Lạ mắt với tranh thủy ấn

9:39 | 18/03/2022

Thủy ấn – một kỹ thuật làm tranh hiện đang khá hot hiện nay được nhiều bạn trẻ thử sức, đem lại những trải nghiệm mới mẻ và thú vị.


Thủy ấn – không “mới” nhưng “lạ”

Gần đây, trên các trang mạng xã hội, đặc biệt là Tiktok, nhiều bạn trẻ trải nghiệm về một trò chơi mới gọi là vẽ tranh trên nước, hay còn gọi là tranh thuỷ ấn.

Thủy ấn, nghe thì rất lạ nhưng thực sự môn nghệ thuật này đã có từ rất lâu. Kỹ thuật thủy ấn họa bắt nguồn từ Trung Quốc, sau đó truyền sang Hàn Quốc. Kỹ thuật này phát triển mạnh ở Nhật Bản, được đổi mới ở Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ thế kỷ 15 và trở thành trào lưu khi truyền sang các nước Tây Âu thế kỷ 16.

Tranh thủy ấn của họa sĩ người Thổ Nhĩ Kỳ Garip Ay.

Thủy ấn thực ra là phương pháp vẽ, thiết kế trên bề mặt nước, tạo vân màu. Các hoa văn sẽ được tạo ra trên giấy khi màu mực nổi trên mặt nước.

Mặt nước để “vẽ” ở đây thực chất là một dung dịch lỏng có hòa trộn chất naphtha (một thành phần có trong dầu mỏ) hoặc các chất nhầy có nguồn gốc từ thực vật. Thứ “nước” đặc biệt này sẽ làm chất màu không hòa tan và nổi trên bề mặt nước, các nét vẽ không bị nhòe. Còn giấy để lưu lại bức tranh khi áp lên mặt nước có thể là giấy washi của Nhật Bản hoặc các loại giấy đã qua bước xử lý quét phèn phơi khô.

Để thực hiện một bức tranh thủy ấn, các họa sĩ sử dụng cọ vẽ lần lượt thả màu vào chất lỏng và di chuyển nhẹ nhàng nhằm tạo các hình vẽ lan tỏa như khói. Các hoa văn sẽ được tạo ra khi màu mực nổi lên mặt nước.

Ngoài ra người vẽ còn các dụng cụ khác như bàn chải, lược cào… để  làm loang các giọt màu thành các họa tiết khác nhau. Đây là một hình thức thả màu loang tự do trên mặt nước để vân màu tạo ra ngẫu nhiên.

Tác phẩm sau đó được cẩn thận in lên bề mặt của chất liệu thấm nước như giấy hoặc vải và hong khô. Những sản phẩm in từ kỹ thuật này thường được dùng làm mặt giấy viết thư pháp, bìa sách và các trang giấy hoa cương trong các cuốn sách.

Hồi tháng 4/2021, Đông A Books (một trong những công ty tư nhân đầu tiên hoạt động trong lĩnh vực xuất bản và phát hành tại Việt Nam) đã tổ chức buổi workshop giới thiệu kỹ thuật làm tranh thủy ấn, với sự chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn thực hiện của “bác sĩ giấy” Bùi Tiến Phúc và họa sĩ người Đài Loan Trần Bội Tuyền.

Anh Phúc cho biết kỹ thuật thủy ấn họa không quá khó với người mới bắt đầu. Nguyên liệu để “vẽ” bằng phương pháp này cũng đơn giản, bao gồm: nước, giấy, keo, màu nước… Người mới học chỉ cần dùng nguyên liệu giá rẻ, thực tập tạo hình từ những họa tiết đơn giản.

Điều đặc biệt, mỗi bản in tranh thủy ấn đều là những chế tác độc nhất, không lặp lại. Đây cũng là kỹ thuật làm giấy mới được sử dụng trong xuất bản vài năm gần đây.

Được biết, để tạo sự độc đáo, riêng biệt cho một số dòng sách, Đông A Books đã áp dụng phương pháp thủy ấn trong việc sản xuất các ấn bản đặc biệt với lượng phát hành hạn chế, chỉ vài chục, vài trăm cuốn. Có thể kể đến “Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp” do Bùi Tiến Phúc và họa sĩ Trần Bội Tuyền thực hiện thủ công từng tờ với kỹ thuật thủy ấn, mỗi tờ là duy nhất; mỗi cuốn sách có hai tờ gác đầu và cuối sách. Cuốn “Đông Dương xinh đẹp và kỳ vĩ” cũng có bụng sách được mạ bằng phương pháp thủy ấn.

Thử sức sáng tạo với kỹ thuật thủy ấn

Làm tranh thủy ấn cũng là trào lưu giải trí khá “hot” trong bộ phận giới trẻ hiện nay. Ở một số trường mầm non, vẽ tranh trên nước đã được đưa vào hoạt động tạo hình nhằm khơi gợi trí tưởng tượng và phát triển thẩm mỹ cho trẻ.

Ðể tự trải nghiệm vẽ tranh trên nước, người tập có thể tìm mua set tranh thuỷ ấn được bán trên nhiều sàn giao dịch điện tử. Một set tranh thường có giá từ 250.000 đồng, trong đó có đầy đủ các dụng cụ để tạo nên một bức tranh hoàn thiện như: giấy in, bộ màu vẽ, lược, que vẽ, bột thạch carrageenan (chất làm dày được chiết xuất từ rong biển), khay.

Ðể tạo ra mặt phẳng vẽ tranh, dùng hợp chất sẵn có pha với nước theo tỷ lệ nhất định tạo nên dung dịch trong suốt, cho vào khay vẽ; lựa chọn màu sắc ưa thích, có thể kết hợp tuỳ ý để thoả sức sáng tạo. Sau khi tạo hình cố định, dùng giấy úp nhẹ lên để chuyển tranh vẽ từ mặt nước sang mặt giấy, giữ yên 5 giây rồi nhẹ nhàng lấy ra, hong khô là có ngay một bức tranh thuỷ ấn.

Học sinh Trường mầm non Lý Thường Kiệt (Hà Nội) làm quen với kỹ thuật tranh thủy ấn.

Với mỗi set tranh có thể tạo ra được 12 tranh bất kỳ, lượng màu thừa có thể tiếp tục vẽ và tận dụng các loại giấy khác có sẵn để in tranh. Ðiểm thú vị của tranh thuỷ ấn là mỗi tác phẩm sẽ không lặp lại và không thể sao chép – điều này tạo nên giá trị riêng cho tranh.

Không chỉ người lớn, mà với set vẽ tranh thuỷ ấn được sản xuất như một trò chơi, còn kích thích sự sáng tạo, rèn luyện khả năng hội hoạ cho trẻ em từ 3 tuổi trở lên. Mỗi bức tranh tuỳ vào cách pha màu sẽ cho ra gam màu tươi sáng hoặc tối. Ðây cũng là trò chơi thích hợp để trẻ có thể vừa học vừa chơi.

Ngoài in trên chất liệu giấy, ngày nay với sự sáng tạo của nghệ nhân, kỹ thuật vẽ tranh thuỷ ấn còn biến tấu in trên vải, thuỷ tinh, nhựa, gỗ, da… nhưng phổ biến nhất vẫn là sử dụng trong kỹ thuật in ấn sách.

Với kỹ thuật này, quyển sách như khoác lên diện mạo mới, đẹp, sang trọng, bắt mắt. Ðây cũng là một trong những bước tiến hướng đến nâng cao giá trị, chất lượng cho các ấn bản sách giới hạn, nâng cao thương hiệu của đơn vị xuất bản. Chính sự kỳ công, độc, lạ nên những phiên bản này có giá khá đắt đỏ. Những loại sách được ưu tiên lựa chọn để áp dụng thường rơi vào những tác phẩm kinh điển, có giá trị sưu tầm cao.

Theo Công luận

Cùng chuyên mục

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

Giới thiệu bộ sách thưởng thức triết học

Giới thiệu bộ sách thưởng thức triết học

Khai mạc Giải vô địch Cầu mây quốc gia năm 2024

Khai mạc Giải vô địch Cầu mây quốc gia năm 2024

Tổ chức cuộc thi “Trạng Nguyên nhỏ tuổi” tri Ân các Vua Hùng

Tổ chức cuộc thi “Trạng Nguyên nhỏ tuổi” tri Ân các Vua Hùng