Không ngừng sáng tạo để phát triển nghề thủ công truyền thống Hà Nội

17:30 | 07/04/2023

Sáng 7/4, UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Nghề thủ công truyền thống Hà Nội – Sáng tạo để phát triển”.


Tọa đàm diễn ra nhằm hướng tới kỷ niệm 25 năm danh hiệu “Hà Nội – Thành phố Vì hòa bình” (UN) và thực hiện sứ mệnh xây dựng thành phố sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế (UNESCO). Thông qua tọa đàm nhằm tìm ra các sáng kiến và giải pháp thiết thực trong công tác bảo tồn các giá trị di sản nghề thủ công truyền thống, khuyến khích sự tham gia và kết nối của các làng nghề – phố nghề, giữa các nghệ nhân và thợ thủ công, giữa các tổ chức, các doanh nghiệp làm việc trong lĩnh vực sáng tạo để nâng cao chất lượng sản phẩm thủ công truyền thống phục vụ du lịch, góp phần xây dựng thương hiệu du lịch Thủ đô…

Bên cạnh sự tham gia của đại diện lãnh đạo thành phố Hà Nội, Hội Di sản Văn hoá Việt Nam, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, Hiệp hội Thủ công Mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội, tọa đàm thu hút sự quan tâm của đông đảo nghệ nhân phố nghề, đại diện một số làng nghề Hà Nội, các nghệ sĩ, nhà thiết kế, kiến trúc sư trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo trẻ của Hà Nội, cũng như các doanh nghiệp du lịch, các doanh nghiệp phát triển sản phẩm thủ công sáng tạo của thành phố.

Chủ tịch UBND Quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long phát biểu tại tọa đàm sáng nay.

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND Quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết: “Hoàn Kiếm là phần thị của Kinh thành Thăng Long xưa và là một trong bốn Quận nội đô lịch sử của Thủ đô Hà Nội ngày nay. Với bề dày lịch sử hàng nghìn năm, nơi đây là điểm hội tụ nhân tài bách nghệ khắp bốn phương mà dấu ấn ngành nghề còn lưu lại đậm nét trên tên các tuyến phố”.

Theo Chủ tịch UBND Quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long, khu phố cổ Hà Nội là di tích lịch sử Quốc gia, vì vậy việc bảo tồn giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể gắn liền với nơi đây là việc làm vô cùng quan trọng và cần thiết. Trong đó, việc duy trì và phát triển các nghề truyền thống trong khu phố cổ Hà Nội vừa là nhiệm vụ, vừa là cơ hội của người dân và tất cả các cơ quan hữu quan.

Chiến lược Phát triển các Ngành Công nghiệp Văn hóa Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bao quát 12 lĩnh vực như: nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, du lịch, văn hóa… và gồm cả thủ công mỹ nghệ vốn là thành tố quan trọng của văn hóa, là nền tảng cho đổi mới, phát triển các ngành thiết kế sáng tạo và du lịch văn hóa.

Về phía TP Hà Nội, ông Phạm Tuấn Long cho biết, Đề án Phát triển Công nghiệp Văn hóa của Thủ đô đã coi phát triển ngành thủ công mỹ nghệ – làng nghề truyền thống trở thành ngành “công nghiệp sáng tạo” có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố. Các chuyên gia đánh giá, nghề thủ công truyền thống Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để được kỳ vọng là một ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa khác phát triển.

Đoàn Chủ tịch điều hành tọa đàm “Nghề thủ công truyền thống Hà Nội – Sáng tạo để phát triển”.

“Tuy nhiên trong thời gian qua các nghề thủ công truyền thống đang đứng trước rất nhiều thách như: sự cạnh tranh với các sản phẩm công nghiệp, các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài có giá thành thấp, thiếu nguồn nhân lực kế thừa ở các làng nghề, vấn đề nguyên liệu, sản phẩm, giá thành cao, marketing và thị trường tiêu thụ hạn chế… Phố nghề, nghề trên phố cổ, kinh doanh và sản phẩm du lịch của quận Hoàn Kiếm không đứng ngoài các vấn đề đó”, ông Phạm Tuấn Long nói.

Để thúc đẩy phát triển kinh tế đô thị, khôi phục hoạt động của các phố nghề, phố chuyên doanh trong khu phố cổ Hà Nội (phố Hàng), tiềm năng của làng nghề truyền thống trong và xung quanh Hà Nội, Chủ tịch UBND Quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long nhấn mạnh, cần phải phát huy nội hàm giá trị của những sản phẩm truyền thống và thiết kế sáng tạo để đổi mới và phát triển. Nghề thủ công truyền thống đang cần sự kết nối và tiếp sức của các nhà thiết kế, các nhà đầu tư và đội ngũ doanh nhân để mỗi sản phẩm thủ công truyền thống mang trong mình thông điệp di sản có tính đại diện của từng địa phương và khu vực.

Thông qua mỗi sản phẩm thủ công, chúng ta có thể thấy được dấu ấn của môi trường tự nhiên và xã hội hòa cùng trí tuệ và tâm hồn của người thợ, rộng hơn là sự sáng tạo của cả cộng đồng. Nghề thủ công truyền thống và các sản phẩm của nó trở thành một kênh lưu giữ ký ức là sứ giả cho hoạt động giao lưu văn hóa.

“Làm sao để các sản phẩm thủ công trở thành món quà lưu niệm được du khách ưu chuộng; sáng tạo sản phẩm mới dựa trên giá trị cốt lõi truyền thống. Giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại, tìm nguồn nguyên liệu thích ứng, thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì, nhãn mác đảm bảo kỹ, mỹ thuật, bắt mắt, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong nước và quốc tế phải chăng là một giải pháp căn cốt?”, Chủ tịch UBND Quận Hoàn Kiếm đặt vấn đề.

Trong khuôn khổ tọa đàm, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các nghệ nhân và thợ thủ công, các tổ chức, cá nhân làm việc trong lĩnh vực bảo tồn và sáng tạo đã đóng góp những ý kiến về vai trò của thiết kế và sáng tạo phát triển công nghiệp văn hóa dựa trên vốn di sản; các cách thức để kết nối, liên kết giữa các bên liên quan trong quá trình sáng tạo sản phẩm cùng với các kiến giải từ lĩnh vực truyền thông và marketing đặc biệt là nguồn nhân lực cho phát triển bền vững.

Cũng trong khuôn khổ toạ đàm, UBND Quận Hoàn Kiếm giới thiệu triển lãm “Dòng tranh dân gian Hàng Trống” nhằm giới thiệu tinh hoa của dòng tranh dân gian và các sáng tạo mới từ tranh dân gian của các nghệ sĩ đương đại. Triển lãm giới thiệu 23 bức tranh Hàng Trống với các chủ đề tranh thờ và tranh trang trí của nghệ nhân Lê Đình Nghiên do nhà sưu tầm Nguyễn Quang Trung cung cấp, cùng 23 tác phẩm của các họa sĩ trẻ lấy cảm hứng từ tranh dân gian Hàng Trống trên nhiều chất liệu khác nhau qua không gian sắp đặt của hoạ sĩ Nguyễn Thế Sơn.

Hình ảnh tại tọa đàm “Nghề thủ công truyền thống Hà Nội – Sáng tạo để phát triển”

Quang cảnh tọa đàm “Nghề thủ công truyền thống Hà Nội – Sáng tạo để phát triển”.

Lãnh đạo, khách mời tham dự tọa đàm “Nghề thủ công truyền thống Hà Nội – Sáng tạo để phát triển”.

 

Khách mời nếu quan điểm tại tọa đàm “Nghề thủ công truyền thống Hà Nội – Sáng tạo để phát triển”.

Tin và ảnh: Trung Nguyễn

Nguồn: Congluan.vn

https://www.congluan.vn/khong-ngung-sang-tao-de-phat-trien-nghe-thu-cong-truyen-thong-ha-noi-post242651.html#p-3


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Trường THCS Thân Nhân Trung: Lá cờ đầu trong khối trung học cơ sở của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang

Trường THCS Thân Nhân Trung: Lá cờ đầu trong khối trung học cơ sở của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang

Tuyên truyền hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam

Tuyên truyền hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

TRƯỜNG ĐH LUẬT HÀ NỘI: Ngày hội Hiến máu nhân đạo “Bão Hồng 27”

TRƯỜNG ĐH LUẬT HÀ NỘI: Ngày hội Hiến máu nhân đạo “Bão Hồng 27”

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu