Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh – Công trình của ‘Lòng Dân, ý Đảng’

18:15 | 14/04/2018

 Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của Đảng và dân tộc ta, nhà văn hóa kiệt xuất, người chiến sỹ lỗi lạc trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng của Người sống mãi với thế hệ hôm nay và muôn đời con cháu mai sau. Sau khi Người qua đời, thể theo nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, Bộ Chính trị quyết định giữ gìn lâu dài thi hài và xây dựng Lăng của Người giữa Ba Đình lịch sử – nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 

Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức khởi công vào ngày 2/9/1973, sau gần 2 năm xây dựng, công trình được khánh thành mở cửa đón tiếp đồng bào và khách quốc tế đến viếng Người. Việc hoàn thành công trình đúng thời hạn, đúng tiêu chuẩn kỹ thuật là kết quả của một quá trình lao động khẩn trương, đầy nhiệt tình, trách nhiệm của đông đảo cán bộ, công nhân và chiến sĩ. Đây thực sự là một thành tựu đặc biệt trong xây dựng, thể hiện tình cảm sâu nặng của đồng bào, chiến sĩ ta đối với Bác kính yêu.

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh nơi tổ chức nhiều sự kiện trọng đại của đất nước.

Quá trình xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba Đình có sự đóng góp quý báu của Đảng, Chính phủ và nhân dân Liên Xô. Từ việc tham gia nghiên cứu các phương án thiết kế, cung cấp thiết bị vật tư đến việc trực tiếp hướng dẫn thi công, các cơ quan và chuyên gia Liên Xô đã giúp đỡ chúng ta với một tình cảm quốc tế trong sáng, cao cả.

Lễ khánh thành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức ngày 29/8/1975. Kể từ đó nhiều sự kiện trọng đại của đất nước đã diễn ra tại Lăng Bác và Quảng trường Ba Đình.

Theo cuốn Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh Đài hoa vĩnh cửu của Nhà văn Hồ Phương, giai đoạn cuối cùng của công trình Lăng Bác gần như trùng hợp hoặc tương đồng với tình hình chung của cả nước cùng quyết tâm lớn của Bộ Chính trị và Trung ương là nhanh chóng giành thắng lợi, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Tại công trường Lăng, những công việc cuối cùng của xây phần thô đã sắp đi tới kết thúc. Ở tầng trung tâm – tầng chính Lăng, nơi có phòng giữ thi hài Bác đã hoàn tất và đã được kiểm nghiệm, được đánh giá là không thể chê trách điều gì, nếu không nói là quá đẹp, quá tốt.

Ngày 1/11/1974, công trường bắt tay vào công tác hoàn thiện, trước hết là trát vữa trần, tường và tiến hành công tác ốp đá màu ngoài và trong Lăng. Buổi ốp đá màu đầu tiên trong Lăng là ở một phòng khách bên trái. Một số cán bộ và công nhân ốp của ta, có cả tổ chuyên gia ốp đá của Liên Xô sang giúp cũng tới dự. Trong căn phòng khách còn thô mộc và chưa có bất cứ bàn ghế hoặc trang trí gì, nhưng không khí “ra quân ốp đá quý” vẫn rất trang nghiêm và đầy ý nghĩa.

Đẹp nhất, ấn tượng nhất vẫn là phòng đặt thi hài Bác. Toàn phòng được ốp bằng đá cẩm thạch của Liên Xô và Việt Nam – loại đá có vân hoa đẹp như mây vờn với màu trắng trầm sâu trang nhã không những tạo được mỹ cảm mà còn cả sự tôn nghiêm, sự yên tĩnh và rất cao quý. Khoảng tường sát trần nhà được ghép rất khéo léo toàn đá màu đen tạo hình hoa sen cách điệu. Cũng ở phòng này phía trên bức tường chính – sau bệ hoa cương nơi Bác nằm – nổi bật lên hai lá cờ Đảng và cờ Tổ quốc, được ốp ghép bằng 4.000 mảnh đá nhỏ đã được cắt mài cực kỳ khéo léo, tinh tế, đến mức ai chợt trông thấy có thể tưởng như hai lá cờ đều liền một phiến đá màu và đang bay bay nhẹ nhàng…

