Đó là chùm kịch lịch sử 3 vở của NSND Hoàng Yến, giám đốc nhà hát Thế Giới Trẻ. trường ĐHSK&ĐẢ TP.HCM: “Yêu là thoát tội” (2018), “Vụ án cậu Trời” (2019) “Thành Thăng Long thuở ấy”,(ra mắt tháng 3.2021).Đây là hoạt động có mục đích rõ ràng của NSND Hoàng Yến, trong việc xã hội hóa sân khấu thể loại kịch, nhằm tìm lại khán giả đã mất dài dài, từ cuối TK XX, sang hai thập niên đầu TK XX. Và nỗ lực tìm kiếm và chinh phục khán giả trẻ, học sinh, sinh viên của TP. HCM. Đứng đầu Nhà hát Thế Giới Trẻ (NHTGT), tổ chức thành công chùm kịch: “Âm binh”, “Cát trắng như gạo”,“Mê đê”, tiếp đến là thành công của vở kịch lịch sử “Yêu là thoát tội”,(HC Bạc, LHSK Kịch toàn quốc 2018 tại TP. HCM), Hoàng Yến đã tự vỡ lẽ: Kịch lịch sử Việt chính là giải pháp khả thi nhất nhằm tìm lại khán giả đã mất, nhất là khán giả trẻ, là khán giả tương lai của sân khấu kịch TP HCM.
Cùng đồng nghiệp giảng viên, sinh viên trong trường và một số nghệ sĩ yêu mô hình sân khấu chinh phục khán giả trẻ bằng kịch lịch sử, Hoàng Yến bắt đầu công cuộc này bằng cách thu phục mới: Ngay buổi công diễn “Yêu là thoát tội” năm 2018, Hoàng Yến đã sáng kiến mời các thầy cô giáo dạy môn Văn, Sử trong các trường trung học phổ thông tại TP HCM, đến xem vở kịch lịch sử, để biết họ cảm nhận và đánh giá chất lượng nghệ thuật của việc dàn dựng, biểu diễn vở kịch lịch sử đầu tay này, và đoan chắc: họ sẽ cho học trò đến xem, nếu chính họ thấy thích. Quả nhiên, NSND Hoàng Yến vỡ òa hạnh phúc khi thấy họ dẫn học sinh đi xem và lan truyền sự yêu thích kịch lịch sử đến nhiều lớp học sinh và thày cô giáo của các trường khác. Tuy nhiên, nếu 3 vở kịch hiện đại: “Âm binh”, “Cát trắng như gạo” và “Mê đê” (bi kịch cổ đại Hy Lạp) của sân khấu Hoàng Yến trước đó dễ cán mốc 100 suất diễn cho khán giả thành phố, ngay sau khi ra mắt, bởi những vở đó lưu diễn ngoài địa điểm Nhà hát học đường tại Đại học SK& ĐẢ ở 125 Cống Quỳnh, thì “Yêu là thoát tội” chỉ được dựng để diễn trên sân khấu quay duy nhất ở Nhà hát TGT tại đây, và là nơi duy nhất người xem phải đến xem. Tôi đã cùng mua vé và dẫn dụ sinh viên, học viên cao học của ĐH Văn hóa, ĐH KHXH&NV TP. HCM, ĐH Hoa Sen, ĐH Văn Lang… đến xem tại đây, cùng chia sẻ hạnh phúc với Yến, khi tìm được đông đảo người xem học sinh sinh viên TP. HCM. Bởi thế, 2018 là năm đầu tiên, NSND Hoàng Yến vui mừng, vì không phải đem tiền nhà… bù lỗ.
Chỉ diễn tại sân khấu quay, cho đến nay, “Yêu là thoát tội” đã vượt mốc 100 suất diễn tại một địa điểm. Song, từ khi khởi cuộc diễn kịch lịch sử đến giờ, kịch Hoàng Yến vẫn không có chỗ bán vé cho người xem, tại rạp có sân khấu quay, phải bán trên mạng. Hoàng Yến cho biết: sân khấu quay duy nhất của nhà trường và của TP HCM, đã cho đơn vị tư nhân thuê và tự trang bị kĩ thuật, nên sân khấu Hoàng Yến của chính nhà trường đã không thể có lịch diễn vào ngày đẹp cuối tuần, phải trả tiền thuê rạp nếu muốn diễn ở đó. Cho đến nay, sân khấu Hoàng Yến cũng chỉ có lịch diễn vào thứ năm trong tuần. Nên nỗi ưu tư lớn nhất của NSND Hoàng Yến vẫn là “không có nhà để hát”, không có sàn diễn cố định để diễn. Sự phi lý oái oăm này vẫn hiện tồn, chưa tìm được giải pháp tháo gỡ…
Song, Hoàng Yến là một nghệ sĩ yêu nghề diễn kịch đến…không giới hạn và một khi tìm thấy ở kịch lịch sử chiếc chìa khóa vàng để mở lối vào trái tim khán giả trẻ, Hoàng Yến quyết không dừng lại.
