Quảng Bình có 174,5 km đường sắt Bắc-Nam đi qua. Trong đó toàn tuyến hiện có 217 đường ngang băng qua đường sắt, vẫn còn 142 lối đi tự mở, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT. Tuy nhiên, trong khoảng vài năm trở lại đây, cơ quan chức năng đã triển khai đồng bộ các giải pháp hạn chế tai nạn.
Để lối đi tự mở qua đường sắt không còn là hiểm họa
Thực tế hiện nay, công tác xóa bỏ lối đi tự mở đang gặp nhiều khó khăn, bởi hầu hết các đường này có từ lâu cũng là độc đạo từ khu dân cư này qua khu dân cư khác. Cho nên, việc đóng các lối đi này sao cho vừa thuận tiện đi lại, vừa đảm bảo ATGT cho người dân là điều không thể giải quyết trong ngày một ngày hai.
Chị Nguyễn Thị Hoa ở xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình cho biết, chị không ít lần chứng kiến người tham gia giao thông cố vượt đường ray khi tàu đường sắt đang chạy tới. Dù đầu đường có cảnh báo “chú ý tàu hỏa”, nhưng rất ít người tham gia giao thông chú ý, dừng lại quan sát trước khi băng qua đường ngang. Giờ làm sao có phương án chặn lại hoặc dồn lại một con đường cho dễ đi. Người bình thường không nói gì, người say rượu, trẻ em không để ý sẽ rất nguy hiểm khi đi qua khu vực này.
Đoàn kiểm tra liên ngành cùng lãnh đạo chính quyền các địa phương tỉnh Quảng Bình thống nhất đóng các lối đi tự mở qua đường sắt
Ông Lê Văn Thủy, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Quảng Bình cho biết, thời gian qua ngoài công tác tuần tra xử lý vi phạm và tuyên truyền pháp luật nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân khi tham gia giao thông đi qua đường ngang, lối đi tự mở, vận động bà con nhân dân tham gia bảo vệ các công trình đường sắt trên địa bàn. Phòng CSGT Công an tỉnh đã chủ động triển khai nhiều biện pháp như điều tra tuyến địa bàn, rà soát, lập danh sách, triển khai ký cam kết với nhiều hộ dân không tự ý mở các lối đi qua đường sắt. Phối hợp với các ban ngành, chính quyền địa phương áp dụng các các biện pháp trước mắt để đảm bảo ATGT đường sắt như cắm biển cảnh báo, thu hẹp bề rộng lối đi, tổ chức cảnh giới an toàn giao thông, mở các đường gom, hàng rào cách ly dọc đường sắt… dần tiến tới xóa bỏ các lối đi nguy hiểm do tự mở.
Trong đợt vừa rồi, Phòng cảnh sát giao thông Công an tỉnh đã phối hợp với Công ty cổ phần Đường sắt, tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành làm việc và thống nhất với các địa phương như các xã Kim Hóa, Châu Hóa huyện Tuyên Hóa; xã Quảng Trung, thị xã Ba Đồn; xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch.
Tại các buổi làm việc, đoàn kiểm tra liên ngành cùng lãnh đạo chính quyền các địa phương đã nêu ra những bất cập và các tiềm ẩn xẩy ra tai nạn giao thông đường sắt tại các lối đi tự mở. Sau khi đưa ra thảo luận và bàn bạc đoàn kiểm tra cùng các địa phương thống nhất đóng các lối đi tự mở qua đường sắt tại (km 421+640, km 422+270, km 431+920, km 431+975) thuộc địa phận xã Kim Hóa; (km 643+220) thuộc địa phận xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa; (km 476+995) thuộc địa phận xã Quảng Trung, thị xã Ba Đồn; (km 510+790 thuộc địa phận xã Đại trạch, huyện Bố Trạch. Các lối đi tự mở được đóng lại bằng các thanh tà vẹt bê tông.
Các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình và chính quyền địa phương đóng các lối đi tự mở bằng các thanh tà vẹt bê tông.
Trước đó tháng 3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 358/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt”. Với tổng kinh phí dự kiến lên tới gần 7.400 tỷ đồng, mục tiêu của Đề án là đến hết năm 2025 sẽ xóa bỏ các lối đi tự mở trên toàn mạng lưới đường sắt quốc gia. Tiếp tục nâng cao nhận thức của toàn xã hội về tầm quan trọng của hành lang an toàn giao thông đường sắt, giảm tai nạn giao thông đường sắt từ 5% đến 10% hàng năm, hạn chế thấp nhất tai nạn giao thông đường sắt đặc biệt nghiêm trọng,…
Vì vậy, Quảng Bình cũng đang triển khai các bước lập phương án, kế hoạch tổng thể để triển khai, tập trung thỏa thuận phương án xây dựng đường gom – hàng rào, đường ngang, hầm chui dân sinh.
Cả Nhà nước, ngành đường sắt và Nhân dân cùng vào cuộc
Ông Lê Văn Thủy, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Quảng Bình cho biết, Ban ATGT tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng thường xuyên tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm về TTATGT đường sắt, kiểm tra rà soát các điểm bất hợp lý (phát quang tầm nhìn, vi phạm hành lang, bổ sung hệ thống vạch sơn, biển báo kịp thời khi bị hư hỏng ….) để xử lý kịp thời.
Bên cạnh đó, Công ty CP Đường sắt Quảng Bình cũng đã có những giải pháp để đảm bảo trật tự ATGTĐS trên địa bàn, như: Hàng năm Công ty thường xuyên phối hợp với công an tỉnh Quảng Bình, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nơi có đường sắt đi qua trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường sắt tại địa phương và trường học để người dân am hiểu hơn về luật ATGTĐS. Cụ thể: tính từ năm 2018 đã tuyên truyền, phát tờ rơi, ký cam kết đảm bảo ATGTĐS tại 20 địa phương, 25 trường học nơi địa bàn có đường sắt đi qua; Giải quyết các vụ vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt; Phối hợp với Công an tỉnh Quảng Bình đóng các lối đi tự mở nhằm đảm bảo ATGT đường sắt. Ngăn chặn, điều tra các vụ ném đất đá bẩn lên tàu gây mất ATGT đường sắt, ảnh hưởng đến an toàn chạy tàu; Tổ chức cảnh giới các điểm có nguy cơ mất ATGT đường sắt vào các dịp cao điểm vận tải của ngành đường sắt, các dịp nghỉ lễ, tết…; Phát quang tầm nhìn tại các đương ngang, lối đi tự mở nhằm đảm bảo tầm nhìn cho người tham gia giao thông đi qua các điểm giao cắt với đường sắt; Tổ chức liên ngành kiểm tra định kỳ hàng năm các đường ngang.
Tuyên truyền pháp luật nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm học sinh khi tham gia giao thông đi qua đường ngang, lối đi tự mở
Theo Thượng tá Đinh Cao Quang, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Bình, trước hết, cần đề cao vai trò của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về pháp luật về ATGT ở từng cơ quan, trường học, khu dân cư. Nội dung tuyên truyền phải phù hợp đối tượng, lứa tuổi; hình thức tuyên truyền cần phong phú, dễ hiểu, hấp dẫn người nghe, xem, đặc biệt là với lớp trẻ.
Phòng Cảnh sát giao thông – Công an tỉnh đã phối hợp với công ty Cổ phần Đường sắt Quảng Bình đã tổ chức các hội nghị tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường sắt cho bà con nhân dân xã Quảng Tiên, các em học sinh trường THCS Quảng Tiên và trường THCS Quảng Sơn, TX.Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình. Tại các buổi tuyên truyền có hơn 600 em học sinh và bà con địa phương được cán bộ Phòng CSGT phổ biến một số quy định của luật Đường sắt, kỹ năng điều khiển xe qua đường sắt an toàn, quy tắc tuân thủ biển báo, các hành vi bị nghiêm cấm cũng như quy định về quyền và nghĩa vụ của Công dân trong việc bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường sắt, đồng thời ký cam kết chấp hành pháp luật về đảm bảo TTATGT đường sắt.
Thời gian tới, Phòng CSGT Công an tỉnh tiếp tục phối hợp với Công ty cổ phần đường sắt Quảng Bình tổ chức nhiều đợt tuyên truyền pháp luật về TTATGT đường sắt trên địa bàn. Thông qua công tác tuyên truyền nhằm góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm, tự giác chấp hành pháp luật cho người dân và các em học sinh. Qua đó, giúp họ trở thành những tuyên truyền viên tích cực để vận động người thân, gia đình, bạn bè chấp hành nghiêm pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường sắt.
Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình triển khai ký cam kết với nhiều hộ dân không tự ý mở các lối đi qua đường sắt
Bên cạnh đó, về phần Nhà nước cần đầu tư thích đáng cho ngành đường sắt nhằm giúp ngành nâng cao sự tự động hóa các quy trình điều độ, điều hành chạy tàu, đảm bảo sự liên thông, phối hợp ăn ý giữa các bộ phận trực ban, điều độ, thông tin tín hiệu, kiểm soát, gác chắn… góp phần hạn chế các sự cố xảy ra.
Về phần mình, ngành đường sắt cần làm tốt bổ sung biển báo, lắp đặt thiết bị cảnh báo tự động. Thường xuyên làm tốt việc duy tu, bảo dưỡng để đường luôn thông thoáng, bảo đảm tầm nhìn xa cho lái tàu cũng như các kỹ thuật hạ tầng cho các đoàn tàu khi đi lại. Mặt khác, do thời tiết ở nước ta diễn biến thất thường, mưa nắng thường xuyên, khí hậu khắc nghiệt gây áp lực, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe, sự tập trung của cán bộ, công nhân đường sắt trong quản lý, vận hành chạy tàu. Vì vậy, nhà nước ta và ngành chủ quản cần có các biện pháp cải thiện điều kiện ăn ở, làm việc cho cán bộ, nhân viên, đặc biệt là đội ngũ lái tàu và các bộ phận hàng ngày trực tiếp làm nhiệm vụ, bảo đảm sự đi lại và an toàn cho các chuyến tàu./.
Trần Phong
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/ky-2-dong-bo-giai-phap-han-che-tai-nan-giao-thong-duong-sat-post257948.html