Với những nhà thơ mạnh về tứ, thì chỉ từ những sự việc bình thường, nhưng nhờ sự kết hợp của sự phát hiện, liên tưởng với cái tình sâu nặng, sẽ làm lóe lên ánh sáng thẩm mỹ mới từ một sinh mệnh mới.
Thi sĩ Hồng Vinh là một nhà thơ như vậy. Bài thơ mới của anh Tẽ ngô – đời mẹ như một sự chứng minh thơ là tiếng lòng của cảm xúc chân thành cất lên từ đời sống thực. Bất cứ ai cũng có thể bắt gặp hình ảnh một người mẹ nhà quê làm công việc “tẽ ngô”. Đó là chuyện thường ngày của người lao động, nhưng được khúc xạ qua một tâm hồn nhạy cảm, nhiều suy tư, hình tượng đi vào thơ và trở thành bài thơ hay:
Ngày nối ngày
Mẹ còng lưng tẽ ngô
Bao nhiêu thúng
Bấy nhiêu nỗi khổ
Dầu dãi nắng mưa
Trút lên vai gầy mẹ!
Bốn lần sinh, chỉ được mình con
Cha về trời khi con trứng nước
Sài đẹn, phát ban, còi cọc
Lầm lũi nuôi con, nuốt nước mắt vào trong
Một sào ruộng vụ cấy lúa, vụ trồng ngô
Tiền bán thóc dành con đi học
Mẹ nấu xôi ngô bán rong thôn, xóm
Tích cóp từng đồng tháng bảy, tháng ba…
Rồi con đỗ vào trường Bách Khoa
Nằng nặc xin học khoa cơ khí
Nung nấu công trình dâng mẹ
Chế máy tẽ ngô, vơi bớt nhọc nhằn…
Tạo hóa sao quá bất công
Ngày con thỏa ước mơ đưa máy về làng
Cũng là lúc mẹ đi cùng mây trắng
Con thẫn thờ, chệnh choạng…
Chiều nay con ra mộ thắp nhang
Giữa cánh đồng ngô trổ cờ, đơm trái
Gió xạc xào ngọn lá
Nhớ tiếng ầu ơ từ mẹ năm nào
Cùng lời trăn trối:
“Vững bước đi con, chớ bao giờ gục ngã”.
Phải là người nhà quê, thấu hiểu công việc vất vả, tảo tần của những người mẹ mới có những nhận xét đúng và tinh này:
Ngày nối ngày
Mẹ còng lưng tẽ ngô
Bao nhiêu thúng
Bấy nhiêu nỗi khổ
Dầu dãi nắng mưa
Trút lên vai gầy mẹ!
Sẽ có người đặt câu hỏi: Ngô ở đâu nhiều thế? Không phải. Ngô bắp đã phơi già và cứng, phải “tẽ” bằng ngón tay cái để tách rời từng hạt, tay mẹ đã mỏi, ngón cái đã sưng, nên không thể làm nổi cả ngày. Hơn nữa, đây chỉ là công việc “mẹ” làm tranh thủ, ngày nào cứ lúc rỗi là “tẽ”, nhất là trời mưa không đi làm việc khác được.
Có khi thúng ngô phải “tẽ” cả tuần, thành ra quanh năm “tẽ”! Thế nên “ngày nối ngày” là rất thực. Trồng ngô cũng như trồng lúa, cũng “trông trời, trông đất, trông mây/ trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm”. Mà “tẽ ngô” là công đoạn cuối, tức có “thành quả” lao động rồi mà cũng còn lắm khó khăn. Huống hồ…
Vất vả lam lũ là vậy, thế mà mẹ lại còn phải vượt qua bi kịch lớn nhất của người phụ nữ, người mẹ, gánh chịu nỗi đau cả về vật chất và tinh thần:
Bốn lần sinh, chỉ được mình con
Cha về trời khi con trứng nước
Sài đẹn, phát ban, còi cọc
Lầm lũi nuôi con, nuốt nước mắt vào trong
Điểm tựa tinh thần của người mẹ là những đứa con. Điểm tựa vật chất và tinh thần của người vợ, là người chồng. Mẹ hầu như không có! Trời thương cho mụn con. Nhưng Trời cũng thử thách, bắt nó “sài đẹn, phát ban, còi cọc”. Mẹ chịu hết và một mình mẹ vượt qua trong cảnh “nước mắt nuốt vào trong”… Suốt tháng năm, mẹ chỉ nuôi con bằng nghề cấy lúa, trồng ngô:
Một sào ruộng vụ cấy lúa, vụ trồng ngô
Tiền bán thóc dành con đi học
Mẹ nấu xôi ngô bán rong thôn, xóm
Tích cóp từng đồng tháng bảy, tháng ba…
Với bất kỳ đứa con nào thì “Đi suốt đời, lòng mẹ vẫn theo con”, với người con này, còn hơn thế! Do vậy, hành động của con là dễ hiểu:
Rồi con đỗ vào trường Bách Khoa
Nằng nặc xin học khoa cơ khí
Nung nấu công trình dâng mẹ
Chế máy tẽ ngô, vơi bớt nhọc nhằn…
Nho giáo xưa có lý khi coi tội lớn nhất là bất hiếu và khen đứa con báo hiếu cha mẹ là có “phúc đức”. Những ai như người con này xứng đáng nhận hai chữ Phúc Đức ấy. Nhưng bi kịch thì bây giờ đến lượt “con” gánh chịu:
Tạo hóa sao quá bất công
Ngày con thỏa ước mơ đưa máy về làng
Cũng là lúc mẹ đi cùng mây trắng
Con thẫn thờ, chệnh choạng…
Người con nào mất mẹ cũng đau quặn lòng, nhưng người con này đau gấp nhiều lần vì chưa kịp báo hiếu cho người mẹ từng gánh chịu nhiều mất mát, hy sinh. Cao cả thay người Mẹ! Lớn lao thay người Mẹ! Khi sống thì Mẹ nuôi con, bù trì cho con; lúc chết rồi vẫn vì con. Nỗi đau của người con vẫn được người mẹ – dù đã bên trời mây trắng vẫn thấu hiểu, vỗ về:
Chiều nay con ra mộ thắp nhang
Giữa cánh đồng ngô trổ cờ, đơm trái
Gió xạc xào ngọn lá
Nhớ tiếng ầu ơ từ mẹ năm nào
Cùng lời trăn trối:
“Vững bước đi con, chớ bao giờ gục ngã”.
Trái tim người mẹ, tình thương người mẹ còn “mênh mông hơn cả biển Thái Bình”. Mẹ tuy mất, nhưng tình thương của mẹ như vẫn hiện hình trong gió, trong cây để “ru vỗ”, làm ấm lòng đứa con dù đã vào tuổi trưởng thành.
Hạnh phúc nảy mầm trong bi kịch. Trong cái chết là vô cùng sự sống. Được hưởng ân tình người mẹ, mong muốn báo đáp công ơn người mẹ, người con mẹ thực sự là một người Phúc Đức. Dưới cõi âm, chắc mẹ vui lòng. Cái phúc đức ấm áp ấy làm ấm nóng trái tim bạn đọc trong thời buổi rét mướt về tình người, tình đời! Muốn đi xa phải bắt đầu từ những bước gần nhất, vững vàng. Muốn yêu nước nồng nàn phải sâu sắc yêu nhà mình trước đã. Người con trong bài thơ này chắc chắn sẽ đi được rất xa…!
Cần nói thêm rằng, đã có hàng ngàn bài thơ viết về mẹ với nhiều chiều cạnh xúc động, thiêng liêng, nhưng với bài thơ này, Nguyễn Hồng Vinh đã tìm cách tiếp cận một nét bình dị trong cuộc sống thường nhật của hai mẹ con ở vùng quê còn nhiều gian khó, thông qua câu chuyện có thật với những ngôn từ dung dị như hạt thóc, bắp ngô, tác giả đã truyền cho người đọc niềm tin yêu và nghị lực sống, để đi tiếp và vượt qua những chông gai đang đón đợi mỗi người ở phía trước!
Bài thơ tăng thêm giá trị thời sự khi tháng 7 là tháng Vu lan, rất nhiều người ở xa vẫn tìm về nguồn cội, thành kính thắp nén tâm nhang tri ân công lao sinh thành, dưỡng dục của Mẹ, Cha. Cảm ơn nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh đã nói thay tấm lòng sâu xa ấy của nhiều bạn đọc!
Tháng Tri ân, 2023
PGS.TS Nguyễn Thanh Tú
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/mot-bai-tho-sau-sac-chan-thanh-cam-dong-post257990.html