Lễ hội kỷ niệm 140 năm Khởi nghĩa Yên Thế: Tôn vinh giá trị văn hóa dân tộc

17:44 | 17/03/2024

Sáng 16/3, tại thị trấn Phồn Xương, huyện Yên Thế, UBND tỉnh Bắc Giang long trọng tổ chức Lễ hội kỷ niệm 140 năm Khởi nghĩa Yên Thế (1884-2024, gọi tắt là Lễ hội Yên Thế 2024).

Các đại biểu tham dự Lễ hội kỷ niệm 140 năm Khởi nghĩa Yên Thế làm lễ chào cờ.(Ảnh – Thế Hiếu).

Ngược dòng thời gian, ngày 16/3/1884, Đề Nắm (tức Lương Văn Nắm) đã cùng các nghĩa sĩ trở về đình Thế Lộc (nay là đình Hả, xã Tân Trung, huyện Tân Yên) tổ chức lễ tế cờ, chính thức phát động cuộc khởi nghĩa vũ trang chống thực dân Pháp xâm lược.

Trong 8 năm lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Thế (1884 – 1892), Đề Nắm đã lập nên một cụm cứ điểm gồm 7 hệ thống công sự trong rừng núi dọc bờ sông Sỏi, tổ chức lối đánh du kích tài tình, mưu trí dũng cảm, đẩy lùi nhiều cuộc tấn công của thực dân Pháp.

Tháng 3/1892, thủ lĩnh Lương Văn Nắm bị sát hại, Hoàng Hoa Thám (còn gọi là Đề Thám) – một vị tướng tài của nghĩa quân đứng lên tiếp tục giương cao ngọn cờ khởi nghĩa, trở thành thủ lĩnh với biệt danh “Hùm xám Yên Thế”.

Một số hoạt động nghệ thuật diễn ra tại Lễ hội tái hiện Cuộc Khởi nghĩa Yên Thế do Đề Nắm, Đề Thám lãnh đạo:

Với chiến thuật tài tình, nhiều trận đánh do Hoàng Hoa Thám chỉ huy đến nay vẫn còn in đậm trong tâm trí của người dân Yên Thế nói riêng và nhân dân cả nước nói chung như các trận Hố Chuối, Đồn Hom (Yên Thế), Cao Thượng (Tân Yên),… gây thiệt hại nặng nề cho quân giặc. Ông đã buộc thực dân Pháp phải hai lần ký hòa hoãn vào các năm 1894 và 1901.

Đến ngày 10/2/1913, Hoàng Hoa Thám bị giặc sát hại. Cuộc khởi nghĩa tuy bị dập tắt song đã để lại một trang sử hào hùng về lòng yêu nước, truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, đóng góp nhiều kinh nghiệm quý vào kho tàng lịch sử quân sự Việt Nam, đặc biệt là những nét độc đáo về chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân, về xây dựng lực lượng, căn cứ làng xã chiến đấu liên hoàn trên một địa bàn rộng khắp.

Phát biểu tại lễ hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, trong lịch sử chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc ta trước khi có Đảng, khởi nghĩa Yên Thế (1884-1913) được đánh giá là cuộc khởi nghĩa có vũ trang của nông dân với quy mô lớn nhất, trên bình diện rộng nhất, kéo dài nhất và oanh liệt nhất.

Lễ hội Yên Thế 2024 thu hút rất đông Nhân dân và du khách thập phương. (Ảnh – Thế Hiếu).

Hiện nay khu di tích khởi nghĩa Yên Thế gồm 23 điểm di tích, trải rộng trên địa bàn 4 huyện (Yên Thế, Tân Yên, Việt Yên và Yên Dũng) đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

Năm 2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trong đó có Lễ hội Yên Thế (địa điểm: thị trấn Cầu gồ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang).

Trong những năm qua, Bắc Giang đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của cuộc khởi nghĩa Yên Thế như đầu tư xây dựng, tu bổ, tôn tạo nhiều công trình Di tích Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế. Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 140 năm khởi nghĩa Yên Thế, huyện Yên Thế và huyện Tân Yên đã khánh thành nhiều hạng mục công trình tâm linh có ý nghĩa quan trọng như: Đền thờ Hoàng Hoa Thám, Đình 3 tầng mái, Đình Hả (xã Tân Trung)…

Lễ hội kỷ niệm 140 năm Khởi nghĩa Yên Thế diễn ra từ ngày 15 – 17/3 tại thị trấn Phồn Xương, huyện Yên Thế cũng là dịp để nhắc nhở, ôn lại truyền thống vẻ vang của vùng đất văn hiến, giàu truyền thống cách mạng và anh hùng, qua đó tiếp thêm sức mạnh để Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc, tỉnh Bắc Giang tiếp tục đoàn kết, nhất trí, đồng lòng, chung sức, đẩy mạnh đổi mới, hội nhập và phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, phấn đấu đến năm 2030, Bắc Giang trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, giàu mạnh, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.

Thế Hiếu

Cùng chuyên mục

Đồng Nai: Liên quan biệt thự cổ ‘nhà lầu ông Phủ’ Sở Xây dựng đề xuất 4 phương án bảo tồn

Đồng Nai: Liên quan biệt thự cổ ‘nhà lầu ông Phủ’ Sở Xây dựng đề xuất 4 phương án bảo tồn

Niềm vui tà áo dài xứ Huế

Niềm vui tà áo dài xứ Huế

“Bản hùng ca bất diệt” bên dòng sông Thạch Hãn

“Bản hùng ca bất diệt” bên dòng sông Thạch Hãn

Tháng tri ân nhớ về một thành trì bất diệt

Tháng tri ân nhớ về một thành trì bất diệt

Di tích Võ Xuân Cẩn được công nhận là Di tích Lịch sử Quốc gia

Di tích Võ Xuân Cẩn được công nhận là Di tích Lịch sử Quốc gia

Thành Chương Việt Phủ – bức tranh quê hương

Thành Chương Việt Phủ – bức tranh quê hương

Dâng hương tưởng niệm 919 năm ngày mất Thái úy Lý Thường Kiệt

Dâng hương tưởng niệm 919 năm ngày mất Thái úy Lý Thường Kiệt

Quảng Trị: Tổ chức triển lãm tranh “Hồi sinh”

Quảng Trị: Tổ chức triển lãm tranh “Hồi sinh”

Nghiên cứu chủ quyền quốc gia lãnh thổ  theo hướng tiếp cận toàn diện lịch sử Việt Nam

Nghiên cứu chủ quyền quốc gia lãnh thổ theo hướng tiếp cận toàn diện lịch sử Việt Nam