống kho cơ sở và trang thiết bị bảo quản còn thiếu cả về số lượng và chất lượng, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế cũng như về lâu dài của công tác lưu giữ, bảo quản các tác phẩm nghệ thuật theo quy định.
Công tác kiểm kê hiện vật chưa được triển khai tổng thể, đặc biệt trong kiểm kê khoa học, thông tin về hiện vật chưa đầy đủ. Việc thực hiện chuyển đổi số, số hóa thông tin hiện vật có nơi còn chậm; chưa thực hiện quản lý, khai thác thông tin hiện vật bằng phần mềm tin học.
Tọa đàm Khoa học “Công tác kiểm kê, bảo quản hiện vật tại các bảo tàng mỹ thuật ở Việt Nam – thực trạng và giải pháp” đã nhận được 6 tham luận của 4 bảo tàng mỹ thuật, đề cập đến nhiều vấn đề mới đặt ra từ thực tiễn của công tác kiểm kê, bảo quản tại các bảo tàng mỹ thuật công lập.
Trong đó, tập trung vào các nội dung: nhận diện vai trò công tác kiểm kê, bảo quản, quản lý hiện vật đối với các khâu công tác của bảo tàng. Đánh giá đúng vị trí quan trọng của khâu công tác này trong các khâu nghiệp vụ chuyên môn của bảo tàng để từ đó có sự quan tâm đầu tư và chỉ đạo triển khai thực hiện. Đánh giá thực trạng những kết quả đạt được, chia sẻ những khó khăn, tồn tại, hạn chế, trao đổi, kinh nghiệm về nghiệp vụ công tác kiểm kê, bảo quản, quản lý hiện vật tại các bảo tàng mỹ thuật hiện nay.
Ban chủ tọa điều hành tọa đàm sáng nay.
Tham dự tọa đàm, đại diện các bảo tàng mỹ thuật đã đề xuất những giải pháp, hướng đi cho công tác kiểm kê, bảo quản, quản lý hiện vật tại các bảo tàng mỹ thuật hiện nay. Cụ thể, Bảo tàng Mỹ thuật Huế nhấn mạnh giải pháp tổ chức kho bảo quản theo hướng kho mở, để bảo đảm an toàn cho hiện vật.
Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh thực hiện xây dựng mới kho lưu trữ chuyên biệt và hiện đại để bảo quản hiện vật. Trong khi đó, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng lên phương án điều chỉnh và hoàn thiện quản lý hiện vật bằng phần mềm tích ứng trên web và chương trình phần mềm quản lý hiện vật do Cục Di sản Văn hóa chuyển giao…
Qua buổi tọa đàm thấy được công tác kiểm kê, bảo quản và quản lý hiện vật đóng vai trò nền tảng, là cơ sở cho các khâu công tác khác ở mỗi bảo tàng. Việc định kỳ trao đổi, tổng kết kinh nghiệm, đánh giá thực trạng qua các Hội nghị, Tọa đàm, Hội thảo… nhằm tìm kiếm giải pháp nâng cao năng lực chuyên môn, thúc đẩy sự phát triển của hoạt động này là hết sức cần thiết.
Tin và ảnh: Trung Nguyễn
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/nang-cao-hieu-qua-kiem-ke-bao-quan-hien-vat-tai-cac-bao-tang-my-thuat-o-viet-nam-post257857.html