(Đọc tập thơ của Mỹ An, NXB Hội Nhà văn, 2023)
Nguyễn Minh Hùng
Bạn đọc nhất là ở Quảng Nam – Đà Nẵng từng biết đến thơ của Mỹ An qua Chiều nghiêng (NXB Văn học, 2017), Khúc ru về phía mặt trời (NXB Hội Nhà văn, 2018), Trăng của rạ rơm (NXB Hội Nhà văn, 2019), trường ca Người của đất (NXB Hội Nhà văn, 2021), đến tập thơ này, điều đầu tiên để lại trong lòng bạn đọc là sự ngạc nhiên. Với một người viết khi tuổi đã muộn, lại không chuyên chú hoàn toàn vào nghiệp cầm bút, đề tài và chất liệu hầu như ngưng kết trên một không gian của miền quê nhà ấy. Ngạc nhiên là ở chỗ anh đã nuôi dưỡng cảm xúc thơ ca ấy bằng cách nào?
Mỹ An tên thật là Nguyễn Khánh, sinh ngày 06/5/1956 tại làng Mỹ An, nay là thôn An Tây, thị trấn Tiên Kỳ, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam.
Mỹ An tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế; nguyên Hiệu trưởng Trường PTCS Tiên Hiệp, PTCS Tiên Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tiên Phước, Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Tiên Phước. Hội viên Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam.
Tác phẩm đã xuất bản:
* Thị trấn ven sông, tự truyện, NXB Văn học, 2014.
* Chiều nghiêng, thơ, NXB Văn học, 2017.
* Khúc ru về phía mặt trời, thơ, NXB Hội Nhà Văn, 2018.
* Trăng của rạ rơm, thơ, NXB Hội Nhà văn, 2019.
* Người của Đất, trường ca, NXB Hội Nhà văn, 2021.
* Gió hoang vu, truyện ký, NXB Hội Nhà văn, 2021.
* Đất thì thầm, thơ, NXB Hội Nhà văn, 2023.
Vùng đất ấy là một huyện trung du phía tây Quảng Nam, một miền quê lặng lẽ nhưng khi nhắc đến khiến ta nghĩ về một không gian lịch sử – văn hóa được mệnh danh là Xứ Tiên với những nhân vật lẫy lừng Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng; với sông Tiên ngược dòng quay lưng lại biển Đông rồi đổ ra Thu Bồn trước khi quy phục về hướng cũ; với làng cổ Lộc Yên, trái Nam Trân (lòn bon), hạt tiêu, trầm hương… vương vấn trong ký ức. Không phải hương quê ấy, không từ đây gắn bó, không từ đó ra đi thì không có thơ Mỹ An, hay nếu có thì cũng không phải là những bài thơ ta đang đọc. Mỹ An là bản quán của Nguyễn Khánh và anh chọn đặt bút danh. Anh chọn con đường học văn chương và làm nghề dạy học trong thời gian băng ngang qua hai thế kỷ với nhiều biến động và tác động lớn để hình thành một “thân phận thơ” như một số người viết ở Quảng Nam. Không trải qua những đoạn đời ấy, không cất bước bao năm tháng ấy, rất khó nghe được Đất thì thầm…
Thơ Mỹ An ở từng bài, từng đoạn, thậm chí từng câu, là sự ẩn hiện mảnh đất và con người hạn định trong miền quê vừa chật hẹp u khuất lại vừa thoáng đãng mơ màng nhằm ký thác ân tình sâu nặng. Thơ là tâm trạng – bao gồm thực trạng và cả thảm trạng – được phô diễn bằng cấu trúc ngôn ngữ đặc biệt và duy nhất. Khi tiếp cận Đất thì thầm, không có cách nào khác, phải đi tìm cái “thảm trạng”, “đặc biệt” và “duy nhất” đó.
Hãy đọc một đoạn từ bài anh chọn làm nhan đề tập thơ – Đất thì thầm:
Con cò lom khom tiễn mùa đông ra ngõ
Bóng mẹ cha xao xác
xuống chiều
Cánh đồng hắt hiu
vẽ vết chân chim qua thời thiếu nữ
Áo tơi cha mang cất vào quá khứ
mài nhẵn đôi vai thao thức gọi về
Hình ảnh thơ khá ám ảnh, có cả không – thời – gian ảm đạm đa chiều, có con người nhỏ bé mỏi mòn mấy thế hệ, và đặc biệt, có một cái tôi trầm ngâm thấm thía buồn thương trên những dòng chữ mới đọc tưởng là giản dị như lời nói.
Chiều trên tháp Mỹ Sơn có vẻ lạnh lùng chiêm nghiệm:
Nghe thì thầm trong viên gạch lạnh:
Những lăng mộ của hoàng thân tàn lực
đã mờ phai theo năm tháng nhạt nhàu.
