Leonardo da Vinci: Đồng tính, ăn chay và những bí mật kỳ vĩ

10:37 | 21/10/2018

Theo dịch giả Phương Lan, sách “Leonardo da Vinci” không dựng tượng đài một vĩ nhân, mà kéo Leonardo gần với độc giả, giải mã cuộc đời ông, để người đọc thời nay thêm ngưỡng mộ.

Leonardo da Vinci của Walter Isaacson ra mắt tháng 10/2017, tới tháng 5/2018 được Bill Gates lựa chọn là sách đáng đọc nhất hè này. Cuốn sách dầy dặn về dung lượng, hấp dẫn về nội dung được dịch giả Nguyễn Thị Phương Lan chuyển ngữ sang tiếng Việt một cách trọn vẹn bằng tình yêu nghệ thuật và đam mê ngôn ngữ.

Nhân dịp sách ra mắt tại Việt Nam (19/10), dịch giả Phương Lan trò chuyện về cuốn sách và quá trình khám phá nhân vật vĩ đại Leonardo da Vinci.

Vừa dịch vừa khám phá, học hỏi

– Điều gì đưa chị tới với bản thảo cuốn sách “Leonardo da Vinci” của Walter Isaacson, để rồi dịch nó?

– Thực ra, ban đầu tôi không chọn dịch cuốn sách này vì Leonardo da Vinci mà là vì tác giả Walter Isaacson. Dù là một vĩ nhân trong lịch sử nhân loại, nhưng một nghệ sĩ từ thời Phục Hưng, đã sống cách mình tới 500 năm có vẻ như sẽ không giúp tôi liên hệ được gì nhiều tới bản thân.

Điều gây ấn tượng cho tôi là vì sao Walter Isaacson, nhà viết tiểu sử lừng danh với những nhân vật hoàn toàn thuộc về đương đại như Steve Jobs hay Albert Enstein lại quyết định chọn Leonardo da Vinci? Hẳn là “cổ nhân” này phải có điều gì đó không “cổ” chút nào.

Sách Leonardo da Vinci phát hành ở Việt Nam.

Và như chính Walter đã chia sẻ cùng bạn đọc, tất cả các nhân vật của ông, từ Benjamin Franklin, Albert Einstein, tới Steve Jobs đều là những thiên tài sáng tạo, họ rất thông minh, nhưng điều mấu chốt lại nằm ở chỗ họ có trí tưởng tượng vô cùng phong phú, xuất phát từ khát khao tìm hiểu về thế giới xung quanh với trí tò mò thuần khiết của trẻ thơ, cũng chính là thứ khơi gợi và giúp tôi rèn khả năng kết nối rất nhiều lĩnh vực lại với nhau, từ nghệ thuật tới khoa học, từ nhân văn tới công nghệ.

Tác phẩm của Walter còn là một công trình khảo cứu công phu khi ông quyết định tiếp cận con người Leonardo không phải thông qua những kiệt tác vô tiền khoáng hậu của ông trong vai trò một họa sĩ mà là hơn 7.200 trang sổ tay còn sót lại với hậu thế. Di sản này, như đã được công nhận, chính là “tuyên ngôn đáng kinh ngạc nhất về sức mạnh của tài quan sát và trí tưởng tượng của con người từng được đưa lên mặt giấy”.

– Cuốn sách ra mắt cuối năm ngoái, vậy chị đã dịch 700 trang sách này trong thời gian nào?

– Tôi nhận cuốn sách vào những ngày đầu tháng 1/2018 và đến cuối tháng 8 thì hoàn thành. Cũng vừa hay trong thời gian đầu khi bắt tay vào dự án này, tôi may mắn có một chút thay đổi trong cuộc sống: được tạm dừng công việc chuyên môn trong một thời gian để ổn định cuộc sống cùng gia đình nhỏ tại nước ngoài. Cuộc sống mới cho phép tôi có thời gian đọc sách và tìm hiểu kỹ lưỡng về cuộc đời Leonardo.

