Lúng liếng ơi! Lóng lánh ơi!

19:54 | 01/03/2019

Nghệ thuật dân ca quan họ là nghệ thuật diễn xướng, nghệ thuật ca hát dân gian với phương thức sáng tạo chủ yếu là ứng tác, ứng diễn.


Để tham gia một sinh hoạt ca hát quan họ, các đôi quan họ bao giờ cũng phải công phu chuẩn bị cho mình một lưng vốn đầy đặn về văn học, âm nhạc trước hết là để thi thố tài năng biểu diễn. Nhưng quan họ không chỉ là một hoạt động biểu diễn đơn thuần nhất là trong quan họ hát hội, hát canh với trung tâm là sự phô diễn các lối chơi đối đáp xướng hoạ bằng ca hát.

Một canh quan họ sẽ được coi là nghèo nàn, nhạt nhẽo, không thành công khi các liền anh liền chị chỉ trình diễn được những gì đã có, đã quen thuộc, dù lưng vốn nhiều đến mấy, hát hay đến mấy, nhuần nhuỵ đến mấy. Một trong những chờ đợi lớn của những người tham gia diễn xướng quan họ là được nghe những câu ca mới, bài bản mới. Canh quan họ chỉ thành công trọn vẹn khi có những câu mới, giọng mới được phô diễn.

Việc sáng tác bài ca mới, theo ngôn ngữ quan họ là “đặt câu bẻ giọng”, không chỉ diễn ra trong những đêm “ngủ bọn”, tập hợp luyện tập cho ngày hội quan họ, khi các liền anh liền chị công phu chuẩn bị các phương án mới cho việc đối đáp, xướng hoạ sắp tới, mà nhiều khi diễn ra ngay tại một canh quan họ, chủ yếu là ở chặng giữa, chặng hát đối đáp giữa các liền anh, liền chị.

Trong hát đối đáp giao duyên, quan họ luôn có bài ra và bài đối, xướng và hoạ. Các ứng tác, đôi khi có ở các bài ra nhưng thường là ở các bài đối, đôi khi có cả lời cả nhạc những chủ yếu là phần lời ca. Khả năng ứng tác là khả năng được đặc biệt coi trọng trong sinh hoạt dân ca quan họ. Các ứng tác, theo ngôn ngữ ngày nay là các sáng tác kịp thời, tức thời, tại chỗ, thường là để ứng phó tức khắc với hoàn cảnh và tình cảm đêm quan họ hay để đáp lại những câu hỏi nghệ thuật hóc hiểm của bạn quan họ, phù hợp với không gian và thời gian diễn xướng cụ thể và cái hay, cái tài của nó chỉ được cảm nhận hết trong không gian, thời gian và hoàn cảnh đó. Tuy vậy, không ít bài quan họ ứng tác, nhất là phần lời ca, đã vượt khỏi giới hạn không gian và thời gian cụ thể đã sinh ra nó, gia nhập vào kho tàng tinh hoa của dân ca quan họ.

“Lóng lánh”, “Lúng liếng” là cặp bài ứng tác đối đáp quan họ được coi là tài hoa tuyệt vời của các liền anh, liền chị.

Dưới đây là cặp đối của bài quan họ đó:

Bài ra:

Lóng lánh là lóng lánh ơi!

Mắt người lóng lánh như sao trên trời

Tôi nhớ người lắm lắm người ơi!…

Bài đối:

Lúng liếng là lúng liếng ơi!

Miệng người lúng liếng có đôi đồng tiền

Tôi với người muốn kết nhân duyên!…

Tương truyền, bài ra là của các liền chị. Bài đối là của các liền anh.

“Lóng lánh là lóng lánh ơi!…”  dường như là một ấn tượng và ấn tượng ấy chợt bật ra thành tiếng gọi khi giao lưu đầy tình nghĩa bằng tiếng hát với bạn quan họ. Ta bỗng nhớ câu ca dao “Gặp anh như gặp mặt trời/Chói chang khó ngó, trao lời khó trao”. Thật thông minh và tài năng khi không gọi các anh bằng khái niệm mặt trời, to tát quá, chói chang quá.

Các anh cũng sáng lắm, cũng cao sang lắm, nhưng là cái sáng cái cao sang của những ngôi sao trong đêm, dịu dàng, tươi mát, gần gũi và thân yêu hơn nhiều. Điều thầm nhắn trong lời hát ấy có lẽ là: các anh không chỉ là  những ngôi sao trên trời mà còn là những ngôi sao trong lòng chúng em đấy. Thế là chỉ một từ “lóng lánh” tinh tế, tài tình, được lặp lại nhiều lần trong câu hát, các chị vừa ca ngợi được vẻ đẹp của bạn hát vừa trao gửi được ấn tượng, tình cảm đằm thắm, thiết tha của lòng mình hướng về bạn.

Bài ra hết sức bất ngờ, tài hoa, duyên dáng, tình tứ, thanh nhã. Rõ ràng, tìm ra bài đối được nó là một yêu cầu cực kỳ khó khăn, hóc hiểm. Một thách thức tưởng không thể vượt qua dành cho các “Lóng lánh”.

Một buổi hát canh. Ảnh Infonet

Tuy vậy, các “Lóng lánh” đã chứng tỏ cho bạn hát đối diện thấy rằng các bạn đã đánh giá không sai về mình, các liền anh đã “lóng lánh” được ngay bằng một bài đối xứng đáng, nghiêm, chỉnh và cũng hay đến từng câu, từng chữ như bài ra của các liền chị.

Từ “Lóng lánh” đã được đối lại bằng “lúng liếng” và cũng được lập lại đúng bốn lần trong một câu thơ lục bát. Từ “mắt” được đối lại bằng từ “miệng”, “sao trên trời” đối lại bằng “đôi đồng tiền”. Vâng, chúng tôi “lóng lánh” thì các bạn rất “lúng liếng”, mắt chúng tôi sáng thì miệng các bạn cũng duyên làm sao, chúng tôi sẵn sàng đổi “sao trên trời” lấy lúm“đôi đồng tiền” của các bạn đấy. Các bạn mới chỉ nhớ chúng tôi thôi còn chúng tôi thì đã muốn kết thành đôi thành lứa với các bạn rồi.

Bài ra bất ngờ bao nhiêu thì bài đối cũng đáng kinh ngạc bao nhiêu. Cặp đôi “Lóng lánh” – “Lúng liếng” là một cặp đôi tuyệt tác. Trong một khoảng khắc bừng sáng trong sinh hoạt quan họ, một tuyệt tác đã ra đời và kéo theo một tuyệt tác.

Trong dân ca quan họ không ít những cặp đôi ứng tác tài hoa tuyệt vời như vậy.

 

Nguyễn Thế Khoa/VHVN

Video hay

Cùng chuyên mục

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