Để đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch giai đoạn mới, ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch thì phục hồi và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng được xem là yếu tố then chốt làm tăng khả năng cạnh tranh và thu hút khách đến với Lai Châu.
Trong giai đoạn 2018-2020, với những chủ trương, định hướng đẩy mạnh phát triển du lịch “đưa Lai Châu trở thành điểm đến hấp dẫn tại khu vực và cả nước”, ngành Du lịch tỉnh đã tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực và đã tạo ra những chuyển biến tích cực về cơ cấu, số lượng và chất lượng.
Đến hết năm 2020, Lai Châu có 5.756 lao động phục vụ cho hoạt động du lịch (trong đó lao động trực tiếp là 1.470 người) và được cơ cấu theo lĩnh vực hoạt động (lưu trú, lữ hành, vận chuyển, vui chơi giải trí…).
Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 4,72%/năm và lao động có trình độ từ trung cấp, đào tạo nghề chiếm 26%/tổng số lao động ngành Du lịch. Bên cạnh gia tăng về số lượng, ngành Du lịch còn chú trọng đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy, đào tạo tại chỗ với phương pháp “cầm tay chỉ việc” của đội ngũ chuyên gia du lịch, giảng viên chuyên ngành Du lịch tại các trường đại học và các ngành liên quan.
Du khách check-in tại vườn mận bản Chù Lìn (xã Giang Ma, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu)
Sau tập huấn, học viên đã vận dụng vào thực tế tham gia vào quá trình phục vụ khách du lịch theo hướng chuyên nghiệp, từng bước đáp ứng được nhu cầu phát triển của du lịch địa phương. Tuy nhiên, đến năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng trực tiếp đến ngành Du lịch buộc phải tạm dừng toàn bộ hoạt động đón khách du lịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, dẫn đến nhu cầu sử dụng lao động ngành Du lịch năm 2021 của Lai Châu giảm 60% so với thời điểm trước dịch. Cụ thể, đến hết năm 2021, lao động ngành Du lịch giảm còn 2.302 lao động (trong đó lao động trực tiếp là 588 người).
Nhìn vào thực tế nguồn nhân lực du lịch, trước những nhu cầu về nâng cao đời sống tinh thần của người dân có thể khẳng định chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành Du lịch địa phương trên tất cả các phương diện từ số lượng, chất lượng, cơ cấu hoạt động đến bố trí sử dụng… Lao động chưa được đào tạo chiếm tỷ lệ cao, thiếu các kỹ năng nghiệp vụ phục vụ du khách (tâm lý du khách, kỹ năng giao tiếp, khả năng xử lý tình huống, đặc biệt là trình độ ngoại ngữ. Chính điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp cũng như hình ảnh du lịch địa phương trên thị trường.
Nguyên nhân cơ bản một phần do nguồn ngân sách đầu tư phát triển nguồn nhân lực cũng như việc huy động xã hội hóa trong đào tạo phát triển nhân lực du lịch còn hạn chế. Việc dự báo nhu cầu lao động và định hướng ngành, lĩnh vực đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chưa theo sát thực tế; chưa có chính sách dành riêng cho phát triển nguồn nhân lực du lịch của tỉnh từ đào tạo, bồi dưỡng tuyển dụng đến thu hút, sử dụng và đãi ngộ đối với nguồn nhân lực chất lượng.
Đây là thách thức không nhỏ đối với ngành Du lịch Lai Châu trong mục tiêu đến năm 2030, du lịch Lai Châu đón và phục vụ trên 2 triệu lượt khách (trong đó có 500 nghìn lượt khách quốc tế); tổng doanh thu du lịch đạt khoảng 2.500 tỷ đồng, đóng góp 3,93% tỷ trọng GRDP của tỉnh và tạo việc làm cho 9.000 lao động (trong đó có 3.000 lao động trực tiếp); đưa “Lai Châu trở thành điểm đến hấp dẫn, đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường du lịch khu vực và cả nước”.
Đồi chè Phúc Khoa đẹp hút mắt
Trước sự thiếu hụt nhân lực du lịch do tác động của dịch Covid-19, cùng với sự phát triển bùng nổ của du lịch trong giai đoạn mới, đòi hỏi ngành Du lịch địa phương và các doanh nghiệp sớm triển khai giải pháp tổng thể, đồng bộ.
Được biết, thời gian tới, ngành du lịch Lai Châu sẽ tham mưu cho tỉnh tiến hành điều tra, đánh giá thực trạng nhân lực cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp. Tạo cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, bổ sung kịp thời lực lượng lao động trẻ phục vụ cho nhu cầu phát triển của ngành Du lịch trong thời gian tới.
Trước thực trạng hiện nay, ưu tiên vấn đề đào tạo tại chỗ là một trong những giải pháp phù hợp với tỉnh Lai Châu, trong đó chú trọng chất lượng của đội ngũ giảng viên là những người có kiến thức chuyên sâu về du lịch, có kinh nghiệm giảng dạy thực tế. Đào tạo đội ngũ giảng viên nguồn tại tỉnh, phổ biến bộ quy chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam đến các doanh nghiệp và người dân tham gia trực tiếp vào hoạt động du lịch.
Bên cạnh đó, cũng cần xây dựng chính sách dành riêng cho việc thu hút nhân tài từ đào tạo, bồi dưỡng tuyển dụng đến chính sách thu hút và sử dụng lao động. Doanh nghiệp cần chủ động lập kế hoạch tuyển dụng nhân sự mới và liên lạc nhân sự cũ đang tạm nghỉ, thiết kế nhiều chế độ ưu đãi và tạo điều kiện thuận lợi để thu hút người lao động yên tâm quay trở lại làm việc. Đối với lực lượng lao động cũ trở lại làm việc, cần đào tạo bổ sung những kiến thức, kỹ năng chuyên môn mới và các kiến thức cần thiết trong bối cảnh mới.
Nhân lực thiếu và yếu sẽ là thách thức không nhỏ cho ngành Du lịch Lai Châu trong mục tiêu phấn đấu trở thành đến điểm hấp dẫn của khu vực và cả nước. Chính vì vậy, việc phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu phát triển của du lịch Lai Châu trong giai đoạn hiện naylà vấn đề cần phải được quan tâm thực hiện ngay.
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/lai-chau-nang-cao-chat-luong-nguon-nhan-luc-du-lich-post245528.html