Nín thở theo dấu cọp chúa thành tinh giữa rừng già

10:07 | 07/06/2018

“Lần đầu tiên chạm mặt con hổ chúa ấy, tôi đã thấy phảng phất sự tinh khôn vượt hẳn những “ông ba mươi” bình thường khác. Ban đêm, giữa những tàn cây tối tăm, đôi mắt xanh lè của nó thỉnh thoảng lại xuất hiện, quan sát tìm mồi.”


Giữa đêm khuya tĩnh mịch, những bước chân hổ nặng nề cắp theo con mồi lớn khiến ông Nãi nín thở. Bên cạnh không có một đồng đội nào trong phường săn, nhưng bằng sự dũng cảm và mưu trí phi thường, người dũng sĩ vẫn một mình vác theo ngọn giáo, quyết theo chân con cọp chúa đến tận hang ổ. Tại đây, cuộc chiến một mất một còn giữa người và thú đã xảy ra…

Nhiều năm trôi qua, người dũng sĩ già vẫn nhớ như in trận chiến để đời của mình. Ảnh: T.G

Nín thở theo dấu hổ chúa thành tinh

Kể từ ngày Phường săn thành lập với những chiến công vang dội núi rừng, cuộc sống của nhân dân trong vùng ngày càng yên bình. Cảnh tượng “ông ba mươi” ngang nhiên đi khắp đầu làng cuối xóm gieo rắc sự chết chóc và nỗi khiếp sợ không còn tái diễn nhiều như trước kia nữa.

Tiếng lành đồn xa, những người từng bỏ xứ ra đi vì khiếp sợ, nay nghe tin cũng dắt díu nhau trở về xây dựng lại thôn ấp đông đúc hơn. Nhưng cả trong những ngày yên bình đó, các dũng sĩ trong Phường săn như ông Nãi hiểu rằng cuộc chiến chưa kết. Nhiều xác hổ dữ đã nằm gục dưới lưỡi giáo, dưới Chùa cọp. Song vùng đất Tiên Cảnh chỉ thực sự thoát khỏi nỗi ám ảnh về loài chúa sơn lâm, một khi con hổ cái khổng lồ còn lẩn khuất đâu đó giữa cánh rừng già kia chưa bị hạ.

Ông Nãi nhớ lại: “Lần đầu tiên chạm mặt con hổ chúa ấy, tôi đã thấy phảng phất sự tinh khôn vượt hẳn những “ông ba mươi” bình thường khác. Ban đêm, giữa những tàn cây tối tăm, đôi mắt xanh lè của nó thỉnh thoảng lại xuất hiện, quan sát tìm mồi.

Nhưng hễ thấy Phường săn cầm vũ khí đi tuần, nó lại lủi nhanh vào rừng mất dạng. Một đêm sáng trăng, thừa lúc chúng tôi sơ hở, hổ chúa về làng, chỉ một nhát vồ chết con nghe (trâu nhỏ – PV) rồi lững thững cắp đi. Lúc ấy, tôi và mấy anh em Phường săn phát hiện rượt theo, quyết bắt bằng được nó. Nhưng cũng như bao nhiêu lần vây ráp trước, nó cắp theo con mồi nhảy phốc qua hàng rào cao 3m trốn biệt”.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tin hổ chúa về làng bắt súc vật lại khiến cả vùng núi Tiên Cảnh hoảng loạn. Trời chưa tối sụp, nhà nhà đã bảo nhau chặn cửa nẻo cho chặt, mọi sinh hoạt đều phải đưa vào bên trong. Có người còn bảo, con hổ chúa đã thành tinh, là hóa thân của những vong hồn cọp đã bị giết trước đó trở về báo thù dân làng. Nghĩ đến đó, ai cũng tỏ ra kinh sợ.

Quyết tâm hạ gục hổ dữ, Phường săn bố trí người theo dõi hành tung của nó suốt ngày đêm. Nhưng vì lực lượng mỏng, Phường săn phải chia ra nhiều nơi chứ không riêng gì ở Tiên Cảnh nên mỗi nhóm theo dõi chỉ có 1 đến 2 người. Lúc này, một mình ông Nãi được bố trí canh gác ở vùng Tiên Châu, cách nhà ông một quả đồi.

