Xưa kia, để lưu trữ văn hóa và truyền bá tri thức, người Việt dùng mộc bản để in từng trang sách. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, những tấm mộc bản bị mất dần và số lượng những người khắc mộc bản ở Việt Nam cũng chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.
Chàng trai trẻ lưu giữ nghề cổ
Mộc bản là những tấm gỗ khắc chữ ngược, được sử dụng làm khuôn in sách ở khu vực Đông Á nói chung và Việt Nam nói riêng khi công nghệ in ấn của phương Tây chưa được du nhập. Đây là cách in sách duy nhất của người Việt xưa.
Mộc bản triều Nguyễn là di sản tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận ngày 31-7-2009. Bộ mộc bản này gồm 34.618 tấm, là những văn bản chữ Hán Nôm được khắc ngược trên gỗ để in sách tại Việt Nam vào thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Triều Nguyễn đã cho khắc mộc bản, in nhiều bộ sách sử và các tác phẩm văn chương để ban cấp cho các nơi do nhu cầu phổ biến rộng rãi các chuẩn mực của xã hội, các điều luật bắt buộc người dân phải tuân theo, để lưu truyền công danh sự nghiệp của các vua chúa, các sự kiện lịch sử…
Theo tài liệu của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Hưng, nhóm thợ ở Hồng Lục, Liễu Tràng (Hải Dương) là những người thợ khắc mộc bản lành nghề nhất trên cả nước. Những mộc bản của họ rất tinh xảo và đạt mức độ cao về kỹ thuật in ấn. Trải qua nhiều năm lịch sử, nghề xưa ở Hải Dương không còn, truyền nhân cũng chỉ còn vài người. Một trong số đó là chàng trai trẻ Lê Viết Quyết. Khác với tưởng tượng của nhiều người, truyền nhân của một nghề cổ thường là những người đã có tuổi, nhiều năm nghiên cứu, theo nghề, nhưng Quyết lại là một chàng trai rất trẻ, lại có một vẻ bề ngoài khá hiện đại.
Mới 25 tuổi nhưng Quyết đã theo nghề khắc mộc bản được 5 năm. Khi hỏi về nghề khắc mộc bản, Quyết nói được truyền nghề từ bố. Bố Quyết là ông Lê Viết Chiến, là thợ khắc mộc bản hiếm hoi còn lại của đất Hải Dương. Nhưng rồi sau này ông Chiến già đi, mắt yếu, tay run, ông giã nghiệp, lang bạt vào tận phương Nam để mưu sinh. Quyết nhận nghề lại từ bố và là một trong số ít thợ khắc mộc bản cuối cùng còn sót lại. “Càng học nghề càng mê, em bị cuốn vào từng con chữ, từng đường nét của mộc bản xưa”, Quyết nói.
Quyết kể, sau khi đi xuất khẩu lao động, về nước thấy cha mắt mờ, tay yếu, Quyết bắt đầu học lại nghề xưa, dù từ bé Quyết đã biết khắc dấu, khắc chữ trên khoai lang. Rồi Quyết cùng vợ con lên Tây Nguyên lập nghiệp, trong hành trang của hai vợ chồng có đồ nghề là dao, đục, giấy dó và những tấm gỗ thị, gỗ thừng mực.
Dù Quyết ở Tây Nguyên nhưng những nhà chùa ở khắp nơi trên cả nước vẫn nhờ Quyết khắc mộc bản để lưu trữ những cuốn kinh Phật quý hiếm đang dần bị mai một. Mỗi trang kinh Phật tùy vào nội dung, ý nghĩa, cách viết mà có từ vài chục, đến cả hàng trăm, ngàn con chữ. Trung bình mỗi ngày, Quyết khắc được 60-80 chữ. Có những chữ chỉ to bằng hạt gạo, đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn trọng của người khắc, nếu không muốn làm lại từ đầu. Những chữ nhỏ như vậy, Quyết phải dùng kính lúp soi để khắc cho kỹ.
