Lễ tưởng niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Hồ Thấu (1918 – 2018)

22:25 | 29/07/2018

Chiều ngày 28/7/2018, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học – Nghệ thuật và trường Chính trị thành phố đã tổ chức Lễ tưởng niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Hồ Thấu (1918 – 2018) và giới thiệu sách “Hồ Thấu – nhà thơ, người trí thức cách mạng”.


Nhà giáo, nhà thơ Hồ Thấu, sinh năm 1918 tại làng Trung Thái, thôn Phú Bông, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam trong một gia đình khoa bảng. Thân phụ là cử nhân Hán học Hồ Hoàng, đỗ cử nhân khoa thi hương năm Kỷ Dậu – Duy Tân thứ 3 (1909), làm quan huấn đạo, tức quan trông coi việc học ở hai huyện Quế Sơn và Tiên Phước, sau thăng làm trưởng ty Niết rồi trưởng ty phiên tỉnh Bình Định, được ban tước Hồng lô tự thiếu khanh, hàm tòng tứ phẩm. Các người anh trai của ông là Hồ Phùng, Hồ Nghinh, Hồ Tống và em trai Hồ Liên (tức Hoàng Bích Sơn) là những người có đức hạnh, có tư chất thông minh, học giỏi.

Đặc biệt, các ông Hồ Nghinh, Hồ Liên là những trí thức yêu nước, là những nhà giáo vừa dạy kiến thức vừa truyền bá tư tưởng yêu nước cho các thế hệ học trò, đã có nhiều đóng góp trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.

Vốn ham học, lại thông minh, sau khi đỗ tiểu học Pháp – Việt tại Hội An, Hồ Thấu vào học tại trường Quốc học Quy Nhơn, ở đây Hồ Thấu được các bạn đồng môn chọn là một trong ba người học giỏi nhất có tên chữ T, gọi là 3T: Hồ Thấu, Lê Văn Thiêm và Nguyễn Thương.

Năm 1936, thi đỗ Thành chung, học ban chuyên khoa Tú tài tại trường Quốc học Huế, cùng khóa với Tố Hữu. Ở Quy Nhơn cũng như ở Huế, Hồ Thấu có tiếng học giỏi, tài hoa không chỉ có toán, triết, Pháp ngữ mà cả nhạc, họa, thể thao, thơ văn…Sau khi tốt nghiệp tú tài, Hồ Thấu về lại quê vận động mở trường dạy học. Với chí hướng đem tri thức của mình truyền thụ cho con em quê hương mở mang dân trí, góp phần đưa xã hội tiến lên, năm 1941, Hồ Thấu cùng anh mình là Hồ Nghinh vận động xây dựng trường tiểu học tư thục Tân Tân, với trang bị tiên tiến, giáo dục tương đối toàn diện, có thư viện, sân thể dục thể thao, giáo viên giảng dạy gồm những thanh niên tri thức hấp thụ tư tưởng tiến bộ.

Trong những năm kháng chiến chống Pháp, ông đã có nhiều cống hiến cho cách mạng, ông từng giữ chức Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Liên Việt (nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) tỉnh Quảng Nam ngay sau Cách mạng tháng tám 1945. Giữa lúc tài năng đang được phát huy và góp phần vào những thắng lợi bước đầu của quân và dân Quảng Nam sau hai năm tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thì đồng chí lâm bệnh – căn bệnh “tứ chứng nan y” – lao phổi, lúc bấy giờ chưa có thuốc đặc trị, phần vì điều kiện cuộc sống trong kháng chiến vô cùng khó khăn.

Vào những ngày cuối tháng 12 năm 1949, Hồ Thấu ra đi để lại niềm tiếc thương vô hạn. Trước khi chết ông đã viết bàiGửi Kỳ, trong đó có những câu được nhiều người biết là: “Chiến trường ai khóc chia phôi/ Khải hoàn ai nhắc đến người hôm qua”.

Thời còn tuổi học sinh Trường Quốc học Huế, nhà thơ Huy Cận đã viết về Hồ Thấu vào giai đoạn này như sau: “Anh Thấu và tôi đều học trường Quốc học Huế, tôi lớp trước, anh lớp sau. Lúc ở trường tôi đã nghe nhiều bạn nhắc đến thơ anh, nhưng thơ anh ít đăng báo nên chưa được phổ biến rộng rãi”.

Tại buổi lễ tưởng niệm, nhà thơ Lê Đào (nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng cũ) – một người học trò của thi sĩ Hồ Thấu đã rưng rưng nước kể lại: “Anh Hồ Thấu có 4 điều đặc biệt: là con nhà quan nhưng tính cách nhà dân, người nhỏ nhưng cái bóng thì rộng lớn, tưởng là cao xa nhưng lại rất gần gũi, sức yếu nhưng gan bền … Nhân cách cao đẹp, trí tuệ hơn người, Hồ Thấu là một nhà giáo mẫu mực tự mày mò học tập nghiên cứu truyền thụ kiến thức cho nhiều thế hệ thanh niên. Ông cũng là con người giàu chí khí, sớm giác ngộ đến với cách mạng với một niềm tin vào tương lai tươi sáng của dân tộc”./.

TTS/VHVN

Video hay

Cùng chuyên mục

Lối sống mực thước, bình dị và những câu chuyện lay động lòng người (Bài 2)

Lối sống mực thước, bình dị và những câu chuyện lay động lòng người (Bài 2)

Đến với cử tri, nhân dân bằng phong cách gần gũi, ân tình (Bài 1)

Đến với cử tri, nhân dân bằng phong cách gần gũi, ân tình (Bài 1)

Liên hoan sân khấu dành cho thiếu nhi lần thứ nhất

Liên hoan sân khấu dành cho thiếu nhi lần thứ nhất

Hướng sang nguồn sáng phương Đông

Hướng sang nguồn sáng phương Đông

Sáng tạo cho những tác phẩm sân khấu hay cho thiếu niên nhi đồng

Sáng tạo cho những tác phẩm sân khấu hay cho thiếu niên nhi đồng

Văn hóa người làm báo phải được liên tục tích lũy, bồi đắp, nâng cao

Văn hóa người làm báo phải được liên tục tích lũy, bồi đắp, nâng cao

Sư Minh Tuệ – một biểu tượng thiện lương trong nghệ thuật

Sư Minh Tuệ – một biểu tượng thiện lương trong nghệ thuật

PHONG TRÀO THỂ THAO RẤT HIẾM CÓ Ở MỘT VÙNG QUÊ

PHONG TRÀO THỂ THAO RẤT HIẾM CÓ Ở MỘT VÙNG QUÊ

Vũ Bình Lục – Người giải mã  kho báu văn chương thông tuệ

Vũ Bình Lục – Người giải mã kho báu văn chương thông tuệ