Nam Bộ và tín ngưỡng Ông Cả Hổ

16:22 | 08/02/2022

Khác với mọi vùng miền khác trên đất nước Việt Nam, ở Nam Bộ có một danh xưng vô cùng đặc biệt, độc đáo, đó là, người ta gọi tên con cọp (hổ; hùm; kễnh; khái; ông ba mươi…) một cách đậm vẻ tôn xưng nhưng vô cùng thân thiết: Ông Cả Hổ.

Vì sao có chuyện khác biệt này? Nhân ngày tết Nguyên đán Nhâm Dần – 2022, xin có đôi điều thưa chuyện, hầu góp chút vui, cùng mọi người, mọi nhà, tạm quên đi đại dịch Covid – 19 mà đón Xuân, vui Tết như vốn phải được như thế.

Tín ngưỡng đặc biệt của Nam Bộ về Ông Cả Hổ

Trước hết, xin bàn một chút về tín ngưỡng thờ hổ trên khắp thế giới nói chung, ở Việt Nam và vùng Nam Bộ nói riêng. Có thể nói, dường như cả thế giới, tuy ít nhiều, đậm nhạt khác nhau về tính chất và sắc thái, song đều có tục thờ hổ, coi hổ là một vị thần – Thần Hổ (với các miếu thờ mang tên: Sơn quân chi thần; Chúa xứ sơn lâm; Thần Hổ…), chí ít coi hổ như một thế lực mạnh mẽ, cần phải đề phòng, canh giữ và nương tựa. Dù có khác nhau về quan niệm và phương thức thờ cúng, tựu trung, có thể thấy, từ một loài động vật hung dữ ăn thịt các loài động vật khác, kể cả con người, qua thời gian, hổ được thần hóa để trở thành một trong những thế lực siêu nhiên có chức năng phù hộ, độ trì cho con người.

Vì sao có điều đó? Giải thích một cách mộc mạc là: khi con người không thể vượt qua một thế lực siêu nhiên nào đó để tồn tại, lập tức, thế lực đó đươc tôn thần thánh, trở thành đối tượng thờ phụng, với một mục đích tối thượng: mong thế lực siêu nhiên đó phù hộ, độ trì cho họ trong mọi hoàn cảnh, thời gian. Hổ chỉ là một động vật hoang dã ăn thịt, hoàn toàn không siêu nhiên mà ngược lại, hiện hữu hàng ngày cạnh cuộc sống con người, thuở con người đi khai hoang mở cõi. Nhưng vì hổ quá nhiều và hung dữ – ở phương Đông, thay vì sư tử như phương Tây, hổ được coi là chúa sơn lâm – con người dù đã chiến đấu liên tục với chúng, quyết khống chế sự hung dữ của chúng, rốt cục, vẫn không thể chiến thắng chúng. Chủ nghĩa thất bại khiến con người chắp tay sùng bài hổ, tôn hổ là thánh thần, đưa hổ từ ngoài rừng rậm hoang vu vào ngự trị vĩnh hằng trong cõi tâm linh nơi đình, miếu, trên bàn thờ từng nhà…. Thần Hổ ra đời từ đó…

Nếu cần một sự chia, tách nào đó để gọi tên các loại thần thì có thể coi Thần Hổ thuốc nhóm vật thần, nhằm phân biệt với nhiên thần (thiên thần; thủy thần; địa thần…) và nhân thần, làm nên một hệ thống thánh thần phong phú, đa dạng, tồn tại và thường trực cùng, trong cuộc sống con người.

Điều đặc biệt ở vùng đất Nam Bộ là hổ không chỉ trở thành Thần Hổ, tức là được thờ phụng tại đình, miếu… một cách trang trọng, thiêng liêng mà đồng thời, còn được mời về giữ chức Hương cả của từng làng và sống dân dã cùng con người với cái tên: Ông Cả Hổ. Quan niệm dân dã nhưng thiêng liêng này đã phát sinh một hiện tượng ngôn ngữ (phương ngữ) vô cùng độc đáo, đặc biệt, chỉ có ở vùng đất phương Nam.

Ở miền Bắc, tập tục và quy ước bất di bất dịch từ xưa đến nay là phải gọi người con trai đầu lòng là thằng cả, anh cả, ông cả (tương đương với số 1, với thứ nhất hay đầu tiên), sau đó mới đến thứ tự 2, 3, 4, 5… Điều này khác xa với vùng Nam Bộ, nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ờ vùng đất phương Nam, mới hơn 300 năm khai phá này, từ cả đã được dành để gọi con hổ, dù nó không được sinh ra trong bất cứ một gia đình nào thuộc loài người. Chính vì thế, bất cứ gia đình nào sinh con trai đầu lòng thì bắt buộc chỉ được gọi là thằng hai, anh hai, ông hai (và con hai, chị hai, bà hai nếu là con gái đầu lòng hay con dâu trưởng). Nghĩa là, vì tránh từ cả gắn với chức danh Hương cả mà con người đã dành cho con hổ, hằn sâu trong tâm thức của cả cộng đồng và mỗi thành viên nơi đây, mặc nhiên, bao giờ cũng đã có một người con cả được sinh ra trong gia đình mình, đó là Ông Cả Hổ.

Sự độc đáo này, thường được lý giải như sau:

Thứ nhất, đó là ước muốn, khát khao, hành vi và thao tác tôn trọng, tôn kính tột bậc con hổ. Theo đó, từ đời này sang đời khác trong mấy trăm năm mở cõi, con hổ nghiễm nhiên trở thành nhân vật số 1 trong mọi làng xã, trong mọi gia đình, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ông Cả Hổ là một mật phong truyền đời, không ai được quyền vi phạm, dù chỉ là thoáng lướt qua trong ý nghĩ – một ý nghĩ bản năng và nặng phẩm chất nhân khẩu học, mang theo từ quê quán ngoài miền Bắc hay miền Trung. Ở đây, sự tôn trọng, tôn kính đã được thân mật hóa, máu mũ hóamột giọt máu đào hơn ao nước lã. Khi con hổ danh chính ngôn thuận trở thành một thành viên trong làng xã, trong gia đình, mà là thành viên có vị trí, vai trò và uy tín hàng đấu, số 1 thì sự tôn trọng, tôn kính, cũng như sự thân thiết, ruột thịt đã đạt đến cấp độ cao nhất. Đó chính là sự độc đáo, chỉ có ở vùng dất phương Nam!

Thứ hai, có hổ làm chức Hương cả, mọi làng xã, mọi gia đính, mọi đứa con sinh ra trong mỗi gia đình và rộng ra là cả cộng đồng, chắc chắc sẽ được che chở, bảo vệ, dẫn dắt… bởi người đứng đầu làng, người con đầu uy dũng đó. Quả thật, để vượt qua lớp lớp gian nan, thử thách của buổi đấu khai khẩn, khai cơ ở vùng hoang hóa cỏ mọc thành tinh, rắn đồng biết gáy này, ngoài mong muốn được sự chở che, phù hộ độ đì từ các thế lực thần thành nơi trời, đất, nước… (sau này, còn từ cả con người là nhân thần), con người rất cần sự bảo vệ đầy mạnh mẽ và tin cậy từ ngay trong mỗi làng xã, mỗi ngôi nhà mình. Con hổ, với hình dáng oai phong, dũng mãnh – loài vật xuất hiện như cơm bữa trong cuộc sống cư dân nơi đây – chính là cứu cánh duy nhất cho con người bấu víu, trân trọng, tha thiết thỉnh, mời về làm chức Hương cả của làng, làm con cả nhà mình. Rất độc đáo!

 

Con hổ, với hình dáng oai phong, dũng mãnh – loài vật xuất hiện như cơm bữa trong cuộc sống cư dân nơi đây

Thứ ba, đã gọi là phong tục, tập tục và tín ngưỡng dân gian thì bất cứ hiện tượng thần bí nào trong vũ trụ cũng mang trong nó phẩm chất lan truyền, khuếch tán, định vị và nhân rộng. Khi một người, vài người, cộng đồng người tự tôn vinh, tôn xưng con hổ không chỉ là Thần Hổ mà còn thêm Ông Cả Hổ, với quy luật nói trên, nó sẽ lập tức, như gió cuốn, bay đi và lưu truyền khắp cõi. Vì thế, có những vùng đất, dường như hoàn toàn không biết mặt con hổ là gì, vẫn sùng kính tôn thờ Thần Hổ, vẫn thân kính gọi Ông Cả Hổ

Ông Cả Hổ, xét riêng vể phương diên ngôn ngữ học là một trong những hiện tượng độc đáo và đặc biệt của vùng đất phương Nam, góp phần làm nên sự đặc sắc của hệ thống phương ngữ Nam Bộ. Ở các nước vùng Á Đông nói chung, Việt Nam và Nam Bộ nói riêng, ngoài con vật tồn tại trong tưởng tượng và huyễn tưởng là rồng ra, hổ là con vật thứ hai được thần thánh hóa, cao cả hóa một cách thông dụng, phổ biến. Tuy nhiên, hổ còn khác rồng ở chỗ, rồng thường chỉ gắn với vua chúa trên cao, còn hổ lại còn thêm phẩm chất thân mật hóa, đi vào từng ngõ xóm, từng bữa cơm của mọi gia đình bình dân. Bởi hổ chính là Ông Cả Hổ.

TAO ĐÀN

Cùng chuyên mục

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

NGHĨA TÌNH KHI HOẠN NẠN

NGHĨA TÌNH KHI HOẠN NẠN