Tìm được đúng đá quý có màu đỏ cờ, xẻ ra rồi mài giũa để lắp ghép được lên hai lá cờ này là một kỳ công. Thoạt đầu không tìm đâu ra thứ đá đỏ như cờ. Các nơi gần, xa đã cố công tìm kiếm khắp, đều không có, chỉ riêng Thanh Hóa đem về được đá cẩm vân. Nhưng cũng chỉ đỏ nhờ nhờ hoặc màu da cam. Đã gần như hết hy vọng thì bỗng có tin báo về: Có một cán bộ địa chất đã cố gắng lặn lội tiến sâu vào một thôn nhỏ của làng Ruồng, xã Điền Hải, huyện Bá Thước – một huyện ở vùng rừng núi xa xôi phía Tây Thanh Hóa. Một số mẫu đá đã được tổ địa chất đưa ngay về Hà Nội kiểm nghiệm. Các chuyên gia về đá quý hiếm cùng các nhà địa chất lão luyện, các nhà khoa học uyên bác đã được tập trung ngay để làm các xét nghiệm và xác định đây là đá ngọc bích rất quý… Tất cả cùng reo lên: “Đá đỏ đây rồi! Hoàn toàn là màu cờ đây rồi!”. Tin vui lập tức được báo cáo ngay lên Bộ Chính trị.

Cũng theo cuốn Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh Đài hoa vĩnh cửu của Nhà văn Hồ Phương: Một điều tuyệt vời nữa đã tới: Khi sắp ghép cờ, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu thay mặt Đảng bộ và nhân dân miền Nam đem ra hai viên ngọc mã não để dâng lên Lăng Bác, một viên màu đỏ, một viên màu vàng. Bộ Chính trị đã đón nhận và quyết định ngay – theo gợi ý của các nhà chuyên môn cắt xẻ viên ngọc bích mã não đỏ để ghép với cờ Tổ quốc và cờ Đảng, còn cắt xẻ viên ngọc bích mã não vàng để ghép vào chỗ giữa ngôi sao vàng trên cờ Tổ quốc và chỗ giao nhau của búa liềm trên cờ Đảng.

Trong công việc trang trí và ốp đá ở Lăng còn có một trọng điểm nữa: Đó là tiền sảnh ở tầng dưới, tiền sảnh được ốp đá hoa cương màu hồng đậm, ấm áp. Sảnh rộng nhưng không bày một thứ gì ngoài mấy chậu cây nhỏ dưới chân bức tường chính diện. Sự thoáng rộng đã làm tăng thêm vẻ sang trọng của toàn sảnh. Nhưng điểm mấu chốt có tác động mạnh hơn và thu hút được sự chú ý của mọi người ngay trong những giây phút đầu tiên đầy xúc cảm bước vào sảnh này là trên bức tường lớn chính giữa được ốp bằng đá quý có câu nói bất hủ của Bác như đã thành chân lý không phải chỉ riêng cho Việt Nam mà còn cho cả loài người: “KHÔNG CÓ GÌ QUÝ HƠN ĐỘC LẬP TỰ DO”. Bên dưới là chữ ký của Bác: “Hồ Chí Minh” được phóng to, rất đẹp, rất chính xác.

Nhà văn Hồ Phương đã miêu tả trong cuốn Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh Đài hoa vĩnh cửu như sau: Đó là trong Lăng, còn ở mặt ngoài ốp toàn bộ đá hoa cương màu xanh sẫm có vân chìm. Công việc ốp đá này hoàn toàn không giống ốp các đá men sứ thông thường Hoa cương và các loại đá quý đều rất nặng, rất khó ốp, phải có kỹ thuật rất cao và có cả đầu óc mỹ thuật. Từ việc chuẩn bị đá đã hết sức phức tạp: Chọn loại nào với loại nào cho đúng thiết kế không được nhầm lẫn. Rồi phải khoan lắp các móc sắt không gỉ để treo đá vào các mành sắt gắn trên các mặt tường bê tông. Ốp treo càng phải rất chính xác, các mảnh đá phải theo thứ tự đã có đánh số, không được nhầm lẫn, tùy tiện. Các hàng tiếp theo cũng đều đã được tính toán và có đánh số, các mảnh đá ở hàng số 1 không được lẫn xuống hàng số 2 hoặc số 3… và ngược lại. Công phu và nghệ thuật đến thế quả là chưa hề có ở nước ta… Để thực hiện công việc rất tỉ mỉ, chính xác ấy phải chia đội, đội phải chia tổ, mỗi Đội từ 50 đến 60 người. Mỗi Tổ từ 12 đến 15 người, chia thành 2 nhóm.

Trong kỹ thuật ốp đá quý, việc xác định đặt trúng “tim”là quan trọng bậc nhất, kể cả “cao độ” cũng là điều quan trọng không kém. Nếu ốp mà sai “tim”, sai “cao độ” là phải sửa lại rất khó khăn phức tạp, ngay thợ giỏi có khi cũng sai, phải làm lại cả từng hàng, hoặc từng cột… Cho tới khi ốp xong, còn biết bao công việc nữa như lau chùi và xảm các mạch đá bằng chì.

Cuốn Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh Đài hoa vĩnh cửu ghi: Trong khi ấy, công việc của anh em công binh lắp hệ thống thông hơi, điều hòa không khí cũng lao vào việc với tất cả tinh thần và sức lực của mình. Toàn là máy lớn, rất nặng. Công việc này cũng gần như rất mới mẻ với cán bộ, chiến sĩ ta, mặc dù từ tháng 9 năm 1973 – năm khởi đầu xây Lăng, Ban Chỉ đạo đã sớm cho một bộ phận cán bộ kỹ thuật sang Liên Xô tham gia thiết kế để nắm trước được thiết kế và học cả phương pháp thi công để về nước chỉ huy lắp đặt máy. Nhưng nay đứng trước những máy móc đồ sộ, tối tân này, anh em ta vẫn không khỏi lo lắng sẽ phải vất vả tìm hiểu vì đây là sản phẩm làm từ Tây Âu, nhiều phụ tùng, linh kiện, mô-đun… rất khác của Liên Xô. Như các chuyên gia và anh em ta bắt tay nhau cùng hứa hẹn: Mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp cả.

Một cuộc thi đua: “40 ngày lắp máy” đã được lãnh đạo phát động khá tưng bừng, coi như đợt thi đua cuối cùng. Các máy móc, kể cả đường ống hơi, ống nước… hầu hết đều rất cồng kềnh, rất nặng. Lúc này trên Lăng anh em làm một số việc trang trí vẫn còn chưa xong như sơn, trát vữa, kể cả thợ điện, thợ nước… cho nên trên một khu vực tác nghiệp mà gần như có đủ các thứ “quân”: thợ cơ khí lắp rắp, thợ xây, thợ điện, thợ nước… Phải lợi dụng giàn giáo và các phương tiện của nhau mà làm. Cứ như thế, cho tới đúng ngày thứ 40 của đợt thi đua mới, coi như đợt cuối cùng – tất cả cán bộ, chiến sỹ đều reo ầm vang: “Chiến thắng! Chiến thắng!”.

Chia sẻ với phóng viên Báo Xây dựng, Thiếu tướng Nguyễn Văn Cương, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết: Sau khi Bác mất thể theo nguyện vọng toàn Đảng, toàn Dân, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã quyết định xây dựng công trình Lăng Bác để giữ gìn lâu dài thi hài của Bác.

Theo các tài liệu, có thể thấy tại thời điểm đó công trình Lăng Bác có ý nghĩa chính trị đặc biệt, đây là công trình quan trọng số một. Công trình này được lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như Bộ Kiến trúc (sau này là Bộ Xây dựng) tham gia rất tích cực trong tổ chức, để thi các giải pháp thiết kế, cũng như sự viện trợ của Liên Xô, nên việc lựa chọn rất kỹ. Có thể nói, đây là một công trình của “Lòng Dân, ý Đảng”, cùng với sự tham gia của các lực lượng cả nước, những giải pháp thiết kế của Liên Xô và tham gia của các phương án từ phía Việt Nam. Đây là một công trình đạt được sự hài hòa các yếu tố dân tộc truyền thống và hiện đại, các vật liệu xây dựng cũng được lựa chọn chủ yếu ở các vùng miền của cả nước. Cũng qua các thước phim tư liệu, cũng như các tài liệu để lại, đây là công trình thể hiện sự đóng góp của tất cả tinh thần, trách nhiệm của toàn thể tất cả các lực lượng tham gia xây dựng.

Cũng theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Cương: Sau này khi được tiếp xúc với nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, nghe nguyên Tổng Bí thư kể lại mới thấy được tinh thần và tấm lòng của cả nước đối với công trình Lăng Bác. Mặc dù được khởi công xây dựng năm 1973, khi miền Nam chưa được giải phóng, nhưng rất nhiều các vật liệu gỗ quý từ các tỉnh phía Nam luân chuyển ra để góp phần xây dựng Lăng Bác. Đối với công trình Lăng Bác, ngoài đá ốp chính công trình lăng do Liên Xô viện trợ, còn lại là tất cả các vật liệu quý để xây dựng đều có sự đóng góp của nhân dân các vùng các tỉnh trong cả nước.

Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh vinh dự được Bộ Chính trị giao nhiệm vụ đặc biệt, đó là giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, tổ chức cho khách quốc tế và nhân dân đến viếng Bác, cũng như học tập tư tưởng đạo đức của Bác. Có thể nói, công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh có lẽ là một công trình hết sức đặc biệt, đó là công trình của “Lòng Dân, ý Đảng”.

* Bài có sử dụng một số tư liệu trong cuốn Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh Đài hoa vĩnh cửu của Nhà văn Hồ Phương

 

Theo baoxaydung


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự ‘Ngày hội Văn hóa vì hòa bình’ của Hà Nội

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự ‘Ngày hội Văn hóa vì hòa bình’ của Hà Nội

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái