Lạm dụng rượu bia khi lái xe: Vui của mình, đau khổ cho người khác

12:22 | 03/05/2019

Mỗi người nên luôn ý thức rằng đằng sau những phút vui thăng hoa bằng rượu bia là hệ lụy lâu dài nếu không làm chủ được tay lái.


Xin bắt đầu bằng 2 con số thống kê để thấy mức độ thảm khốc của tai nạn giao thông đang diễn ra hàng ngày tại Việt Nam.

– Theo báo cáo của UB ATGT Quốc gia, trong quý I năm 2019, toàn quốc xảy ra 4.030 vụ TNGT, làm chết 1.905 người, bị thương 3.141 người.

– Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, trong dịp nghỉ lễ 30/4- 1/5, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận cấp cứu khoảng 150 trường hợp, nhiều trường hợp chấn thương sọ não do sử dụng rượu, bia. Tuy số ca cấp cứu tại bệnh viện không tăng so với ngày bình thường nhưng lại gia tăng các trường hợp chấn thương nặng, đa chấn thương… Điều đáng nói, nhiều trường hợp có kết quả xét nghiệm nồng độ cồn trong máu cao hơn mức cho phép rất nhiều lần.

Vụ tai nạn thảm khốc tại hầm chui Kim Liên là lời cảnh tỉnh về tình trạng lạm dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Ảnh: Báo Giao thông

Sử dụng rượu bia trong các cuộc tụ hội bạn bè, người thân từ lâu ở Việt Nam được coi là điều không thể thiếu, thậm chí nhiều người còn coi đó là “nét văn hóa. “Nam vô tửu như kỳ vô phong” luôn là câu nói cửa miệng mà người ta hay dùng để ép nhau uống rượu mỗi khi có dịp gặp gỡ.

Cũng chẳng có đâu lạ như ở Việt Nam khi uống rượu là phải uống cho đến say mèm – một chỉ dấu được cho chứng tỏ sự nhiệt tình, hết lòng vì bạn bè. Thời còn học đại học, tôi đã từng chứng kiến việc ép nhau uống rượu say đến nỗi bật lửa hơ vào gan bàn chân, không giãy lên vì nóng được nữa mới là uống hết mình. Một bữa tiệc sinh nhật mà chủ nhân của nó bị ép uống say mê man 3 ngày sau mới tỉnh – đó mới là sự nhiệt tình???!!!

Làm nghề báo, từng đi nhiều tỉnh thành trong cả nước và cũng nhiều lần “bất tỉnh nhân sự” bởi cái sự nhiệt tình đón tiếp của “chủ nhà” mới thấy rõ mức độ lạm dụng bia rượu ở Việt Nam lớn đến mức nào. Nhiều địa phương khi đón khách phải ép uống “tới bến” với đủ các lý do để nâng ly!

Nói ra những điều trên đây để thấy việc sử dụng rượu bia ở Việt Nam đang ở mức báo động và có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây. Theo thống kê, năm 2017 Việt Nam tiêu thụ 305 triệu lít rượu và 4,1 tỷ lít bia, đứng đầu trong khu vực Đông Nam Á và thứ 3 Châu Á chỉ sau Nhật Bản và Trung Quốc, đứng thứ 29 trên thế giới. Mức tiêu thụ rượu, bia bình quân đầu người (trên 15 tuổi cả hai giới) quy đổi theo cồn nguyên chất là 8,3 lít năm 2016. Với vị trí này, Việt Nam được đánh giá là một trong những “cường quốc” về tiêu thụ rượu bia và những con số về tỷ lệ sử dụng rượu bia sẽ còn tăng lên khiến nhiều người phải giật mình.

Tạm gác sang một bên về tình trạng sử dụng rượu bia tràn lan ở Việt Nam, hãy bàn về những hệ lụy của rượu bia đối với xã hội. Ngoài những tác hại đối với người trực tiếp sử dụng, rượu bia cũng là tác nhân chính gây ra những vụ việc đau lòng, đặc biệt là những vụ tai nạn giao thông thảm khốc mà nguyên nhân là do người điều khiển không làm chủ được phương tiện sau khi uống say.

Những ngày gần đây, dư luận vô cùng bất bình, thậm chí lên tiếng đòi cần sửa đổi luật, tăng nặng hình phạt đối với những người sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông sau liên tiếp những vụ tai nạn thương tâm ở Hà Nội như vụ lái xe Đỗ Xuân Tuyên đâm liên hoàn khiến 1 nữ công nhân môi trường tử vong ngày 22/4 hay vụ xe sang Mercedes do tài xế Lê Trung Hiếu đâm tử vong 2 phụ nữ ở hầm chui Kim Liên rạng sáng 1/5.

Lái xe đâm chết nữ công nhân môi trường sau khi “uống 5-7 chén rượu” ở đám cưới cháu gái. Lái xe đâm tử vong 2 phụ nữ tại hầm chui Kim Liên sau khi “uống 6 chai bia sau đó uống tiếp rượu” cùng bạn bè trong một buổi họp lớp?

Vui – đó có thể là lý do mà 2 lái xe kể trên sử dụng rượu bia nhưng hệ quả mà họ mang tới cho người thân những nạn nhân là quá lớn. Đằng sau nỗi đau mất người thân là tương lai bất định của những đứa trẻ khi không còn mẹ bên cạnh để dìu dắt trên chặng đường đời phía trước.

Thông điệp “đã uống rượu bia-không lái xe” đang được lan tỏa mạnh mẽ.

Cộng đồng đang dấy lên phong trào “đã uống rượu bia-không lái xe” và bước đầu nó đã có sức lan tỏa mạnh mẽ. Có thể trong thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ có những chế tài “mạnh tay” hơn để xử lý các đối tượng sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, nhưng trên hết vẫn phải là ý thức của mỗi người.

Chẳng ai cấm nếu bạn cho rằng rượu bia sẽ làm cho cuộc vui thêm thăng hoa. Tuy nhiên, việc để cho rượu bia biến bạn thành những “hung thần đường phố” và để lại những hệ lụy lâu dài cho người khác sẽ luôn bị lên án và đối mặt với những hậu quả pháp lý.

Đừng để niềm vui của mình là nỗi buồn cho người khác!./.

 

Theo VOV

Video hay


Cùng chuyên mục

Trường THCS Thân Nhân Trung: Lá cờ đầu trong khối trung học cơ sở của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang

Trường THCS Thân Nhân Trung: Lá cờ đầu trong khối trung học cơ sở của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang

Tuyên truyền hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam

Tuyên truyền hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

TRƯỜNG ĐH LUẬT HÀ NỘI: Ngày hội Hiến máu nhân đạo “Bão Hồng 27”

TRƯỜNG ĐH LUẬT HÀ NỘI: Ngày hội Hiến máu nhân đạo “Bão Hồng 27”

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024