Chiều hôm đó, sau khi ăn cơm xong, ông vào nhà xách theo ngọn giáo dài đến nơi được bố trí để theo dõi. Đến khoảng gần 12h đêm, khi phát hiện thấy cọp chúa tiến tới, miệng còn quắp một con bê rồi quay vào rừng, ông lẳng lặng đi theo.

Đến gần sáng, cọp chúa chợt khựng lại, ngoái đầu nhìn dáo dác như thể phát hiện ra sự khác thường. Đơn thương, độc mã, ông Nãi cầm chặt ngọn giáo, nép mình sau một gốc cây phòng bị. Một lát sau, hổ chúa lại tiếp tục đi. Sợ mất dấu, ông quên cả nguy hiểm, nhẹ nhàng giữ khoảng cách, quyết lần đến tận hang ổ của con vật đã khiến Phường săn và người dân cả vùng lâu nay mất ăn mất ngủ.

Nhưng vốn rất tinh ranh, nhiều lần cọp chúa đi được một đoạn lại dừng bước, ngoái nhìn ra phía sau, bởi vậy để theo dõi mà không bị nó phát hiện không phải là điều dễ dàng. Với sự hiểu biết về dặc tính loài hổ, ông Nãi cho biết: “Người thợ săn phải nắm rõ hướng gió để tránh cái mũi rất thính của loài cọp.

Loài cọp rất thính hơi. Nó có thể phân biệt được mùi của voi, gấu, nai và cả hơi người. Thế nên, cọp ở hướng Đông, có gió thổi từ hướng Đông tới mà người thợ săn vẫn nằm phục hướng ấy là hỏng. Khi gió đưa mùi của ta đến với cọp, hoặc chúng sẽ không đi về nơi ẩn náu hoặc sẽ khát máu lao ngay đến vị trí ta đang nằm phục tấn công ngay lập tức”.

Trận chiến sinh tử

Gần một ngày trời theo dấu hổ dữ, ông Nãi cũng đến được “đại bản doanh” mà nó náu mình. Đó là một cái hang hình hàm ếch, xung quanh rất ít cây cối. Quan sát kỹ, ông chọn nép sau một bụi cây cách hang hổ khoảng chừng 100m.

Khi đã chọn được vị trí thuận lợi, ông bình tĩnh, im lặng quan sát đợi cơ hội cho con cọp lọt vào tầm ngắm của mình. Lúc này, điều quan trọng nhất là người thợ săn không thể thiếu kiên nhẫn hoặc hoảng sợ, nếu chưa tới thời điểm phù hợp đã vội vàng tấn công, thì ngược lại có thể trở thành nạn nhân của hổ.

“Lúc đó vì theo hổ một quãng đường dài nên cũng đã thấm mệt, tôi tranh thủ nép ở bụi cây vừa theo dõi một lúc vừa để lấy lại sức. Tôi thầm nghĩ, nếu bây giờ mà quay về báo với những người còn lại thì có thể khi trở lại nó không còn ở đây nữa.

Chỉ cần nhìn cách nó đề phòng, hoạt động thoắt ẩn thoắt hiện thời gian qua thì không thể chắc chắn nó sẽ ở đây mãi. Nếu nó còn có nơi ẩn thân khác, thì cả ngày theo dõi coi như phí công. Cân nhắc kỹ càng, tôi quyết định sẽ một mình tìm cách tiêu diệt nó”, ông Nãi kể.

Khi đã quan sát xung quanh địa điểm con thú dữ đang nghỉ ngơi và xác định được vị trí thuận lợi, ông Nãi mon men đến gần miệng hang. Cơn gió thoảng qua, thấy mùi lạ, con hổ cái nhổm dậy, nhảy phốc lên tảng đá ở miệng hang quan sát. Từ dưới hốc tảng đá, ông thọc ngược ngọn giáo bằng sức mạnh ghê gớm, nhưng nhanh như cắt, con hổ lùi người về phía sau né được đòn tấn công. Mũi giáo của ông mắc vào kẽ đá tới khi rút ra được thì đã bị gãy đi một khúc.

Bị “kẻ xâm phạm lãnh địa” tấn công bất ngờ, con hổ gầm lên một tiếng dữ dội, mắt chăm chăm tìm sơ hở của đối thủ và thủ thế để tấn công. Đối mặt với một trong những loài động vật săn mồi nguy hiểm bậc nhất thế giới động vật, người thợ săn luôn phải trang bị cho mình những bài học kinh nghiệm vô giá.

Để nhử con hổ khổng lồ tấn công, ông phải chĩa ngọn giáo xuống đất. Lý giải điều này, ông Nãi chia sẻ: “Nếu lúc đó tôi giương ngọn giáo lên trời nó sẽ bỏ chạy. Hổ thường tấn công theo kiểu lao lên không trung rồi phóng xuống chụp mồi, nên nó rất sợ có vật nhọn giương lên trời. Thợ săn có kinh nghiệm thường cắm chiếc cọc bên mình thì có thể ngủ ngon, không sợ hổ tấn công”.

Hiểu tập tính đó của loài hổ, ông Nãi lừa nó bằng cách chúc ngọn lao xuống đất. Con cọp cái nghĩ sẽ xơi tái được con mồi nên lập tức lao đến. Nhìn cái cách nó thủ thế, ông biết lúc nào nó vồ và sẽ vồ như thế nào. Nếu nó đập đuôi về phía trái, nó sẽ nhảy sang phía phải, còn đập đuôi phía phải, nó sẽ lao sang bên trái.

Khi cọp tấn công mục tiêu, chúng sẽ vọt tới vồ đối thủ hoặc vụt dậy tát mạnh bằng bàn chân trước dũng mãnh được trang bị bộ móng sắc như dao, cứng như thép nguội. Nhưng trong khoảnh khắc hai bên gườm nhau, ông Nãi thấy hổ chúa lại cuốn đuôi vòng tròn dưới bụng, dấu hiệu cho thấy nó bổ thẳng từ trên xuống.

Đúng như dự đoán, hổ đập đuôi một cái rồi vọt lên không trung, nhe nanh, giơ vuốt chụp thẳng xuống đầu ông. Nhanh như chớp, ông Nãi thủ thế vững như bàn thạch, lách người né tránh cú tấn công từ hai bàn chân trước sắc nhọn của con hổ đồng thời bật ngược ngọn giáo đâm thẳng vào nách đối thủ.

Sức nặng của con hổ làm ngọn giáo gãy đôi, ông ngã chỏng chơ. Cả một khối thịt hôi rình đổ ập xuống. Nửa thanh giáo đã thấu tim chúa sơn lâm. Con hổ rú lên một tiếng và tắt thở.

Ông cắt đầu hổ mang về bản làng trước sự ngõ ngàng của người dân. Ai cũng nghĩ rằng ông đã bị cọp dữ ăn thịt. “Lúc đó mọi người không tin tôi còn sống. Khi nghe tôi kể lại quá trình giết hổ ai nấy trều trầm trò thán phục”, ông kể lại. Sau đó, người dân kéo nhau vào rừng khiêng xác hổ về chia đều đánh chén cho hả giận.

Trải qua bao nhiêu năm, câu chuyện ông Nãi một mình giết cọp chúa thành tinh giữa rừng rậm vẫn trở thành niềm tự hào của người dân Tiên Cảnh. Đến tận bây giờ, người dân trong vùng vẫn kể lại giai thoại này, như chứng tích về một thời xa xưa đầy oanh liệt của dũng sĩ săn cọp lừng lẫy.

Chọn vị trí mai phục hổ cũng là một nghệ thuật

Cũng theo ông Nãi, việc chọn vị trí “mai phục” đóng vai trò vô cùng quan trọng khi theo dấu chân hổ. Lựa chọn sai và thiếu kinh nghiệm, người thợ săn có thể dẫn đến việc đưa mình vào cửa tử. Theo đó, người săn hổ thường chọn vị trí phía trước có cây bụi thấp, đủ để nấp.

Hơn thế, khoảng cách từ bụi cây ẩn nấp đến một cây lớn trong rừng già cũng phải đủ rộng. Ông Nãi giải thích: “Nếu bị hổ tấn công, thì bụi cây hoặc thân cây lớn sẽ giúp tránh cú vồ của hổ. Nhưng nếu không có khoảng trống trong khu vực đó, người thợ săn sẽ rơi vào tình thế bị động, không thể phản công”.

 

Theo Giadinh.net

 

Video hay


Cùng chuyên mục

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình