Lê Anh Thi, Nhà báo vì đồng đội

8:51 | 21/06/2023

Ở đâu không rõ, còn ở Hà Tĩnh quê tôi, cái tuổi Đinh Dậu (sinh năm 1957) như Lê Anh Thi, nói chung là khá thành công trong cuộc sống.


Thế nhưng, Thi lại không thuộc loại “Gà đẻ trứng vàng”. Đồng lương Đại úy sau chiến tranh trở về của Thi chỉ đủ ném vào các chuyến đi triền miên, xa xôi của người làm báo. Mọi việc lớn nhỏ trang trải chính trong nhà, đều phải nhờ vào cửa hàng bán đồ mộc của chị Minh – người vợ đảm đang, hiền thục.

Trưởng thành từ chiến trận
Đầu năm 1975 đang học chuyên Văn lớp cuối trường cấp ba Phan Đình Phùng – một trường top đầu của Hà Tĩnh, thì cuộc chiến tranh chống Mỹ vào giai đoạn khốc liệt, Thi cùng bạn bè được tổng động viên vào quân đội để bổ sung cho chiến trường miền Nam chiến đấu.

Sau chương trình huấn luyện của lực lượng đặc biệt tinh nhuệ tại sân bay Gia Lâm, Thi cùng đồng đội được tung vào chi viện cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 1975.

Nhà báo Lê Anh Thi – Báo Cựu Chiến binh Việt Nam trao quà hỗ trợ cho chiến sỹ nữ thuộc Đại đội pháo binh Ngư Thủy anh hùng thuộc huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.

Tròn 10 năm làm lính lực lượng đặc biệt tinh nhuệ, trải qua nhiều nhiệm vụ, nhiều chiến trường khác nhau, bao lần đối diện với bom đạn của kẻ thù, Lê Anh Thi vẫn vững vàng vượt qua. Đang là anh chiến sỹ quân cảnh thành phố Hồ Chí Minh những ngày đầu giải phóng, ngày đêm tuần tra, loại bỏ côn đồ cướp giật, bắn nhau trên địa bàn Trung tâm thành phố… tháng 10/1977, anh cùng đơn vị cấp tốc lên biên giới Tây Ninh, tăng cường cho trung đoàn 429, đặc công Quân khu 7.

Chứng kiến tận mắt tội ác của bọn lính Pôn Pốt, đang đêm tràn sang biên giới Tây Ninh, tàn sát một lúc 501 người dân ở một xã của huyện Tân Biên cùng hàng chục chiến sỹ biên phòng của ta, Thi và đồng đội trào dâng căm thù. Bàn chân của các anh đã in dấu ngày này qua các đêm trắng khác trên dải biên giới thuộc tỉnh Tây Ninh; từ Công Pông Chàm đến tận bến phà Niêk Lương cứu dân, tiêu diệt bè lũ bạo tàn Khơ Me đỏ.

Cho đến hôm nay, đã gần 46 năm, ngồi kể chuyện với tôi, nước mắt Thi vẫn trào ra khi nhớ về sự hy sinh của người Trung đoàn trưởng Đặc công Ba Tòng cùng với 9 người bạn trong cùng một Trung đội phần lớn con em quê hương Đức Thọ, Hà Tĩnh vào tháng 12/1977.

Buổi lễ truy điệu E trưởng Ba Tòng và 9 đồng đội thân thương mới ở độ tuổi đôi mươi tại căn cứ Dương Minh Châu đêm ấy hằn sâu mãi trong trái tim Thi nỗi đau khôn nguôi, nhắc nhở anh phải sống, chiến đấu thế nào để khỏi phụ lòng những bạn bè đã khuất.

Nhờ rèn luyện, phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở chiến trường K (Campuchia), Thi được cấp trên chọn đi đào tạo sỹ quan đặc công. Chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, anh và các học viên được Bộ Quốc phòng cho ra trường và phong quân hàm sớm để bổ sung kịp thời cho tuyến trước.

Sự hy sinh quả cảm của đồng đội cũng như bà con ta trong cuộc chiến chống Mỹ và bảo vệ hai tuyến biên giới phía Tây Nam, phía Bắc Tổ quốc đã làm sống lại tình yêu văn chương, viết lách của chàng Đại úy Lê Anh Thi.

Cây bút cộng tác viên ở Binh chủng Đặc công Lê Anh Thi đã sớm “lọt vào mắt xanh” của cấp trên. Anh được Tổng cục Chính trị chọn đi dự lớp đào tạo phóng viên cho quân đội khóa đầu tiên và làm báo trong lực lượng vũ trang cho đến tháng 06/1988.