Nhưng quan trọng hơn, nó đã giúp tôi tạo ra những cơ hội để bản thân được trò chuyện và học hỏi từ những con người đáng yêu và đáng quý mà tôi rất cảm ơn số phận rằng nếu như tôi không được may mắn ở vào đúng lúc và đúng nơi mà hiện giờ tôi đang có mặt thì có lẽ tôi sẽ không bao giờ hoàn thành được cuốn sách.

– Quá trình chị dịch cuốn sách nặng ký này đã diễn ra như thế nào?

– Cuốn sách không chỉ dài về dung lượng mà còn rất giàu thông tin và kiến thức thuộc về nhiều lĩnh vực khác nhau cùng lối hành văn vừa khoa học, chặt chẽ vừa dồi dào cảm hứng và đầy chất thơ của tác giả.

Đây là thử thách với tôi khi nó đòi hỏi không chỉ vốn từ vựng và hiểu biết về hội họa, đặc biệt là kỹ thuật vẽ tranh sơn dầu mà còn cả một lượng kiến thức phổ thông nền tảng rộng lớn, trải rộng từ lịch sử, địa lý cho tới toán học, vật lý, sinh học, địa chất và cả khảo cổ học.

Đóng góp lớn, đương nhiên, lại thuộc về Internet và Google, những công cụ đã giúp tôi tiếp cận với những kho tri thức khổng lồ. Thế nhưng để có thể chuyển ngữ, đồng thời chuyển tải trọn vẹn nhất có thể tinh thần của cả tác giả lẫn nhân vật của ông, tôi hiểu rằng mình còn thiếu hụt rất nhiều.

Trong khi đọc sách, tôi nhận ra mình có thể học tập chính tác giả Walter trên hành trình ông viết cuốn tiểu sử đồ sộ về một nhân vật với kho tàng di sản cũng vào loại đồ sộ nhất của nhân loại. Tôi thử làm như Walter là liên hệ bản thân với con người và hành trình sống của Leonardo khi ông không ngừng tìm kiếm mọi điều cần biết về thế giới xung quanh. Và tôi đã có một hành trình thú vị nho nhỏ của riêng mình.

 Dịch giả Nguyễn Thị Phương Lan – người dành nhiều tâm huyết khi dịch sách Leonardo da Vinci. Ảnh: NVCC.

– Chị có thể kể về hành trình đó?

– Tôi đi tìm kiếm những chuyên gia mà tôi biết. Mẹ tôi là giáo viên dạy vật lý và bà đã vui vẻ giảng giải lại cho tôi về định luật đầu tiên của Newton, về ma sát hay động lượng, những nguyên lý mà Leonardo đã tiên liệu trước về chúng tới vài trăm năm.

Cô bạn tôi, Anna, người đã tạm ngưng sự nghiệp bác sĩ ở London để theo chồng ra nước ngoài, đã giúp tôi hiểu thêm rất nhiều về giải phẫu học. Để hoàn thành chương sách về giải phẫu, tôi còn nhờ tới Long, chàng bác sĩ trẻ tuổi tài năng. Dù bận rộn với những ca trực đêm, Long vẫn dành thời gian xem lại bản dịch cho tôi để đảm bảo sự chính xác của các thuật ngữ cũng như cách diễn đạt chuyên môn.

Tom, chuyên gia tài chính nhưng đồng thời cũng là một người say sưa với ngôn ngữ và văn học Mỹ đã giải nghĩa và giúp tôi hiểu rõ nhiều cấu trúc câu, nhiều cách dùng từ tinh tế của tác giả. Julien, người bạn, đồng nghiệp, đồng thời cũng là một kỹ sư thủy lực đã giúp tôi giải mã bí ẩn của những dòng chảy cùng nhiều cơ chế máy móc của Leonardo. Và Claudio, anh bạn người Italy điển trai đã giúp tôi lĩnh hội tinh thần cùng sức biểu cảm mạnh mẽ của ngôn ngữ cũng như con người Italy, nguồn cảm hứng vô tận cho các bức tranh và bản vẽ phác thảo của Leonardo.

Điều thú vị nhất là trừ Long, người trực tiếp xem chương sách về giải phẫu học của tôi ra thì tất cả những người bạn đáng mến này đều không biết rằng tôi đang dịch tiểu sử Leonardo da Vinci. Còn với tôi, những cuộc trò chuyện ấy ban đầu là để phục vụ việc dịch sách, nhưng cuối cùng đã trở thành một nguồn vui khi tôi được biết thêm về thế giới muôn màu và quan trọng hơn là hiểu thêm về những người sống quanh mình.

Tôi xin cảm ơn tất cả, và đặc biệt nhất là cảm ơn giám tuyển Diệu Hương, không chỉ với tư cách người hiệu đính, giúp tôi hoàn thiện bản dịch mà trên hết là người đã gợi mở và thôi thúc tôi đến với hành trình thú vị này.

– Điều gì khiến chị tâm đắc nhất khi dịch cuốn sách?

– Điều tôi tâm đắc và không ngờ nhất về cuốn sách là dù chắc chắn đây không phải một cuốn sách dạy làm cha mẹ, nhưng nó là cuốn sách đã lay động mạnh mẽ nhất tới trái tim người mẹ của tôi. Riêng về điều này thì tôi cảm thấy mình chịu ơn Walter Isaacson.

Bởi bản thân Leonardo không có con cái và nhìn chung có rất ít liên hệ với trẻ nhỏ, nhưng từ những bài học mà Walter rút ra từ cuộc đời và hành trình lao động sáng tạo miệt mài của Leonardo, ông lại rất nhiều lần nhắc nhở chúng ta hãy nuôi dưỡng, trong chúng ta và con cái chúng ta, trí tò mò thuần khiết cùng năng lực quan sát tinh tường thế giới xung quanh, đồng thời bồi đắp cho chúng cả “tri thức lẫn ý chí dám thách thức nó”, dám đặt câu hỏi và dám tư duy khác biệt.

Trước những hoang mang và chao đảo của thời đại nói chung và giáo dục nói riêng, những đúc kết của Walter và cả hành trình sống của Leonardo là lời nhắc nhở sâu sắc về vai trò làm mẹ của tôi, không chỉ giúp tôi trong việc lựa chọn cho con mình một mô hình và phương pháp giáo dục phù hợp mà quan trọng hơn là giúp tôi định hướng cho con cách tư duy và thái độ sống để con biết cảm nhận một cách trọn vẹn nhất ý nghĩa của cuộc đời, biết đi đến tận cùng hành trình sống. Theo cách đó, cuộc đời và con người Leonardo đã để lại trong tôi thật nhiều suy ngẫm.

Những giá trị cao đẹp lẫn góc sâu tối nhất trong con người vỹ nhân

– Theo chị con người Leonardo da Vinci có điểm gì đặc biệt?

 – Leonardo sinh ra với nhiều dị biệt, là con ngoài giá thú, đồng tính, thuận tay trái, ăn chay chỉ vì không muốn làm đau bất kỳ con vật nào, rất tò mò nhưng cũng dễ bị sao lãng mất tập trung, tâm trí luôn hồ hởi nhưng cũng hay chán chường, không theo học một nền giáo dục chính thống, không bao giờ nói thạo tiếng Latin, rất giỏi hình học nhưng lại hay nhầm lẫn khi nhân chia, luôn gặp khó khăn khi tính căn bậc hai và mù tịt môn lượng giác.

Cả cuộc đời ông hầu như cũng không ra khỏi nước Ý, chỉ loanh quanh ở quê nhà, một ngôi làng hẻo lánh vùng Tuscany, khi lớn lên thì tới Florence, Milan, trở lại Florence, rồi tới Rome và sau cùng là sang Pháp rồi yên nghỉ luôn tại đó.

Hình ảnh một số tác phẩm của Leonardo da Vinci, trong đó Người Vitruvius nổi tiếng khi đưa ra tỷ lệ con người hoàn hảo. 

Thế nhưng có thể nói rằng mỗi khoảnh khắc trong cuộc sống của Leonardo đều vô cùng phong phú khi ông luôn biết chiêm ngưỡng, biết kinh ngạc trước thế giới mà ông đối diện hàng ngày. Và ông đã tận hưởng nhiều trải nghiệm, phiêu lưu, nhiều thành quả mà không thứ hào quang danh vọng hay giàu có vật chất nào sánh được.

Là con ngoài giá thú giúp Leonardo không phải nối nghiệp chưởng khế theo truyền thống gia đình mà được theo đuổi đam mê nghệ thuật. Ông vừa phát huy được khả năng sáng tạo của bản thân lại vừa vận dụng được đặc tính di truyền là thường xuyên ghi chép mọi thứ ra sổ tay.

Nhờ đó mà ngoài các tác phẩm hội họa, ông đã để lại cho nhân loại một di sản đồ sộ gồm các bản viết tay và hình vẽ phác thảo vô giá, giúp hậu thế có dịp được chiêm ngưỡng cũng như khảo cứu và tranh luận về cuộc đời, sự nghiệp và đặc biệt là trí tuệ sáng tạo xuất chúng của ông.

Là người đồng tính, bị hấp dẫn bởi người đồng giới, nhưng tình yêu cái đẹp đã giúp ông dung hòa và thể hiện ngày càng hoàn thiện hơn vẻ đẹp lưỡng tính nơi các nhân vật của mình. Không những thế, ông còn là bậc thầy vẽ phụ nữ. Những bức chân dung phụ nữ của ông mà đỉnh cao là Mona Lisa, đều là những kiệt tác của nhân loại.

Quan trọng hơn, ông không vẽ những quý bà hay công nương quyền quý trong tư thế xoay ngiêng vô hồn, giống như những con búp bê mang phục sức xa hoa tô điểm cho sự giàu có của thế giới đàn ông. Với tinh thần nhân văn sâu sắc, ông là người đầu tiên khắc họa chân dung những người phụ nữ bình thường, ăn vận giản dị, nhưng là những con người có suy nghĩ và cảm xúc, cả thế giới nội tâm phong phú nơi họ như trực trào ra từ cả ánh mắt lẫn nụ cười đầy ám ảnh.

Việc không theo học một nền giáo dục chính thống đã giúp ông không bị áp đặt bởi chủ nghĩa triết học kinh viện khô khan cùng những giáo điều Trung cổ, giúp ông trở thành môn đồ của thử nghiệm và phương pháp nghiên cứu thực nghiệm mà sau này chính là tiền đề của tư duy khoa học hiện đại.

Riêng với yếu tố không thạo tiếng Latin, thời điểm lịch sử đã đóng một vai trò quan trọng khi Leonardo sinh ra đúng lúc máy in đã được sử dụng rộng rãi để in ấn sách vở và việc dịch các tác phẩm cổ đại từ tiếng Latin sang tiếng Ý hay các ngôn ngữ địa phương khác đã trở nên phổ biến, giúp cho những người như ông có cơ hội tiếp nhận tri thức.

Không giỏi môn đại số hay lượng giác nhưng Leonardo là bậc thầy về hình học. Ông tư duy bằng hình ảnh. Thế giới trong mắt ông là những biến thể đa dạng không ngừng của những hình khối, là những mẫu hình phong phú nhưng lại kết nối với nhau trong một thể thuần nhất.

Bởi vậy mà từ hệ thống mạch máu lan tỏa ra từ quả tim người, ông liên hệ ngay tới một hạt giống đang nảy mầm, hay hệ thống cành nhánh của một cái cây cổ thụ, hay hệ thống sông ngòi chằng chịt trên cơ thể của Trái đất.

Những lọn tóc xoăn khiến ông liên tưởng tới chuyển động của dòng nước, từ đó giúp ông nghiên cứu chuyển động của không khí, cũng chính là nền tảng để ông nghiên cứu hoạt động bay của loài chim. Những nghiên cứu về kỹ thuật và giải phẫu khiến ông hình dung cả con người lẫn thế giới tự nhiên đều là những cỗ máy tài tình.

Ông rất dễ bị sao lãng là bởi trí tò mò cùng tâm trí hồ hởi luôn kéo ông đi hết từ địa hạt này tới địa hạt khác trên cuộc hành trình tìm kiếm tri thức bất tận.

Salvator Mundi – kiệt tác của Leonardo đang là một trong những bức họa đắt nhất, có giá 450 triệu USD (khoảng 10 nghìn tỷ đồng).

– Ngoài sự nghiệp lẫy lừng cùng di sản vô giá để lại, con người Leonardo da Vinci có thể nói điều gì với hậu thế chúng ta hôm nay?

– Không hoàn hảo hóa hình tượng vĩ nhân, cũng không khoác lên cuộc đời nhân vật của mình những huyền hoặc kỳ bí mà người ta hay gán cho các thiên tài xuất chúng, Walter kéo Leonardo gần lại với chúng ta, giải mã cuộc đời ông trong đầy đủ bối cảnh và tinh thần của thời đại mà ông đã sống.

Từ đó chúng ta hiểu về ông hơn, đồng cảm với ông hơn, để thấy ở ông cả tài năng và phẩm chất đáng quý lẫn những thiếu hụt và khuyết điểm, cả những điều đáng yêu và đáng trách, cả những giá trị nhân văn cao đẹp lẫn những ngóc ngách sâu tối nhất trong tâm hồn, để chúng ta lại càng thêm ngưỡng mộ con người ông, theo cách ta ngưỡng mộ một người bạn lớn mà bản thân có thể học hỏi được thật nhiều.

Theo Zing News

Cùng chuyên mục

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Hành trình đến với danh hiệu Hoa hậu Nhân ái của doanh nhân Nguyễn Thị Phương

Hành trình đến với danh hiệu Hoa hậu Nhân ái của doanh nhân Nguyễn Thị Phương

Lễ ra mắt Chi hội Nữ trí thức khối Văn hóa Nghệ thuật “Những đóa hoa sen Việt Nam”

Lễ ra mắt Chi hội Nữ trí thức khối Văn hóa Nghệ thuật “Những đóa hoa sen Việt Nam”

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU TỪ DU THUYỀN TRÊN DÒNG LA GIANG

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU TỪ DU THUYỀN TRÊN DÒNG LA GIANG

Hội An khánh thành dự án tu bổ di tích Chùa Cầu

Hội An khánh thành dự án tu bổ di tích Chùa Cầu

Khai mạc giải cầu lông Tynsport mở rộng lần thứ XIV năm 2024 “Tranh Cúp TC Sport”

Khai mạc giải cầu lông Tynsport mở rộng lần thứ XIV năm 2024 “Tranh Cúp TC Sport”

Giải bóng chuyền Nam thanh niên Công an Hà Tĩnh vào giờ khai cuộc

Giải bóng chuyền Nam thanh niên Công an Hà Tĩnh vào giờ khai cuộc

HÀ NỘI: Tỏa sáng từ mái trường Ngọc Lâm thân yêu

HÀ NỘI: Tỏa sáng từ mái trường Ngọc Lâm thân yêu

PHÓ ĐỨC PHƯƠNG VÀ KHÁT VỌNG SỬ CA

PHÓ ĐỨC PHƯƠNG VÀ KHÁT VỌNG SỬ CA