Với nhiều người nước ngoài, Việt Nam đang trở thành ngôi nhà thứ hai và họ thể hiện tình cảm đặc biệt với mảnh đất hình chữ S này theo nhiều cách khác nhau…
Nhà văn, nhà báo Mandeep Rai, tác giả của The Value Compass (tạm dịch là “La bàn giá trị”), đã ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp, những điều đặc biệt ở dân tộc, con người Việt Nam.
Trong cuốn sách bán chạy nhất của The Sunday Times, bà Mandeep Rai đánh giá, Việt Nam là “một đất nước tiến bộ”, “kiên cường, bất khuất” với “khả năng phục hồi” tuyệt vời.
“Việt Nam là một tấm gương về khả năng phản ứng khi gặp nghịch cảnh”, bà Mandeep Rai nhấn mạnh và chính điều đó khiến ngày càng nhiều nhà đầu tư, người nước ngoài, khách du lịch, cộng đồng quốc tế thêm yêu mến Việt Nam.
Nhận định của nhà văn Mandeep Rai cũng chính là cảm nhận của nhiều người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam. Trải nghiệm cuộc sống và các nét văn hóa đặc trưng của Việt Nam, nhiều người trong số họ đã gắn bó, dành tình cảm nồng nhiệt cho đất nước và con người nơi đây.
“Đại sứ truyền thông” không lợi nhuận
Thông qua các trang mạng xã hội như Facebook, Youtube, Tiktok, nhiều người nước ngoài đang góp phần góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam tới bạn bè quốc tế một cách hiệu quả. Nội dung, cách tiếp cận cũng như chủ đề rất đa dạng, phong phú nhưng nhìn chung đều được thể hiện theo cách hài hước, chân thật, mang lại cho người xem cảm giác thú vị về cuộc sống tại Việt Nam.
Will Courageux, chàng trai người Pháp đang sống tại Hà Nội, sở hữu kênh Tiktok @willinvietnam với khoảng 1,4 triệu lượt theo dõi. Nội dung chủ yếu trong các video là về ẩm thực Việt Nam, từ dưa bở, bún vịt cho đến nem chua rán, bún cá, bún ốc…
Will nói: “Tôi muốn mọi người biết được Việt Nam là một nơi tuyệt vời để sống và dù cho là ai đó chỉ đến đây để du lịch, đất nước này cũng có rất nhiều điều để khám phá.
Việt Nam là đất nước rất giàu có về văn hóa và sự đa dạng. Ở đây có núi, có biển, có những thành phố phát triển và cũng có những nơi mang đậm giá trị truyền thống. Mức sống dễ chịu mà chất lượng sống lại tốt”.
Còn nhớ, nhân dịp kỷ niệm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 6 người bạn nước ngoài trong nhóm blogger “Hàng xóm Tây” đã cho ra mắt MV Tây yêu Việt Nam như một món quà thú vị dành tặng cho quê hương thứ hai của mình.
Video có sự phối nhạc của 4 bài hát Việt Nam, đồng thời lồng ghép những chia sẻ thú vị về cuộc sống và con người nơi đây.
Biết ơn một Việt Nam nghĩa tình
Trong những ngày tháng dịch bệnh diễn biến căng thẳng, những người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam cũng phải chịu sự ảnh hưởng của Covid-19. Trên các phương tiện truyền thông, nhiều người thể hiện sự biết ơn một Việt Nam ấm áp, nghĩa tình, sẵn sàng hỗ trợ, sẻ chia với họ trong lúc khó khăn. Họ chọn đến và gắn bó với Việt Nam, Việt Nam luôn ở bên, sát cánh cùng họ.
Anh Wayne Worrell, một giáo viên quốc tịch Anh sống tại Hà Nội đã cùng các người bạn của mình thực hiện dự án truyền thông “Vietnam We Thank You – Việt Nam cố lên!”. Dự án như là lời cảm ơn tới các cơ quan chức năng và đội ngũ nhân viên y tế Việt Nam vì những nỗ lực quên mình trên tuyến đầu chống dịch, bảo đảm sự an toàn cho mọi người, trong đó có cả cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam.
Nhận được sự hỗ trợ từ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội trong chương trình “Đoàn kết chống dịch” ngày 3/9, ông Aaron Steven, quốc tịch Anh xúc động bày tỏ: “Tôi rất ngạc nhiên và cảm kích khi nhận được một món quà ấm áp và nhiều như vậy từ nhà nước Việt Nam.
Đại dịch Covid-19 là một cuộc đấu tranh đối với nhiều người và với nhiều giáo viên ngoại ngữ đã bị ảnh hưởng rất nặng nề như tôi. Không thể về thăm nhà và thăm gia đình là một điều khó khăn nhưng tôi may mắn gọi Việt Nam là quê hương thứ hai của tôi và mọi người là gia đình thứ hai của tôi”.
Theo khảo sát Expat Insider mới nhất năm 2021 của InterNation, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia và vùng lãnh thổ mà người nước ngoài hạnh phúc nhất khi sống và làm việc do có văn hóa đa dạng, cảnh quan tuyệt vời, ẩm thực hấp dẫn…
Trong số những người tham gia khảo sát, 86% hài lòng với công việc của họ, 78% hài lòng với sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, 85% hài lòng với chi phí sinh hoạt.
Theo Thế giới & Việt Nam