Hoàng Yến dựng tiếp kịch lịch sử “Vụ án cậu Trời”. Cả hai kịch bản đều của tác giả Lê Chí Trung, viết về hai câu chuyện tình khốc liệt trong lịch sử triều đại phong kiến Việt Nam, với những nhân vật lịch sử nổi tiếng: Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ, vua Lê, chúa Trịnh Sâm, tuyên phi Đặng Thị Huệ, chị ruột “cậu Giời” Đặng Mậu Lân, rồi Lê Quý Đôn, Ngô Thì Nhậm…
Hai vở kịch lịch sử này đã hấp dẫn giới trẻ TP HCM trước hết là ở hai kịch bản được Lê Chí Trung xây dựng xung đột kịch trên hai vụ án, lồng vào hai câu chuyện tình bi hùng và bi thảm trong lịch sử: vụ án Lệ Chi Viên và vụ án cậu Giời Đặng Mậu Lân. Vụ án thứ nhất được “kịch hóa” trên chuyện tình tay ba được chép trong chính sử, giữa Vua Lê – Nguyễn Thị Lộ và Nguyễn Trãi. Tác giả đã cố ý khai thác sự kiện lịch sử này theo hướng một thông điệp về tình yêu: yêu là không có tội, nên đặt tên kịch: “Yêu là thoát tội”. Và, tình yêu tay ba này diễn ra oái oăm giữa vị quan đại thần già (Nguyễn Thái Úy), ở giữa là người vợ trẻ (Thị Lan) và vị Vua trẻ đẹp, lẫm liệt oai phong. Thị Lan đã yêu cả hai, như vợ yêu kính chồng già và như người tình trẻ yêu vị vua đang độ thanh xuân. Kết cuộc là những cái chết bi thương. Không dừng ở đấy, tác giả đã đẩy thông điệp lên cao: cái chết cuối vở diễn không chỉ vì yêu mà còn vì đã cô đơn yêu đến “toàn phần”. Nhà vua yêu trong cô đơn quyền lực, Thái Úy yêu trong mặc cảm tuổi già cô đơn đã lui về ở ẩn.Thị Lan yêu trong giằng xé giữa tuổi xuân thì của vị nữ quan gần gũi Vua trẻ đẹp và bổn phận hiền thê với Thái Úy chồng già. Rõ là viết về nhân vật lịch sử có thật, nhưng tác giả đã “phiếm chỉ” tên thật nhân vật thành Vua -Thị Lan – Thái Úy, đặng mài sắc thông điệp tình yêu kiểu ngôn tình hiện đại: yêu là vô tội, là tình cô đơn và phải trả giá bằng cái chết…
Vì thế, kịch bản đã tạo tiền đề hữu hiệu cho đạo diễn Xuân Hồng, với cố vấn dàn dựng NSND đạo diễn Trần Ngọc Giàu, tìm được cách xử lý ước lệ hoàn hảo cho “Yêu là thoát tội” trên sân khấu quay, trong mỹ học của không gian sân khấu tối giản: không cung điện vàng son, không rừng núi xa xôi, nhân vật chuyển động theo lên xuống bậc cầu thang và theo vòng quay hữu lý, với cách diễn sáng đẹp về hình thể và nghệ thuật thốt lời, nhả chữ điêu luyện, đạt chiều sâu“tiềm đài từ” của ba vai chính: NSND Hoàng Yến vai Thị Lan, NSƯT Trần Tường vai Thái Úy, Lê Hoàng Giang vai Vua. Có khán giả sau 20 năm nghỉ xem kịch, khi xem trở lại, đã hoan hỉ xếp “Yêu là thoát tội” ngang “Bí mật vườn Lệ Chi”, là vở kinh điển của sân khấu IDECAF. Ba vai phụ: quan nịnh Lê Đa của Phạm Huy Thục, vai hoàng hậu của Kim Dung, Thái Giám của Sĩ Hoàng cũng là vai đặc sắc. Xử lý ánh sáng đẹp đã khiến trang phục sân khấu tuyền màu trắng cho toàn bộ các vai kịch của nhà thiết kế Sỹ Hoàng, đã lên hết vẻ tinh khôi trong tính ước lệ của màu trắng nhất quán. Trang phục đã tham gia vào diễn xuất và hành động kịch của vở diễn: cảnh tắm trong trăng của đôi tình nhân và cảnh họ phâỉ chết trong trang phục đen, rũ bỏ trang phục trắng ngay trên sân khấu, là những cảnh diễn đã thật bắt mắt và động lòng người xem.
Vở tiếp theo, vẫn tác giả Lê Chí Trung viết cho sân khấu Hoàng Yến, mới thật là vụ án hình sự trong sử Việt, mang tên “Vụ án Cậu Trời”. Cậu Trời Đặng Mậu Lân, em trai tuyên phi Đặng Thị Huệ, ái phi được sủng ái nhất của Chúa Trịnh Sâm, lợi dụng tình thế Chúa ốm nặng, quần thần tranh đoạt quyền lực rối loạn, đã gây bao tội ác tày trời, cần phải luận tội và xử án. Nhân vật Đặng Thị Huệ được Lê Chí Trung”phức tạp hóa”, với nội tâm giằng xé dữ dội nhát trong kịch bản đã rơi vào vai diễn của NSND Hoàng Yến. Yến đã diễn rất giỏi sự phân thân ngổn ngang này của nhân vật Đặng Thị Huệ, giữa tình yêu với Chúa Trịnh Sâm, và tham vọng quyền lực cho Trịnh Cán con trai và sự bao che cho ngông cuồng dục vọng, bất chấp luật pháp của em trai Đặng Mậu Lân. Vì thế, Đặng Thị Huệ đã giết cả những vị quan chính trực thực thi công lý: Lê Quý Đôn và Ngô Thì Nhậm.
Đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu đã cố vấn đạo diễn Lê Hay tìm được hình thái vở diễn chính luận cho “Vụ án cậu Trời”, tô đậm cuộc đấu lý, tìm nhân chứng vật chứng thuyết phục, nhằm kết tội cậu Trời, hoàn tất thông điệp vở diễn: Công lý phải được thực thi bằng việc xử đúng người đúng tội, dù có là Cậu Trời đi nữa! Dàn diễn viên của kịch Hoàng Yến: Phương Minh, Sỹ Hoàng, Quốc Việt, Trọng Hiếu… đã diễn tung hứng khá ngoạn mục với Hoàng Yến, giúp khán giả trẻ hiểu thêm những nỗi đau lịch sử, và có thêm liên hệ cần thiết với thế sự hôm nay…
Vở lịch sử thứ ba: “Thành Thăng Long thuở ấy” của tác giả Chu Thơm và đạo diễn NSND Giang Mạnh Hà vừa ra mắt tháng 3. 2021, là thành công mới, theo đúng mục tiêu chinh phục khán giả học đường của NSND Hoàng Yến. Chu Thơm đã làm mới chính kịch bản của mình, sau hai thành công trước đó. Với tên ban đầu “Anh hùng và mĩ nhân”, Nhà hát Kịch VN đã đoạt HC Vàng Hội diễn Kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2009 tại TP HCM. Năm 2015, kịch bản này chuyển thể cải lương, với tên “Tình sử hai vương triều”, Nhà hát NTTT Đồng Nai đoạt tiếp HC Vàng Cuộc thi NTSK Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2015.
Hoàng Yến đánh giá cao cái viết mới của Chu Thơm, với cách dựng mới của Giang Mạnh Hà, và đủ tự tin để cùng các bạn diễn thoát khỏi cái bóng của đạo diễn Lê Hùng và của chính đạo diễn Giang Mạnh Hà đã in vào hai vở diễn trước.
Cái mới nhất của kịch bản là đã dựng được cuộc chuyển giao quyền lực từ ngôi vương cuối nhà Lý đã tồn tại hơn 200 năm, sang ngôi vương đầu nhà Trần, tồn tại sau đó hơn 170 năm, với những chiến công hiển hách nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của Việt Nam. Cuộc chuyển giao bi hùng này do Trần Thủ Độ kiến trúc, đã được Chu Thơm chế biến thành xung đột kịch xuyên suốt kịch bản, xuyên qua cuộc tình quân vương đẹp nhất và bi thương nhất giữa nữ vương cuối nhà Lý, Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh, quân vương khởi đầu nhà Trần. Bộ ba sáng giá lịch sử này đã thách thức cả cái dựng kịch và cái diễn kịch của sân khấu Hoàng Yến. Thật dũng cảm, vở diễn đã ra đời và đã hóa giải được chính thách thức này, sau nhiều trì hoãn và sóng gió bởi dịch covid 19…
Giang Mạnh Hà vốn là đạo diễn biệt tài về dựng cải lương, đã biết mang chất bi thương vốn có của cải lương sang cài đặt ngọt ngào vào vở diễn chính kịch – lịch sử, thăng hoa văn bản kịch mới của Chu Thơm. Thiết kế thành Thăng Long trên sân khấu đã được Hà tối giản bằng hai bục – trụ cao màu trắng, nối nhau thành cổng hoàng thành Thăng Long, luôn xoay chuyển và có bậc lên xuống, nổi bật trên nền đen của phông hậu, đã phục vụ thật hiệu quả cho di chuyển của các nhân vật suốt vở diễn, trong chuyển động xuyên suốt của xung đột kịch. Ngoài hai nghệ sĩ vẫn đảm đương xuất sắc vai chính là NSND Hoàng Yến vai Lý Chiêu Hoàng, nghệ sĩ trẻ Lê Hoàng Giang vai Trần Cảnh, thì vai Trần Thủ Độ của Tây Phương, đạo diễn của sân khấu Hoàng Hạc, đã là một phát hiện mới của Hòang Yến. Một Trần Thủ Độ gian hùng đã đứng sau Trần Cảnh và Lý Chiêu Hoàng, dùng mọi thủ đoạn phi nhân, quyết giành ngai vàng nhà Lý về cho nhà Trần, với đủ lý lẽ biện minh cho cử chỉ lịch sử của mình, đã được Tây Phong miêu tả sinh động trên sân khấu. Ngoại hình bề thế, tiếng nói sân khấu uy quyền, diễn xuất thông minh, đĩnh đạc đã khiến Trần Thủ Độ là vai diễn khá hoàn hảo của Tây Phong, nếu phần cuối vở, vai diễn không bị đuối…
Cặp đôi đẹp nhất, tình nhất, diễn ăn ý nhất của vở diễn là cặp đôi Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh. Tình yêu thanh mai trúc mã, tình vợ chồng, tình quân vương và cả tình chia phôi… đã được Hoàng Yến và Hoàng Giang phối kết diễn xuất ăn ý, tinh tế và khả ái, từ lúc bắt đầu yêu đến khi kết thúc có hậu, đã lấy được thương cảm của cả người xem trẻ, già…Và đây cũng là vai diễn sáng đẹp, hầu như không tì vết của Hoàng Yến. Hai nhân vật chép sử trẻ, già cũng là hai vai sáng sân khấu của Phạm Thục và Quốc Việt, với diễn xuất thông minh hài hước, đặc biệt là mấy đoạn nói sử theo Rap của Quốc Việt đã làm sàn diễn trở nên sống động và tươi trẻ bất ngờ. Nhạc sĩ Nguyễn Hà Trung cũng bất ngờ gây không gian tươi xanh cho diễn xuất bằng những ca khúc có giai điệp đẹp hiện đại, viết riêng cho vở diễn lịch sử.
Ấn tượng với vở diễn mạnh đến mức, nhiều khán giả trẻ xem xong vẫn còn bàng hoàng tiếc nuối. Tôi mời vợ chồng GS. Trần Ngọc Thêm và mấy giảng viên, nhà báo trẻ đi xem, đều cảm nhận sâu sắc về một vở kịch lịch sử hay. Chỉ tiếc là trang phục sân khấu chưa thật đẹp tươi, rực rỡ màu hoàng bào, chói chang vàng như hoa cúc mùa thu yêu đương của hai bậc quân vương thành Thăng Long thuở ấy…
Tối 31.3.2021 Saigon Pearl
NTMT
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái