Các nỗ lực trước đây thường chỉ nửa vời, đem những “lại quả” kinh tế ngắn hạn ra đổi lấy việc đóng băng tạm thời chương trình hạt nhân Triều Tiên
Cuộc họp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un càng đến gần, vấn đề này càng quan trọng hơn bao giờ hết: Khi ngồi vào bàn đàm phán, Tổng thống Mỹ Donald Trump không chỉ cần một chính sách toàn diện mà còn phải tránh lặp lại sai lầm của các chính phủ tiền nhiệm được liệt kê dưới đây.
1. Thiếu quyết tâm sắt đá
Chiến thuật “kiên nhẫn chiến lược” của cựu Tổng thống Barack Obama không đem lại hiệu quả gì nhiều bởi chương trình hạt nhân Triều Tiên vừa tăng tốc vừa đạt được bước tiến lịch sử trong thời gian ông ở Nhà Trắng. Kết quả cũng tương tự dù cách tiếp cận trước đó của chính quyền ông George W. Bush diều hâu hơn nhiều.
Thành công gần đây của Tổng thống Trump chứng tỏ cần phải làm nhiều hơn là kiên nhẫn để ép được Triều Tiên cân nhắc một thỏa thuận lâu dài. Không chỉ liên tục duy trì quan điểm không khoan nhượng, ông Trump còn tập hợp quanh mình một đội ngũ cứng rắn hơn bao giờ hết trong lịch sử Mỹ hiện đại. Nhưng sự kiên quyết vẫn chưa đủ để khiến Triều Tiên phi hạt nhân hóa. Tổng thống Mỹ cần tiếp tục áp dụng chiến lược gây sức ép tối đa (thể hiện qua các cuộc tập trận, phong tỏa đường biển…) cộng với những đòn tấn công kinh tế khắc nghiệt (được Trung Quốc hưởng ứng).
2. Dùng sai cách đàm phán
Điều này được chứng tỏ bằng thất bại của “Thỏa thuận khung” dưới thời cựu Tổng thống Bill Clinton vào năm 1994. Chỉ bằng biện pháp “quyến rũ” thì không đủ để bảo đảm Triều Tiên hủy bỏ tận gốc chương trình hạt nhân. Cũng như vậy, một chính sách gồm toàn đe dọa chắc chắn sẽ thất bại, bởi nó khiến Triều Tiên nghĩ rằng hoàn toàn không có cơ hội sống sót nếu thiếu vũ khí hạt nhân. Ông Trump phải đưa ra được một chính sách tính toán kỹ càng cả mặt lợi và hại của việc phi hạt nhân hóa từ góc nhìn của Triều Tiên.
Chương trình hạt nhân là yếu tố sống còn của chính quyền Bình Nhưỡng nên nếu muốn ông Kim Jong-un từ bỏ, phải ép được Triều Tiên vào chân tường và đồng thời mở ra cơ hội sinh tồn cao hơn. Đó là lý do chính sách cổ điển “cây gậy và củ cà rốt” sẽ phát huy tác dụng, tức vừa siết chặt trừng phạt kinh tế vừa hứa hẹn viễn cảnh hiện đại hóa kinh tế và tăng trưởng bền vững. Đặc biệt là chính sách này phải được ủng hộ và thực thi bởi tất cả các bên liên quan.
3. Thiếu sự đồng lòng, nhất trí
Theo phân tích của ông Scott Snyder, Giám đốc về chính sách Mỹ – Triều của Hội đồng Quan hệ đối ngoại (Mỹ), các chính quyền Washington trước đây thất bại vì họ đặt an ninh của Mỹ lên cao hơn nhu cầu chung, từ đó áp dụng các chính sách chỉ có lợi cho mình mà không tính đến các nước liên quan.
Hệ quả là thiếu đi sự ủng hộ lẫn nhau. Nhiệm vụ thuyết phục Triều Tiên từ bỏ kho hạt nhân không thể thành công chỉ với nỗ lực của một quốc gia, thay vào đó là cần tất cả 4 bên còn lại của đàm phán 6 bên (Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản – trừ Triều Tiên) cùng huy động sức mạnh kinh tế và an ninh để phát triển một gói giải pháp nhằm ép Bình Nhưỡng chấp nhận thỏa thuận.
Với sự ủng hộ chung nói trên (nhất là từ Nga và Trung Quốc), Triều Tiên sẽ không thể chối từ. Nhưng để thuyết phục được các bên còn lại về chung “chiến tuyến”, ông Trump cần bảo đảm về một tương lai hòa bình và thịnh vượng kinh tế, chính quyền Bình Nhưỡng được yên ổn và Mỹ không lợi dụng khoảng trống để lại sau phi hạt nhân hóa.
4. Không công nhận bản chất
Vũ khí hạt nhân của Triều Tiên không chỉ đóng vai trò răn đe trước các mối đe dọa quân sự mà còn là nền tảng tồn tại của chính quyền Bình Nhưỡng. Phát triển vũ khí hạt nhân là ước nguyện của cố lãnh đạo Kim Jong-il, đồng thời là triết lý cách mạng của nhà sáng lập Triều Tiên Kim Nhật Thành (Kim Il-sung, cha của ông Kim Jong-il). Do đó, chương trình này sẽ không bao giờ bị từ bỏ triệt để ngay cả khi Triều Tiên đứng trước nguy cơ bị phá hủy hoàn toàn.
Các chính quyền Mỹ trước đây không nhận ra bản chất kép này. Để chỉnh sửa sai lầm quá khứ, Tổng thống Trump phải đưa ra một thỏa thuận, trong đó bảo đảm vị thế của Bình Nhưỡng bằng cách chuyển đổi Triều Tiên sang nền kinh tế thị trường, bảo đảm tăng trưởng ít nhất 10% và nhận được khoản tiền hỗ trợ phát triển từ Hàn Quốc (không dưới 30 tỉ USD/năm trong thời hạn tối thiểu là 10 năm).
5. Các chính sách rời rạc
Dù là bằng hứa hẹn hay đe dọa, Washington trước đây đều không xử lý vấn đề Triều Tiên bằng một chính sách liền mạch và gắn kết chặt chẽ các bên liên quan. Các nỗ lực trong quá khứ thường chỉ nửa vời, tức mới đem những “lại quả” kinh tế ngắn hạn ra để đổi lấy việc đóng băng tạm thời chương trình hạt nhân.
Trong trường hợp đạt được thỏa thuận lần này, các nước liên quan phải thúc đẩy quá trình chuyển đổi kinh tế ở Triều Tiên, từ đó biến nước này từ tình trạng bị cô lập thành một thành viên được tôn trọng của cộng đồng quốc tế.
Nếu ông Trump đem đến cho ông Kim và các nước liên quan một kế hoạch chi tiết có thể khắc phục 5 sai lầm trên và cung cấp những giải pháp xác thực, chắc chắn ông sẽ làm nên lịch sử khi trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên chịu trách nhiệm dẫn dắt tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên một cách hòa bình.
Hải Ngọc (lược dịch từ Tạp chí National Interest)