Lê Duẩn và bài học từ Trung Quốc

19:55 | 15/02/2019

Trước hiệp định Geneva, cũng như nhiều nhà lãnh đạo của Việt Nam khác, ông hằng tin Trung Quốc là người anh em, đồng chí cật ruột của cách mạng Việt Nam. Tuy những năm 1951 – 1952, tại chiến khu Nam Bộ, Lê Duẩn từng cấm truyền bá “đường lối văn nghệ Diên An” của Mao Trạch Đông, nhưng đó chỉ là vì nhận thấy đấy là đường lối sai lầm chứ không phải đã nghi ngờ gì bụng dạ của ông anh láng giềng. Nhưng khi Hiệp định Geneva được ký kết, Lê Duẩn mới vỡ lẽ Trung Quốc không chỉ sai lầm về đường lối cách mạng mà còn là kẻ phản trắc đáng khinh bỉ.


Cố Tổng bí thư Lê Duẩn

Hiệp định Geneva tháng 7 năm 1954 là một cột mốc lịch sử quan trọng trong cuộc đấu tranh lâu dài, gian khó của nhân dân ta giành độc lập, tự do cho Tổ quốc trong thế kỷ XX… để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau

Theo Nguyễn Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, bài học lớn nhất từ Geneva là “Trong tình hình quốc tế hết sức phức tạp, các nước lớn chi phối các quan hệ quốc tế, cần phải nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; kiên định về nguyên tắc, linh hoạt, mềm dẻo về sách lược, “dĩ bất biến, ứng vạn biến” theo tư tưởng Hồ Chí Minh”.

Một trong những người lãnh đạo Đảng ta thấy được sớm nhất, thấm thía sâu sắc nhất bài học này, thấm thía đến đau đớn, quặn thắt, là Lê Duẩn, lúc ấy đang là Bí thư Trung ương cục miền Nam.

Trước hiệp định Geneva, cũng như nhiều nhà lãnh đạo của Việt Nam khác, ông hằng tin Trung Quốc là người anh em, đồng chí cật ruột của cách mạng Việt Nam. Tuy những năm 1951 – 1952, tại chiến khu Nam Bộ, Lê Duẩn từng cấm truyền bá “đường lối văn nghệ Diên An” của Mao Trạch Đông, nhưng đó chỉ là vì nhận thấy đấy là đường lối sai lầm chứ không phải đã nghi ngờ gì bụng dạ của ông anh láng giềng. Nhưng khi Hiệp định Geneva được ký kết, Lê Duẩn mới vỡ lẽ Trung Quốc không chỉ sai lầm về đường lối cách mạng mà còn là kẻ phản trắc đáng khinh bỉ.

Theo ông Lê Kiên Thành, con trai Lê Duẩn, khi hiệp định Geneva được ký kết là lúc ông Lê Duẩn đang trên đường từ Nam Bộ ra Bắc báo cáo với Bác Hồ và Trung ương tình hình toàn miền Nam và đề nghị những vấn đề quan trọng phục vụ cho cuộc đàm phán ở Geneva. Nhưng ra đến Liên Khu 5, ông bất ngờ được tin hiệp định Geneva đã ký kết ngày 21/7/1954. Bất ngờ hơn là khi ông biết các nội dung cụ thể của hiệp định cũng như những thông tin về Hội nghị Geneva.

Đối với Lê Duẩn, tuy ta đã đạt thắng lợi đem đến hòa bình, buộc các nước lớn công nhận độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, cam kết không can thiệp vào nội trị của nước ta nhưng cái giá của thắng lợi này là quá đắt.

Ở thời điểm ký hiệp định, ta đã kiểm soát phần lớn các địa phương Nam bộ, Pháp chỉ còn giữ được một số đô thị, ở miền Trung và Tây Nguyên cũng vậy, còn ở miền Bắc ta chiến thắng chấn động ở Điện Biên, Thực dân Pháp và chính quyền tay sai đang hết sức hoang mang rệu rã, thời cơ đã rộng mở, Lê Duẩn muốn thừa thắng xốc tới giải phóng hoàn toàn đất nước.

Bởi vậy, nếu cần né tránh sự can thiệp nguy hiểm Mỹ, buột phải ký hiệp định đình chiến, Lê Duẩn muốn Hiệp định phải thể hiện được ưu thế của ta trên thực tế, ông kiên quyết phản đối việc chia cắt đất nước và nếu tạm thời chấp nhận việc này thì giới tuyến phải ở vĩ tuyến 13 chứ không phải ở sông Bến Hải trên vĩ tuyến 17. Rõ ràng, vì lợi ích của mình, “anh hai” của phe XHCN đã “đi đêm” với Pháp, đánh lừa “anh cả” Liên xô để trắng trợn ép Việt Nam chấp nhận một số điều khoản rất bất lợi, đặc biệt là việc phân chia lãnh thổ trong hiệp định.

Người ta kể rằng, sau khi có những thông tin chính thức về Hiệp định Geneva, Lê Duẩn đã thức trắng đêm 21/7/1954, và sau đó 18 năm, năm 1972, trong một cuộc trao đổi với Chu Ân Lai, nhắc lại Hiệp định Geneva 1954, Lê Duẩn đã thẳng thắn nói rõ: “Ơ Geneva 1954, Trung Quốc các anh đã bán đứng chúng tôi trên bàn đàm phán”.

Ngay sau đó, Lê Duẩn nhận được điện của Bác Hồ đề nghị quay trở lại Nam Bộ thực hiện công tác tuyên truyền giải thích, thuyết phục bộ đội cán bộ và đồng bào Nam Bộ chấp hành nghiêm chỉnh chỉ thị của Bác, của Trung ương và Chính phủ trong vấn đề đình chiến và tập kết theo Hiệp định Geneva. Trên đường trở lại Nam Bộ bằng xe thổ mộ, được cán bộ đồng bào các địa phương vui mừng chào đón như một sứ giả của hòa bình và chiến thắng, Lê Duẩn đã nhiều lần bật khóc.

Ông hiểu, cán bộ và đồng bào miền Nam chưa lường được những thử thách ghê gớm đang chờ đợi mình ở phía trước. Việc Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn không chịu ký hiệp định cũng như sự mập mờ về thời điểm và cách thức tổ chức tổng tuyển cử thống nhất đất nước trong Hiệp định Geneva đã cho thấy sẽ không bao giờ có tổng tuyển cử, chắc chắn đất nước sẽ bị chia cắt không chỉ là 2 năm mà có thể đến 20 năm và chắc chắn sẽ phải tốn rất nhiều máu xương mới có thể thống nhất lại đất nước.

Những ngày chỉ đạo thực hiện Hiệp định Geneva tại Nam bộ trong 1954 – 1955 là những ngày rất nặng nề đối với Lê Duẩn, ông từng kể rằng ông không biết nói sao với đồng chí đồng bào khi có người hỏi: Tại sao Đảng, Chính phủ và Cụ Hồ lại bỏ miền Nam lại cho bè lũ Mỹ Diệm? Chính vì thế, Lê Duẩn đã xin Bác Hồ cho ông được ở lại miền Nam cùng đồng bào đồng chí chuẩn bị cho một cuộc chiến đấu lâu dài và khi tiễn Lê Đức Thọ ra Bắc tập kết trên bến Cà Mau, Lê Duẩn đã nhắn gửi một câu nổi tiếng: “Anh ra nói với Bác, có thể 20 năm nữa tôi mới được gặp lại Bác”…

Ông Lê Kiên Thành nhận xét: “Bài học lớn nhất mà cha tôi nhận được từ hiệp định Geneva là không bao giờ để vận mệnh đất nước, dân tộc nằm trong tay người khác, để người khác quyết định”.

Có thể thấy bài học này đã thức tỉnh Lê Duẩn về giá trị của sự độc lập tự chủ của cách mạng Việt Nam, của đất nước Việt Nam, ngay với cả những người vẫn được coi là anh em đồng chí, đặc biệt là sự thức tỉnh về dã tâm truyền kiếp của giới lãnh đạo Trung Quốc với nước ta, bất kể họ là phong kiến hay cộng sản.

Sự thức tỉnh ấy đã giúp Lê Duân rất nhiều khi ông giữ cương vị Bí thư thứ nhất rồi Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng, trong suốt 26 năm, trong tình hình thế giới phức tạp chẳng kém bây giờ với sự chi phối của các nước lớn.

Đặc biệt, trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Lê Duẩn thật tài tình khi vẫn tranh thủ được sự giúp đỡ to lớn, liên tục của Liên xô, Trung Quốc mà không để bị lệ thuộc vào các nước lớn này. Nhất là đối với Trung Quốc, Lê Duẩn hiểu rõ họ giúp ta đánh Mỹ không chỉ vì “tinh thần quốc tế vô sản” mà chủ yếu là để bảo vệ quyền lợi bản thân và sẵn sàng hy sinh ta khi ta trở thành vật cản các tham vọng của họ

. Bởi luôn thường trực một tinh thần cảnh giác cao độ với Trung Quốc nên Lê Duẩn luôn thoát được những cái bẫy thâm hiểm mà Trung Quốc giăng ra khống chế nước ta. Ông đã kiên quyết không đồng ý khi Mao nhân danh việc giúp ta đánh Mỹ mà ngỏ lời đưa 2 vạn quân vào làm đường chiến lược từ Nghệ Tĩnh vào Nam.

Ông cũng kiên quyết không cho Trung Quốc dính dáng vào cuộc đàm phán Paris, mặc cho Mao bắt tay với Ních Xơn để Mỹ thỏa sức đánh phá miền Bắc Việt Nam bởi Lê Duẩn không thể để Hội nghị Paris thành một Hội nghị Geneva lần thứ hai mà phải là nơi Việt Nam có thể hoàn toàn chủ động quyết định vận mệnh của đất nước mình.

Là người thấu hiểu dân tộc mình, dân tộc Trung Hoa cũng như mối quan hệ Việt –Trung qua bao thăng trầm biến thiên lịch sử, Lê Duẩn vẫn thường nêu ra việc Trung Quốc từng đô hộ Việt Nam suốt 1.000 năm mà không đồng hóa được dân tộc ta trong khi một số dân tộc khác bị đồng hóa rất dễ dàng chỉ sau vài trăm năm chung sống với Trung Quốc để khẳng định ý chí độc lập tự chủ không gì khuất phục được của dân tộc ta và sức mạnh vô song của nền văn hóa Việt Nam.

Lê Duẩn cũng nhận thấy, tuy nước ta là một nước nhỏ, Trung Quốc là một nước khổng lồ nhưng đúng như “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi: “Như nước Đại Việt ta từ trước/Vốn xưng nền văn hiến đã lâu /Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập/Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương”, dân tộc Việt Nam luôn rất tự tin khi đứng trước Trung Quốc.

Có lần, ông không ngần ngại nhắc Mao Trạch Đông rằng người Việt Nam từng đánh bại các đội quân hùng mạnh nhất đến từ Trung Quốc như Nguyên, Minh, Thanh và sẵn sàng chiến thắng cả các đội quân của Mao Chủ tịch nếu như họ đến Việt Nam như những kẻ xâm lược. Lê Duẩn cũng từng nói trong lãnh đạo Đảng ta rằng muốn đánh thắng Mỹ không những cần không sợ Mỹ mà còn không được sợ cả Trung Quốc, Liên xô. Có người trong lãnh đạo Đảng ta lúc đó đã phản đối ý kiến này của Tổng Bí thư, nhưng thực tế đã chứng minh đó là ý kiến rất sáng suốt của Lê Duẩn.

