Từng là người lính cận vệ trực tiếp bảo vệ Bác Hồ, ông Trần Viết Hoàn (cận vệ bên cạnh Bác Hồ những năm 1966-1969) có cơ hội được tiếp xúc với Bác, được chứng kiến nhiều hoạt động, việc làm của tấm gương đạo đức sáng ngời Hồ Chí Minh. Hơn 38 năm công tác và trong suốt cuộc đời của mình, ông luôn lấy những lời chỉ dạy, những câu nói, hành động của Bác là bài học lớn cho mình.
Những điều thiêng liêng mà vô cùng giản dị
Những câu chuyện về Bác Hồ, dù đã trải qua hàng chục năm, vẫn đọng lại như in trong ký ức người cận vệ già của Bác. Đó là ông Trần Viết Hoàn – nguyên Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (gọi tắt là Khu di tích Phủ Chủ tịch).
Những ngày tháng 5 đến – kỷ niệm ngày sinh nhật Bác Hồ, ký ức về vị Cha già kính yêu của dân tộc lại ùa về trong tâm trí người cận vệ năm xưa, nhắc nhở những điều thiêng liêng mà vô cùng giản dị.
Từ việc phục vụ cho Bác Hồ, giữ gìn nơi ở và làm việc của Bác, ông Trần Viết Hoàn đã viết cuốn sách “Đạo đức Bác Hồ – tấm gương soi cho muôn đời”, đây là tất cả những gì thể hiện tấm lòng tôn kính của người lính cận vệ năm xưa dành cho Bác. Ngoài ra ông còn viết cuốn sách chuyên về bảo tàng “Giữ gìn và phát huy giá trị di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Qua tìm hiểu, nghiên cứu của mình, ông Hoàn kể: Sau 30 năm xa Tổ quốc, mùa Xuân năm 1941 (ngày 28/1/1941) Bác Hồ về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tháng 5/1941, tại Pắc Bó – Cao Bằng, Bác triệu tập Hội nghị lần thứ VIII Ban Chấp hành Trung ương Đảng để chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, giành cho được độc lập, tự do. Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) vào ngày 19/5/1941.
Tại Pắc Bó, Người đã nhóm lên ngọn lửa cách mạng và đã bùng cháy, lan tỏa ra khắp cả nước, soi sáng, dẫn đường cho toàn dân đứng lên tổng khởi nghĩa, lật đổ chế độ thực dân, phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc ta vào tháng 8/1945.
Mùa Xuân Bính Tuất năm 1946 là mùa Xuân độc lập đầu tiên của dân tộc sau tuyên ngôn độc lập 2/9/1945. Ngày 19/5/1946, tại Bắc Bộ phủ, Bác Hồ tiếp đại biểu thiếu nhi thủ đô và hơn 50 đại biểu Nam Bộ đến chúc mừng sinh nhật. Bác tặng các đại biểu thiếu nhi một cây bách trồng trong chậu và nói: “Bác có cây này tặng các cháu. Mai sau, cái cây sẽ mọc ra một chậu trăm cái tán. Các cháu về chăm nom cho cây lớn, cây tốt thế là các cháu yêu Bác lắm đấy”.
Đáp lại lòng kính mến của đồng bào, Bác nói: “Tôi chưa xứng đáng với sự chăm sóc của đồng bào, vì tôi hãy còn là một thanh niên, tuổi có 56, chưa đáng tuổi để đồng bào chúc thọ. Chỉ vì một nhà báo nào biết đến ngày sinh của tôi mà làm bận rộn đồng bào. Từ trước đến nay tôi đã là người của đồng bào, thì từ nay về sau tôi vẫn thuộc về đồng bào. Tôi quyết giữ lòng trung thành với Tổ quốc, tôi xin hứa với đồng bào gắng sức làm việc, nhưng hy vọng vào sự cộng tác chặt chẽ của đồng bào”.
Ông Hoàn kể tiếp: Vào dịp kỷ niệm Bác 70 tuổi (tháng 5/1960), ngành văn hóa đến xin phép dựng nhà lưu niệm Bác ở hai nơi là Nghệ An – quê hương Bác và Pắc Bó (Cao Bằng) – nơi Bác vẫn coi như quê hương thứ hai. Nhưng Bác nói: “Các chú thương Bác thì nên lo cái ăn, cái ở, cái mặc của bà con ở đây. Dựng nhà lưu niệm làm gì nếu bà con ăn chưa no, mặc chưa ấm, ở chưa sạch. Phải tổ chức nhà giữ trẻ cho tốt, phải xây dựng bệnh xá, trường học cho tốt; phải chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho bà con, đó là cách lưu niệm tốt nhất”.
“Trong 15 năm Bác sống ở Phủ Chủ tịch, cứ vào dịp ngày sinh nhật Bác thường “lánh” nhà, tìm cách đi một nơi khác để tránh nghi lễ phiền phức, tốn kém. Bác sợ mọi người đến chúc tụng, quà cáp, tốn thì giờ, tốn tiền của. Hầu như năm nào Bác cũng đi như vậy, vào ngày sinh nhật của mình” – ông Hoàn kể lại và cho biết, đến năm 1968, Bác yếu nên không đi nước ngoài nữa. Người lên nghỉ tại nhà nghỉ của Trung ương ở Hồ Tây, tiếp tục sửa bản Di chúc. Một năm sau, Bác ở nhà vào dịp sinh nhật, bởi lúc này, sức khỏe của Người đã yếu hơn.