Hôm gặp chúng tôi, Quyết đang khắc cuốn “Diên Quang Tam Muội”, dày 150 trang, làm cho một nhà chùa từ đầu năm 2018 đã đi vào những trang cuối. Quyết đánh giá, cuốn này độ khó ở mức trung bình và cũng không quá dày nên chỉ 1 năm là xong, có những cuốn phải khắc mộc bản 2-3 năm mới xong.
Không máy móc nào thay thế được
Thời hiện đại, công nghệ in ấn thay đổi, mộc bản không còn được sử dụng, hầu hết được cất giữ trong các thư viện, nhà kho trong chùa và rải rác ở các di tích. Từ chỗ chỉ là một khuôn in, chúng trở thành một hiện vật vô cùng quý hiếm lưu giữ quá khứ văn hóa lịch sử. Nhưng để tạo ra được những mộc bản như vậy rất công phu mà không máy móc nào thay thế được.
Chúng tôi hỏi Quyết rằng “bố con Quyết đã từng thử áp dụng công nghệ vào việc khắc chữ trên mộc bản chưa?”, Quyết nói đã từng thử, nhưng không máy móc nào thay thế được. Lý giải cho việc này, Quyết bảo dùng tia laser thì gỗ sẽ cháy, đồng thời chữ cũng sẽ cháy theo; còn nếu dùng máy CNC để khắc thì lưỡi dao của máy theo phương thẳng đứng, không thể uốn lượn vát được chân chữ một cách mềm mại, hơn nữa chi phí cũng rất cao.
Gỗ để làm mộc bản là những loại gỗ mềm như gỗ vàng tâm, gỗ thừng mực, gỗ thị. Khi đã có gỗ ưng ý, người thợ bắt đầu xẻ thành từng miếng ván, nhưng phải xẻ ngang thớ, rồi mang đi ngâm tẩm trong một thời gian khá dài, sau đó vớt lên hong khô. Lúc này, người thợ mới bắt đầu xử lý tạo mặt phẳng cho miếng ván như một tờ giấy. Xong công đoạn này, họ lấy những trang sách đã được in ra giấy dó mỏng, dùng keo dán lên tấm ván và tỉ mỉ bóc lớp giấy sao cho chỉ còn con chữ ngược nổi lên ván gỗ. Tiếp đó, người thợ dùng lưỡi dao với đầu dao rất nhỏ, tỉ mỉ khắc những con chữ từ ngày này qua ngày khác.
Với những trang sách dài hàng trăm, hàng ngàn chữ, phải khắc mất cả tháng trời mới xong một trang. Có những khi, Quyết phải khắc lại trang sách đã khắc mất cả tháng trời vì bị hỏng một chữ. Nhiều cuốn kinh Phật dày cả trăm trang Quyết phải khắc đến mấy năm trời mới hoàn thành mộc bản.
“Vui nhất là khi hoàn thành và giao mộc bản cho nhà chùa, được các sư thầy khen, động viên theo nghề để gìn giữ sách quý cho đời sau. Mỗi lần như vậy em lại thấy yêu và trân quý nghề khắc mộc bản hơn”, Quyết nói khi chia sẻ về nghề. Còn về tiền công, Quyết tâm sự, nhà chùa cho bao nhiêu thì mình nhận bấy nhiêu, tùy công đức, vì bố dạy Quyết rằng, nghề này là để phúc lại cho hậu thế, cứ làm, ắt sẽ được đến đáp.
Hơn 5 năm gắn bó và nối tiếp nghề của bố, Quyết thừa nhận, nghề khắc chữ in mộc bản rất dễ chán và cần sự kiên nhẫn, quyết tâm giữ nghề. Nhưng giống như nghiệp chọn người, Quyết chỉ chuyên tâm khắc kinh Phật, nên nghề này đã luyện cho Quyết sự tĩnh tâm với đời mà những người đồng trang lứa không có được.
Theo Petrotimes