Từ những năm chống Mỹ, chính cố TBT Lê Duẩn đã tiên đoán sau khi chúng ta thắng Mỹ thì nền độc lập tự do của đất nước sẽ đối diện với một kẻ thù mới và kẻ ấy không ở đâu xa, mà chính là ông bạn láng giềng “núi liền núi, sông liền sông” quen thuộc. Bởi vậy, ông không hề bất ngờ với cuộc chiến tranh xâm lược đất nước ta do Trung Quốc kết hợp với Khơ me đỏ phát độngtừ hai đầu đất nước năm 1978- 1979.

Ông đã là người chỉ huy tối cao kiên cường, vững vàng, kiên định giữa những thữ thách khó khăn tưởng không thể vượt qua, cùng toàn Đảng toàn quân toàn dân đánh đuổi cả triệu quân xâm lược Bắc Kinh ra khỏi bờ cõi, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nướcchỉ sau gần một tháng chúng tràn ngập lãnh thổ nước ta

Tuy thế, Lê Duẩn vẫn luôn luôn nhắc nhở cán bộ chiến sĩ ta phải nhớ tới sự giúp đỡ của Trung Quốc với cách mạng Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, không bao giờ được căm ghét đất nước Trung Quốc, nhân dân Trung Quốc, phải tìm mọi cơ hội vun đắp tình hữu nghị Việt Nam – Trung Hoa.

Thật cảm động và thật đáng khâm phục khi ta nghe Lê Duẩn nói những lời này ngay sau cuộc chiến Việt – Trung 1979, đầy tự tin mà quá nhân hậu, lại rất thấu tình đạt lý: “Các đồng chí có thấy ai ở trong Đảng ta, trong nhân dân ta hoài nghi rằng ta sẽ thua Trung Quốc không? Không có ai, tất nhiên rồi. Nhưng chúng ta phải duy trì những quan hệ thân hữu của mình. Chúng ta không muốn sự hằn thù dân tộc.

Chúng ta không có thứ tình cảm như vậy, dù chính họ là người đã đánh ta. Nhân dân Việt Nam ta là như vậy. Tôi sẽ tiếp tục nhắc lại rằng: dù quan hệ Việt – Trung có bị giới lãnh đạo Bắc Kinh làm cho tồi tệ đến đâu chăng nữa, chúng ta phải biết rằng nhân dân Trung Quốc mãi mãi là bạn ta. Giới lãnh đạo Bắc Kinh chỉ là một thiếu số mà thôi”…

Nguyễn Thế Khoa

Cùng chuyên mục

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

Nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn tại Năm du lịch Tuyên Quang 2024

Nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn tại Năm du lịch Tuyên Quang 2024

NSND LỆ THỦY TẶNG NHÀ “ĐẠI ĐOÀN KẾT” TẠI TỈNH LÀO CAI

NSND LỆ THỦY TẶNG NHÀ “ĐẠI ĐOÀN KẾT” TẠI TỈNH LÀO CAI

Về 41 di sản độc đáo tại Hà Tĩnh không thể kiểm đếm vì vấn đề… “tâm linh”

Về 41 di sản độc đáo tại Hà Tĩnh không thể kiểm đếm vì vấn đề… “tâm linh”

Lần đầu tiên “Xuân Quê hương” được tổ chức với quy mô lớn tại Bắc Australia

Lần đầu tiên “Xuân Quê hương” được tổ chức với quy mô lớn tại Bắc Australia

Chuyện về 41 di sản độc đáo tại Chùa Am, Hà Tĩnh: CƠ QUAN CHỨC NĂNG VÀO CUỘC VÀ TIẾNG NÓI CHÂN CHÍNH CỦA NHỮNG NGƯỜI YÊU TRỌNG VĂN HOÁ

Chuyện về 41 di sản độc đáo tại Chùa Am, Hà Tĩnh: CƠ QUAN CHỨC NĂNG VÀO CUỘC VÀ TIẾNG NÓI CHÂN CHÍNH CỦA NHỮNG NGƯỜI YÊU TRỌNG VĂN HOÁ

Quảng Bình: Gìn giữ và phát huy những giá trị di sản văn hóa của người Bru-Vân Kiều

Quảng Bình: Gìn giữ và phát huy những giá trị di sản văn hóa của người Bru-Vân Kiều