Những ký ức đậm sâu
Nhìn lên di ảnh Bác Hồ treo trên tường, ông Hoàn kể tiếp những kỷ niệm nhớ đời của ông khi làm cận vệ của Bác Hồ. Đặc biệt, ông có 2 kỷ niệm riêng với Bác đều liên quan tới việc gánh nước tưới rau mà sau này ông vẫn nhớ mãi.
“Một lần, tôi đang đi gánh nước tưới rau trên đường thì gặp Bác. Tôi vội vàng né sang một bên để nhường đường cho Bác đi, nhưng Bác bảo: “Việc chú làm thì chú cứ làm, việc Bác đi thì Bác đi, không ảnh hưởng gì”.
Lần thứ hai, cũng lại đang gánh nước, tôi thấy Bác đi từ nhà sàn ra nên vội vàng đặt gánh nước xuống. Lần này Bác gọi tôi lại và bảo: “Lần trước Bác đã nói với chú rồi, việc chúng ta cứ bình đẳng, vì sao chú phải câu nệ như thế”. Sau đó, Bác còn trực tiếp hỏi han tôi về gia đình, quê quán.
“Sống gần Bác mà có những kỷ niệm như thế, tôi quý lắm và sẽ nhớ mãi. Bác là lãnh tụ nhưng sống giản dị, bình đẳng, không phân trên – dưới, cao – thấp” – ông kể và cảm nhận Bác Hồ gần gũi, thân tình như người ông, người cha của mình.
Ông Hoàn kể tiếp, Bác Hồ – vị lãnh tụ tối cao, một con người vĩ đại nhưng lại vô cùng giản dị, gần gũi. “Tôi còn nhớ, cứ tối thứ bảy, Bác lại cho anh em cận vệ sang nhà khách Phủ Chủ tịch xem phim với Bác. Rồi mỗi khi Bác đi công tác, anh em chúng tôi mong ngóng Bác về như “ngóng mẹ đi chợ”. Lần nào về, Bác cũng có quà chia cho mọi người, khi thì cái kẹo, khi thì quả táo, lúc thì điếu thuốc… Những món quà ấy tuy nhỏ nhưng là tình cảm lớn lao của Bác, chúng tôi cảm động lắm” – ông tâm sự.
Cũng theo người cận vệ già, mỗi năm cứ đúng dịp sinh nhật Bác, Người thường cho anh em cận vệ xuống ao cá trước nhà sàn để bắt những con cá thịt lên, biếu các cụ già, cháu nhỏ, biếu các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cho anh em trong cơ quan, những người bảo vệ, phục vụ Bác được cải thiện bữa ăn. Đó là tình cảm của Bác Hồ với những người hàng ngày phục vụ Bác, bảo vệ Bác.
Một con người vĩ đại
“Bác sống giản dị lắm” – ông Hoàn nói. Nhớ về Bác lại càng thấy hình bóng của một vị lãnh tụ thật vĩ đại nhưng cũng rất giản dị, thật gần gũi, luôn chân thành, quan tâm tới mọi người xung quanh.
Nhà sàn của Bác không sơn son thếp vàng, không ngọc ngà châu báu, không phải là lâu đài nguy nga lộng lẫy mà chỉ là nhà sàn đơn sơ. Ngôi nhà đó chỉ có vài ba phòng, luôn lộng gió và ánh sáng, phảng phất hương thơm của hoa vườn. Dưới mái nhà này, Bác Hồ nhiều đêm không ngủ, nghĩ về cách mạng miền Nam, xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và nghĩ về vấn đề đoàn kết quốc tế. Nơi đây chỉ có ý tưởng trồng cây, trồng người, chỉ có chân lý dựng nước, giữ nước và xây dựng đất nước, tinh thần toàn tâm, toàn ý phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân.
Người cận vệ năm xưa vẫn còn nhớ như in những bữa cơm của Bác. Bữa ăn của Bác không cao lương mỹ vị, chỉ có bát canh, quả cà, lát cá kho hay thịt kho, giống như mọi người. Điều đặc biệt, trong lúc ăn cơm, Bác không bao giờ để rơi một hạt cơm nào. Bởi lẽ, Bác biết một hạt cơm là một giọt mồ hôi của người nông dân. Như vậy để thấy chuyện nhỏ – đức lớn hài hòa trong một con người. “Chuyện về Bác thì nhiều lắm, câu chuyện nào cũng rất cảm động và ý nghĩa” – ông Hoàn chia sẻ.
Sau ngày Bác đi xa mãi mãi, ông Hoàn được tin tưởng giao nhiệm vụ làm Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh để tiếp tục bảo vệ và trông nom di sản của Người. Đây cũng là những năm tháng ông có nhiều thời gian nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ. Song sự chân thành, giản dị của Bác Hồ luôn là điều ông khắc cốt, ghi tâm. Chính vì thế, từ khi làm việc bên Bác cho tới khi trông nom khu di tích Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch, ông luôn toàn tâm toàn ý để bảo vệ sự an toàn cho Người cũng như trông nom di sản của Người. Với ông, đó là trách nhiệm lớn lao rất đỗi vinh quang.
Nguồn: Đại đoàn kết
http://daidoanket.vn/ky-uc-ve-bac-ho-qua-loi-ke-cua-nguoi-can-ve-gia-5686635.html?utm_source=coccoc&utm_medium=ccnews