Bài thơ “Trò chuyện với bến sông” được Lưu Quang Vũ viết khi mới ngoài 20 tuổi, chưa hề được in ở bất kỳ đâu, chỉ sống trong các trang sổ tay, trong trí nhớ của bạn bè. Như một sự tình cờ kỳ lạ, giữa những ngày cả xã hội cách ly vì dịch Covid-19, đúng vào dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 72 của Lưu Quang Vũ, bài thơ được lan truyền rất nhanh, gây xôn xao trên mạng xã hội.
Người đầu tiên giới thiệu bài thơ “Trò chuyện với bến sông” trên trang facebook cá nhân là nhà báo Nguyễn Thế Khoa. Ông Khoa sinh năm 1949, quê Bình Định, hiện là Tổng Biên tập tạp chí Văn Hiến (thuộc Viện Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc).
Trao đổi với phóng viên Dân Việt về lần đầu tiên tiếp xúc với bài thơ, ông kể: “… Tôi nghe bài thơ này lần đầu vào năm 1971, do nhà văn Lâm Quang Ngọc đọc cho nghe. Lúc đó tôi vừa tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Văn khóa 11 (1966-1970). Ra trường chúng tôi được cho đi học 6 tháng ở Trường bồi dưỡng viết văn trẻ của Hội Nhà văn Hà Nội. Lớp chúng tôi (thường vẫn gọi là khóa 4) gồm những Trần Vũ Mai, Nguyễn Khắc Phục, Lâm Quang Ngọc, Ngô Thế Oanh… Anh Lâm Quang Ngọc, Nguyễn Khắc Phục là bạn thân của Lưu Quang Vũ – lúc đó đã rất nổi danh với tập “Hương cây – Bếp lửa” in cùng Bằng Việt…”.
Thời đó, sinh viên Tổng hợp Văn ra trường ai cũng rất thích thơ. “Thần tượng” là Pablo Neruda, Paul Eluya, Cergei Esenhin, Olga Bergon, Nazim Hikmet… nước ngoài. Trong nước thì Nguyễn Bính, Bằng Việt, Nguyễn Khoa Điềm, Lưu Quang Vũ…
Theo ông Khoa, ngay từ khi anh Lâm Quang Ngọc đọc cho nghe bài thơ này ông đã rất thích. Theo ông về tinh thần, bài thơ này của Lưu Quang Vũ cũng giống như thơ Esenhin (người được coi là “Ông hoàng của thơ đồng quê Nga”), thấm đẫm tình yêu với thiên nhiên, vạn vật. Đối với Esenhin, ông Khoa mê những bài thơ như “Giọt nước mắt của con chó”. Còn với Lưu Quang Vũ, ông mê bài này. “Chúng đều là những bài thơ buồn, một cái buồn cực kỳ cao thượng, trong sáng…” – ông Khoa nói.
Học hết 6 tháng ở Trường Bồi dưỡng nghiệp vụ viết văn Hà Nội, tháng 6/1971, ông Khoa cùng các bạn được phân về các mặt trận. Trong balô ra trận ai cũng có một tập thơ chép tay. Ông Khoa được phân công về chiến trường khu Năm, làm biên kịch ở Đoàn Văn công Giải phóng khu Năm. Cuốn sổ thơ trong đó có bài thơ “Trò chuyện với bến sông” của Lưu Quang Vũ theo ông đi qua các trận càn, qua bom đạn. Trong những khoảnh khắc bình yên hiếm hoi của chiến trường, ông lại đọc bài thơ cho đồng đội nghe. Mọi người ai cũng thích, đòi chép lại. “Những lúc buồn nhất, cô đơn nhất, nhớ nhà nhất, tôi lại đem bài thơ này ra đọc. Vì thế cho dù cuốn sổ đã mất, nhưng đến nay tôi vẫn thuộc lòng “Trò chuyện với bến sông”. Theo tôi, đây là một trong những bài thơ hay nhất trong sự nghiệp thơ của Lưu Quang Vũ …” – ông Khoa tâm sự.
Trao đổi với Dân Việt, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nói: “… Khi sáng tác bài thơ này, Lưu Quang Vũ đang khủng hoảng tinh thần mạnh nhất ở tuổi mới đôi mươi. Thiên nhiên dường như là nơi anh tìm về trò chuyện để nói một lời tạ lỗi với những giống cây giống vật nhỏ nhoi ở bến sông tuổi nhỏ mong tìm được sự an ủi cho lòng mình. Tưởng như có nước mắt trẻ thơ trong lời trò chuyện với bến sông của Vũ. Vũ “áp xuống đất nồng, mùi bùn, mùi cứt chim, mùi cỏ dại” lắng nghe “những tiếng rì rầm của những ngày xưa trong trắng” để tìm sự thanh thản cho mình trước cuộc đời “bao rối ren, bao rầu rĩ”. Rất nhiều tên chim cá bướm chuồn đã được Vũ gọi ra trong bài thơ âu yếm thân thương như gọi tên những đồng loại trong truyện thần tiên có thể giúp anh vực dậy tinh thần, đứng vững làm người đi tới “một mùa nắng chói chảy phì nhiêu…”. Vẫn là hồn thơ nồng nàn nhạy cảm của Vũ trong bài thơ day dứt khắc khoải này. Anh nói với thiên nhiên nhưng chính để nói với con người, tìm một sự thấu hiểu của người. “Ta yếu đuối quá rồi/ Ta chết mất thôi”. Anh cần một bến người, khi đó…”.
Đúng như Phạm Xuân Nguyên nhận xét, năm 1971 là thời điểm khó khăn trong cuộc đời Lưu Quang Vũ. Cuộc hôn nhân đầu tan vỡ, ra khỏi quân ngũ, không tìm được việc làm, thơ không được in chủ yếu vì không phù hợp giữa bối cảnh đất nước đang chiến tranh. Đối với anh lúc đó mọi thứ dường như đều đang ngổn ngang, tìm kiếm… Đã qua rồi cái vô tư, phơi phới của một cậu trai mới lớn trong “Hương cây” mấy năm trước. Giờ đây Lưu Quang Vũ rất buồn và lẻ loi: “Tôi là người lính cô đơn ở giữa trung đoàn/ Bao lâu rồi vẫn chỉ có thế thôi/ Nỗi cô đơn hoàn toàn cô đơn khủng khiếp/ Trước và sau trong và ngoài cuộc đời và trang sách…”. Nếu nhìn ở góc độ đó, có thể coi bài thơ “Trò chuyện với bến sông” như một cái gạch ngang giữa hai giai đoạn sáng tác của anh. Bài thơ vẫn đầy ắp những say đắm, mộng mị của một thời hoa mộng chưa xa: “Chuồn chuồn kim, chuồn chuồn kim/ Thân mỏng manh yếu đuối/ Xinh đẹp và kiêu kỳ như cô bạn tuổi thơ/ Mười bốn tuổi ta thầm yêu đắm đuối…”. Nhưng đã le lói những suy tư, những nỗi buồn: “Chẳng lẽ ta đã đổi thay đến thế/ Bước vào đời bao rối ren, bao rầu rĩ…”.
Nhưng nói như nhà phê bình văn học Lưu Khánh Thơ – em gái của tác giả, khi nhận xét về bài thơ “Trò chuyện với bến sông”: “Dù buồn đến đâu, nhưng cảm hứng cuối cùng trong thơ Lưu Quang Vũ vẫn là cảm hứng tin tưởng, lạc quan về cuộc sống, về những gì sẽ đến: “Như cuộc đời cần những chuyện thần tiên/ Bầy bướm lớn bay như ánh trăng đêm/ Đưa ta qua những bờ đầm cỏ dại/ Qua tuổi đời qua cánh đồng xa ngái/ Tới một mùa nắng chói chảy phì nhiêu..”.
Kỷ niệm 72 năm ngày sinh Lưu Quang Vũ 17/4/1948 – 17/4/2020, Dân Việt xin trân trọng lần đầu công bố và giới thiệu đến công chúng và đông đảo bạn đọc một bài thơ mới phát hiện của anh. Xin trân trọng cảm ơn nhà báo Nguyễn Thế Khoa!
TRÒ CHUYỆN VỚI BẾN SÔNG
Lưu Quang Vũ
Dòng sông phì nhiêu cuồn cuộn chảy phía xa
Ta lâu lắm mới về nằm trên bãi
Áp xuống đất nồng, mùi bùn, mùi cứt chim, mùi cỏ dại
Bụi thài lài, cây thòm bóp, khóm dền cơm
Cỏ ấu lêu đêu nụ trắng đung đưa
Ôi cái bến sông của tuổi thơ ta như một xứ xa xôi đầy bí mật
Gọng vó cứ nhìn ta ngơ ngác
Cứ miệt mài xây tổ nhé hỡi kiến đen
Nơi đây ta thuộc trên bùn từng vết chân chim
Thuộc gió những mùa vịt trời đẻ trứng
Bay từng bầy qua như trận mưa rào
Sẻ đồng, bồ nông, giang, dẻ vẫn lao xao
Con cuốc lủi vẫn như xưa nhút nhát
Con mài mại, con rô phi, con cá tép
Cùng bầy đuôi cờ bơi đi như trẩy hội thủy cung
Ôi đây rồi
Chuồn chuồn kim, chuồn chuồn kim
Thân mỏng manh yếu đuối
Xinh đẹp và kiêu kỳ như cô bạn tuổi thơ
Mười bốn tuổi ta thầm yêu đắm đuối
Nhưng chẳng nói ta như chàng dế trũi
Như sau mưa rào tổ mối đã tan hoang
Nhưng mối hãy về đây xây lại tổ
Cả ễnh ương, cả chẫu chàng đó nữa
Có bao giờ ta phụ chúng mày đâu
Chẳng lẽ ta không nghe được tiếng chúng mày sao
Chẳng lẽ ta đã đổi thay đến thế
Bước vào đời bao rối ren, bao rầu rĩ
Chẳng lẽ ta không còn nhận ra tiếng chúng mày…
Ôi bến sông nơi buồn rượi bài ca
Hoàng hôn trăng cứ hiện ra vàng ối
Bầy đom đóm thắp đèn đi trong đêm tối
Hãy về đây với ta cả chuột đồng cả châu chấu ma
Châu chấu ma xưa ta từng hắt hủi
Dẫu xấu xí châu chấu đừng buồn tủi
Hãy về đây bạn tốt của ta ơi
Ta yếu đuối quá rồi
Ta chết mất thôi
Hỡi những tiếng rì rầm của những ngày xưa trong trắng
Hãy đến với ta, ta cần an ủi lắm
Như cuộc đời cần những chuyện thần tiên
Bầy bướm lớn bay như ánh trăng đêm
Đưa ta qua những bờ đầm cỏ dại
Qua tuổi đời qua cánh đồng xa ngái
Tới một mùa nắng chói chảy phì nhiêu…
L.Q.V 1971
Theo Dân Việt