Vạn cổ xây thành ngấn lệ ngàn sau.
đồi mây trắng mờ xa chiều hoang muộn
những tàn phai nhọc nhằn trong gió cuốn
mãi muôn đời thần thánh cũng lặng im!
Con người nhiều trải nghiệm, càng chứng kiến thì thường bất đồng, ngăn cách. Tứ thơ Mắc cạn là kiểu chiêm nghiệm đó:
Trời cao mây phủ gió lòa
con sông mắc cạn ai qua bây giờ
thuyền nằm mắc cạn chỏng chơ
chim trời mắc cạn vật vờ về đâu.
Chuyến tàu đâu dễ qua mau
sân ga mắc cạn bỏ tàu bơ vơ
Tôi không nghĩ đó là tứ thơ lạ nhưng lại hợp logic trạng thái thương tổn đang nói về. Và với “thảm trạng” như vậy, Mỹ An trong Đồi lau trắng có một câu thơ thốt ra rất lạ lùng:
Gặp anh em ở bên đồi đói no…
Đã có biệt ly “trên đồi sim trái chín” (Vũ Đức Sao Biển) và nỗi cô đơn “Tôi đứng trên đồi mây trổ bông” (Phạm Công Thiện)…, còn Gặp anh em ở bên đồi đói no là cuộc trùng phùng nào lạ vậy? Đó là một câu thơ đặc biệt. Gần trăm bài thơ ngổn ngang của Đất thì thầm bất ngờ bắt gặp những dòng thơ gọn sắc. Một vài câu nữa trong bài Cuộc người cũng có sức rung chuyển không kém:
Em bỏ mùa xuân ra chợ bán hoa rồi!
Thắp câu thơ
cho tỏ lòng giông tố…
Làng cổ Lộc Yên, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam – Ảnh NMH
Dễ nhận ra mối tình sâu nặng trong thơ Mỹ An đối với quê hương – miền tâm tưởng riêng anh – vừa gần gũi vừa xa cách, vừa mất mát lại vừa không hề hao khuyết. Và anh biểu lộ điều ấy qua thơ, tràn trề, khát vọng mà tiêu biểu là những dòng thơ thăng hoa âm thầm vừa trích dẫn. Thế mạnh, hay chính xác hơn, thói quen của Mỹ An còn thể hiện ở cách bộc lộ chân tình, mộc mạc qua thể lục bát có duyên và đằm thắm. Sẽ gặp nhiều câu ấn tượng:
– Giờ thì
những chuyện rạ rơm
theo vầng trăng khuyết chiều hôm mất rồi
Chỉ còn chiếc bóng mẹ thôi
để con thương nhớ bồi hồi rạ rơm.
(Bồi hồi rạ rơm)
– Tiếng ve như đã rát nhàu
tiễn mùa năm trước mùa sau tiễn mùa.
(Tiếng trống trường)
– Có người đứng giữa chơi vơi
nhặt viên sỏi ném góc trời còn xa.
(Mùa hạ hát)
Lục bát thường khó viết hay nên dễ rơi vào trùng lặp mà đôi khi ta không biết. Mỹ An khó thoát “câu chuyện” đó. Nhưng đọc chăm chú thì vẫn tìm được dòng thơ thú vị – thú vị vì anh không cố tình, có sao nói vậy, và nhờ cảm xúc đã chín nên chữ lùa vào trang giấy tự nhiên. Ví dụ như trong bài Đất đau:
Đất xưa nay vốn thật thà
Đau không biết nói…
gọi là
hy sinh!
Hay ở Núi ngàn Pơ mu:
Ta về
đếm lá xa đưa
hỏi ngàn năm vết nắng mưa thế nào?
Hoặc khi Thu gọi:
Lá vàng
theo những cánh thư
chưa trao đã nhận tạ từ rồi đây…
Thoát ra khỏi vùng đất cụ thể, bay lên trên những ký ức từng gắn bó nặng trĩu với đời mình, thơ Mỹ An có thể sẽ vơi đi cảm hứng. Nhưng tôi vẫn hy vọng vào những nỗ lực sáng tạo của anh sau tập thơ này. Trong bài Thơ ta, có một đoạn hình như Mỹ An có vẻ “tự kiểm thảo”:
Ta tự trách mình là kẻ dở hơi
rồi tự khen mình loài xương rồng bông trắng
biết nở hoa phơi màu sắc nắng
thành những vần thơ ta khóc dọc đường.
Để thành những vần thơ ta khóc dọc đường thì đâu chỉ giỡn chơi theo kiểu tự trào mà đó phải là châu ngọc chắt lọc từ niềm đau nhỏ xuống long lanh…
Đà Nẵng, Tháng 1.2023
N.M.H