Cứ vào ngày 24/4 âm lịch hằng năm, khách hành hương từ khắp nơi đổ về núi Sam để tham dự lễ vía Bà Chúa Xứ, tạo nên không khí lễ hội tưng bừng náo nhiệt. Đặc biệt năm 2010, kỷ niệm 10 năm Lễ hội vía Bà Chúa Xứ được nâng lên thành lễ hội cấp Quốc gia.
Núi Sam thuộc thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang. Khu du lịch núi Sam là tập hợp những quần thể di tích văn hóa đã được xếp hạng cấp quốc gia như: Tây An cổ tự, Lăng Thoại Ngọc Hầu, đặc biệt là ngôi miếu Bà Chúa Xứ nằm dưới chân núi Sam. Miếu Bà Chúa Xứ là một trong những danh thắng của núi Sam và là điểm đến của du khách bốn phương, cũng là nơi để mọi người tìm đến cầu xin những điều thiêng liêng và tốt đẹp nhất cho cuộc sống.
Hàng năm, cứ vào ngày 24 đến ngày 27/4 âm lịch, người dân nơi đây lại làm lễ vía Bà với những nghi lễ vô cùng trọng thể. Vào đêm 23 rạng sáng 24 mở đầu lễ hội là nghi thức tắm Bà, bức màn vải có viền ren thêu chữ, hoa màu sắc sặc sỡ được kéo ngang bệ thờ, che khuất khu vực đặt tượng. Một nhóm 4- 5 phụ nữ đã được chọn lựa từ trước sẽ dùng nước thơm lau khắp thân tượng, sau đó thay mũ miện và quần áo mới. Lễ tắm Bà xong, bức màn được kéo qua một bên để mọi người vào chiêm bái, ai cũng cố đến gần sát bệ thờ để xin lộc Bà. Lộc là một vài cành hoa, vài trái cây để trên bàn thờ.
Trong dân gian có rất nhiều truyền thuyết kể về nguồn gốc ngôi miếu thờ Bà Chúa Xứ, nhưng có một truyền thuyết được nhiều người chấp nhận nhất. Vào những năm 1820-1825, vùng Châu Đốc–An Giang còn là một miền đất hoang vu, dân cư thưa thớt, quân Xiêm La thường sang quấy nhiễu, cướp bóc. Có lần quân giặc rượt đuổi theo dân làng lên đỉnh núi Sam. Tại đây, giặc bắt gặp tượng Bà, thấy pho tượng Bà trên núi trông có vẻ quí hiếm, giặc liền nổi lòng tham cướp đi pho tượng. Nhưng khi mang tượng Bà xuống giữa triền núi thì đánh rơi, làm cho pho tượng bị gãy một cánh tay, sau đó họ tiếp tục mang đi nhưng không thể nào nhấc lên được, đành bỏ lại giữa triền núi.
Thời gian sau Bà thường hiện về xưng là Bà chúa Xứ, dạy dân làng khiêng Bà xuống núi, lập miếu thờ Bà sẽ phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, tránh được giặc cướp quấy phá, thoát khỏi dịch bệnh hoành hành. Dân làng họp nhau lên núi khiêng tượng Bà về thờ cúng. Lạ thay, dù mấy chục thanh niên khỏe mạnh rất cố gắng nhưng vẫn không thể nào nhấc tượng Bà lên được. Khi ông Nguyễn Văn Thoại (Thoại Ngọc Hầu) về trấn nhậm vùng này, ông cho khai hoang lập ấp. Dân làng phát hiện pho tượng Bà liền trình báo với ông.
Ông Thoại cho họp tráng đinh lại mang tượng xuống núi nhưng không thể nhấc tượng lên được. Liền khi đó có một thiếu nữ lên đồng tự xưng là “Chúa Xứ Thánh Mẫu” yêu cầu phải có 9 trinh nữ, tắm rửa sạch sẽ ăn mặc đẹp tới thỉnh Bà. Ông Thoại cho làm theo yêu cầu, quả nhiên pho tượng mang đi được. Khi đến chân núi thì tượng Bà trở nên nặng, các cô gái không tài nào xê dịch được. Người ta đoán rằng Bà đã chọn nơi này để ngự nên cùng nhau lập miếu thờ Bà. Chính là ngôi miếu Bà Chúa Xứ núi Sam ngày nay, và ngày đưa Bà từ trên núi xuống được chọn làm ngày lễ vía Bà (24-27/4 âl hàng năm). Từ đó, dân gian tôn thờ và tin tưởng Bà như một phép mầu huyền diệu mà trời đất đã ban cho cư dân vùng này.
Miếu Bà được dựng lên từ năm 1870 lúc đầu chỉ xây cất đơn sơ bằng tre, lá. Đến năm 1972 miếu được xây dựng lại theo lối kiến trúc phương Đông, ngôi miếu có màu xanh đặc trưng với một quần thể đồ sộ, lộng lẫy, uy nghi và rất độc đáo. Bên trong miếu tượng Bà được đặt giữa chánh điện, đầu đội mão, mặc áo thêu rang, phụng lấp lánh kim tuyến. Ngôi miếu và pho tượng lạ lùng có một không hai này xuất hiện ở Việt Nam đã làm cho nhiều nhà nghiên cứu cất công tìm hiểu. Trải qua một thời gian dài người ta đã xác định được loại đá dùng tạc tượng đó là loại “Diệp thạch”.
Theo các nhà khảo cổ, tượng Bà là hiện thân của thần Shiva, một tác phẩm nghệ thuật độc đáo được tạc từ thế kỷ VI và tượng Bà được tạc bằng một loại nham thạch trầm tích có tên là diệp thạch. Loại nham thạch này được hình thành ở các tam giác châu thổ và các hố đại dương nên có cấu thể nhuyễn hạt, mỗi lớp là một chu kỳ lắng đọng, khi biển yên tỉnh thì hiện tượng lắng đọng mới xảy ra.
Từ lâu, người ta tin rằng Bà Chúa Xứ luôn phò trợ cho dân chúng. Ai đến cầu xin điều gì cũng được như ý. Sự linh thiêng của Bà Chúa Xứ núi Sam được loan truyền ra khắp nơi, ngày càng thu hút nhiều khách thập phương đến cúng bái, nhất là vào các ngày lễ vía Bà.
Phan Hữu(T/h)