Nhà báo vì đồng đội
Sau 10 năm tâm huyết cộng tác cho tờ báo Cựu Chiến binh, năm 2007, Lê Anh Thi chính thức trở thành phóng viên của tòa soạn và thường trú tại các tỉnh Bắc miền Trung cho đến hiện nay.

Lãnh đạo Hội Cựu chiến binh các cấp cũng như đồng nghiệp hoạt động trên địa bàn luôn dành những tình cảm trân trọng, yêu quý khi nói về nhà báo Lê Anh Thi. Anh là một phóng viên luôn sống có trách nhiệm với nghề nghiệp, với đồng nghiệp, đồng đội. Điều đó được thể hiện trong hàng trăm tác phẩm của anh viết về những tấm gương cao đẹp, sự hy sinh to lớn của các cựu chiến binh và những người thân của họ trong cả cuộc chiến lẫn thời bình.

Nhà báo Lê Anh Thi (bên trái ảnh) cùng đồng nghiệp nước bạn Lào tác nghiệp tại Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, Hà Tĩnh.

Dưới ngòi bút của anh, hình ảnh, việc làm của những người lính trở về sau chiến tranh trở nên đẹp lung linh đến nhường nào. Không thể nhớ được hết bao nhiêu lần Lê Anh Thi đã kết nối với bạn đọc, giúp đỡ các cựu chiến binh và gia đình họ vượt qua bệnh tật, khó khăn. Tôi được đồng nghiệp kể lại có lần từ thông tin của một người bạn, Thi lập tức lên xe đi trong cả buổi trưa, vượt mấy chục cây số đường rừng đến tận nhà cựu chiến binh – thương binh Nguyễn Văn Bường ở xã miền núi Hương Thủy (Hương Khê – Hà Tĩnh) tìm hiểu sự việc.

Nhờ bài báo: “Hãy cứu lấy một cựu chiến binh đang trong nguy kịch” của anh đăng trên tờ Cựu Chiến binh mà bạn đọc gần xa hỗ trợ hàng trăm triệu đồng, giúp ông Bường vào viện, kịp thời cắt bỏ một chân để cứu lấy các bộ phận khác của cơ thể khỏi bị lây lan, hoại tử.

Đọc loạt bài phóng sự – ghi chép của anh: “Tháng Tư về Côn Đảo”, “Campuchia – ngày trở lại”; “Âm vang Điện Biên” mới thấy hết bút lực và sự say mê nghề nghiệp của một nhà báo đã trên tuổi lục tuần. Đây là kết quả của chuyến đi nhiều ngày, dài hơn 10 ngàn cây số của anh từ Côn Đảo, Phú Quốc, đất mũi Cà Mau, sang tận Campuchia, quay về cột cờ Lũng Cú, Pháo đài Đồng Đăng, lên tận chiến trường Điện Biên Phủ.

Năm 2017 chính anh đã lặn lội ra với các chiến sỹ Trường Sa 15 ngày, đi hết 11 hòn đảo lớn, nhỏ, chụp hàng ngàn bức ảnh, viết hàng chục bài báo, giành nhiều giải thưởng quý báu của Truyền hình Nhân dân, Báo Người Lao Động, Liên hoan ảnh Nghệ thuật Bắc Trung Bộ.

Gần đây, anh báo với tôi một tin rất vui. Bài báo: “53 năm hy sinh chưa được công nhận liệt sỹ” và công lao bỏ ra mấy năm trời của anh cùng Hội TNXP Hà Tĩnh để đòi lại sự công bằng cho cựu TNXP Trần Văn Hoan ở xã Trường Sơn (Đức Thọ – Hà Tĩnh) hy sinh ở Ngã ba Đồng Lộc trong kháng chiến chống Mỹ đã có hồi âm tích cực. Đầu năm nay, Hà Tĩnh đã có công văn gửi ra Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội đề nghị công nhận trường hợp này là hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Hy vọng anh Hoan sẽ có quyết định công nhận liệt sỹ vào đúng dịp 27/7 này.

Thi cười rất vui và không quên nhắc lại câu nói của nhà thơ cách mạng Pháp Louis Aragon mà anh vô cùng tâm đắc, mỗi khi nói về trách nhiệm của những người còn sống đối với sự hy sinh của đồng đội: “Không nên để người chết chết hai lần. Một là do bom đạn kẻ thù, hai là bởi sự lãng quên của đồng loại!”.

Khắc Hiển

Nguồn: Congluan.vn

https://www.congluan.vn/le-anh-thi-nha-bao-vi-dong-doi-post252457.html


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả